Saturday, 15 January 2022

CAM BỐT TRONG VAI TRÒ CHỦ TỊCH LẠI GÂY TRỞ NGẠI CHO HOẠT ĐỘNG BÌNH THƯỜNG CỦA KHỐI ASEAN (Trọng Nghĩa - RFI)

 



Cam Bốt trong vai trò chủ tịch lại gây trở ngại cho hoạt động bình thường của khối ASEAN

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 14/01/2022 - 14:41

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220114-cam-b%E1%BB%91t-trong-vai-tr%C3%B2-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-l%E1%BA%A1i-g%C3%A2y-tr%E1%BB%9F-ng%E1%BA%A1i-cho-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-b%C3%ACnh-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%E1%BB%A7a-kh%E1%BB%91i-asean

 

Theo chương trình dự kiến, lẽ ra trong hai ngày 18-19/01/2022, hội nghị thường niên quan trọng của các ngoại trưởng 10 nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN sẽ mở ra tại thủ đô Cam Bốt, nước nắm quyền chủ tịch luân phiên trong năm nay. Thế nhưng, hôm 12/01 vừa qua, bô Ngoại Giao Cam Bốt bất ngờ loan báo việc hội nghị bị dời lại vì nhiều ngoại trưởng không thể đến Phnom Penh. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/1b8e1622-6c5a-11ec-923f-005056a97e36/w:1024/p:16x9/AP21301504042995.webp

Ảnh chụp màn hình lễ bế mạc trực tuyến của Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), 27/10/2021. Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen ở chính giữa màn hình. AP

 

Theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cam Bốt đã giải thích rằng cuộc họp bị hủy bỏ vì “nhiều ngoại trưởng ASEAN đang gặp khó khăn trong việc đi lại để đến tham gia”, nhưng từ chối không trả lời câu hỏi về việc ngoại trưởng nước nào không đến được. 

 

Theo chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 13/01, nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Cam Bốt năm 2022 này không thể khởi đầu một cách tồi tệ hơn. Nguyên nhân, theo tờ báo Nhật, gần như chắc chắn là có liên quan đến sự chia rẽ trong khối về cách đối phó với cuộc khủng hoảng tại nước thành viên Miến Điện sau khi quân đội đảo chính để lên cầm quyền vào năm ngoái, và nhất là thái độ bất bình của một số thành viên đối với quyết định của Cam Bốt mời ông Wunna Maung Lwin, ngoại trưởng của chính quyền quân sự Miến Điện đến tham gia hội nghị ngoại trưởng ASEAN. 

 

Ngay sau khi lên nắm quyền chủ tịch ASEAN, chính phủ Cam Bốt đã nêu rõ quan điểm hòa dịu với chính quyền quân sự Miến Điện, đi ngược hẳn lập trường cứng rắn mà toàn khối ASEAN đã thể hiện vào năm ngoái dưới quyền chủ tịch của Brunei, vốn đã thống nhất ý kiến trên việc loại các đại diện chính trị của quân đội Miến Điện ra khỏi các cuộc họp của ASEAN. 

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã tuyên bố công khai rằng chính quyền quân sự Miến Điện, với tư cách thành viên của “gia đình” ASEAN, nên được tham gia cuộc họp của khối. Ông Hun Sen thậm chí còn đích thân công du Miến Điện trong hai ngày và hội đàm trực diện với tướng Min Aung Hlaing, người lãnh đạo cuộc đảo chính.  

 

Đối với giới phân tích, hành động của ông Hun Sen đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa chính quyền quân sự Miến Điện, và nhất là hủy bỏ các nỗ lực của quốc tế, trong đó có ASEAN nhằm cô lập tập đoàn quân sự Naypyidaw buộc họ phải nhượng bộ. 

 

Đối với The Diplomat, chuyến thăm Miến Điện của ông Hun Sen là tín hiệu cho thấy là Cam Bốt chấp nhận chế độ quân sự. Một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp giữa thủ tướng Cam Bốt và tướng Min Aung Hlaing đã ghi nhận nhân vật này “thủ tướng” của Miến Điện.  

 

Các quốc gia ủng hộ nhất việc chính quyền quân sự bị loại trừ khỏi các cuộc họp ASEAN - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Brunei - đã phản đối với mức độ khác nhau cách tiếp cận của Cam Bốt. 

 

Trong một lời nhắc lịch sự nhưng rõ ràng trước chuyến công du của Hun Sen vào tuần trước, tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng quan điểm của Indonesia vẫn không thay đổi :

Nếu không có tiến bộ đáng kể nào về việc thực thi bản đồng thuận (của ASEAN về Miến Điện)”,thì“Miến Điện chỉ nên được đại diện bởi những nhận vật phi chính trị tại các cuộc họp ASEAN.

 

Tuy nhiên, một số thành viên khác lại có dấu hiệu ủng hộ lập trường của Cam Bốt. Theo một tuyên bố được đưa ra sau chuyến thăm Việt Nam vào đầu tuần này, thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã “bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò và nỗ lực của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, trong việc tìm kiếm các cách thức và phương tiện để giải quyết tình hình ở Miến Điện”. Việt Nam và Thái Lan cũng được biết là đã từng tỏ ý hoài nghi về đường lối cứng rắn hơn do Indonesia và Malaysia chủ trương, và có lẽ ủng hộ lập trường hiện tại của Phnom Penh. 

 

Đối với The Diplomat, việc hoãn cuộc họp cho thấy mức độ vết rạn nứt mà khủng hoảng của Miến Điện đã mở ra trong ASEAN, chạy dọc theo đường phân chia biển - đất liền của khu vực.  

 

Điều đáng nói là trong hai lần làm chủ tịch ASEAN gần đây, Cam Bốt đều là nước đã gây biến động trong ASEAN. Lần trước đây, vào năm 2012, chính thái độ theo đuôi Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông của Phnom Penh đã khiến hội nghị ngoại trưởng ASEAN không ra được tuyên bố chung, lần đầu tiên trong lịch sử của mình. 

 

-------------------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

PHÂN TÍCH

Chuyến thăm của Hun Sen có thể phá hỏng nỗ lực của ASEAN về Miến Điện

CAM BỐT - MIẾN ĐIỆN

Miến Điện: Cam Bốt chủ trương cách tiếp cận mới trong vai trò chủ tịch ASEAN

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats