Friday, 7 January 2022

BIẾT THÊM TỪ "CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM" / PHẦN 5, PHẦN 6, PHÂN 7, PHẦN CUỐI (Nguyễn Đình Cống)

 



Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 5)

Nguyễn Đình Cống

03/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/03/biet-them-tu-chinh-de-viet-nam-phan-5/

 

9- Phần III (B): Cơ sở hạ tầng vô tổ chức

 

Đó là sự kém tổ chức ở nông thôn dưới Triều Nguyễn, đặc biệt là các làng xã ở phía Nam, từ Thừa Thiên trở vào dân cư sống rải rác. Đúng ra dân cư phải sống tập trung. Sự tản mát của làng gây tai hại về quốc phòng, nhân sinh, xã hội, văn hóa, kinh tế (ý mới).

 

Sự đô hộ của Pháp đã gây ra ba thảm họa. Một là Tây phương hóa bắt buộc. Bị bắt buộc vì dân chúng không muốn, không có kế hoạch, không được hướng dẫn. Vì bị bắt buộc nên lợi ít, hại nhiều. Hai là xã hội bị tan rã, giá trị tiêu chuẩn cũ đã mất mà giá trị tiêu chuẩn mới không có, xã hội không còn biết tin váo cái gì, tin vào ai. Ba là sự gián đoạn trong lãnh đạo quốc gia.

 

Tùng Phong viết: “Quan niệm quét sạch tàn tích trước để xây dựng tương lai là rất ấu trĩ của quần chúng không được huấn luyện về văn hóa. Không người lãnh đạo có lương tri nào, kể cả những người cách mạng cuồng nhiệt nhất có quyền nuôi một ý tưởng như vậy. Bởi vì không có hành động nào có hại cho một dân tộc bằng hành động quét sạch tàn tích trước để xây dựng tương lai (trùng ý, ngưng bình luận).

 

Rồi chuyện phân chia lãnh thổ. Đó là một trở lực lớn của phát triển. Dân cả hai miền đều cảm nhận sự phân chia này như là một phần của tổ tiên bị cưỡng đoạt. Họ đều có mong ước được thống nhất. Phân chia lần này khác với phân chia Trịnh Nguyễn về mục đích cũng như đường lối về quản trị và phát triển xã hội. Tùng Phông nhận đinh: “Một sự thống nhất không thể nào thực hiện được mà không mang đến những trạng huống đau khổ cho toàn dân, bởi vì một sự thống nhất như vậy sẽ tạo ra một số người thất cước là phân nửa dân tộc trong một thế hệ”. (Thất cước: mất chân).

 

Về nguyên nhân của sự phân chia, Tùng Phong viết: “Từ chính sách thuộc địa thiển cận của Pháp và sự không thấu triệt vấn đề của một số nhà lãnh đạo của chúng ta, chẳng những tạo ra một cuộc tranh giành độc lập vô cùng tiêu hao, lại còn dẫn đến tình trạng phân chia ngày nay, một trở lực vô cùng tai hại cho công cuộc phát triển dân tộc”.

 

Sự không thấu triệt ở chỗ không biết lợi dụng mâu thuẫn của khối Cộng sản và Tây phương để đưa VN ra khỏi vòng ảnh hưởng của hai khối – (Trùng ý).

 

Vấn đề quan trọng là phát triển. Vậy phải thống nhất trước rồi phát triển sau hay là hai miền cứ phát triển rồi thống nhất sau.

 

Để thống nhất trước thì sẽ tiêu hao nhiều sinh lực của dân tộc đáng lẽ để phát triển. Nếu thống nhất do Bắc Việt thực hiện thì không tránh khỏi sự chi phối của Trung Cộng và rồi họ sẽ thực hiện được dã tâm. Nếu thống nhất do Nam Việt thực hiện thì cũng bị Tây phương chi phối.

 

Khi hai miền đều phát triển trong hòa bình, đến lúc phát triển đủ cao thì sẽ thống nhất. Phương án này cũng gặp trở ngại là hai miền sẽ phát triển theo ý thức hệ khác nhau. Tuy vậy có nhiều khả năng khắc phục được vì VN theo sát Nga Xô mà khi Nga Xô phát triển cao thì quan niệm về CS của họ sẽ thay đổi để gần với văn minh nhân loại.

 

10- Phần III (C): Vai trò của Miền Nam

 

Tuy đầu đề như thế nhưng nội dung chỉ có một đoạn đầu nói về vai trò của Miền Nam. Đó là trong khi Miền Bắc chịu áp lực của Trung Cộng thì còn có Miền Nam.

 

Tùng Phong viết: “Các nhà lãnh đạo miền Bắc khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi phát triển của chúng ta mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc… Giả sử Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính thì sự Trung Cộng thôn tính VN chỉ là một vấn đề thời gian. Trong hoàn cảnh hiện nay, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa đảm bảo một lối thoát cho các nhà lãnh đạo CS, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Xô”.

 

Tiếp theo, Tùng Phong trình bày vài ý kiến về vốn nhân lực, về khuôn khổ chính trị của miền Nam. Rồi ông đi sâu phân tích về phương pháp độc tài đảng trị của CS. Sau khi trình bày, đánh giá phương pháp, ông nhận xét về Nga Xô, nước này đã TPH theo phương pháp độc tài đảng trị, tuy có đạt một số thành tích, nhưng không thể bảo đảm được sự thành công của việc phát triển dân tộc toàn diện.

