Hoàng
Ngọc Nguyên / SAIGON
Weekly Online
16-01-2022
Hình :
https://www.saigonweeklyonline.com/upload/files/image-20220115161605-1.jpeg
https://www.saigonweeklyonline.com/upload/files/image-20220115161605-2.jpeg
https://www.saigonweeklyonline.com/upload/files/image-20220115161605-3.jpeg
https://www.saigonweeklyonline.com/upload/files/image-20220115161605-4.jpeg
https://www.saigonweeklyonline.com/upload/files/image-20220115161605-5.jpeg
Trong những ngày đầu tháng giêng năm nay, hầu
như nơi nơi người ta chỉ nói mỗi một chuyện, hay chỉ có mỗi một chuyện để
nói: biến cố bạo loạn ngày 6-1 năm ngoái, một biến cố không những
có tính lịch sử mà ngay trong hiện tại đang đe dọa sự sống còn của nền dân chủ
Mỹ, trong không gian chính trị dường như người ta đang cảm nhận phảng phất mùi
nội chiến.
Năm 2021 vừa qua là một năm rất lịch sử với bao nhiêu sự kiện còn đậm nét trong
tâm trí của những người lo nghĩ về sự thịnh suy của đất nước, về nền dân chủ
pháp trị của quốc gia, và nói chung về sự suy thoái chính trị trên toàn cầu,
trong thời đại mạt pháp ngày nay, nhưng nổi bật nhất trong niềm thao thức vẫn
là biến cố bạo loạn ngày 6-1.
Chỉ cần nói “bạo loạn ngày 6-1”, người ta có thể liên tưởng ngay đến cảnh tượng
hàng ngàn người thuộc những nhóm quá khích cực hữu, bạch chủng siêu đẳng như QAnon,
Proud Boys, Patyriots, KKK … tràn vào tòa nhà Quốc Hội (Capitol building)
lùng sục, tìm kiếm hàng trăm nhà dân cử đang hội họp.
Ngày 6-1 theo tập tục hiến pháp là ngày công bố chính thức kết quả bầu cử tổng
thống. Người thắng cuộc trong cuộc bầu cử năm 2020 là cựu Phó Tổng thống Joe
Biden, ông thắng cả số phiếu phồ thông (hơn đối thủ trên 7 triệu phiếu) và số
phiếu cử tri (306-232) - có nghĩa là Tổng thống Donald Trump đã thất bại trong
việc tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai.
Những kẻ bạo loạn có mưu định rõ rệt là ngăn
chận sự công bố kết quả mà ông tổng thống của họ đã liên tục ca cẩm “bầu cử
gian lận”, “đánh cắp kết quả”… Cuộc bạo loạn này nguy hiểm hơn chính là ở chỗ
tính mạng của hàng trăm dân biểu và thượng nghị sĩ đang nhóm họp; trước mối đe
dọa này họ phải lẳng lặng tìm cách tháo chạy. May phước!
Cũng đương nhiên, chúng ta hẳn phải nghĩ ngay tới vai trò đầu não, chủ mưu, tổ
chức, dàn dựng, tài trợ (nhưng không phải từ tiền túi) của Donald Trump và bè
lũ trong vụ bạo loạn này. Chẳng thể tưởng tượng được ở một nước vẫn được xem là
văn minh, dân chủ hàng đầu của thế gìới mà một nhóm người đông đảo trong xã hội
có thể nghĩ được chuyện xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử hợp pháp và được guồng
máy giám sát xác nhận – nghe như “chuyện bên tàu”, nhưng thực ra là chuyện xảy
ra ở Myanmar, một nước Phật giáo truyền thống khi bọn quân phiệt tham sân si ở
Naypyidaw được Bắc Kinh bảo trợ lật đổ một chính quyền dân cử hợp pháp của bà
Aung San Suu Kyi với lý do “bầu cử gian lận”, và chúng đã vừa giết vừa bỏ tù cả
chục ngàn người biểu tình chống đối.
