Saturday, 22 January 2022

HỆ LỤY CHẤT CHỒNG KHI TRUNG QUỐC CHẶN THÔNG QUAN HÀNG QUA BIÊN GIỚI! (RFA)

 



Hệ lụy chất chồng khi Trung Quốc chặn thông quan hàng qua biên giới!

RFA
2022.01.21

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/consequences-piled-up-when-china-tightens-borders-wth-vietnam-01212022050248.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/consequences-piled-up-when-china-tightens-borders-wth-vietnam-01212022050248.html/@@images/0c74734f-7958-460a-b2ef-1a180d670261.jpeg

Các tài xế ngồi ăn cơm trong khi chờ thông quan xe tải chở hàng nông sản qua biên giới Trung Quốc  .  AFP

 

Gần hai tháng Trung Quốc siết chặt hoạt động thông quan ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, cũng là hai tháng mà nhiều ngành nghề liên quan ở Việt Nam bị ảnh hưởng theo. Từ tài xế chở hàng, thương lái, doanh nghiệp cho đến nông dân đều phải thiệt hại nặng nề do động thái bất ngờ này của Trung Quốc.

 

Từ đầu tháng 12/2021, hàng ngàn xe chở hàng, đặc biệt là mặt hàng nông sản, trái cây tươi bị mắc kẹt tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero-covid", nên đã tăng cường kiểm soát hàng hoá lưu thông vào nước này.

 

Từ đó đến nay, Trung Quốc có dần mở lại các cửa khẩu, lối mở và tiến hành thông quan hàng hoá từ Việt Nam, nhưng với tốc độ rất chậm.

 

Trung Quốc lại thông báo cho biết sẽ tạm dừng thông quan hàng hoá qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn trong bảy ngày, kể từ 31/1, vì lý do nghỉ tết Nguyên đán 2022.

 

Trong khi đó, phía Việt Nam lo ngại sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng ùn ứ tại các khẩu nên đã ra quyết định tạm ngưng tiếp nhận xe chở nông sản lên các cửa khẩu bắt đầu từ ngày 17/1.

 

Phóng viên RFA liên hệ với phòng chuyên môn, cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), cán bộ trực ban cho biết số xe hàng còn tồn ở tất cả các cửa khẩu trên toàn tỉnh Lạng Sơn 779 xe, tính đến sáng ngày 19/1:

 

Với số lượng này, với cái tiến độ thông quan này thì khả năng từ nay đến trước Tết sẽ giải quyết hết hàng tồn đã. Chắc là sau Tết sẽ  cho thông quan bình thường.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/consequences-piled-up-when-china-tightens-borders-wth-vietnam-01212022050248.html/000_9vp9z9.jpg/@@images/a926dd81-b206-47db-8948-432077d8c6ad.jpeg

Một tài xế ngồi đợi trong khi các dãy xe tải nằm chờ thông quan. Ảnh: AFP

 

Tài xế chịu thiệt hại

 

Anh Thanh, tài xế chở hàng ở Lạng Sơn, cho biết đợt vừa rồi Trung Quốc chặn các cửa khẩu làm các tài xế trung chuyển hàng hoá, nhất là mặt hàng nông sản thiệt hại nặng.

 

Hàng ngàn xe container xếp hàng chật kín trong bãi từ hồi đầu tháng 12/2021. Các nhà chức trách đã cảnh báo, nhưng xe hàng do đã mua nông sản từ nhà vườn, không còn cách nào khác vẫn đổ dồn về các cửa khẩu, xếp hàng ngày một dài, với hy vọng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa trở lại.

 

Điều này khiến cho các xe lên trước xếp hàng từ lâu, nông sản đã bắt đầu hư thối mà cũng không thể quay đầu xe trở ra. Nhiều tài xế phải ăn ngủ ngay trên xe cả tháng trời, không thể làm gì hơn ngoài chờ đợi: 

 

Thất thoát nhiều chứ! Ví dụ như vào trong đấy (cửa khẩu - PV) đã biết là không đi được rồi nhưng mà không phải thích ra là ra được, mà phải đợi bao giờ có đường mới ra được. Đến lúc có đường ra được rồi thì hàng của mình, ví dụ để được 15 ngày, mà tận một tháng mới ra được, thì hàng ra mang chở đi đổ là vừa.” - Anh Thanh nói.

 

Trước tình hình xe tải bị mắc kẹt như vậy, nhiều chủ hàng không thanh toán tiền công chở hàng, mà cũng không trả tiền xăng dầu, sân bãi, bỏ mặc luôn cho tài xế tự xoay sở với hàng chục tấn hàng nông sản.