 

Tùng Phong trình bày tiếp về vấn đề “Thăng bằng động tiến” (Giữ cân bằng trong phát triển, trong hoạt động). Đây là vấn đề nặng về lý thuyết. Rồi ông phân tích các nhược điểm của miền Nam ảnh hưởng đến sự phát triển như là dân số ít, người dân thiếu tính khí (ý chí, bản lĩnh), vô tổ chức. Ông trình bày tiếp về tổ chức quần chúng và tổ chức chính trị, cách tổ chức và sự hoạt động, vai trò của các tổ chức đó trong xã hội. Đoạn cuối ông trình bày về vốn tài nguyên, về nhu cầu dài hạn của tập thể, về đóng góp trang bị kỹ nghệ.

Bình luận: Phần này Tùng Phong viết quá lan man.

 

11- Phần III (D): Đường lối phát triển

 

Mỗi quốc gia có đường lối phát triển riêng, không giống nhau. Tùng Phong viết: “Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo là tìm cho được các yếu tố quy định đường lối phát triển thích nghi với dân tộc… Chủ trương một đường lối phát triển riêng cho dân tộc không có nghĩa là phủ nhận những kinh nghiệm của các quốc gia đã đi trước và phủ nhận những điều tương đồng trong công cuộc phát triển của các quốc gia. Trái lại chỉ có sự nghiên cứu các kinh nghiệm phát triển, ở mọi nơi, mới tạo đủ điều kiện cho các nhà lãnh đạo…”

 

Đầu tiên, ông đưa ra mục tiêu về kinh tế, cho rằng: “Mục tiêu càng cao sự đóng góp của nhân dân càng nặng, thời gian càng ngắn sự gian nan của nhân dân càng sâu đậm”. Rồi ông dẫn ra trường hợp Trung Cộng. Họ đã lợi dụng được mâu thuẫn giữa phương Tây và Nga Xô để phát triển, nhưng vì mộng xâm lăng và những sai lầm mà họ đã đẩy nhân dân vào những thảm họa.

 

Trường hợp Việt Nam, Tùng Phong cho rằng VN không gặp những khắc nghiệt như Trung Quốc, nếu biết lợi dụng mâu thuẫn giữa Nga Xô và phương Tây thì trong 20 năm vừa qua đã có được sự phát triển đáng kể.

 

Lãnh đạo VN vẫn không thoát khỏi tâm lý thuộc quốc. Đã có điều kiện thuận lợi để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa, đặc biệt là văn hóa, nhưng, theo Tùng Phong thì “Các nhà lãnh đạo CS Bắc Việt không tỏ ra ý thức tính cách quan trọng của cơ hội này… Từ hai mươi năm nay cơ hội phát triển đã đến với chúng ta, nhưng chúng ta chưa nắm được. Từ mười năm nay Bắc Việt chưa thực hiện được những mục tiêu phát triển đáng kể. Các thực hiện phát triển của Nam Việt đều bị du kích quân của Bắc Việt phá hoại… Như thế thì, các nhà lãnh đạo của chúng ta có phải đã đi đúng hướng hay không”.

 

Bình luận: Tùng Phong cho rằng VN không gặp những khắc nghiệt như Trung Quốc. Không gặp khắc nghiệt này thì lại gặp thứ khác khắc nghiệt hơn. Đó là trong khi Nga Xô và Trung Cộng xem CS chỉ là lý thuyết để đấu tranh thì lãnh đạo CS Bắc Việt xem nó là chân lý và tôn thờ như một Giáo lý.

 

                                                               ***

 

Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 6)

Nguyễn Đình Cống

04/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/04/biet-them-tu-chinh-de-viet-nam-phan-6/

 

12- Phần IV (A): Một lập trường thích hợp với các nhận xét trên

 

Biết được thực trạng và nguyên nhân rồi, nhưng để giải quyết vấn đề còn nhiều chuyện phức tap. Trước hết là “Vấn đề lãnh đạo”. Một bên theo thể chế dân chủ, pháp quyền, bên kia theo thể chế độc quyền đảng trị.

 

Bên dân chủ theo phương châm “thăng bằng động tiến”. Khi sự thăng bằng này bị phá vở đòi hỏi một sự lãnh đạo phi thường để tái lập. Nước Anh và Mỹ là những quốc gia điển hình, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt đã chiến thắng được những khuynh đảo phát sinh từ nội bộ cũng như từ ngoài đưa vào.

 

Tùng Phong đã phân tích tình hình lịch sử các nước Đức, Pháp, Nga, Nhật về việc xử lý khi sự thăng bằng bị phá vở. Với VN, Tùng Phong viết: “Trong trường hợp VN không thể đặt vấn đề quan niệm lãnh đạo và chính thể mà không đề cập đến vấn đề CS được, vì chính là nhân danh quan niệm lãnh đạo CS mà cuộc tương tàn đã diễn ra trên mãnh đất này…”

 

Tiếp đến Tùng Phong trình bày khá dài về Thuyết CS. Nó được phát sinh như thế nào, đã biến thành lợi khí của nước Nga, đã nhập cảng vào châu Á và VN. Rồi ông bàn về tác dụng của lý thuyết CS. Ông viết: “Chính là điều kiện gian lao của cuộc chiến giành độc lập đã đưa một số nhà lãnh đạo các quốc gia Á châu bị tây phương chinh phục đến chỗ đồng minh với CS… Tuy nhiên cũng đã có nhiều người sáng suốt nhìn thấy… những căn bản giả tạo của thuyết CS để từ chối đồng minh với Nga Xô… Chính là sự đồng minh với CS của một số lãnh đạo của chúng ta đã làm cho công cuộc giành độc lập trở thành vô cùng tiêu hao sinh lực của dân tộc (trùng ý).