Nhưng kinh khủng hơn chuyện quân phiệt Myanmar chính là chuyện kẻ chủ mưu trong
vụ bạo loạn ở Capitol Hill … lại chính là tổng thống đương nhiệm. Và kinh khủng
hơn thế nữa, cái đảng Cộng Hòa của ông, vốn là một trong hai chính đảng làm nền
cho chính trị nước Mỹ lâu nay, cho đến nay vẫn tìm đủ mọi cách để làm ngơ
hay bao che tội trạng rành rành của một người tuy đã thua cuộc, một người đã bị
lá phiếu của người dân truất phế nhưng vẫn tìm cách đảo ngược tình thế … Trung
thành kỳ lạ đến thế là cùng, nhất là vì ông ta vốn chỉ biết có mình, chẳng cần
nhìn đến ai, ngay cả đảng Cộng Hòa hay những người lanh đao đảng!
Dường như người ta không hiểu được dân chủ là gì đối với nước Mỹ, những giá trị
dân chủ nền tảng của đất nước phải bảo vệ, và nguy cơ trên bờ vực của nền dân
chủ Mỹ hiện nay. Hay nay đã là lúc phải nghiêm chỉnh đặt câu hỏi về sự mong
manh cua dân chủ nước Mỹ và tại sao lại có hiện trạng này!
Không riêng gì ở Mỹ mà trên cả thế giới, nhiều bậc thức giả đã bày tỏ sự quan
tâm sâu sắc đến sự “kém hiệu quả” (nếu không nói là vô dụng hay bất lực) của nền
dân chủ Mỹ, không chỉ vì câu chuyện bạo loạn kinh hoàng của Trump mà cả vì thái
độ u tối “tắc trách” của đảng Cộng Hòa trước một người lãnh đạo đất nước nói
chung, lãnh đạo đảng nói riêng, phạm tội khuynh đảo dân chủ như Donald Trump.
Ngay dưới một chế độ quân chủ độc tài, đứng trước một hôn quân bạo chúa, cũng
có những bậc trung thần ngồi lại với nhau để tìm cách lật đổ nhà vua vô đạo.
Đàng này, trong nhiệm kỳ bốn năm của Trump, ông ta đã bị Hạ Viện đưa ra truất
phế hai lần (kỷ lục chưa từng có với một tổng thống đương nhiệm), và nếu không
có những người Cộng Hòa tại Thượng Viện ném cho ông ta cái phao thì Trump đã
chìm từ lâu.
Lần thứ nhất là vào cuối năm 2019, câu chuyện ông ta thúc ép Tổng thống Ukraine
nếu muốn được viện trợ của Mỹ để chống Nga thì phải cung cấp những tin tức về
ông Biden và con của ông vào thời đểm Biden chuẩn bị tranh cử tổng thống. Hạ Viện
đã thông qua nghị quyết luận tội ông Trump, nhưng người Cộng Hòa tại Thượng Viện
vào đầu năm 2020 cứu ông. Lần thứ hai, câu chuyện cũng tương tự: sau vụ bạo loạn
một tuần (14-1-2021), Hạ Viện nổi giận nhanh chóng luận tội ông lần nữa, nhưng
Thượng Viện một lần nữa miễn tố Trump.
Cũng cần nhắc lại, trong cuộc đều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller
về quan hệ giữa Trump và nước Nga của Vladimir Putin trong cuộc vận động tranh
cử của Trump năm 2016, ông Mueller đã bị Bộ Tư pháp dưới thời Trump giới hạn cuộc
điều tra cho nên không xét đến quan hệ cá nhân và tài chánh của Trump với Nga.
Nhưng điều rõ ràng mà ai cũng thấy vì chính Trump chẳng che dấu là mối “giao
tình” đặc biệt hiếm có biến thù thành bạn giữa Trump và Putin trong bốn năm
Trump ngồi trong Tòa Bạch Ốc.