 

Một số tài xế tìm cách mang hàng đi bán tiêu thụ trong nước, nhờ người dân giúp đỡ giải cứu nông sản, để kiếm chút tiền bù lỗ. Lúc đầu thì người dân còn ủng hộ, chứ bây giờ nhiều quá cũng không ai mua nữa:

 

Có những chủ hàng uy tín lâu năm rồi thì người ta vẫn chấp nhận trả tiền xăng dầu cho lái xe, còn có những chủ người ta không lo, coi như người ta bỏ luôn. Người ta thấy hàng như thế là người ta bỏ luôn bỏ mặc, lái xe thích đi đâu bán thì bán để lấy tiền dầu.

Có nhiều xe tải nhỏ 2 - 3 tấn về đây để chở nông sản đi các vùng miền trong sâu một tí, đi về xuôi… Mỗi xe đến bốc vài ba tấn, nhưng đó là đợt đầu thôi, còn bây giờ thì cũng chả còn xe nào nó bốc nữa rồi, ít rồi, chậm lắm!

 

Nông sản rớt giá

 

Không chỉ có cánh tài xế chịu tổn thất, các chủ nhà vườn trong nước cũng bị dồn ứ hàng vì không có ai thu mua, hoặc có chăng thì mua với số lượng thấp và giá rẻ như cho.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tân, ở Vĩnh Long có vườn mít Thái và chanh cho biết phần lớn nông sản, trái cây như mít, thanh long, hay dưa hấu ở nơi ông sinh sống đều xuất sang thị trường Trung Quốc, ông nói:

 

Cho nên trong những tháng gần đây, cửa khẩu Việt Nam và Trung Quốc hình như có gì đó trở ngại để thông quan, cho nên bị ùn ứ hàng nông sản ở tại đó.

Chính vì vậy đưa đến việc là cái giá trái cây nói chung và nói riêng là mít Thái ở khu vực của tôi xuống rất là thấp, cây chanh nữa. Mít năm ngoái tháng này cỡ khoảng mười mấy ngàn một ký, nhưng mà bây giờ giá thương lái vô tới vườn mua là trên dưới năm ngàn đồng một ký mà thôi.

Hiện giờ thương lái vẫn còn mua, nhưng giá rất rẻ. Họ mua để sấy hay gì đó. Một số doanh nghiệp có đơn hàng đi đâu đó mà không phải là xuất sang Trung Quốc cho nên họ cũng còn mua, nhưng mà với giá rẻ lắm!

 

Cô Tâm, cũng là một chủ nhà vườn chuyên trồng thanh long ruột đỏ và chanh để xuất sang Trung Quốc than thở rằng suốt gần một năm trời dày công chăm sóc, chi phí đắp vô mấy trăm trụ thanh long, chỉ mong cuối năm bán được giá.

 

Vậy mà bây giờ thanh long rớt giá thê thảm, xuống còn có ba ngàn đồng/ký, không đủ bù tiền điện, mà cũng ít thương lái tới mua. Cô phải tự bán lẻ, phần lên mạng nhờ người dân ở các thành phố lớn giải cứu, phần mang cho bà con lối xóm ăn phụ:

 

Công ty ngưng mua, ở đây mình không biết bán cho ai hết. Thương lái nhỏ thì người ta không mua, hoặc mua ít xìu à. Kỳ rồi bán không được luôn, cuối cùng phải nhờ bà chị bán lẻ.

Ba ngàn đồng/ký này là chưa đủ đóng tiền điện chứ đừng nói chi tới khoản lót tay, rồi phân thuốc, bán được có ba triệu mấy mà trong khi đó tiền điện là đã năm triệu mấy rồi, chỉ riêng một khoản tiền điện thôi là không đủ.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/consequences-piled-up-when-china-tightens-borders-wth-vietnam-01212022050248.html/000_9vp9zh.jpg/@@images/ce79ef33-1b4d-4f15-97bd-983f057423ca.jpeg

Các tài xế tụ họp giữa các hàng xe tải. Ảnh: AFP

 

Một năm nhà vườn điêu đứng

 

Năm 2021 có thể nói là một năm thua lỗ của các nhà nông trồng trái cây khu vực miền Tây. Từ giữa năm, do dịch bệnh bùng phát, cùng với các biện pháp “ngăn sông cấm chợ” của Chính phủ trong nhiều tháng trời, khiến cho sự giao thương giữa các tỉnh thành bị chặn đứng.

 

Các tỉnh ở phía Nam với sức tiêu thụ lớn rơi vào tình trạng khan hiếm lương thực, nông sản. Trong khi đó, bà con nông dân không bán được hàng mà chi phí vật tư nông nghiệp tăng quá cao, thua lỗ nặng. Ông Tân nói với RFA:

 

Năm nay là nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và nói riêng là ở cái vùng của tôi mà trồng cây ăn trái là không có hiệu quả kinh tế cao. Cái thứ nhất là giá mình bán rất thấp, còn phân bón vật tư nông nghiệp nó lên hàng ngày. Nó tăng tăng gần 100%.