 

Đại diện cho phương pháp CS là Nga Xô, nhưng họ đang tiếp tục một sự thăng bằng giả tạo. Xã hội Tây phương là hình thức xã hội thích nghi với thực tế, Nhật Bản ngày nay là một chứng cứ hùng biện.

 

Lý thuyết CS có nhiều phản tác dụng. Tùng Phong viết: “Mục đích cuối cùng của mọi cuộc tranh đấu là vì quyền lợi của dân tộc… Sự quy phục thuyết CS sẽ đương nhiên biến sự đe dọa, thống trị của nước Tàu đối với VN thành thực tế… Chỉ nghĩ đến cái viễn ảnh ngàn năm lệ thuộc Trung Cộng mà các nhà lãnh đạo CS Miền Bắc đang sửa soạn cho dân tộc chúng ta phải khiếp đảm, thoáng nhìn vận mệnh cực kỳ đen tối cho các thế hệ tương lai”.

 

Cộng sản đang tạm thời hoành hành ở châu Á nhưng đã bắt đầu suy nhược ở Tây phương.

 

13- Phần IV (B): Tư tưởng, phương pháp và hình thức

 

Loại trừ CS có nghĩa là loại trừ tư tưởng, phương pháp và hình thức của nó ra ngoài mọi lĩnh vực đời sống.

 

Quan trọng bậc nhất là bộ máy lãnh đạo, Tùng Phong viết: “Thừa hưởng văn minh cổ Hy Lạp và La Mã, sau hơn một ngàn năm kinh nghiệm với các vấn đề lãnh đạo, đức tính chính xác về lý trí, minh bạch ngăn nắp trong tổ chức của Tây phương đã góp vào di sản văn minh nhân loại một hình thức của bộ máy lãnh đạo, hình thức Dân chủ pháp quyền có nhiều khả năng duy trì và phát triển trạng thái thăng bằng động tiến của cộng đồng”

 

Theo Tùng Phong thì bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm: 1-Sự liên tục lãnh đạo quốc gia. 2-Sự chuyển quyền hòa bình. 3- Sự thay đổi người lãnh đạo. 4- Nguyên tắc thăng bằng động tiến.

 

Ngoài ra còn phải bảo đảm: 5- Sự lãnh đạo quốc gia mở rộng, đào tạo nhiều người lãnh đạo. 6- Sự kiểm soát người cầm quyền. 7- Sự hữu hiệu của chính quyền.

 

Sự liên tục đạt được với ba điều: Một là đổi mới người lãnh đạo lúc cần và cả lúc bình thường, miễn là không tạo ra hỗn loạn. Hai là sự chuyển quyền được diễn ra bình thường. Ba là hình thức tổ chức tượng trưng cho liên tục lãnh đạo quốc gia vừa thể hiện trong thực tế. Để thỏa mãn điều thứ ba, các nước dùng nhiều hình thức khác nhau, nhưng chung quy về bốn loại: Ở Pháp Quốc trưởng là Tổng thống, ở Mỹ cao nhất là Pháp viện tối cao, ở Nga là Đảng CS, ở các nước quân chủ là Vua và Hoàng gia ( như Anh, Nhât…). Trong các loại thì hình thức Đảng CS là kém hơn cả.

 

Theo Tùng Phong, với VN, trong bốn hình thức trên chúng ta không áp dụng được hình thức nào cho có hiệu quả. Ông đề nghị: “Chúng ta có thể đặt ra một Thượng Hội Đồng Quốc Gia gồm những người có công với Tổ quốc và thấu triệt các vấn đề lãnh đạo quốc gia… Thượng Hội đồng sẽ bầu ra một Quốc trưởng ở trong hay ngoài hàng ngũ của mình… Điều kiện thay đổi người lãnh đạo được thực hiện bằng cách giao quyền hành pháp cho một Thủ tướng, chọn trong những người lãnh đạo của hai đảng chính trị. Thủ tướng do Quốc trưởng bổ nhiêm” – (trùng ý).

 

Hai yếu tố chính trong trạng thái thăng bằng động tiến là quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể. Tùng Phong viết: “Hai đảng chính trị đặt cho mình, một bên, mục đich là bảo vệ quyền lợi tập thể, bên kia bảo vệ quyền lợi cá nhân. Hai đảng thay nhau lãnh đạo Quốc gia dưới sự kiểm soát tương phản. Các nhà lãnh đạo hai đảng thay nhau nắm quyền hành pháp. Đảng cầm quyền đương nhiên được Quốc gia cung cấp chi phí hoạt động. Đảng đối lập cũng được Quốc gia cung cấp phương tiện hoạt động. Đại diện của hai đảng thi hành nhiệm vụ của mình ở Nghị trường, chủ yếu là lập pháp và kiểm soát hành pháp… Nhiệm vụ lập pháp phải giao cho một tổ chức lập pháp chuyên môn, gồm những nhà luật học về Hiến pháp và Luật pháp. Tổ chức nghị trường có thể đề nghị dự án luật, phản đối hay chấp nhận dự án luật (ý mới về mục đích của hai đảng, trùng ý về việc làm luật).

 

Sự kiểm soát trong nội bộ bằng phê bình và tự phê bình không thể nào chu đáo được – (trùng ý).