Sự thực thì ông Trump đã rất kỳ lạ vượt thắng được nhiều thử thách trong đời.
Ví dụ như ông bị bao nhiêu phụ nữ kiện, rồi cũng qua cả. Trong làm ăn, ông bị kẹt
vào nhiều chuyện “man khai” để vay nợ và trốn thuế, bởi vậy nay mới có vụ án về
Trump Organization đang đòi cả ông và con gái, con trai ra hầu tòa. Và ông, như
thường lệ, đang “chạy án” với lực lượng luật sư đông đảo của ông.
Tính của ông bao giờ cũng vẫn thế: không tin vào ai cả và ngoan cố đấu tranh đến
kỳ cùng trong mọi tranh chấp đề giành phần thắng về mình bởi vì ông tin ở “số mệnh
hiển nhiên” – như người Mỹ da trắng vào đầu thế kỷ thứ 19 vẫn có niềm tin “tôn
giáo” ở “manifest destiny” là Chùa đã cho họ phải ở trên đầu trên cổ người da đỏ,
da đen, da nâu và mọi đất đai ở nước Mỹ này là của họ. Ông vẫn tự cho mình là một
“thiên tài rất ổn định” (very stable genius), có nghĩa là ông có sáng kiến
trong mọi vấn đề, chuyện gì cũng có giải pháp, và làm một mình chẳng cần nhờ ai
giúp sức. Ví dụ như dụ dỗ Kim Jong-un (Bắc Triều Tiên) bằng mọi giá, khai
thương chiến với Trung Quốc trong mùa đại dịch, hay tạo khoảng cách với khối
NATO (Bắc Đại Tây Dương) đề xích lại với Nga… Ông còn nổi tiếng trong khuyến
cáo được đưa ra hồi tháng tư năm 2020, với tư cách người lãnh đạo công cuộc chống
đại dịch của đất nước, người dân hãy dùng thử thuốc trị sốt rét
hydroxychloroquine hay thuốc tẩy trùng Chlorox cho đồ vật trong nhà như nồi
niêu son chảo… Hai tác giả Carol Leonnig và Phillip Rucker của tờ The
Washington Post đã nói hết về thành tích độc đáo chao đảo của ông trong ba năm
đầu ông ngồi trong Tòa Bạch Ốc và chơi golf trên sân nhà ở Florida qua cuốn
sách: “A Very Stable Genius: Donald J. Trump’s Testing of America”.
Muốn hiểu ông Trump cho dù có muộn, chúng ta chỉ cần nhớ tựa của cuốn sách của
cháu gái ông, bà Tiến sĩ Mary Trump, viết về ông. “Too much and never enough:
How my family created the world’s most dangerous man” đúng là quá đủ, bởi vì chỉ
cái tựa cũng đã nói hết về con người của ông Trump và nội dung cuốn sách. Tham
lam quá mức đến bệnh hoạn, và vì bệnh hoạn cho nên tìm mọi cách để thỏa mãn thú
tính. Cuốn sách không chỉ đi vào chi tiết bằng những thủ đoạn ngang ngược và có
tính sang đoạt như thế nào mà ông đã nắm hết tài sản mà cha của ông để lại cho
các con. Sách còn nêu bật những tai họa ông có thể gieo rắc cho nước Mỹ và cả
thế giới khi ông đã nắm quyền. Không có dẫn chứng nào hùng hồn hơn vụ bạo loạn
ngày 6/1.
