Myanmar,
Daw Aung Suu Kyi và cuộc cách mạng : Những năm đầu tiên (Phần 1)
Marco Wenzel
- NachDenkSeiten
Vũ Ngọc Chi, chuyển ngữ
02/01/2022
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-1.jpg
Aung San, cha của
bà Aung San Suu Kyi. Nguồn: AFP
Vào ngày 19 tháng 7 năm 1947, sáu tháng trước
khi Myanmar được trao trả độc lập, Aung San, phó chủ tịch hội đồng điều hành của
thống đốc Anh và do đó trên thực tế là người đứng đầu chính phủ, đang chủ trì một
cuộc họp tại Rangoon, thủ đô của Miến Điện. Lính nổi dậy xông vào phòng họp và
bắn chết 9 thành viên nội các, trong đó có Aung San, chồng của Khin Kyi.
Ông đã để lại ba người con, bao gồm một ủy
viên hội đồng nhà nước và là người đứng đầu chính phủ Myanmar sau này, Aung Suu
Kyi, khi đó mới hai tuổi. Đảng viên đảng xã hội chủ nghĩa U Nu lên, thế Aung
San làm thủ tướng. Thủ lĩnh của đội cảm tử đã bị bắt và bị treo cổ.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-2.jpg
Bức ảnh chụp gia
đình, Aung San Suu Kyi (mặc đồ trắng) còn chập chững, được chụp năm 1947, ngay
trước khi vụ ám sát cha của bà diễn ra. Nguồn: Reuters
Trong thời kỳ hỗn loạn chiến tranh, Aung San
đã tập hợp một nhóm nhỏ những người chống đối quyền lực thuộc địa Anh với mục
đích đánh đuổi người Anh ra khỏi Miến Điện và thành lập một quốc gia độc lập.
Nhóm người này đã trở thành huyền thoại với cái tên “Ba mươi đồng chí“. Ba mươi
đồng chí đã trở thành cha đẻ của nền độc lập Miến Điện và những người thành lập
quân đội, sau này biến thành quân đội Tatmadaw bất hạnh và thành lập một nhà nước
riêng trong nước Miến Điện. Sẽ nói thêm về điều này bên dưới.
Đầu tiên, ba mươi đồng chí quay sang Nhật Bản,
nước dùng khẩu hiệu “Châu Á của người châu Á”, dường như đang theo đuổi mục
tiêu giống như những người yêu nước Miến Điện, đó là đánh đuổi thực dân Anh khỏi
châu Á. Người Nhật nhìn thấy cơ hội của họ, huấn luyện đồng đội của họ ở Nhật Bản
và hỗ trợ họ bằng vũ khí. Cùng với quân Nhật, ba mươi đồng đội dưới quyền của
Aung San đã tiến vào Miến Điện với một đội quân nhỏ vào đầu năm 1942 và đánh đuổi
quân Anh ra khỏi Miến Điện.
Nhưng khi phát hiện ra rằng Nhật Bản muốn thiết
lập một chế độ bù nhìn phát xít ở Miến Điện và sau khi người Anh bị trục xuất,
họ hoàn toàn không sẵn sàng để lại Miến Điện cho người Miến, Aung San và các đồng
chí của ông đã quay về phía đồng minh, tuyên chiến với Nhật Bản và cùng nhau
thành công đuổi Nhật Bản ra khỏi Miến Điện.
Vụ sát hại Aung San sáu tháng trước khi Miến
Điện độc lập là một trở ngại lớn đối với Miến Điện vì Aung San là nhân vật quan
trọng nhất trong quá trình hội nhập. Vào tháng 2 năm 1947, năm tháng trước khi
ông qua đời, tại một hội nghị ở Panlong, thuộc bang Shan, nay là Myanmar, ông
đã ký một thỏa thuận với các dân tộc thiểu số Shan, Kachin và Chin, nhằm đảm bảo
quyền của họ trong một nhà nước liên bang tương lai. Một bước quan trọng đầu
tiên cho sự hòa nhập của khoảng 135 nhóm sắc tộc khác nhau trong một nước Miến
Điện liên bang sau này. Aung San là một trong số ít người, được những người thiểu
số tin tưởng. Nhà nước liên bang chưa bao giờ trở thành hiện thực và các cuộc đụng
độ vũ trang thường xảy ra giữa các nhóm sắc tộc và chính quyền trung ương do
Bamar kiểm soát, nhóm dân tộc lớn nhất ở Miến Điện, bắt đầu vào cuối năm 1949
và tiếp tục cho đến ngày nay.