 

Bình luận: Tiếc cho Tùng Phong chưa biết đến bộ máy lãnh đạo gồm Đảng, Chính quyền, Mặt trận. Nếu biết thì không khéo ông bị loạn trí mà không nghĩ ra được Thượng Hội đồng Quốc gia. Chao ôi! Một bộ máy nặng nề, kém hiệu quả, lãng phí như vậy mà người ta vẫn duy trì, vẫn xưng tụng thì không biết trí tuệ của họ nằm ở đâu. Đảng cầm quyền chủ yếu chỉ trong Hành pháp, tư pháp phải hoàn toàn độc lập, còn đảng cầm quyền tham gia Lập pháp đến đâu, còn tùy tương quan trong Quốc hội (hết bình luận).

 

Tùng Phong trình bày về “Kỷ luật quốc gia”. Nó rất cần thiết. Nhân sự trong các cơ quan chính quyền phải có trách nhiệm, có đủ khả năng. Kỷ luật với nhân dân có hai loại là tự giác và cưỡng bách được ở trong trạng thái thăng bằng động tiến. Độc tài của CS là dạng thăng bằng chết. Phải làm sao tăng được tự giác thì mới có khả năng làm chủ vận mạng.

 

Tiếp đến, Tùng Phong bàn về Bộ máy quần chúng [đã có bàn qua ở Phần III (C)]. Ông viết: “Xã hội chúng ta ngày nay, sau thời Pháp thuộc, bị tan rã. Các tín hiệu tập hợp không còn. Các nhà lãnh đạo, để quy tụ quần chúng, hoặc khai thác mê tín, ở đâu cũng có, của quần chúng, hoặc áp dụng một chính sách độc tài cưỡng bách. Khai thác mê tín sẽ dẫn dắt đến một ngõ không lối thoát”.

 

Bình luận: Tùng Phong đã không biết đến, một thời kỳ (1945-1954) dân Việt theo CS đã tập hợp rất mạnh dưới ngọn cờ của Hồ Chí Minh với khẩu hiệu ‘Yêu nước, đấu tranh cho Độc lập’. Chỉ đến khi làm cải cách ruộng đất trở đi thì xã hội mới bị tan rã trở lại. Nhưng nếu cho rằng, thuyết CS là một thứ mê tín thì hiện nay CS đang sử dụng thứ mê tín đó kết hợp với độc tài cưỡng bách (ngưng bình luận).

 

Thời thuộc Pháp xã hội chúng ta chủ yếu là vô tổ chức. Tùng Phong đưa ra thí dụ về tác hại do trình độ vô tổ chức đem lại. Tiếp đến ông trình bày khá dài về: + Tác dụng của tổ chức quần chúng (mà ngày nay thường gọi là Tổ chức xã hội dân sự). + Làm thế nào để có tổ chức quần chúng. + Tổ chức quần chúng và tổ chức chính trị. + Các tổ chức quần chúng nông dân và công nhân. + Giáo dục quần chúng. + Nghiệp đoàn Tây phương.

 

Chế độ CS và chế độ Dân chủ đều cần các tổ chức quần chúng. Nhưng hai chế độ có mục đích khác nhau. CS nhằm đưa cá nhân vào khuôn phép, Dân chủ nhằm phát huy vai trò cá nhân.

 

Thường hay có sự nhầm lẫn giữa tổ chức chính trị và tổ chức quần chúng, đặc biệt CS thường lợi dụng tổ chức quần chúng để làm chính trị. Trong chế độ dân chủ pháp quyền vai trò của hai loại tổ chức được phân biệt rõ ràng.

 

Ở Tây phương các Nghiệp đoàn nguyên là các phường nghề nghiệp và ngày nay tổ chức nghiệp đoàn là một yếu tố quân bình quan trọng trong bộ máy quốc gia.

(Còn tiếp)

 

                                                            ***

 

Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 7)

Nguyễn Đình Cống

05/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/05/biet-them-tu-chinh-de-viet-nam-phan-7/

 

14- Phần IV (C): Nghiệp đoàn Việt Nam

 

Ở VN hiện nay nghiệp đoàn công nhân là một cái vốn tổ chức quần chúng rất quý. Nó có tổ chức quy củ, bén rễ sâu vào quần chúng. Những kinh nghiệm lãnh đạo về tổ chức và hoạt động của cán bộ là rất quý để phát triển các tổ chức quần chúng trong tương lai. Tuy vậy nó chưa giữ được vai trò quan trọng như ở Tây phương. Khi đã Tây Phương Hóa (TPH) thì nghiệp đoàn sẽ trở nên quan trọng hơn.

 

Với chúng ta, tổ chức quần chúng ở nông thôn rất quan trọng, nhưng nông dân kém có tinh thần tập thể, cho nên cần tổ chức họ lại trong những xóm làng tập trung, tổ chức đời sống trù mật cho nhân dân. Hình thức tổ chức quần chúng nông dân là hình thức của Hợp tác xã sơ đẳng với nhiệm vụ huy động nông dân thực hiện những công tác có lợi cho toàn thể. Đối với thị trường nông phẩm, một sự bảo vệ có hiệu quả chỉ có thể thực hiện được bằng những biện pháp kinh tế, tiêu thụ đúng lúc, bài trừ nạn cho vay nặng lãi.

 

Tùng Phong viết: “Trong một chế độ dân chủ pháp quyền, trách nhiệm tổ chức, điều khiển và quản trị của các tổ chức quần chúng phải thuộc về sáng kiến tư nhân… Nếu nguyên tắc này không được tôn trọng thì hậu quả sẽ là sự thất bại trong công cuộc tổ chức quần chúng”.

