Monday, 10 January 2022

ĐỀ THI VĂN: NHẢM VÀ KHÔNG NHẢM (Thái Hạo)

 



ĐỀ THI VĂN: NHẢM VÀ KHÔNG NHẢM 

Thái Hạo

10/01/2022  06:20

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=316000067073686&id=100059910855657   

 

[Thử nhìn một vấn đề như nhảm nhí/tầm thường bằng một thái độ nghiêm túc xem sao...]

 

Nếu tôi là một học sinh lớp 12 và cầm trên tay cái đề thi về bài hát “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu mà mọi người đang chê, tôi sẽ viết gì? Với những kiến thức liên môn trong chương trình phổ thông, tôi sẽ vận dụng và trình bày suy nghĩ của mình, một cách thành thực. Dưới đây là bài làm của tôi:

 

“Mang tiền về cho mẹ”, trong lịch sử, cái suy nghĩ ấy đã từng xuất hiện chưa, nếu chưa thì vì sao; và bây giờ tại sao nó lại có mặt, cụ thể là có mặt chính xác vào khoảng thời gian nào, và điều ấy có ý nghĩa gì?

 

Việt Nam là một xã hội nông nghiệp lúa nước, đơn vị hành chính cơ sở điển hình và quan trọng nhất là làng. Người nông dân “suốt đời không ra khỏi lũy tre làng”; con gái xuất giá tòng phu, con trai thì ở ngay trên mảnh đất của cha mẹ nên chuyện mang tiền về cho mẹ gần như là không có.

 

Giữa thế kỷ 19 từ khi người Pháp vào VN thì cơ cấu kinh tế nước ta mới bắt đầu có những thay đổi cơ bản, tuy nhiên nó vẫn chưa tạo ra các cuộc di cư lớn.

 

Đầu thế kỷ 20, trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao có một chi tiết này rất đáng chú ý, đó là lời con trai lão nói với cha mình trước khi anh ta lên đường đi phu đồn điền: “Con biếu thầy ba đồng để thỉnh thoảng thầy ăn quà; xưa nay con ở nhà mãi cũng không nuôi được bữa nào, thì con đi cũng chẳng phải lo; thầy bòn vườn đất với làm thuê làm mướn thêm cho người ta thế nào cũng đủ ăn; con đi chuyến này cố chí làm ăn, bao giờ có bạc trăm con mới về, không có tiền, sống khổ sống sở ở cái làng này, nhục lắm!”. Câu nói này vẫn chưa thể hiện cái suy nghĩ “mang tiền về cho mẹ”, mà nó là “mang tiền về cho mình”, vì anh con trai ấy vẫn có vẻ yên tâm rằng cha mình “thế nào cũng đủ ăn”.

 

Trong mấy chục năm chiến tranh với Pháp rồi với Mỹ, tất nhiên lúc “cả dân tộc lên đường” thì chẳng có ai được nghĩ đến chuyện “mang tiền về cho mẹ” cả. Còn chính sách Kinh tế mới 1960 là đi định cư ở vùng đất mới, và là đi cả gia đình cho nên cũng không liên quan chi đến chuyện “mang tiền về cho mẹ”.

 

Sau 1975 chính sách kinh tế mới một lần nữa được áp dụng, nó vẫn là đi lập nghiệp, định cư và gắn bó với vùng đất mới. Cho đến lúc này, VN vẫn là một đất nước nông nghiệp lạc hậu.

 

Năm 1994, Mỹ tuyên bố bãi bỏ cấm vận Việt Nam, lúc này nguồn vốn đầu tư của nước ngoài tràn vào; nhà máy, công xưởng mọc lên khắp nơi, VN trở thành một nước gia công điển hình. Các loại hình dịch vụ thương mại bắt đầu phát triển; người trẻ hoặc vào các nhà máy làm công nhân, hoặc khởi nghiệp, hoặc đi làm thuê (tự do) kiếm tiền, v.v. Chỉ từ lúc này, chuyện “mang tiền về cho mẹ” mới có cơ sở thực tiễn và mới trở thành hiện thực trên chiều kích xã hội.

 

Như vậy, “mang tiền về cho mẹ” như một hiện tượng xã hội phổ biến mới có một lịch sứ hết sức “non trẻ”, khoảng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cũng là mang tiền về, nhưng nếu so với cái sự mang tiền về của con trai lão Hạc thì bây giờ lại nó mang một cái tâm thế rất khác.

 

Thời kỳ thực dân-phong kiến như trong ấn tượng của chúng ta là rất thê thảm bởi đói khổ; tuy nhiên đứa con khi ra đi vẫn yên tâm về cha mình ở quê; và anh ta đi là để thay đổi chính đời mình chứ lại không phải để “mang tiền về cho mẹ” như bây giờ.