Vào ngày 4 tháng 1 năm 1948, Miến Điện được
trao trả độc lập và tiếp theo là một giai đoạn dân chủ với các khuynh hướng xã
hội chủ nghĩa và Phật giáo cho đến cuộc đảo chính quân sự năm 1962, nhưng luôn
nằm dưới sự cai trị của dân tộc Bamar, mà bà Aung Suu Kyi cũng thuộc về dân tộc
này.
Chúng tôi bỏ qua 40 năm ở đây. Chúng tôi chỉ
muốn đề cập rằng Aung San Suu Kyi, tên đầy đủ của bà, lớn lên ở Ấn Độ, nơi mẹ
bà là đại sứ, và sau đó bà học ở Oxford. Từ năm 1969 đến năm 1971, bà làm việc
trong Ban Thư ký Liên Hiệp quốc tại New York. Năm 1972, bà kết hôn với nhà
nghiên cứu Tây Tạng người Anh, Michael Aris và cùng ông chuyển về Oxford. Hai
người có hai con trai. Từ năm 1985 đến 1986 Aung Suu Kyi học ở Kyoto, Nhật Bản,
và sau đó cùng chồng chuyển đến miền Bắc Ấn Độ, nơi Aris nhận được một công việc
tại Đại học Simla. Michael Aris qua đời ở Anh năm 1999.
Miến Điện thập
niên 1980
Đảng Cộng sản Miến Điện (CPB), cùng với “Đảng
chống chủ nghĩa phát xít“ (AFPPL) của Aung San đã chiến đấu đầu tiên chống lại
người Anh và sau đó chống lại người Nhật để giành độc lập, đã bị cấm vào năm
1948. Họ phải hoạt động ngầm và từ đó đã lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang chống
lại chính phủ ở Rangoon.
Aung San từng là thành viên sáng lập của CPB.
CPB chủ yếu thành lập ở đông bắc Miến Điện, nơi được đảng CSTQ hỗ trợ và cung cấp
vũ khí. Theo chiến lược của Maoist, mục tiêu trước tiên là giành lấy đất nước
và sau đó chinh phục các thành phố, một ngày nào đó sẽ tiến từ đó qua miền
trung Miến Điện đến Rangoon, chiếm Rangoon và lật đổ chính phủ. Mãi đến năm
1989, CPB mới tan rã thành các nhóm riêng lẻ sau một cuộc đảo chính chống lại
nhóm lãnh đạo của đảng.
Các nhóm dân tộc được cam kết cho tự trị, một
lời hứa không được giữ sau cái chết của Aung San, cũng đã cầm vũ khí nổi dậy
vào năm 1949. Các yêu cầu của họ, tùy từng trường hợp, hoặc là quyền tự chủ hoặc
nền độc lập lớn hơn. Tùy thuộc vào tình hình hiện tại, họ thành lập liên minh với
nhau hoặc chiến đấu chống lại nhau, một số cũng ký kết các thỏa thuận tạm thời
với quân đội. Tuy nhiên, trên hết, họ mở rộng việc trồng cây thuốc phiện và sau
đó là sản xuất heroin để tài trợ cho việc mua vũ khí và các chiến dịch du kích.
Ranh giới giữa những người đấu tranh cho tự do và những ông trùm ma túy, những
người chỉ kiếm tiền để bỏ vào túi riêng của mình và không liên quan gì đến cuộc
đấu tranh tự do ngày càng trở nên không rõ rệt và CPB cũng kiếm được tiền từ việc
buôn bán ma túy.