 

Về lĩnh vực kinh tế, Tùng Phong viết: “Chúng ta sẽ không nêu lên và bênh vực một thuyết kinh tế nào hết… Chúng ta phải TPH trong lĩnh vực kinh tế… Trước hết chúng ta cần tìm hiểu những nguyên tắc ngự trị các hệ thống kinh tế tây phương. Sau đó tìm hiểu những điều kiện của hoàn cảnh lịch sử của chúng ta đòi hỏi, trong lĩnh vực kinh tế, và sau cùng xây dựng một hệ thống kinh tế vừa tôn trọng các nguyên tắc, vừa thỏa mãn các điều kiện địa phương của chúng ta. Trước hết chúng ta chủ trương một thái độ chính trị đặt trên căn bản về trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể. Thái độ kinh tế phải thích nghi với thái độ chính trị và làm hậu thuẫn cho nó.”

 

Quyền sở hữu là bảo đảm hữu hiệu và cụ thể cho tự do cá nhân, nó phải được tôn trọng tuyệt đối.

 

Tùng Phong bàn sơ qua về cải cách điền địa, về sự tập trung công nghệ, rồi bàn về các đơn vị kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, đơn vị kinh tế là hộ gia đình. Trong sản xuất công nghiệp hiện đại, đơn vị kinh tế có thể là từng vùng. Dù như thế nào thì cũng phải tuyệt đối tôn trọng quyền sở hữu để bảo đảm quyền lợi và tự do của cá nhân, đồng thời phải giới hạn bằng luật pháp và thuế để bảo đảm công bằng xã hội và quyền lợi tập thể.

 

Về kinh tế chỉ huy: Nền kinh tế phải bảo đảm một số việc. Trước hết là sự kiểm soát của tập thể đối với các lực lượng sản xuất to tát và hùng hậu, bảo đảm trạng thái thăng bằng giữa quyền lợi tập thể và cá nhân. Kỹ nghệ quốc phòng, các kỹ nghệ có lợi ích công cộng phải đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của chính phủ. Thứ hai là sự phân phối phải bảo đảm công bằng, do tập thể đảm nhiệm và qua trung gian các cơ quan an ninh xã hội.

 

Trong tiến trình công nghiệp hóa càng cần có sự chỉ huy về kế hoạch huy động vốn, về thứ tự ưu tiên.

 

Tính chất và giới hạn của sự chỉ huy. Trước hết không được độc tài vì như thế chỉ mang đến tai họa cho dân tộc. Tùng Phong viết: “Sự chỉ huy kinh tế của chúng ta sẽ ở trong giới hạn lập các kế hoạch phát triển kinh tế, phân loại các khu vực cần được quốc hữu hóa, tạo hoàn cảnh thuận lợi, trang bị và kiểm soát. Công việc điều khiển và khuếch trương các doanh nghiệp không quốc hữu hóa phải được giao hoàn toàn cho sáng kiến, kỹ thuật và tư bản của tư nhân… Chính vì thế mà thực hiện được sự thăng bằng động tiến”.

 

Về lĩnh vực văn hóa. Nếu Tây phương hóa một cách bị cưỡng ép thì dễ gặp phải sự xung đột về văn hóa. Còn khi TPH chủ động, có hướng dẫn thì có thể tránh được. TPH gồm hai giai đoạn: Hấp thụ cái của họ và sáng tạo cái của mình.

 

Theo Tùng Phong: “Kỹ thuật tây phương tự nó là một ý thức rất bao quát và phong phú, việc hấp thụ nó là một công cuộc to lớn và khó khăn… phải được liên tục … và phổ biến ra quần chúng”.

 

Về chuyển ngữ: Để TPH cần giỏi ngoại ngữ, nhưng việc này chỉ có thể cho một số ít. Với đại đa số vẫn phải dùng tiếng Việt. Như vậy công cuộc phiên dịch các tài liệu ngoại quốc sang tiếng Việt là một nhân tố quan trọng. Ngoại ngữ được dạy chủ yếu trong nhà trường nên là tiếng Anh.

 

Tây phương hóa không được dừng lại ở mức hấp thụ mà phải sáng tạo. Sự sáng tạo của Tây phương là nhờ làm chủ được hai đức tính quý báu. Một là chính xác về lý trí, hai là ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức. Như vậy nếu chúng ta muốn TPH thì trước tiên phải rèn luyên hai đức tính đó. Tùng Phong viết: “Kỹ thuật của Tây phương ngày nay là kết quả một công cuộc rèn luyện kiên nhẫn của không biết bao nhiêu triệu người, trải qua không biết bao nhiêu thế hệ. Và nếp sống hàng ngày cùng với ngôn ngữ là những lợi khí sắc bén và duy nhất có thể giúp chúng ta rèn luyên hai đức tính trên”.

 

Về ngôn ngữ, ông nêu “Vấn đề chỉnh đốn Việt ngữ” và viết: “Trong giai đoạn chế ngự kỹ thuật tây phương, một ngôn ngữ có khả năng của một công cụ suy luận tinh vi, mới thiết yếu hơn. Như vậy thì việc chỉnh đốn Việt ngữ có thể xem là một việc không cấp bách chăng? Chắc là không. Bởi vì một ngôn ngữ chỉnh đốn xem như là một công cụ suy luận tinh vi, có thể thiết yếu nhiều hơn trong giai đoạn thứ hai của cuộc thâu nhập kỹ thuật tây phương. Nhưng điều mà chúng ta đòi hỏi nhiều nhất ở một ngôn ngữ chỉnh đốn là cái ảnh hưởng của nó đối với sự rèn luyện sự chính xác về lý trí”.