Vấn đề chính là ông mang nặng bệnh hoang tưởng, tâm thần cuồng loạn mà giới y
khoa tâm thần đã nhiều lần cảnh báo như bà Trump nhưng ông vẫn không chịu vào
nhà thương dành cho ông. Bởi thế chẳng có gì lạ khi con gái ông ta Ivanka Trump
cũng mơ mộng một ngày nào đó cô ta sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên của lịch sử! Về
phần Donald, hoặc ông thực điên hoặc giả điên để lôi cuốn quần chúng “cầm
chuông”. Ông thuộc lớp baby boomer đầu tiên, nhưng thay vì an hưởng tuổi
già, ông ngày càng nôn nóng, háo thắng, hung hăng như con nít. Ngay cả trước
bao nhiêu thất bại, khi tái tranh cử năm 2020, ông và người của ông đưa ra luận
điệu trong nhân loại từ hàng chục ngàn năm qua, ông nổi tiếng chỉ kém Chúa Giê
Su, cũng như trong lịch sử Mỹ, ông cũng chỉ đứng sau một người là Abraham
Lincoln. Như thế mà ông vẫn dám đi gặp Giáo hoàng Francis! Và bởi thế mà ông muốn
leo lên Đỉnh Rushmore! Có nghĩa là ông tự sắp mình trên cả George Washington, tổng
thống lập quốc, trong khi bảng xếp hạng mới nhất của hiệp hội các sử gia Hoa Kỳ
sắp thứ nhất là Lincoln, thứ nhì Washington. Trong danh sách này Trump cũng đứng
hạng nhì, nhưng từ dưới tính lên. Trong danh sách 10 tổng thống tệ hại nhất (10
worst presidents), ông chỉ thua James Buchanan (nhiệm kỳ 1857-61), người bình
thản trước cuộc xung đột giữa người bắc, người nam, dẫn đến cuộc Nội chiến
(1861-65).
Sau này khi ngày càng tự cô lập, Trump còn mê mẩn trong “thuyết âm mưu”: có lẽ
ông là con của Trời, Thượng Đế không bao giờ bỏ ông vì đã đưa ông “giáng trần”
cứu nhân độ thế, cứu nước Mỹ tan hoang vì một tổng thống “dị chủng”. Bởi thế chẳng
ai làm gì được ông, ngay cả “kẻ thù của nhân dân” (truyền thông dòng chính) hay
bộ máy tư pháp của “bọn Dân Chủ cộng sản” mà đứng đầu là Nancy Pelosi (chủ tich
Hạ Viện), Chuck Schumer (chủ tịch khối đa số Thượng Viện), và “Sleepy Joe” (Joe
ngái ngủ), người đã đá Trump ra khỏi Tòa Bạch Ốc trong bầu cử năm 2020. Ông chẳng
tin ai, ngay cả đảng Cộng Hòa đang thân bại danh liệt vì ông. Ai cũng nói dối,
cũng lường gạt, cho nên ông phải lấy độc trị độc (như Mộ Dung Phục), nói dối
nhiều hơn người, lường gạt nhiều hơn người. Đàng nào ông cũng có đông đảo luật
sư chạy thuốc. Lo gì!
Đại để phải hiểu ông Trump như thế để hiểu vì sao có vụ bạo loạn 6/1. Ông đã ra
tranh cử là ông phải thắng - một niềm tin ông đã có sau khi đánh bại được bà
Clinton năm 2016. Nếu ông không thắng, đó là vì có gian lận bầu cử. Và vì thế,
ông phải hành động, và có quyền làm bất cứ gì để “giành lấy chính quyền vào tay
nhân dân”. Nhân dân chính là ông. Chúng ta còn nhớ ngay cả trong năm 2016, ông
thắng được bà Clinton nhờ số phiếu cử tri đoàn (ông thua bà gần 3 triệu phiếu
phổ thông) ông vẫn không hài lòng, nói rằng nhờ gian lận bầu cử bà Clinton mới
có được 65.8 triệu phiếu!
