Sunday 16 January 2022

DỰ BÁO TÌNH HÌNH THẾ GIỚI NĂM 2022 (Việt Hoàng - Thông Luận)

 



 

Dự báo tình hình thế giới năm 2022

Việt Hoàng

14/01/22

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/23766-d-bao-tinh-hinh-th-gi-i-nam-2022

 

1. Đại dịch Covid-19 có thể kết thúc vào mùa hè

 

Làn sóng lây lan do biến chủng Omicron bùng lên hồi tháng 12/2021 đã làm cho 50% dân số Châu Âu nhiễm bệnh. Anh quốc có hơn 200.000 ca nhiễm mỗi ngày hồi đầu tháng một. Pháp cũng gần 370.000 ca hôm 11/1/2022. Mỹ đạt kỷ lục khi có đến 1,5 triệu ca nhiễm hôm 10/1/2022. Tất cả những ai có thể bị nhiễm thì hầu như đã bị nhiễm. Omicron tuy lây lan rất nhanh nhưng đã yếu đi do với biến chủng Delta. Theo một số chuyên gia thì thế giới gần như đạt được miễn dịch cộng đồng và số ca nhiễm do Omicron gây ra sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Hy vọng là đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm trong mùa hè này.

 

Cho dù điều may mắn đó xảy ra thì nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể phục hồi vì gián đoạn các chuỗi cung ứng hàng hóa. Do số lượng lớn người dân trên khắp thế giới bị nhiễm bệnh và do các biện pháp phòng chống dịch thời gian qua nên các cơ sở sản xuất không thể hoạt động 100% công suất. Điều đó dẫn đến việc hàng hóa sẽ khan hiếm. Giá cả các mặt hàng sẽ tiếp tục tăng, bất chấp thu nhập người dân giảm do đại dịch.

 

2. Các nước dân chủ phải xét lại tiến trình toàn cầu hóa

 

Phong trào toàn cầu hóa diễn ra sau khi Liên Xô sụp đổ khiến các công ty đa quốc gia chuyển các nhà máy từ các nước giàu đến các nước nghèo, đặc biệt là Châu Á. Trung Quốc đã trở thành đại công xưởng của thế giới đồng thời cũng trở thành mối nguy cho hòa bình của nhân loại. Đại dịch Covid-19 làm cho các chuỗi cung ứng đứt gẫy. Nhiều nhà máy xí nghiệp ở Mỹ và Châu Âu không thể hoạt động do thiếu các nguyên vật liệu và phụ tùng được sản xuất tại Châu Á.

 

Phong trào toàn cầu hóa và người anh em sinh đôi của nó là chủ nghĩa phóng khoáng, xem tiền bạc và lợi nhuận là cứu cánh đã khiến hố giàu nghèo giữa các quốc gia và giữa các tầng lớp nhân dân trở lên sâu rộng một cách đáng báo động. Điển hình là nước Mỹ, quốc gia dân chủ và giàu mạnh nhất thế giới, vì mải mê chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng mà bỏ quên liên đới xã hội khiến cho chênh lệch giàu nghèo tại Mỹ gia tăng. Đa số người dân Mỹ cảm giác bị bỏ lại đằng sau, họ đã giận dữ và bất mãn cao độ với giới chính trị truyền thống nên đã bầu cho Donald Trump. Họ muốn mượn tay Trump để đập phá nước Mỹ cho hả giận. Một năm sau khi Joe Biden đắc cử, 1/3 người dân Mỹ vẫn cố tình không công nhận sự chính đáng của chính quyền mới.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51818644932_35773813f5.jpg

Phong trào toàn cầu hóa sẽ được xét lại một cách cẩn thận do sự phản công của dân chủ. Tiến trình này cần phải kiểm soát được tình thế và tốc độ. (Ảnh: Một cuộc biểu tình chống toàn cầu hóa)

 

Chương trình “Xây dựng lại tốt hơn” (Build Back Better) của Joe Biden nhằm mang lại nhiều công ăn việc làm cho người dân và thúc đẩy nền kinh tế Mỹ đã giảm từ 3,5 nghìn tỉ USD xuống còn 1,7 nghìn tỉ USD nhưng vẫn bị đảng Cộng hòa chống đối đến cùng, thậm chí sự chống đối đến ngay từ trong nội bộ đảng Dân chủ (Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin cho biết sẽ không bỏ phiếu cho dự án này tại thượng viện). May mắn là gói xây dựng hạ tầng của Joe Biden trị giá 1,2 ngìn tỉ USD đã được thông qua.