Miến Điện đã trở thành nước
xuất khẩu heroin lớn nhất thế giới kể từ những năm 1960. Các nhà máy sản xuất heroin ở biên giới với Thái Lan và Trung Quốc được
tổ chức chặt chẽ và được bảo vệ bởi quân đội của họ. Chẳng hạn, trùm ma túy
Khun Sa đã có một đội quân hơn 20 ngàn binh sĩ để bảo vệ lãnh thổ và các nhà
máy sản xuất heroin của hắn vào những năm 1980. Khun Sa không phải là người duy
nhất, nhưng có lẽ là trùm ma túy nổi tiếng nhất với quân đội của riêng mình
trong khu vực.
“Tam giác vàng” nằm trong khu biên giới 3 nước
Lào, Thái Lan và Miến Điện đã trở thành huyền thoại, nơi có các xưởng sản xuất
heroin trên đất Miến Điện, đường xuất khẩu qua Thái Lan sang Bangkok hoặc qua
Lào, Trung Quốc đến Sài Gòn, Hồng Kông và từ đó hàng tấn ma túy lần lượt được vận
chuyển khắp nơi trên thế giới. Bangkok, Hong Kong và Sài Gòn, tức thành phố Hồ
Chí Minh ngày nay, trở thành những điểm trung chuyển heroin lớn nhất thế giới;
ma túy được vận chuyển theo đoàn xe, được bảo vệ bởi các quan chức tham nhũng,
hàng tấn qua đường bộ đến các cảng.
Trong chiến tranh Việt Nam, người ta ước tính
rằng, một phần tư tổng số lính Mỹ nghiện heroin, và heroin thậm chí còn được
các thương nhân chuyển thẳng đến doanh trại. Ở quê nhà, cuộc chiến chống Cộng sản
Việt Nam đã kết thúc, nhưng nạn nghiện heroin vẫn còn và heroin tiếp tục từ tam
giác vàng đến New York và Chicago.
Ngày
nay việc sản xuất ma túy ở Myanmar vẫn hoạt động mạnh, nhưng nó đã được chuyển
sang sử dụng thuốc viên amphetamine (Ya Ba) và hiện chủ yếu cung cấp cho thị
trường châu Á. Và số tiền thu được không còn chỉ được dùng để mua vũ khí giành
độc lập, mà để tài trợ cho toàn bộ các công ty trong lĩnh vực bất động sản,
khai thác mỏ, xây dựng dân dụng, v.v…
Các tổ chức xã hội đen đã chiếm lĩnh thị trường
từ lâu. Và, làm thế nào nó có thể khác được, Tatmadaw cũng có phần trong đó. Nếu
Tatmadaw không bị lật đổ và các nhóm sắc tộc hợp nhất thành một nước cộng hòa
liên bang Myanmar, vấn đề ma túy ở tam giác vàng và trong các khu vực do quân nổi
dậy kiểm soát sẽ không bao giờ được giải quyết. Tất cả các quốc gia trong khu vực
ngày nay đều có vấn đề lớn về ma túy, và họ cũng sẽ có lợi nếu Myanmar thống nhất
và có được một chính phủ dân sự.
Năm 1962, quân đội nắm quyền trong một cuộc đảo
chính, và cho đến năm 2016 Miến Điện không có chính phủ dân sự. (Người ta có thể
nói về một “chính phủ dân sự“ ở mức độ nào, sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này
trong Phần 2 & 3). Quân đội đã cai trị Myanmar, trước đó là Miến Điện,
không gián đoạn trong 60 năm. Quân đội giả vờ xây dựng một “nhà nước xã hội chủ
nghĩa”, nhưng trên thực tế, quân đội theo đuổi lợi ích kinh tế của riêng mình
và tăng cường quyền lực của mình. Nó phong tỏa đất nước với thế giới bên ngoài
và biến nơi từng là quốc gia giàu có nhất Đông Nam Á thành một ngôi nhà nghèo.
Quân đội phát triển thành
một quốc gia trong một quốc gia, giống như một đội quân chiếm đóng trên chính
quốc gia của mình. Nó tách mình ra khỏi quần
chúng và hiện đang sống trong một thế giới của riêng nó với những đặc quyền chỉ
áp dụng cho họ. Một nền dân chủ ở Miến Điện có nghĩa là sự kết thúc của
Tatmadaw và đế chế của họ mà người dân phải trả giá. Nội chiến đã bùng phát ở
Miến Điện mà không bị gián đoạn kể từ năm 1949. Người dân Miến Điện phản đối chế
độ quân sự vô số lần và liên tục bị đánh gục bằng bạo lực tàn bạo.
