Wednesday 12 January 2022

CHỢ BẾN THÀNH THỜI TAO LOẠN (Phạm Công Luận)

 



Chợ Bến Thành thời tao loạn    

Phạm Công Luận  |  Người Đô Thị

09:44 | Thứ ba, 11/01/2022

https://nguoidothi.net.vn/cho-ben-thanh-thoi-tao-loan-33093.html

 

Được xây dựng từ 1912, đến nay ngôi chợ Bến Thành đã trải qua 110 năm tồn tại và phục vụ cho bao lớp cư dân Sài Gòn và các tỉnh đến buôn bán, mua sắm, ăn uống… và cũng có những lúc thăng trầm.

 

Ba của tôi làm nhân viên tiệm buôn Kim Phát ở số 301-303 cửa Tây chợ Sài Gòn (tên gọi phổ biến của chợ Bến Thành lúc đó) từ năm 1953 đến năm 1978 mới nghỉ. Ông thường kể về không khí chợ suốt thời gian ông làm việc ở đó, với sự linh hoạt buôn bán của người Hoa ở các tiệm lớn và sự đon đả của các bà các cô buôn bán các sạp trong chợ. Ông chứng kiến không khí làm ăn ở chợ khá thịnh vượng suốt phần tư thế kỷ.

 

Những ngày Tết là khoảng thời gian vui nhất. Sau buổi bán chiều, chỉ cần đi rảo một vòng là thấy có không khí Tết vì người mua kẻ sắm rần rần. Quanh quẩn ở đó thôi vẫn có thể tìm mua được nhiều món đặc sản loại ngon nhất miền Nam để nhâm nhi ngày Tết như khô cá thiều Phú Quốc, khô cá nhái Cao Lãnh, trái hồng khô ép hay rượu Ngũ gia bì nhập từ Hồng Kông mà không cần vô Chợ Lớn.

 

Không có chợ nào có không khí Tết vui như chợ Bến Thành, ngôi chợ lớn nhất miền Nam.  

 

Hình : https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/3790f507-db90-4535-9e46-1d25a25f797d.jpg

 

Bác Nguyễn Cương Phú, đang sống ở nước Úc hứng thú khi đọc bài viết của tôi về thời gian ba tôi làm việc trong ngôi chợ nổi tiếng này. Bác kể thêm vài câu chuyện không còn mấy ai biết về ngôi chợ này hồi thập niên 1940, khi bác chỉ gần mười tuổi. Đầu thập niên đó, mẹ của bác Phú có một tiệm bán giày guốc dép lớn ở ngay cửa Đông (nhìn ra đường Phan Bội Châu hiện nay). Cả gia đình sống rất khá giả nhờ tiệm này khi có tới tám người giúp việc. Đó là cơ ngơi đáng kể của bà từ khi rời miền Bắc vào Nam thập niên 1930.

 

Bác Phú nhớ lại cấu trúc của chợ: chung quanh là các cửa hàng bán quần áo, giày dép, đồng hồ đeo tay và trang trí, các loại sản phẩm bằng da. Phía cửa Bắc (nhìn ra đường Espagne tức Lê Thánh Tôn ngày nay), ngoài vỉa hè là dãy bán trái cây tươi, xanh. Các loại trái cây trong và ngoài nước đều được bày bán suốt dọc lề đường thuộc khuôn viên chợ như lê, táo, nho tươi, chuối, mãng cầu v.v..

 

Các tiểu thương ngồi trong phần gian hàng của mình rất nhỏ, gọn. Có một nhà vệ sinh công cộng khá lớn ở đường này có phân chia nam nữ hai bên, có dùng tay nắm giật nước (thời đó rất ít nhà có), rất tiện cho khách đi chợ và người bán trong chợ. Kéo dài từ đường Espagne qua khỏi ngã tư giáp đường Schroeder (nay là Phan Chu Trinh) là những xe của người Hoa bán hủ tíu mì, đồ ăn nhẹ và cơm trưa cho khách vãng lai và tiểu thương, tối thì bán đủ thứ chè ngọt. 

 

Hình : https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/0ed13872-baa1-418e-ad60-3015c181ce55.jpg

 

Trong chợ gọi là “nhà lồng”, được chia thành từng khu: khu bán cá khá rộng có sàn cao hơn mặt bằng hai ba tấc, có phông tên nước để bơm cho cá sống bơi lội trong bồn và tẩy rửa khi làm cá cho khách hàng. Những chậu để “rộng” cá hình tròn, cao hai tấc hay hai tấc rưỡi, đường kính tới hơn cả mét. Có khu bán thịt heo, bò. Khu bán hàng rau còn gọi là khu bán đồ rau củ quả. Khu bán hàng xén có rổ rá, nồi, mẹt và đồ thủ công.