 

Theo thăm dò của hãng Galup thì tỉ lệ tín nhiệm của Joe Biden đã giảm từ 56% lúc mới cầm quyền xuống còn 43% sau 9 tháng và hiện tại chỉ còn 33%. Dù vậy khác với nhận định của nhiều người và trái với thông lệ từ trước đến nay rằng các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ luôn mang lại chiến thắng cho đảng đối lập, anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tin là đảng Dân chủ vẫn có thể giữ lại đa số tại thượng viện và hạ viện. Nhân vật giúp cho đảng Dân chủ chiến thắng trong các cuộc bầu cử sắp tới không ai khác, đó chính là Donald Trump. Trump đã làm cho đảng Cộng hòa tan nát và khủng hoảng đến độ không còn thuốc chữa.

 

3. Chủ nghĩa dân túy sẽ tàn lụi

 

Cách đây 5 năm, với việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ chúng ta chứng kiến một làn sóng lớn chưa từng có trào dâng khắp thế giới của chủ nghĩa dân túy. Các chính trị gia dân túy đã thắng thế và lên cầm quyền khắp thế giới, từ Châu Âu như Boris Johnson (Anh), Salvini (Ý), Orbán (Hungari), Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ), Putin (Nga), Kaczynski (Ba Lan) đến Châu Á như Duderte (Philippines), Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng (với chiến dịch đốt lò) rồi sang Châu Mỹ với Trump và Jair Bolsonaro (Brazil), Netanyahu (Do Thái), Maduro (Venezuela)...Năm nay đa số các chính trị gia dân túy trên đều phải tái ứng cử và theo các thăm dò dư luận thì tỉ lệ tín nhiệm của họ rất thấp, phần lớn sẽ bị thất bại thê thảm.

 

Chủ nghĩa dân túy (populism) là gì ? Hiểu đơn giản thì đó là sự lợi dụng tình trạng phẫn nộ chính đáng và sự thiếu hiểu biết của một số thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mị dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng không thể thực hiện được vì vừa sai vừa nguy hiểm. (1)

 

Việc người dân bầu lên các chính trị gia dân túy là một cảnh báo nghiêm khắc cho thế giới. Thời gian qua chúng ta cũng đã chứng kiến sự khủng hoảng của các nền dân chủ trên toàn cầu. Joe Biden đã triệu tập và tổ chức một hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ hồi cuối năm 2021 với 110 quốc gia tham dự nhằm thảo luận các vấn đề đang đặt ra cho các quốc gia dân chủ trên thế giới. Mặc dù cuộc họp Thượng đỉnh vì Dân chủ không có kết quả gì cụ thể nhưng việc mở ra một hội nghị như thế có tầm quan trọng đặc biệt. Lần đầu tiên các nước dân chủ đã ý thức được sự khủng hoảng của dân chủ và sự cần thiết phải thảo luận về các vấn đề dân chủ trên toàn cầu.

 

Nên biết là từ lâu nay tại Mỹ và nhiều nước dân chủ không có thảo luận dân chủ trên diện rộng mà chỉ giới hạn trong khuôn viên các trường đại học lớn, các giảng đường và các câu lạc bộ trí thức. Thể chế dân chủ có khả năng thay đổi và sửa chữa hệ thống nếu các vấn đề của nó được đem ra thảo luận và mổ xẻ một cách công khai và cởi mở. Khi chủ nghĩa dân túy lắng xuống và đại dịch Covid-19 đi qua thì các nước dân chủ sẽ ổn vững hơn, người dân sẽ sáng suốt chọn ra các nhà lãnh đạo mới năng động và trách nhiệm thay vì bầu cho các chính trị gia dân túy. Đừng quên là các nước Tây Âu, đặc biệt là các nước Bắc Âu đã chống chọi rất tốt với chủ nghĩa dân túy vì an sinh xã hội tại các nước này rất cao. Mỹ rất giàu nhưng không chú trọng đến liên đới xã hội. Cái mà nước Mỹ cần không phải là một tổng thống mới mà là cần thay đổi về chính trị, ví dụ như hai dự luật mà Joe Biden đang đề nghị là bỏ thủ tục Filibuster (nói câu giờ tại thượng viện để ngăn cản việc thông qua các dự luật) và cải cách luật bầu cử để tạo điều kiện thuận lợi cho quyền bầu cử của các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là người Mỹ da đen.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51819706498_f9408285ef.jpg