Ông vững tin ở cái số của ông, hay ở sự trung thành của đông đảo cử tri cuồng
Trump, đến mức trước đây ông vẫn nói rằng phải cho ông thêm một nhiệm kỳ nữa,
nhiệm kỳ thứ ba, để bù lại thời gian mất mát do Hạ Viện mà đảng Dân Chủ nắm
đa số đã gây ra do liên tục điều tra và đòi truất bãi ông. Trong năm 2020, ông
thiếu tự tin, sợ đại dịch sẽ làm ông thất cử, cho nên đôi lần gợi ý phải hủy
hay hoãn bầu cử tổng thống năm nay. Nhưng bầu cử vẫn tiến hành. Trước bầu cử,
Trump lại om sòm chuyện gian lận: Nếu không có bầu cử gian lận, ông ta sẽ tái đắc
cử. Thậm chí, trong ngày bầu cử 3-11, những tin tức ban đầu khiến ông sớm kết
luận mình đã đắc cử, và đắc thắng mở cuộc tiếp tân ăn mừng tại Tòa Bạch Ốc,
không ai đeo mạng, vào giữa đêm.
Chỉ vài giờ sau trong sáng sớm 4-11, ông vỡ mộng, vì ở những tiểu bang “đỏ” ông
nghĩ ông chắc chắn thắng (dựa trên kết quả năm 2016), ông lại thua: Arizona,
Georgia, Michigan, Minnesota, Wisconsin, Nevada, Pennsylvania. Ông Trump chỉ có
một cách hiểu đơn giản về sự thua cuộc: bầu cử gian lận. Hoặc ông thực tin, thì
đó là chuyện ngu xuẩn. Hoặc ông dựng chuyện, thì đó là gian ác. Nhưng ông rõ rệt
tin rằng ông có thể đảo ngược tình hình bằng những thủ đoạn mưu mẹo, lạm dụng
quyền lực và chà đạp lên nền dân chủ Mỹ, thì đó là chuyện vửa ngu xuẩn vừa gian
ác. Giống như cái chết của hàng trăm ngàn người Mỹ năm 2020 vì COVID trong tay
ông.
Cho nên vì thế mới có bạo loạn ngày 6-1!
Donald Trump là người cẩn thận, làm gì cũng có toan tính, dự trù nhiều bước,
tiên liệu đủ tình huống. Cứ xem cách ông ta tính toán làm thay đổi kết quả bầu
cử. Trước ông cũng đã có nhiều ứng cử viên tổng thống đã làm, như Richard Nixon
(1960), Albert Gore (2000)… Có ai thành công đâu! Nhưng Trump có “God”, có nhân
dân…
Bắt đầu, ông tính chuyện một vài tiểu bang Cộng Hòa sẽ giúp ông đảo ngược tình
thế, cụ thể là với tiểu bang Georgia ông chỉ cần có thêm 13.000 phiếu để giành
chiến thắng. Một số tiểu bang theo Trump cũng tìm cách gây áp lực với
Georgia. Nếu có bằng chứng thắng được ở đây khi tìm thêm được 13.000 phiếu,
Trump không những đòi kiểm phiếu lại ở đây mà còn ở những nơi khác, và vì thế
đòi hủy bỏ kết qua bầu cử. Trump làm áp lực công khai, thô bạo lên lãnh đạo bầu
cử của Georgia, nhưng Bộ Tư pháp tiểu bang này đã nói rõ không kiếm đâu ra cho
ông 13.000 phiếu được! Bởi vậy, ông cho lãnh đạo Georgia là “đồ phản phúc”!
Trump cũng khiếu nại về kết quả bầu cử lên các tòa kháng án và Tối cao Pháp viện
mấy lần để xin hủy kết quả ở một số tiểu bang mà ông ta nghĩ ông phải thắng.
Trump tin rằng tòa tối cao nay có 6 thành viên được các tổng thống Cộng Hòa bổ
nhiệm, trong đó có ba người chính Trump đề cử, một người “da màu” tâm thần hơn
cả Trump, thì phán quyết phải thuận lợi. Nhưng ông trời chẳng chiều người “con
của Thượng Đế”, sau năm lần bảy lượt bác bỏ, cuối cùng người ta quyết định
không xét nữa đơn của Trump liên quan đến bau cử ở Pennsylvania, Wisconsin,
Arizona, Georgia và Michigan.