 

Theo Tùng Phong, Việt ngữ nghèo không thành vấn đề, bởi vì nếu chúng ta thiếu chữ để diễn tả một ý mới thì chúng ta đặt chữ mới (trùng ý). Tuy nhiên quy tắc đặt chữ mới mà ngôn ngữ nhiều nước có thì chúng ta chưa có. Nhưng đây là vấn đề làm giàu ngôn ngữ chứ chưa phải là chỉnh đốn.

 

Tùng Phong cho rằng viết văn có hai dạng là Khiêu ý và Kiến tạo (ý mới). Văn khiêu ý xuất phát chủ yếu từ trực cảm, thể hiện bằng mô tả, thường dùng để làm thơ, viết truyện, nó được mỗi người hiểu, cảm nhận theo cách của mình. Văn kiến tạo (tôi sửa lại, nguyên bản là Văn Kiến trúc) để diễn tả những vấn đề của lý trí (văn Nghị luân, Văn Khoa học), nó mới làm cho mọi người hiểu giống nhau. Ông phê phán các sách Ngữ pháp tiếng Việt, rồi đưa ra những đề nghi, làm thế nào để “Kiến tạo hóa”.

 

15- Phần IV (D): Việt ngữ và Hoa ngữ

 

Hoa ngữ ghi theo ý, tượng hình, gây khó khăn cho người Trung Quốc. Việt ngữ được La tinh hóa, ghi theo âm, là một bước của Tây phương hóa, là một ưu thế đối với Hoa ngữ, là một thuận lợi để văn hóa Việt không còn lệ thuộc văn hóa Tàu. Tuy vậy chúng ta không phủ nhận những kiến thức uyên thâm của văn hóa Tàu mà nhiều người Việt đã đạt được.

 

Một điều cũng rất quan trọng là “Tính khí” (tính cách). Tính khí của cá nhân thiết yếu cho cộng đồng hơn cả thông minh của trí óc (trùng ý). Vì chịu nhiều đảo lộn về giá trị nên tính khí dân tộc bị suy đồi, làm xã hội bị tan rã. Như vậy việc đào luyện tính khí cho cộng đồng phải bắt đầu bằng sự nêu lên các giá trị làm nền tảng cho đời sống. Tùng Phong trình bày một số vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn giá trị và thực luyện tính khí. Có thể ông biết đây là vấn đề quan trọng, nhưng có lẽ vì ông nghiên cứu chưa được sâu nên chỉ trình bày một cách sơ lược.

 

Tiếp theo và cuối cùng, Tùng Phong viết về vấn đề giáo dục quần chúng: “Sự giáo dục quần chúng, mặc dầu rất cần cho sự thực hiện trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cộng đồng và quyền lợi cá nhân, vẫn không khẩn thiết như thời kỳ mà cộng đồng trải qua cơn khủng hoảng. Ngày nay dân tộc Việt đang trải qua thời kỳ khủng hoảng trầm trọng… cho đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được… Trong những khủng hoảng trước đây cộng đồng chúng ta bị những sức mạnh vật chất tàn phá… Trong khủng hoảng này, ngoài những lực lượng vật chất tàn phá không kém gì những lần trước, thêm vào những lực lượng tinh thần ghê gớm hơn mười lần đã tấn công và đánh phá đến tận gốc rễ tất cả các tiêu chuẩn giá trị của xã hội VN… Cho đến khi nào chúng ta lập lại được các tiêu chuẩn giá trị, lúc bấy giờ cơn khủng hoảng mới hết”.

 

Một sự giáo dục quần chúng có quy củ phải lấy sự tổ chức quần chúng làm điều kiện tiên quyết.

 

Bình luận: Tùng Phong đã rất đúng khi cho rằng tính khí quan trọng hơn trí thông minh, nhưng hình như ông chưa biết rõ tính khí của mỗi người được hình thành một phần từ tiên thiên (trước khi sinh ra) và một phần từ hậu thiên (sau khi sinh ra) mà phần hậu thiên cơ bản nhất là sự giáo dục trẻ từ lúc còn rất bé, trước tuổi đi học phổ thông. Ông cũng đã nhận xét đúng khi cho rằng tiêu chuẩn giá trị (giá trị vật chất, giá trị tinh thần, đạo đức) có tính quyết định đến cách hành xử của xã hội và của từng cá nhân. Khi xã hội bị khủng hoảng thì nhiều tiêu chuẩn giá trị bị đảo ngược.

 

Vậy khủng hoảng của xã hội hiện nay bao gồm những vấn đề gì, chưa có nghiên cứu, đánh giá, có lẽ gồm các vấn đề sau: Với toàn xã hội là sự dối trá và chạy theo đồng tiền, từ chính quyền, là sự áp chế tạo ra dân oan, sự đàn áp người bất đồng chính kiến và phản biện, từ phía người dân là lo sợ và cam chịu bị lừa dối.

(Còn tiếp)

 

                                                            ***

 

Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần cuối)

Nguyễn Đình Cống

07/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/07/biet-them-tu-chinh-de-viet-nam-phan-cuoi/

 

Tiếp theo bài 1  bài 2 — bài 3 — bài 4 — bài 5 — bài 6 — bài 7

 

 

16- Kết luận: Trụ mà không trụ

 

Trụ là kiên định việc đã lựa chọn. Không trụ là từ bỏ việc đang làm. Đó là lời dạy của Phật. Tùng Phong giải thích: “Thâm ý của lời dạy trên bao trùm khắp vũ trụ. Sự tiến hóa của nhân loại đều căn cứ trên nguyên tắc nằm trong lời dạy trên. Có trụ mới có vị trí để mà tiến. Nhưng khi đã mất tác dụng mà vẫn cố bám để trụ vào đó thì mọi tiến hóa lại chấm dứt và những kết quả đã thu được có thể bị mất. Phải trụ cho đúng lúc thì mới tiến được, và phải không trụ cho đúng lúc thì mới bảo đảm được những thắng lợi đã chiếm, vừa có đường tiến cho tương lai”.

 

Ông đưa ra các dẫn chứng về những cộng đồng đã biết trụ, nhưng rồi bị kìm hãm vì cố mà trụ khi cần thay đổi, ông cho rằng Khổng Tử đã biết trụ và không trụ, rằng ban đầu Vật lý quang học đã trụ vào thuyết truyền thẳng của ánh sáng, sau đã đề ra thuyết sóng. Rồi không trụ vào thuyết sóng nữa mà đề ra thuyết “Xạ tử ba động” (Các hạt ly tử chuyển động theo làn sóng).

 

“Trụ mà không trụ” là một chân lý phát triển. Theo Tùng Phong, hiện nay chúng ta cần trụ vào vị trí dân tộc. Các nhà lãnh đạo miền Bắc trụ vào lý thuyết CS, nó đã có tác dụng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lâp (sẽ phản biện), nhưng đến bây giờ đã trở thành lực cản cho sự phát triển.

 

Bình luận: Tùng Phong cũng như rất nhiều người cho rằng Đảng CS lãnh đạo cuộc đấu tranh nên lý thuyết CS đã có tác dụng lớn vào thắng lợi. Đó là một nhầm lẫn. Thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập chủ yếu là nhờ lòng yêu nước và sự hy sinh của đa số nhân dân, trong đó có các nhà lãnh đạo cùng với tài năng vốn có của họ. Đóng góp của CS chỉ ở phần tổ chức, còn mỗi lần họ vận dụng lý thuyết CS thì đều thất bại, như cải cách ruộng đất, hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, kinh tế quốc doanh, cải tạo tư tưởng v.v… Chính Đảng CS VN cũng dựa vào lòng yêu nước của nhân dân để sống bám vào dân tộc như một cánh tầm gửi (ngưng bình luận).

 

Tùng Phong đi đến kết luận: “Nay nếu chúng ta gắn liền số mạng của dân tộc VN với số mạng của Trung Cộng thì hành động đó có nghĩa là chúng ta đã từ bỏ công cuộc phát triển đang cần thiết cho sự sống còn của dân tộc… Vì vậy cho nên chúng ta thành khẩn mong mỏi các nhà lãnh đạo miền Bắc kịp thời nhận định, đã đến lúc vì sự tiến hóa của dân tộc, không còn nên tiếp tục trụ đóng vào CS nữa (Kết thúc cuốn sách).

 

17- Vài nhận xét về sách “Chính Đề Việt Nam” và tác giả

 

Sách “Chính Đề Việt Nam” với nội dung chính là VN cần Tây Phương Hóa (TPH) một cách chủ động và toàn diện, có kế hoạch, với nguyên tắc “Thăng bằng động tiến”, với phương châm “Chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức”. Ngoải ra tác giả còn nêu vấn đề về nguy cơ xâm lăng của Trung Cộng và điều kiện cần để phát triển dân tộc là từ bỏ lý thuyết CS.

 

Sách là kết quả của quá trình nghiên cứu công phu, không những của Tùng Phong mà còn có sự tham gia của một số nhà chính trị, nhà khoa học. Sách có nhiều vấn đề hay, cấp thiết, thực tế. Nhược điểm của sách là khá dài (khoảng 12 vạn chữ) với nhiều đoạn lan man và sự sắp xếp nội dung chưa được thực sự khoa học. Kể ra chỉ viết ngắn gọn trong khoảng 4 đến 5 vạn chữ những nội dung chủ yếu, còn phần dẫn giải thì đưa vào tham khảo hoặc phụ lục, sẽ hấp dẫn hơn. Những điều đối với tôi là mới, trùng ý hoặc cần phản biện thì đã được ghi ra trong bài.

 

TPH cuối cùng phải đem đến hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc một phần nhờ đời sống no ấm, nhưng chủ yếu thuộc trạng thái tinh thần. Thế nhưng TPH của Tùng Phong quá thiên về khoa học kỹ thuật để tạo sức mạnh vật chất. Về phương diện cuộc sống hạnh phúc, nếu so sánh người dân ở Bhutan và ở Mỹ, tôi thấy dân Bhutan hạnh phúc hơn.

 

Qua tuyên truyền và bôi nhọ của CS thì tập đoàn lãnh đạo của phe Quốc gia là bù nhìn, bán nước, làm tay sai cho đế quốc ngoại bang, nhưng qua sách này thấy rõ Tùng Phong là người yêu nước, có ý thức dân tộc khá cao, là người có trí tuệ lớn. Ông đã thấy rõ tai họa mà Trung Cộng đe dọa dân tộc, những tai họa ấy đang thể hiện ngày càng rõ mà những người Việt có lương tri đều nhận thấy, đang đau xót chịu đựng mà chưa đủ dũng cảm hành động (trừ một số người đã bị bỏ tù và những người đang hoạt động lẻ loi).