Trở lại Miến Điện
Sự nghiệp chính trị của Suu Kyi bắt đầu từ năm
1988 khi bà trở về Miến Điện vào tháng 4 để chăm sóc mẹ sau một cơn đột quỵ.
Năm 1988, Miến Điện rơi vào một giai đoạn hỗn loạn. Sự phẫn nộ của người dân chống
lại Tatmadaw đang sôi sục.
Vào tháng 9 năm 1987, chính quyền quân đội chỉ
qua một đêm bằng sắc lệnh đã tuyên bố các loại tiền giấy 25, 35 và 75 kyat không
còn có giá trị và thay thế chúng bằng các loại tiền mới 45 và 90 kyat. Không có
quyền đổi tiền. Điều này có nghĩa là hơn một nửa số tiền giấy đang lưu hành trở
thành vô giá trị trong một đêm. Những người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất, bao
gồm cả những sinh viên đang đóng học phí vào thời điểm đó và giờ có những khoản
tiền không còn giá trị trong túi.
Ngay cả những tờ tiền 35 và 75 kyat khác thường
cũng là kết quả của sự mê tín của Ne Win, nhà lãnh đạo cuộc đảo chính năm 1962,
là người vẫn là chủ tịch của BSPP (Đảng Chương trình Xã hội Chủ nghĩa Miến Điện)
cầm quyền và là người đã bãi bỏ tờ 100 kyat. Việc giới thiệu các tờ tiền bất
thường 45 và 90 kyat đã được thực hiện, tin hay không, bởi vì thầy bói và “nhà
chiêm tinh của triều đình“ đã nói với ông ta rằng chín là con số may mắn của cá
nhân ông ta và rằng cả 45 và 90 đều chia chẵn cho chín.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-3.jpg
Nhà độc tài quân
phiệt Ne Win (1911-2002). Nguồn: Alchetron
Vào ngày 12 tháng 3 năm 1988, các sinh viên đã
đụng độ với những vị khách say xỉn trong một cuộc ẩu đả tại một phòng trà ở
Rangoon mà không có lý do. Một đơn tố cáo tội phạm đã được đệ trình và cảnh sát
đã bắt giữ những kẻ côn đồ. Hóa ra một trong những nghi phạm gây ra vụ ẩu đả là
con trai của chủ tịch “Hội đồng Nhân dân“ do chính phủ bổ nhiệm. Sau đó các
sinh viên kéo đến trụ sở chính thức của Hội đồng Nhân dân. Quân đội được đưa đến
và bắn vào sinh viên. Một số sinh viên bị thương và ít nhất một sinh viên thiệt
mạng. Đó là giọt nước làm tràn ly. Vào ngày 18 tháng 3, hàng ngàn người đã phản
đối chính quyền trên các đường phố ở Yangon.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-4.jpg
Những người biểu
tình xuống đường tại một đường phố ở trung tâm thành phố Rangoon hồi tháng
8/1988. Sinh viên, công chức, nhà sư và những người khác đã tham gia các cuộc
biểu tình vào mùa hè năm đó. Nguồn: Gaye Paterson/ NPR
Chính quyền đã đáp trả bằng bạo lực tàn khốc
và đập tan cuộc biểu tình. Ít nhất 42 thanh niên thiệt mạng. Nhưng các cuộc biểu
tình vẫn tiếp tục. Vào ngày 23 tháng 7, Ne Win tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng
BSPP. Ngày 1 tháng 8, sinh viên kêu gọi một cuộc tổng đình công, bắt đầu vào
ngày 8 tháng 8 năm 1988 lúc 8 giờ sáng (8-8-88). Và một lần nữa hàng ngàn người
xuống đường đòi khôi phục nền dân chủ từ trước năm 1962. Các cuộc biểu tình lan
rộng khắp đất nước. Một lần nữa quân đội lại bắn vào đám đông và giết chết vô số
người biểu tình. Vụ giết người không kết thúc cho đến ngày 13 tháng 8. Người
dân đã không nhụt chí và kêu gọi một cuộc tổng đình công mới vào ngày 25 tháng
8. Lần này, hàng triệu người tham gia biểu tình.
Cuộc biểu tình lớn nhất được tổ chức vào ngày 26
tháng 8, và chính tại đây, bà Aung Suu Kyi đã có bài phát biểu đầu tiên. Bà phải đi bộ qua đám đông. Trên bục diễn giả có treo một bức chân dung
lớn của cha bà, anh hùng dân tộc Aung San, hiện thân của mọi thứ mà Miến Điện
có thể trở thành nếu không có cuộc đảo chính năm 1962. Cho đến lúc đó, không ai
biết bà Suu Kyi, họ chỉ biết bà là con gái của ai đó. Suu Kyi bắt đầu phát biểu
và chiếm được cảm tình của những người có mặt trong chớp mắt. Từ ngày đó, phong
trào dân chủ ở Miến Điện đã có một cơ quan ngôn luận mạnh mẽ và một nhà lãnh đạo
mới.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-5.jpg
Bà Aung San Suu Kyi
phát biểu trước đám đông những người biểu tình ngày 26/8/1988. Nguồn: BBC
Phong trào đình công và phản đối bắt đầu vào
ngày 8 tháng 8 đã kết thúc trong một cuộc tắm máu khác vào ngày 18 tháng 9.
Chính quyền đã thay đổi một số người, tự gọi mình là SLORC (Hội đồng Khôi phục
Trật tự và Luật Nhà nước) và tiếp tục cai trị theo chế độ thiết quân luật. Phần
còn lại của thế giới phản ứng kinh hoàng, lên án vụ thảm sát và nhiều nước cắt
đứt quan hệ với Miến Điện. Nhưng ngoài những lời nói suông, không có sự giúp đỡ
cụ thể nào từ nước ngoài cho phong trào biểu tình non trẻ. Trung Quốc và Nga đã
ngăn chặn việc lên án Miến Điện tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-6.jpg
Các nhà sư cũng
tham dự vào các cuộc biểu tình 8888. Ảnh: AFP
Cả Đảng Cộng sản và các
nhóm sắc tộc đều ít nghe nói về cuộc bạo loạn ở Rangoon và đã không can thiệp. Họ quá bận rộn với những cuộc đấu tranh giữa chính họ và với những giao
dịch mua bán (ma túy) của họ. Họ hầu như không quan tâm đến những sự kiện ở
Rangoon xa xôi. Ngay chính trong những tuần diễn ra các cuộc biểu tình ở
Rangoon, họ đã ngừng chiến đấu với chính quyền, và sự can thiệp của họ có thể
góp phần đáng kể vào việc lật đổ chính quyền. Năm 1988, chế độ phải đối mặt với
thách thức lớn nhất kể từ khi đảo chính để nắm quyền vào năm 1962.
Ngay sau đó, ngày 24 tháng 9 năm 1988, NLD được
thành lập và bà Suu Kyi trở thành Tổng Thư ký. Bà đã đi khắp Miến Điện từ tháng
10 năm 1988 đến tháng 7 năm 1989 và có những bài phát biểu trước đám đông nhiệt
tình ở mọi thị trấn và làng mạc trên đường đi. Điều này khiến chính quyền lo lắng,
vì vậy vào ngày 20 tháng 7 năm 1989, Suu Kyi bị bắt và quản thúc tại gia. Đồng
thời, nhiều thủ lĩnh NLD cũng bị bắt và bị tống vào tù.
Sau chiến dịch đàn áp các cuộc biểu tình vào
ngày 18 tháng 9, chế độ tuyên bố bầu cử tự do và hứa sẽ giao lại quyền hành cho
đảng nào giành chiến thắng. Bây giờ, với việc NLD bị đánh bại và lãnh đạo của
nó bị quản thúc tại gia, SLORC bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử, mà nó hy vọng
sẽ giành chiến thắng mà không có sự phản đối đáng kể.
