Ca
khúc Xuân nào cho Sài Gòn hôm nay?
Lê Mạnh Nam - Saigon Nhỏ
18 tháng 1, 2022
https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ca-khuc-xuan-nao-cho-sai-gon-hom-nay/
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/Hieu-Do-1024x684.jpg
Ảnh: Hieu
Do/Unsplash
Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nhâm Dần 2022.
Cho dù buồn bã và chán ngán mấy do dư chấn COVID-19, bạn bè vẫn gửi nhau những
link nhạc Xuân mời nghe cho quên đi những muộn phiền năm cũ.
Nhìn vào trang nhạc Zing MP3 đang được
ưa chuộng tại Việt Nam hiện nay, thấy xuất hiện album Nhạc Xuân hay nhất mới
cập nhật gồm 28 bài. Điểm qua bảng tuyển chọn, bất ngờ thấy họ chọn Con
bướm Xuân của Hồ Quang Hiếu và Chúc Tết của Nguyễn Ngọc
Thiện, hai ca khúc nhạc Hoa lời Việt, chỉ muốn với tay mở bài Chán nản của
Văn Phụng nghe. Nhìn tiếp, may mắn thấy Xuân và Tuổi Trẻ của
La Hối, thơ Thế Lữ, ca khúc xuất sắc có từ thập niên 1940 và Mùa Xuân Đầu
Tiên của Văn Cao, ca khúc có số phận long đong như chính thân phận hẩm
hiu của tác giả Tiến quân ca sau vụ Nhân Văn Giai phẩm hồi giữa
thập niên 1950. Tác giả Quốc ca Việt Nam đã viết Mùa Xuân Đầu
Tiên năm 1976, được đăng báo nhưng chính quyền ngấm ngầm không cho
phép lưu hành. Mãi đến đầu thập niên 1990 khi Việt Nam bắt đầu giai đoạn đổi mới,
người yêu nhạc mới được biết đến Mùa Xuân Đầu Tiên với nét nhạc
u hoài theo tiết nhịp 6/8.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/boloamoinhat-1024x682.jpg
Minh họa: Pixabay
Ca khúc của các tác giả Nhạc vàng trước năm
1975 vẫn giữ được sức hấp dẫn đối với người yêu nhạc hôm nay, chiếm gần nửa bảng
tuyển chọn với Câu Chuyện Đầu Năm của Hoài An, Xuân Họp
Mặt của Văn Phụng, Xuân Đã Về và Cánh Thiệp Đầu
Năm của Minh Kỳ, Đón Xuân và Ly Rượu Mừng của
Phạm Đình Chương, Chuyện Ngày Cuối Năm của Song Ngọc, Mùa
Xuân Đó Có Em của Anh Việt Thu, Xuân Đẹp Làm Sao và Đoản
Ca Xuân của Thanh Sơn, Điệp Khúc Mùa Xuân của Quốc
Dũng.
Những tác giả từng được hưởng nền giáo dục
khai phóng của miền Nam góp mặt với Hoa Cỏ Mùa Xuân của Bảo Chấn, Mùa
Xuân Ơi của Nguyễn Ngọc Thiện và Dịu Dàng Sắc Xuân của
Nguyễn Nam. Những tác giả miền Bắc vào Nam, được đất Sài Gòn dung dưỡng và tạo
được tên tuổi có Dương Thụ với Lắng Nghe Mùa Xuân Về và Thanh
Tùng với Lời Tỏ Tình Mùa Xuân.
Những tác giả trẻ thế hệ 1970 đang được giới
trẻ yêu mến có Đức Trí với Nắng Có Còn Xuân, Ngọc Châu với Chiều
Xuân và Thì Thầm Mùa Xuân, Huy Tuấn với Khúc Giao
Mùa, Anh Quân với Phút Giao Thừa Lặng Lẽ (viết chung với
Huy Tuấn), Võ Hoài An với Bên Em Mùa Xuân, Quang Huy với Ngày
Xuân Long Phụng Sum Vầy, Châu Đăng Khoa (trẻ) với Như Hoa Mùa Xuân.