 

Đến nay, giữa thế kỷ 21 hiện đại này bỗng nhiên con cái lại phải khởi lên cái tâm niệm và mục đích “mang tiền về cho mẹ”, nó cho thấy điều gì? Con cái có hiếu hơn hay là cha mẹ quá nghèo, quê hương quá nghèo? Và tại sao quê lại mãi nghèo như thế, nghèo đến nỗi con cái phải thường trực cái ý nghĩ mang tiền về để nuôi cha mẹ? Đặc biệt nữa là ở chỗ, khi bài hát vừa ra đời, nó lập tức thành trend, là một bản hit được giới trẻ hưởng ứng và giới “già” không ngớt bình luận. Có nhiều bình luận trái chiều hay thậm chí coi đó là một sự kiện nhảm nhí, nhưng dù như thế, từ trong sâu xa, nó cho thấy tâm thức của cả một cộng đồng, và vấn đề của cả cái cộng đồng ấy. Nó không hề tầm thường, mà ngược lại, rất đáng lưu tâm để mổ xẻ.

 

Đó không phải là một sự suy diễn trên bề mặt câu chữ, nó là thực tế. Nông thôn VN đang ở tình trạng nào? Trong khi các làng nghề đã mai một theo thời gian, diện tích đất nông nghiệp thì bị thu hẹp dần, sản xuất nông nghiệp vẫn lạc hậu; việc thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp thì hết sức bấp bênh với “được mùa mất giá, được giá mất mùa”; có những nhà máy xí nghiệp mọc lên ở địa phương nhưng lương công nhân (con cái đi làm) thì cũng chỉ đủ nuôi miệng, nếu chúng có gia đình rồi thì cũng phải hết sức tằn tiện mới đủ sống. Tiền đâu mà mang về cho mẹ!

 

Mang tiền về cho mẹ, vì thế, chủ yếu là ở những thanh niên chưa có gia đình, đi làm thuê làm mướn tứ xứ, một số (rất ít) năng động thì kinh doanh buôn bán và tích lũy được chút vốn liếng, thế thôi. Cái tâm lý “mang tiền về cho mẹ” này không phải chuyện tiến bộ hay lạc hậu, nên hay không nên; mà hơn hết, nó phản ánh bức tranh kinh tế và tình trạng của xã hội VN: quẫy đạp, lao đao, giằng xé, mỏi mòn và đầy bi kịch…vì miếng cơm manh áo của cả người trẻ lẫn người già (ở nhà).

 

Cái tâm lý ấy phải làm chúng ta giật mình lo lắng, nếu không kinh sợ. Làm sao để nông thôn phát triển, làm sao để cha mẹ có thể “sống khỏe” được ở quê mà không cần con cái chu cấp, làm sao để những người trẻ thoát khỏi gánh nặng cơm áo gia đình để mơ tưởng và theo đuổi những điều cao xa? Đến bao giờ người dân mới hết bị “ghì sát đất” bởi miếng cơm manh áo?

 

“Cơm áo ghì sát đất”, cái câu này đã gần như trở thành một thành ngữ từ khi Nam Cao viết “Đời thừa” cách đây gần 100 năm; và đến bây giờ nó lù lù trở lại. dưới một dáng vẻ khác: MANG TIỀN VỀ CHO MẸ”.

 

“Mang tiền về cho mẹ”, chúng ta không những cần nghĩ mà hơn thế, phải nghĩ thật nghiêm túc, cẩn trọng để nhìn cho rõ thực tế xã hội ta, từ đó mà gấp rút thay đổi, năng động kiến thiết, đặng xây dựng đất nước VN thịnh vượng và hạnh phúc – một đất nước không còn phải lao đao vì áo cơm".

 

Trên đây là bài làm của tôi. Điều duy nhất tôi băn khoăn là, nó có được chấp nhận không, và nếu có thì ở mức độ nào? Tôi có bị “tuýt còi” vì đã dám nói thật suy nghĩ của mình, bởi nó không giống với suy nghĩ nhiều người, cũng không mang giọng quen thuộc của nhiều người? Nếu câu trả lời là “không” thì lập tức tư duy của tôi sẽ trở nên sắc bén, lời văn của tôi sẽ cuốn hút.

 

Vấn đề chính không nằm ở đề thi, mà nằm ở chấm thi. Đề chỉ cần không sai, không mớm lời, không định hướng và cho phép người học được trình bày quan điểm của mình là đủ, phần còn lại nằm ở triết lý giáo dục, ở không khí dân chủ trong nhà trường, ở sự chấp nhận những tiếng nói cá nhân…

 

Quá nửa vấn đề của giáo dục nói chung và môn văn nói riêng không nằm ở phương diện kỹ thuật, mà là ở toàn bộ hệ sinh thái của nó. Hệ sinh thái ấy lại nằm trong một khí quyển xã hội rộng lớn bao trùm. Về mặt kỹ thuật, giả sử ta có được một đề thi (và sách giáo khoa, các phương pháp dạy học...) hoàn hảo đi chăng nữa, nhưng những điều kiện cơ bản cho sự cọ xát quan điểm, cho sự đối thoại và tình thần bình đẳng bị thiếu vắng thì mãi mãi câu hỏi về chất lượng vẫn khó mà tìm được lời giải căn bản. Và theo tôi, đó chính là những “nội dung” quan yếu cần được bổ sung vào hệ sinh thái giáo dục của chúng ta.

 

Thái Hạo

.

18 BÌNH LUẬN   




No comments:

Post a Comment

View My Stats