 

Việc buôn bán ở chợ Bến Thành vẫn ổn định cả khi quân đội Nhật vô Việt Nam. Gian hàng bán giày dép của gia đình bác Phú vẫn có khách Tây và khách Nhật đến mua bán, mà khách Nhật chủ yếu là những người lính. Rồi người Nhật lật đổ Pháp, sau đó phi cơ Đồng minh tấn công quân Nhật. Chính quyền thành phố Sài Gòn hướng dẫn người dân tập luyện cách di tản để tránh bom đạn, biết cách đến những khu có sẵn hầm trú bom. Lúc đó có những lần báo động cả ngày và đêm.

 

Đến một đêm phi cơ Đồng minh bay vô thành phố và thả xuống ba trái bom gần Xã Tây. Dân chúng Sài Gòn phần lớn tản cư ra khỏi thành phố.

 

Hình : https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/69fddb9d-3a9b-43a1-840b-10d2e77305b8.jpg

 

Chợ Bến Thành tạm đóng cửa, ngưng buôn bán khi các sự kiện đó dồn dập tới. Các tiểu thương trong chợ được thông báo phải di chuyển hết hàng hóa của mình ra khỏi chợ trong vòng 24 giờ để tổ chức kháng chiến đốt chợ theo chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”. Chợ bị phóng hỏa, một số chỗ phía ngoài bị cháy. Bên trong nhà lồng cũng xơ xác. 

 

Khi Pháp trở lại chiếm đóng Sài Gòn, chính quyền yêu cầu các chủ gian hàng tùy theo diện tích mà đóng góp để phục hồi chợ. Trong khi chuẩn bị tiến hành phục dựng, chợ hoàn toàn đóng cửa. Các tiểu thương xin phép dựng các lều trại quanh chợ để buôn bán.

 

Trước đây, khi chợ hoạt động bình thường, hai bên hông chợ là hai bến xe đò chạy tuyến miền Đông và miền Tây trên đường Schroeder và Viennot (Phan Bội Châu). Lúc trùng tu lại chợ, hai bên đường được ngăn lại một phần để tiểu thương buôn bán, một phần đường vẫn là bến xe cho đến khi chợ được xây dựng lại. Những ai góp vốn thì được nhận lại diện tích gian hàng của mình để tiếp tục kinh doanh, ai không có khả năng đóng góp thì phần diện tích đó được đem đấu giá cho chủ mới.

 

Gia đình bác Phú vì không chạy kịp khiến gian hàng bị đốt cháy hết hàng hóa nên không có tiền đóng góp, coi như mất sạch tài sản. Mẹ bác Phú dựng lên một sạp nhỏ ngay giữa đường Schroeder trước mặt tiệm vàng Nguyễn Thế Tài để bán guốc cho đến khi giải tỏa con đường.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/2e3535c1-9adc-4ded-8fc5-75e5cb3b875e.jpg

Chợ Bến Thành (ảnh từ trên xuống) do Eli Lotar (1905 - 1969) chụp năm 1938. Nguồn: manhhai flickr.

 

Bác Phú nhớ lại lúc ấy là con nít, thích chạy chơi từ sạp guốc của mẹ ra bến xe đò đế ngắm các bạn hàng và lơ xe khiêng hàng hóa lên mui. Do  chiến tranh, hầu hết xe hơi đều chuyển sang chạy bằng than. Các bác lơ đốt than từ sáng sớm, đợi khách đầy xe, hàng hóa đầy mui thì xe mới lăn bánh. Hồi đó dân tình còn chất phác, không có chuyện lơ xe níu kéo khách, tranh giành nhau như sau này.

 

Các xe xếp hàng thứ tự từng chiếc, đợi đủ khách thì khởi hành. Nói là xe chạy bằng than, chứ thực ra lúc đầu còn có than để chạy, về sau không còn than thì xe chạy bằng... củi đòn (vì chỉ củi đòn mới có nhiều than và lâu tàn). Nhờ câu chuyện này, bác Phú biết chắc là từ thập niên 1940 đã có xe chạy bằng than, do tình trạng chiến tranh mà nghĩ ra, chứ không phải xe than xuất hiện từ thời bao cấp thập niên 1980.

 

Mẹ của bác Phú, từ bà chủ một cơ ngơi bề thế ở ngôi chợ lớn nhất miền Nam đã lụi tàn dần tài sản vì chiến tranh. Cuối cùng, bà rời ngôi chợ thân yêu để trở về chợ Xã Tài (chợ Phú Nhuận ngày nay) mở một tiệm cơm bình dân bán cho giới phu phen và người nghèo. Chợ Bến Thành của những năm thịnh vượng đầu thập niên 1940 với bà kết thúc từ đó. 

 

Phạm Công Luận




No comments:

Post a Comment

View My Stats