Chủ nghĩa dân túy sẽ sớm tàn lụi. Phần lớn các chính trị gia theo đường lối dân túy sẽ bị thất cử trong các cuộc bầu cử năm 2022. (Ảnh: Một số chính trị gia dân túy nổi bật trên thế giới)

 

4. Trung Quốc tiếp tục rút lui và co cụm lại

 

Thế vận hội Olympic Mùa Đông Bắc Kinh 2022, một sự kiện vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc, sắp khai mạc từ ngày 4/2/2022 đến ngày 20/2/2022. Đây là cơ hội để Tập Cận Bình tuyên bố với thế giới rằng: Trung Quốc đã thực sự trở thành một cường quốc.

 

Chính quyền sẽ làm tất cả để thế vận hội diễn ra trong an toàn tuyệt đối. Các biện pháp chống Covid-19 của Trung Quốc vốn được xem là cực đoan thái quá với chủ trương “Zero Covid” sẽ tiếp tục được nâng lên ở mức cao nhất trong thời gian diễn ra thế vận hội. Việc Trung Quốc đóng cửa biên giới với các nước có chung đường biên giới trên bộ trong suốt một tháng qua khiến hàng hóa nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị ách tắc tại các cửa khẩu là vì lý do đó, theo giải thích của phía Trung Quốc.

 

Mùa thu năm nay cũng là thời điểm diễn ra đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 với nhiều khả năng là Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ 3 và sẽ đứng ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Lý thuyết là như thế nhưng thực tế có ít nhất hai trào lưu trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc, một bên ủng hộ Tập Cận Bình và một bên không. Tình hình kinh tế Trung Quốc không có gì sáng sủa mà ngược lại, chính sách cực đoan chống Covid-19, sẵn sàng phong tỏa cả một thành phố hơn chục triệu dân trong nhiều tuần đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế. Tây An là thành phố có 13 triệu dân bị phong tỏa cứng đến nỗi một thai phụ sắp sinh bị mất con do bệnh viện từ chối tiếp nhận.

 

Với giải pháp co cụm lại về nguyên bản chủ nghĩa cộng sản để tránh tan vỡ bằng cách trừng phạt các tài phiệt và giới văn nghệ sĩ giàu có...Tập Cận Bình sẽ làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra nhanh hơn. Các khoản nợ sắp không trả được của các công ty địa ốc hàng đầu Trung Quốc như Evergande sẽ kéo theo các lĩnh vực khác. Kịch bản chạy nợ của các công ty như trường hợp HNA sẽ lặp lại cũng là một lý do để Trung Quốc đóng cửa và co cụm. Đó cũng là chủ trương của Tập Cận Bình. Trong năm nay chúng ta sẽ chứng kiến xem xu thế nào thắng thế. Xu hướng đóng cửa và co cụm của Tập Cận Bình hay tiếp tục mở cửa ra thế giới của một trào lưu khác trong nội bộ Trung Quốc.

 

Thời gian qua, đúng là các nền dân chủ lớn đang bị khủng hoảng nhưng các chế độ độc tài còn khốn đốn hơn. Nước Nga của Putin sau những đe dọa với Ukraine, Mỹ và EU thì sẽ tìm cách hạ nhiệt căng thẳng để rút lui và co cụm lại. Nga quá yếu để có thể gây chiến với các nước dân chủ. Mỹ và EU sẽ “phản công” nhanh chóng và dứt khoát nếu Nga tấn công Ukraine. Sự kiên nhẫn của Mỹ và EU đã đạt giới hạn sau khi Nga dùng vũ lực sát nhập bán đảo Krime của Ukraine năm 2014. Mọi sự mềm yếu của phương Tây chỉ khiến Putin mạnh bạo hơn.

 

Năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của thế giới. Kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể phục hồi. Hy vọng lớn nhất là sẽ không có chiến tranh, đổ máu và đại dịch Covid-19 sẽ sớm kết thúc.

 

Việt Hoàng

(14/1/2022)

(1). Donald Trum và chủ nghĩa dân túy. Việt Hoàng





No comments:

Post a Comment

View My Stats