Bà
Nguyễn Thuý Hạnh bị đưa đi giám định tâm thần trong lúc chờ xét xử
RFA
2022.01.24
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị đưa
vào viện tâm thần để giám định. FBNV/ RFA Edited
Gia đình cho biết nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh
bị cơ quan công an đưa đi giám định tâm thần trong lúc bị tạm giam để chờ xét xử
với cáo buộc "phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước".
Thông tin trên được ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng
của bà Hạnh thông báo hôm 24 tháng 1 trên trang Facebook cá nhân.
Trong cùng ngày, phóng viên của Đài Á châu Tự Do
phỏng vấn ông này để tìm hiểu sự việc, ông Chênh cho biết thời điểm bà Hạnh bị
đưa đi giám định tâm thần:
“Vào ngày 7 tháng 12, trong đúng một tháng,
vào khoảng ngày 7 tháng 1 thì đưa về trại giam. Họ đưa vào bệnh viện tâm thần một
tháng để giám định y khoa. Tức là thông tin tôi biết là do các bệnh nhân ở
trong bệnh viện báo cho tôi biết, chứ cơ quan điều tra hoàn toàn không nói.”
Bài viết trên Facebook của ông Chênh tiết lộ,
có ít nhất bốn người đang điều trị tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 biết bà
Hạnh đã gọi điện cho ông để báo, ông này cũng đồng thời nhờ nguồn tin khác thân
cận với bệnh viện để xác nhận bà Hạnh bị đưa tới đây.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh là một ứng cử viên Đại biểu
Quốc hội hồi năm 2016, bà cũng được biết đến là người sáng lập Quỹ 50k, nhằm hỗ
trợ gia đình của các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Bà này bị bắt tạm giam vào ngày 7 tháng 4 năm
2021, trước đó tài khoản ngân hàng của bà bị phong tỏa số tiền khoảng 500 triệu
đồng, sau khi bà đứng ra kêu gọi quyên góp tiền phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình,
thủ lĩnh tinh thần của dân làng Đông Tâm trong cuộc tranh chấp đất đai, và bị
giết trong buộc bố ráp của chính quyền hồi tháng 1 năm 2020.
Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh thì trước khi bị bắt,
bà Hạnh phải chịu vấn đề về tâm lý nghiêm trọng và đang trong quá trình điều trị,
và từ khi bị bắt đến nay thì gia đình hoàn toàn không được biết gì về tình trạng
sức khoẻ của bà, ông Chênh nói thêm:
“Hạnh là đang bị bệnh trầm cảm, trước đó bị
trầm cảm rất nặng, tôi có đưa vào Sài Gòn chữa trị ở bệnh viện Việt-Pháp, rồi
sau đó chữa trị ở bác sĩ tư, thì đang uống thuốc của bác sĩ này hàng ngày, và
nhờ vậy mà bệnh của Hạnh thuyên giảm khá nhiều. Nhưng mà từ khi bị bắt từ tháng
Tư năm 2021, thì tôi không biết bệnh tình của Hạnh có phát triển gì không, như
thế nào thì tôi hoàn toàn không biết.”
Cũng theo người thân của bà Hạnh thì tới đây
luật sư bào chữa vẫn chưa được gặp mặt thân chủ của mình.
“Có hai công ty luật được Hạnh thuê từ trước,
thì có đăng ký rồi, nhưng mà bên cơ quan điều tra trả lời rằng là những án liên
quan đến an ninh quốc gia thì theo luật, không biết luật này ở chỗ nào, không
được tiếp xúc với luật sư trong quá trình cơ quan điều tra làm việc. Chỉ sau
khi kết thúc điều tra rồi thì luật sư mới gặp.”
Theo Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam thì
luật sư có quyền gặp bị cáo ngay trong giai đoạn điều tra, tuy nhiên đối với những
người phạm tội quy định trong chương "an ninh quốc gia" thì chỉ sau
khi kết thúc giai đoạn điều tra luật sư mới có quyền gặp thân chủ.
Việc cơ quan công an đưa người bị giam giữ
trong các vụ án có yếu tố chính trị đi giám định tâm thần không phải chuyện hiếm,
trước đây nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cũng bị đưa vào bệnh viện tâm thần để
giám định khi ông này kiên quyết giữ quyền im lặng trong quá trình điều
tra.
Nhà văn Phạm Thành, người trực tiếp chỉ trích Tổng bí thư đảng CSVN cũng bị đưa vào bệnh
viện tâm thần để giám định trong thời gian chờ xét xử.
Hay kể như ông Lê Anh Hùng, một blogger
chuyên bình luận chính trị ở Việt Nam, dù bị bắt từ tháng 7 năm 2018 nhưng đến
nay vẫn chưa được xét xử, và hiện ông này vẫn đang bị giữ ở Bệnh viện Tâm thần
Trung ương 1 để "điều trị".
No comments:
Post a Comment