Rồi Trump ép buộc Bộ Tư Pháp phải phủ nhận kết quả bầu cử. Ông thực tin Bộ Tư
pháp là của ông, không phải của nhà nước. Cho nên ngay một người của ông, Bộ
trưởng Tư pháp William Barr, đã từ chức ngay trước Giáng Sinh 2020 vài ngày để
nhắc nhở ông tính độc lập của ngành tư pháp. Nhưng không có Barr thì Trump có
người khác. Chỉ có điều người khác cũng không dám làm khác Barr, cho dù Trump vận
dụng tối đa quyền lực còn thoi thóp của mình. Bởi vì ai cũng hiểu Trump chỉ còn
vài tuần nữa là lên xe tang. Và trong lịch sử nước Mỹ, chưa hề có tiền lệ phủ
nhận kết quả bầu cử. Nhất là chưa hề tìm ra bất cứ bằng chứng nào về bầu cử
gian lận ở bất cứ nơi nào!
Sau bao lần thất bại rõ ràng như thế, Trump thực ra chỉ còn con đuờng rút lui.
Nhưng ông ta lại lao vào giải pháp bạo loạn 6/1 mà thực ra ông và thủ hạ đã
toan tính và vận động người tham gia ngay từ sau khi thua cuộc ngày 3-11. Ngày
6-1 là cơ hội hành động cuối cùng của Trump. Cho nên âm mưu của ông thật ghê gớm:
tập họp hàng ngàn người cuồng Trump nghe ông ta tuyên truyền về “bầu cử gian lận”
để thúc đẩy họ tràn đến Quốc Hội để phá chuyện công bố chính thức kết quả bầu cử.
Save America March! Đó là cơ hội còn lại duy nhất cho Trump. Và có lẽ
Trump cho rằng nước Mỹ phải trả bằng mọi giá cho âm mưu của ông ta. Chắc chắn
ông ta phải tính đến chuyện đụng độ có thể rất bạo lực, rất đẫm máu giữa lực lượng
an ninh và hàng ngàn người bạo loạn. Chắc chắn ông ta biết hàng trăm dân biểu,
nghị si và viên chức chinh quyền đang kẹt bên trong, tính mạng của họ hiển
nhiên bị đe dọa nghiêm trọng… Nhưng Trump bất cần, bất kể. Ông ta chỉ mơ tưởng
đến kết quả: Quốc Hội phải hủy bỏ phiên họp này cùng kết quả bầu cử!
Sau này ông Trump cứ nói ông chẳng xúi giục gì cả, nhưng từ 1 giờ sáng sớm hôm
đó, ông ta đã tweet rằng Phó Tổng thống Mike Pence, với tư cách thẩm quyển cao
nhất của chính phủ trong cuộc họp xác nhận kết quả bầu cử hom đó, có quyền tuyên
bố không nhìn nhận kết quả bầu cử (If Vice President @Mike_Pence comes through
for us, we will win the Presidency. Many States want to decertify the mistake
they made in certifying incorrect & even fraudulent numbers in a process
NOT approved by their State Legislatures (which it must be.) Mike can send it
back!”. Ông Pence không có quyền hạn đó!
. Truyền thông cũng trích dẫn vài lời “dịu dàng” ông hô hào trước hàng
ngàn người:
“Chúng ta sẽ
không bao giờ bỏ cuộc. Chúng ta sẽ không bao giờ chịu
thua. Đó là chuyện không có. Chúng ta không nhượng bộ khi có chuyện gian lận ở đây”.
“Như thế là đã đủ cho đất
nước này. Chúng ta sẽ không chịu thêm nữa, câu chuyện chỉ có thế”.
“Và nói theo cách thường tình mà mọi người quen thuộc, chúng ta phải ngăn chận
sự đánh cắp”.