Những ca khúc của nhóm tác giả này đã tạo nên
thành công cho chương trình “Làn Sóng Xanh” hồi cuối thập niên 1990. Hội Âm nhạc
và Đài phát thanh TP.HCM thường tự hào về chương trình “Làn Sóng Xanh” và cho rằng
những ca khúc này đã đánh bại và thay thế các ca khúc Sài Gòn trong lòng dân
chúng. Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng. Chỉ vài năm sau, nhạc Boléro âm thầm trỗi
dậy, tiếp tục làm mê hoặc những người yêu nhạc thế hệ mới. Nhiều ca sĩ trẻ đã
chọn nhạc Boléro làm điểm xuất phát.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/flower-g0c40a0042_1920-1024x575.jpg
Minh họa: Pixabay
Zing MP3 chưa đủ tầm của một tổ
chức xếp hạng, phê bình âm nhạc, điều đó thể hiện rõ qua Album Nhạc
Xuân hay nhất do họ tuyển chọn không thể hiện đầy đủ nét đẹp và sự
phong phú của âm nhạc Việt Nam. Chắc chắn hai bài, Con Bướm Xuân và Chúc
Tết không xứng đáng có mặt trong bảng tuyển chọn. Bên cạnh đó thiếu rất
nhiều tên tuổi lớn, có thể kể:
Phạm Duy với Xuân Ca, Xuân
trong tôi đã khơi trong một đêm vui. Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón
cha mẹ về…
và Hoàng Trọng với Hoa Xuân, Vườn
xuân hoa thắm muôn màu tươi phô tưng bừng. Từng đàn bướm dập dìu như chào mừng.
Album Nhạc Xuân hay nhất của
Zing cho thấy sự eo sèo của sinh hoạt âm nhạc Việt Nam hôm nay. Sau hơn 46 năm,
vẫn chưa có bài hát Việt nào sánh ngang tầm với ca khúc Nhạc vàng đã có từ sáu
bảy chục năm trước. Giới showbiz Việt giờ chỉ giỏi khoe chuyện mèo chuột trên
Facebook. Các nhà sản xuất cũng không sáng tạo điều gì mới. Họ chỉ tìm lại những
bài hát xưa, phối remix đáp ứng cho thị hiếu của một bộ phận giới trẻ thời thượng.
Để tìm bài hát Mùa Xuân cho Sài Gòn hôm nay quả thật
khó. Người Sài Gòn hôm nay cần mùa Xuân nào? Người
Sài Gòn cần mùa Xuân yêu thương, đầm ấm bên gia đình. Trong khi một số cư dân
Sài Gòn, Xuân này muốn về quê nhà vui Tết thì chính quyền địa phương không chào
đón họ. Một số nơi như Thanh Hóa phát hành Thư Ngỏ vận động, khuyến cáo người
dân đi làm ăn xa không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thực sự cần thiết!
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/xuan33.jpg
Hình bìa Xuân Họp Mặt
Một hôm nhận được phone của người bạn ở
California. Bạn nói: “Nhớ Sài Gòn quá, Tết này muốn trở về để nắm lấy bàn
tay người thân, bạn bè nhưng chắc đành gác lại niềm nhớ.” Bạn giải thích
thêm: Về Sài Gòn lúc này tốn kém nhiều vì những lý do không đâu. Giá vé tăng gần
gấp ba lần, đã tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn lo ngại bị cách ly, rồi các chi phí
“vô hình” khác nữa! Tất cả niềm nhớ ấy đành nén lại, gửi về Một chút
quà cho quê hương như Việt Dzũng đã từng hát; và tạ lỗi với mọi người
với ca khúc Xuân này con không về của Trịnh Lâm Ngân. Tôi nói
với bạn: “Bạn yên tâm, mọi người sẽ hiểu”. Nhớ thương, bạn hãy gọi về
cho gia đình, bạn bè nói lời ân cần, cầu nguyện cho nhau được bình an là quý rồi.
Nếu chọn bài Xuân cho Sài Gòn hôm nay, tôi chọn Xuân
Họp Mặt của Văn Phụng, khúc Rondo hy vọng, Xuân đã về,
xuân vẫn mơ màng trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang. Xuân đã về, xuân vẫn
huy hoàng trong gió ngàn mừng đón xuân sang. Chúng ta hãy nâng
phím đàn cùng hát ca, đón xuân sang. Mừng một ngày gần nhau, cùng mừng xuân mới.
No comments:
Post a Comment