 Tình hình dịch bệnh đưa đến vấn đề là giá cả thấp, rồi bị ảnh hưởng bởi những chính sách chống dịch quá cực đoan của nhà chức trách Việt Nam, ví dụ như áp dụng chỉ thị 15 và 16. Địa phương nào thì ở yên địa phương nấy, không được giao thương qua lại với nhau cho nên đẩy đến đến việc nông sản không bán được. Nói rẻ thì không đúng mà là không bán được luôn.”

 

Tình hình của cô Tâm trong năm qua cùng không khá hơn, cô nói mình lỗ cả trăm triệu, chưa kể công sức chăm bón, do mùa dịch không bán được chanh, còn cuối năm thì Trung Quốc không nhập hàng thanh long. Thành ra, năm rồi trồng gì lỗ đó:

 

Lỗ cả trăm triệu. Tại vì mình chi vô phân thuốc này kia mà bán ra đâu có được bao nhiêu.

Ví dụ một tấn bán được hai triệu, mà mình phải bù vô một triệu để trả tiền nhân công hái với các chi phí. Cái công của mình là chưa tính rồi, thêm tiền điện nước tưới tiêu, chăm sóc thanh long cực lắm, tối ngày phải ở ngoài nắng không à!

 

Vẫn nuôi hy vọng vào thị trường Trung Quốc

 

Vì sao nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải chịu nhiều rủi ro. Mỗi khi Trung Quốc có một động thái nhỏ ở biên giới là một loạt các ngành nghề ở Việt Nam ngay lập tức chịu thiệt hại. Vậy tại sao nhà nông và thương lái vẫn chọn xuất hàng qua thị trường Trung Quốc.

 

 Trước câu hỏi này, tài xế Thanh nói nông sản Việt Nam trồng nhiều, bán sang Trung Quốc thì mới tiêu thu hết và được giá hơn:

 

 “Hàng nước mình xuất khẩu đi nhiều chứ. Bây giờ chỉ ở trong nước thì bán cho ai. Hàng nông sản bây giờ phải đưa đi sang đấy thì mới tiêu thụ hết được chứ tràn lan ở trong nước thì làm sao được!

 

Ông Tân cho biết về phía người trồng cây ăn trái, họ hoàn toàn bị động, nghĩa là cứ trồng dù chưa có đầu ra, cũng không được quyêt định giá cả, hay xuất đi thị trường nào:

 

Cái vấn đề sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là người nông dân hoàn toàn lệ thuộc vào các doanh nghiệp. Doanh nghiệp họ có đối tác ở nước nào là tùy họ chứ còn nông dân là không có quyền, không được quyết định là mình sẽ bán nơi đâu. Nói chung đầu ra của mình là phụ thuộc vào các thương lái.

 

Theo cô Tâm, trái cây mang ra kho hàng, họ tuyển lựa, đóng thùng rồi xuất qua Trung Quốc thì sẽ được giá hơn so với bán cho thị trường trong nước:

 

Ở đây mình bán cho kho, hàng đóng mới có giá mới bán được. Trung Quốc mà không ăn là đổ đống luôn, có lớp bỏ luôn nữa. Hàng của cô là cô đem đóng không à! Mình đem hàng ra kho cho người ta lựa ra để xuất đi Trung Quốc, chứ mình bán hàng chợ đâu có tiền, bán hàng chợ là lỗ chết.

 

Cô Tâm vẫn đặt hy vọng vào thị trường Trung Quốc, vẫn tiếp tục trồng thanh long, mong rằng vụ mùa sau sẽ khả quan hơn, “được mùa, được giá”, bù lỗ cho năm nay:

 

Bây giờ cũng đang kéo dàn đèn, hy vọng là nếu mà lần này bán được thì cũng kiếm được chút đỉnh. Nếu mà không được thì chắc cô bỏ luôn, nhưng mà bây giờ cũng không biết trồng cái gì nữa.”

 

Thường trực Ban bí thư trung ương đảng Cộng sản VN, ông Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hôm 19/1 rằng: “Nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải là chờ đợi để giải cứu”.

 

Có lẽ người dân Việt Nam không còn xa lạ gì với cụm từ “Giải cứu nông sản”. Từ nhiều năm nay, các bộ ngành liên quan cũng chỉ đạo để thay đổi nhiều lần, nhưng cho đến nay, hễ mỗi lần Trung Quốc ngừng nhập khẩu nông sản là Việt nam lại xuất hiện các chiến dịch “giải cứu”, và cũng chưa biết câu chuyện “giải cứu nông sản” sẽ kéo dài đến bao giờ.

 

-----------------

Tin, bài liên quan

 

·         Vì sao rau giảm giá mạnh?





No comments:

Post a Comment

View My Stats