Chúng ta chiến đấu, chúng ta chiến đấu chết bỏ, vì nếu không chiến đấu chết bỏ, chúng ta sẽ không
còn đất nước nữa. Vì vậy, chúng ta sẽ - chúng ta sẽ
đi xuống Đại lộ Pennsylvania, tôi yêu Đại lộ Pennsylvania, chúng ta sẽ
đến Điện Capitol, và chúng ta sẽ tìm
cách và cho -
Đảng Dân Chủ
vô phương, họ không bao giờ bỏ phiếu cho bất cứ điều gì, dù chỉ một phiếu bầu
nhưng chúng ta sẽ
cố - hãy cho những người Cộng Hòa của chúng ta, những người yếu kém, vì
những người mạnh mẽ không cần chúng ta tiếp tay, chúng ta cố gắng - sẽ cố gắng và mang đến cho họ niềm tự hào và quyết
tâm giành lại đất
nước của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy đi xuống Đại lộ
Pennsylvania”.
Chẳng những xúi giục đám đông cuồng loạn này đột nhập Capitol Hill, Trump còn
phĩnh phờ rằng ông ta sẽ cùng đi với họ tham gia cuộc tấn công này. Thực ra,
ông rút vào phòng riêng trong Tòa Bạch Ốc để theo dõi qua truyền hình cuộc
nổi loạn này. Báo chí ghi lại ông đã im lặng suốt 187 phút để xem diễn tiến cuộc
bạo loạn và mong chờ một đoạn kết nào đó – nhất định không can thiệp cho dù có
một số người, kể cả con của ông, lên tiếng yêu cầu ông thôi đi.
Về sau này, ông còn nói những người tham gia bạo loạn “chỉ là một phần rất nhò
trong đám đông kỷ lục không đếm được” những người đến nghe ông nói chuyện hôm
đó… Họ là những người yêu nước, tham gia cuộc “diễn hành” vào Quốc Hội một cách
hòa bình… Không ai bạo động, không ai có vũ khí… Họ hành xử một cách văn minh
quyền tự do phát biểu theo Tu chánh án số 1…. Trump còn nói ông đã có lời
khuyên người bạo động trước khi lên đường hãy bạo động một cách êm thắm, hòa
bình.
Ít nhất, 4 người tham gia bạo loạn đã chết trong biến cố này. Ít nhất cũng 2 cảnh
sát viên đã qua đời vì bệnh tim trong biến cố này.
Và như trong mọi trường hợp, Trump chẳng hề biết đến nhu cầu được sống, lòng
khát khao được sống, cho dù “trong cỏi tạm”, của con người!
Vừa qua, chúng ta co dịp tưởng niệm 1 năm ngày bạo loạn. Một biến cố đã phơi
bày những nhược điểm trầm trọng của nền dân chủ Mỹ.
Cho đến nay, “bầu cử gian lận” vẫn là đề
tài duy nhất của Donald Trump. Ông ta có vẻ không lo lắng gì đến bao cuộc
điều tra liên quan đến ông vì tin ở cái số của mình và ở cả tuổi của mình. Xem
chừng ông đang dồn sức toan tính vào cuộc bầu cử năm nay với tham vọng đảng Cộng
Hòa lại giành được thế đa số tại Hạ Viện và Thượng Viện, và đảng Dân Chủ sẽ mất
thế “đánh” ông ta. Bởi vậy, suốt ngày ông ngầm đe dọa sẽ lại ra tranh cử tổng
thống vào năm 2024.
Trong một năm qua, tính đến nay đã có 736
người trong cuộc bạo loạn đã bị bắt giữ và truy tố vào tội bất tuân lệnh và tấn
công nhân viên công lực. Ai cũng khai vì ông Trump kêu gọi. Khoảng 71 người
đã lãnh án.
Hạ Viện đã có một ủy ban đặc biệt điều tra
về vụ bao loạn này. Nhiều người của Trump được gọi điều trần, nhưng một số người
không chịu ra khai chứng, như Steve Bannon, Roger Stone, Michael Flynn, Mark
Meadow. Giới quan sát cho rằng ủy ban này sẽ kết luận về tội trạng của Trump
trong ngày gần đây.