Chính
quyền thống trị các phương tiện truyền thông, báo chí, đài phát thanh và truyền
hình. Cuộc bầu cử tự do đầu tiên kể từ năm 1962 diễn ra vào tháng 5/1990. Tuy
nhiên, SLORC đã đánh giá thấp sự căm ghét của quân đội trong dân chúng và người
dân đã bỏ phiếu áp đảo cho NLD và các đảng đồng minh khác trong các khu vực dân
tộc thiểu số. Cuộc bầu cử là một cuộc trưng cầu dân ý chống lại chế độ độc tài
quân phiệt.
Dĩ nhiên, SLORC không muốn chuyển giao quyền
hành cho một chính phủ dân sự như họ đã hứa. Thay vào đó, họ tuyên bố rằng hiến
pháp phải được soạn thảo trước và cho đến lúc đó SLORC sẽ tiếp tục điều hành
chính phủ. Các ứng cử viên của NLD đã bị bỏ tù và kết quả bầu cử bị bỏ qua. Phản
ứng của NLD đối với điều này tương đối yếu do chính sách phản đối bất bạo động
của nó. Họ vừa thông qua một nghị quyết kêu gọi SLORC từ chức, tham gia đối thoại
và giao lại quyền hành cho một chính phủ dân sự. Tuy nhiên, SLORC không nghĩ đến
một cuộc đối thoại và khẳng định sức mạnh của mình theo cách đã được áp dụng
thành công bằng nòng súng.
Vào ngày 8 tháng 8 [năm 1990], kỷ niệm hai năm
của cuộc nổi dậy năm 1988, các nhà sư đã xuống đường. Quân đội đánh đập họ và
các nhà sư từ chối nhận bố thí của thân nhân quân đội. Ở Miến Điện một nước
sùng bái đạo Phật, điều này tương đương với việc bị vạ tuyệt thông. Bởi theo
quan niệm của đạo Phật, không phải người nhận là người được bố thí mà là người
cho có cơ hội làm việc thiện để cải thiện nghiệp chướng của mình và đến một lúc
nào đó sẽ thoát khỏi vòng luân hồi và lên cõi niết bàn. Đó là lý do tại sao ở
các quốc gia Phật giáo, các nhà sư đi bộ trên đường vào mỗi buổi sáng sớm với
chiếc bát khất thực của họ. Các Phật tử thuần thành bỏ một thứ gì đó có thể ăn
được, thường là vài thìa gạo, vào trong bát ăn xin và do đó cải thiện nghiệp của
họ. Cho nên không phải người nhận, mà là người cho, được làm cho hạnh phúc. Một
nhà sư không trừng phạt ai nặng hơn bằng cách từ chối nhận của bố thí.
Khó ai có thể tưởng tượng được rằng quân đội sẽ
có hành động chống lại các nhà sư, nhưng vào tháng 10 năm 1990, quân đội đã ập
vào tất cả các tu viện chống lại quân đội và bắt giữ các nhà sư. Nhiều người bị
bỏ tù, những người khác bị sát hại. Các nghị sĩ NLD của Nghị viện, vốn không
bao giờ có thể gặp nhau, cũng bị bắt và bỏ tù. Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc
của phong trào dân chủ vào cuối tháng 10 năm 1990. Phải mãi đến năm 2007 các cuộc
biểu tình hàng loạt xuất hiện trở lại [ở Miến Điện].
Ngày 18 tháng 6 năm 1989, Miến Điện được đổi
tên thành Myanmar và thủ đô Rangoon được đổi tên thành Yangon. Suu Kyi bị quản
thúc tại gia tổng cộng 15 năm, trong 21 năm, từ tháng 7 năm 1989 đến tháng 11
năm 2010. Cộng đồng quốc tế muốn ra dấu hiệu và năm 1991, bà Aung Suu Kyi đã được
trao giải Nobel Hòa bình. Chính quyền quân phiệt bị phương Tây phản đối, xích lại
gần Trung Quốc hơn, đất nước này vẫn bị cô lập dưới chế độ độc tài quân sự.
No comments:
Post a Comment