 

Tùng Phong chống CS, nhưng ông có thái độ tôn trọng đúng mức. Ông phân biệt rõ lý thuyết CS là ngoại lai, là sai lầm, nhưng những người theo CS vẫn thuộc dân tộc và có nhiều người yêu nước chân chính. Có chỗ ông gọi lãnh đạo CS là lãnh đạo của (dân tộc) chúng ta. Trong bài viết của GS Tôn Thất Thiện có chi tiết nói rằng ông đã mời gặp và hội đàm với tướng Trần Độ (lúc Tướng Độ đang lãnh đạo lực lượng CS ở miến Nam), bàn về quan hệ giữa Quốc gia và CS.

 

Trong vấn đề Tây phương hóa ông đã nêu được những vấn đề cơ bản, tuy rằng (theo tôi) có một số ý kiến cực đoan. Tôi không biết rõ cuộc đời riêng và tính khí của ông, chỉ qua quyển sách Chính đề VN thấy được, trong lĩnh vực chính trị ông là một Chính nhân quân tử.

 

18. Về sự phát triển của dân tộc

 

Nhiều người Việt, ở trong nước và nước ngoài, rất quan tâm đến phát triển của dân tộc. Đảng CSVN cũng nói nhiều, cứ 5 năm có một nghị quyết, rồi còn có tầm nhìn trước đến 25 năm (2045), thế nhưng nói thì hay mà làm chưa được mấy và lại kiên trì Mác Lê nên có nhiều khả năng dẫn dân tộc vào ngõ cụt.

 

Chính đề VN được viết năm 1962, dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, nhưng không phải chỉ cho miền Nam mà cho cả đất nước.

 

Trong hơn ba chục năm gần đây cũng đã có một số cá nhân hoặc tập thể soạn thảo các đề án phát triển đất nước, có cái được gửi cho lãnh đạo và bị xếp xó, có cái chỉ lan truyền trong cộng đồng. Đáng được quan tâm là đề án “Con đường VN” của nhóm nghiên cứu “Chấn” của Trần Huỳnh Duy Thức (Chấn là một trong Bát quái, Chấn thuộc Phương Đông).

 

Ông Võ Văn Kiệt có đề án cải cách khá hay, ông Nguyễn Trung có nhiều thư gửi lãnh đạo. Từ nước ngoài có chương trình “Cải cách toàn diện để phát triển” của nhóm trí thức Việt kiều (Hồ Tú Bảo, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng, Giáp Văn Dương, Nguyễn Ngọc Giao, Ngô Vĩnh Long, Vĩnh Sinh, Nguyễn Minh Thọ, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần, Nguyễn Văn Tuấn, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt, Phạm Xuân Yêm). Ngoài ra còn có một vài đề án về Hiến pháp, về Quốc hội ở trong nước và nước ngoài (tôi có biết một số, không biết hết được).

 

Nhiều người quan tâm đến tương lai dân tộc, làm sao cho dân giàu nước mạnh, để bảo vệ độc lập và chủ quyền, để cho nhân dân được tự do, hạnh phúc, trong đó tự do và hạnh phúc mới là mục đích chính, lâu dài. Nhưng rồi một số người được kích động bởi “Lòng tự hào dân tộc” mà còn muốn phát triển để “Sánh vai cùng các cường quốc 5 châu”. Tự hào không có gì sai, lại là một động lực cần cho phát triển. Nhưng tự hào phải do kết quả công việc đưa đến một cách tự nhiên thì mới có giá trị thực, còn vì muốn tự hào mà gồng mình và dùng thủ đoạn thì hại nhiều hơn lợi. Truyện ngụ ngôn về con ếch của La-Phông-Ten là đáng suy ngẫm.

 

Chúng ta thỉnh thoảng cũng nên xem bảng xếp hạng các nước để biết mình đang ở đâu để có kế hoạch và quyết tâm làm việc nhằm nâng cao kết quả và hiệu quả hoạt đông chứ không nên nhằm vào việc nâng hạng. Khi tất cả các nước đều phát triển giống nhau mà ta có phát triển gấp đôi, gấp ba thì vẫn ở thứ hạng đã xếp.

 

Thời thuộc Pháp dân tộc chúng ta mang mặc cảm tự ti, sau khi giành độc lập chúng ta có tự hào, nhưng rồi lòng tự hào được đẩy lên quá cao, gây ra bệnh nghiện, luôn tìm mọi cơ hội, mọi thủ đoạn để thỏa mãn cơn nghiện đó. Đây cũng là một lý do của nạn dối trá làm hủy hoại đạo đức, làm tan rã dân tộc.

 

Xin bớt bớt ý muốn “sánh vai cùng các cường quốc và có vị trí cao trong quan hệ quốc tế”. Tự do và hạnh phúc của nhân dân ít cần những thứ đó, mà chủ yếu những người giữ chức quyền cao và có ảo tưởng lớn cùng một số người có tính kiêu ngạo mới mong được như vậy.

 

Phát triển kinh tế là cần, nhưng đã qua giai đoạn cấp bách. Phát triển kinh tế quá nóng dễ dẫn đến hủy hoại môi trường và đạo đức. Bây giờ mà vẫn đặt yêu cầu cao, hàng đầu về phát triển kinh tế thì không khéo sẽ bị lệch lạc.

 

Để thực sự vì sự phát triển bền vững, lâu dài, vì tự do và hạnh phúc của toàn dân cũng như của mỗi người thì nhiệm vụ quan trọng là cải cách thể chế để dân chủ hóa. Dân chủ không phải là mục đích mà là biện pháp cần thiết cho phát triển.





No comments:

Post a Comment

View My Stats