Vừa qua, kỷ niệm một năm ngày bạo loạn, Tổng
thống Biden đã đọc một diễn văn dài đến 20 phút, trong đó ông tố cáo Trump đã
nói dối ba điều, nói lui nói tới không ngượng miệng vì tin rằng nói mãi thế nào
cũng có người tin: (1) cuộc nổi dậy của người tranh đấu cho bầu cử ngay thực diễn
ra vào ngày bầu cử; (2) Kết quả bầu cử không thể tin được; (3) Những ngời tham
gia nổi dậy là những người yêu nước. Ông nói: “Cựu tổng thống và người ủng hộ
đã quyết định cách duy nhất cho họ chiến thắng là dẹp bỏ số phiếu của người dân
và đảo ngược cuộc bầu cử. Thật sai lầm. Thật phi dân chủ. Đúng là chẳng phải nước
Mỹ... Ông không thể yêu nước chỉ khi ông chiến thắng. Ông không thể tuân thủ luật
pháp chỉ khi ông có lợi. Ông không thể ái quốc khi ông chấp nhận hoặc tạo
chuyên dối trá”. Ông Biden đã nói vị cựu tổng thống đã đưa dao tận cổ nước Mỹ
(dagger at the throat of America).
Hãng truyền thông CNN đã nêu ra 5 điều dối
trá trong những luận điểm Trump tung ra lâu nay: (1). Những người tham gia bạo
động hoàn toàn không có vũ trang; (2). Họ chỉ phản đối bầu cử gian lận;
(3). Cảnh sát mời những người nổi loạn đi vào tòa nhà Quốc Hội. (4). Những người
nổi loạn bị giam giữ là những tù nhân chính trị bất bạo động; (5). Cuộc tấn
công ngày 6/1 là do phe tả chống Trump đội lốt chủ xướng.
Cũng trong dịp này, BBC đưa ra năm câu hỏi để giúp độc giả hiểu được câu chuyện
và có kết luân đúng đắn.
1. Nhà Trắng dính líu đến mức độ nào trong tổ
chức cuộc tập họp xuống đường ngày 6-1?
2. Có ai trong chính phủ hay phe nhóm của ông
Trump có lý do để tin rằng bạo loạn sẽ xảy ra?
3. Trump phản ứng như thế nào trước sự bùng nổ
bạo loạn?
4. Tại sao có sự chậm trễ trong phản ứng của
giới an ninh và quân sự? và
5. Trump và Nhà Trắng đã tính toán nghiêm chỉnh
thế nào tìm biện pháp đặc biệt để vô hiệu hóa cuộc bầu cử.
Chúng ta cứ suy gẫm về những luận điểm của ông Joe Biden hay CNN hay BBC.
Nhưng có một điều rõ ràng: trong dịp kỷ niệm
một năm ngày bạo loạn, chúng ta có dịp nhìn vào những lo nghĩ của mình: Biến cố
11-9 là khủng bố quốc tế đe dọa nước Mỹ. Biến cố 6/1 là lực lượng cực hữu khùng
bố dân chủ nước Mỹ. Năm 2022 này sẽ hỗn loạn như thế nào trước sự biến thái của
đảng Cộng Hòa đã hoàn toàn im lặng trước những tội ác bạo loạn của ông cựu tổng
thống. Bầu cử giữa mùa chắc chắn sẽ làm cho đảng Cộng Hòa thêm “đoàn kết, đoàn
kết, đại đoàn kết” với sự tăng cường của những nhóm cực hữu “ái quốc” và nước Mỹ
thêm chia rẽ giữa hai chính đảng.
Chẳng phải vô cớ mà một số dân cử Dân Chủ đang tính dựa vào điều 3 Tu chánh án
14 để ngăn chận Donald Trump ra tranh cử trong năm 2024!
No comments:
Post a Comment