Tuesday 11 January 2022

ĐẤT NƯỚC LÀ GÌ NGOÀI MỘT BẢN ÁN CẢ ĐỜI? (Huỳnh Trọng Khang)

 



Đất nước là gì ngoài một bản án cả đời?    

Huỳnh Trọng Khang 

Chủ nhật, 09/01/2022 

https://nguoidothi.net.vn/dat-nuoc-la-gi-ngoai-mot-ban-an-ca-doi-33133.html

 

Tiểu thuyết đầu tay của nhà thơ Ocean Vuong vừa được phát hành ở Việt Nam vào đúng dịp cuối năm, qua bản dịch của Khánh Nguyễn. Trong một năm xuất bản ảm đạm vì tình hình dịch bệnh, cuốn sách là một dấu ấn đẹp để kết thúc năm 2021.

 

·         Quê người trọn kiếp lưu đày

 

Độc giả trong nước đón nhận nồng nhiệt tác phẩm của Ocean Vuong. Ngay từ khi bìa sách mới được công bố, những lời dò hỏi khi nào sách phát hành đã râm ran trong giới mộ điệu. Tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn) chắc chắn sẽ rực rỡ không chỉ một thoáng. 

 

Tiểu thuyết được viết như thể một bức thư của người con trai gửi đến mẹ của mình: 

 

“Để con bắt đầu lại nhé
 Mẹ ơi,”

 

“Mẹ ơi”, tiếng gọi thân thương ấy như câu chú mở vào thế giới của ký ức, nơi đứa con da vàng lạc loài trên đất Mỹ lần hồi kể lại không chỉ quá khứ của nó mà cả lịch sử gia đình, từ bà ngoại, qua mẹ và giờ đến đứa con trai không cha được bao bọc bởi một thứ tình yêu kiểu Việt Nam


Ngoại tôi hôn như thể lịch sử
chưa bao giờ chấm dứt, như thể ở đâu đó
một cơ thể vẫn đang
rụng rời.    

(Ocean Vuong, Kissing in Vietnamese, Nguyễn Huy Hoàng dịch)

 

Sinh năm 1988, Ocean Vuong không có ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng ký ức đó truyền lại qua những chuyện kể của bà ngoại, cậu bé có tên tục là Chó Con lớn lên cùng những câu chuyện ấy. Như thể chỉ cần Ngoại cất lời, hình ảnh về một đất nước xa xôi ở bờ bên kia đại dương hiện ra trên bức tường trước mặt. 

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/6030b0ee-6d2a-4ecb-9f87-202da15b9d51.jpg

Ocean Vuong đã được Quỹ MacArthur trao giải thưởng MacArthur Fellowship 2019, còn được gọi là giải Genius grants (Thiên tài). Ảnh: Courant

 

Ở Vuong, ký ức là thứ mang tính di truyền. Tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian có đoạn Vuong miêu tả trong người mình có một viên đạn, thậm chí viên đạn đó đã có trong người mẹ cậu từ trước, và nó giống như một hạt nhân mà cơ thể cậu đã phát triển xung quanh viên đạn đó. 

 

Bằng cách này lịch sử một gia đình gói trong lịch sử một dân tộc. Một dân tộc chìm trong chiến tranh, một dân tộc lang thang qua đại dương, qua các châu lục, mang theo ý thức thân phận của những kẻ du mục thời hiện đại. Ký ức truyền đời, thứ lịch sử không cần ghi chép ấy lưu cữu như một cơ thể vĩnh viễn không băng hoại. 

 

Đó là một cô gái không chấp nhận hôn nhân sắp đặt, bỏ nhà ra đi, làm gái điếm, kết hôn với một lính Mỹ da trắng và sinh ra một bé gái. Đứa con gái ấy lớn lên trong bom đạn chiến tranh, bất hạnh trong hôn nhân và cuối cùng trở thành một bà mẹ đơn thân trên đất Mỹ. 

Một câu chuyện ta đã nghe đâu đó từ trước. Một mẫu số chung của nhiều thân phận. Trong câu chuyện dưới vỏ một bức thư này, khi Vuong hé mở những điều riêng tư nhất, nó cũng đồng thời chạm đến những nỗi đau chung.

 

Dưới hình thức một bức thư không ngày tháng, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian khiến ta nhớ đến tiểu thuyết Thư chết của Linda Lê. Nhà văn Pháp gốc Việt viết những bức thư gửi người cha đã qua đời của mình, những chữ ông không thể đọc được, và do đó những trang giấy chi chít kia chỉ là những cánh thư chết. 

 

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian cũng là một dạng “thư chết” vì mẹ anh, đối tượng mà bức thư hướng tới, không biết chữ. Do đó, những bức thư trở thành nguyên cớ cho đứa con truy vấn chính mình, sục sạo dưới mớ quá khứ hỗn độn, để một lần viết lại cuộc đời của một đứa con Việt trên đất Mỹ. Nơi đứa con đã học được tình yêu từ những trận đòn của người mẹ suốt ngày chỉ biết nói “Xin lỗi” khách hàng ở tiệm làm móng. Bà nói “Xin lỗi” dù thậm chí không sai và từ những tiếng đó, đứa con ý thức được thân phận nhập cư của mình. 

 

Đứa con cũng khám phá ra sức mạnh của ngôn từ, nó đã chọn tiếng Anh để ký thác những tình cảm Việt. Thứ tình cảm “khó hiểu” với nhiều đứa bé sinh sống ở Mỹ, một thứ tình yêu kiểu Việt Nam. Làm sao để những người phương Tây hiểu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”? Làm sao để những người phương Tây hiểu các bậc ông bà cha mẹ lại chọn những cái tên xấu xí, quê mùa để gọi con cháu như cái tên Chó Con, chỉ vì họ tin rằng chọn cho những đứa con yếu ớt cái tên xấu sẽ giúp ma quỷ tránh xa chúng. 

 

Ocean Vuong đã khéo léo nhắc đến những dị biệt đó để làm nổi lên những khoảng cách về văn hóa xã hội. Anh lang thang đi giữa hai nền văn hóa, hai châu lục, hai đất nước. Một quê hương của hiện tại và một quê hương của quá khứ mà anh không thể nào rũ bỏ. Ngay từ phần đầu của tiểu thuyết, Vuong viết: “Đất nước là gì ngoài một bản án (sentence) cả đời?” Và anh đã viết câu này như một nghi vấn. 

 

Vì đất nước theo một cách nào đó, còn là nơi bà ngoại từng sống và trên hết, đối với đứa con không cha, đất nước của nó, cuộc đời của nó chính là người mẹ. Một người mẹ nó yêu thương nhưng dường như nó không hiểu hết. Một người mẹ mà vì bà nó sống cũng như bà đã sống vì nó. 

 

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian làm tôi nhớ đến phim Pain and Glory của đạo diễn Tây Ban Nha Pedro Almodóvar, cũng được phát hành năm 2019. Nhân vật Chó Con của Vuong và nhân vật Salvador Mallo của Almodóvar giống nhau ở chỗ cả hai đều là con của một bà mẹ đơn thân và đều thích nam giới. Một đằng sẽ trở thành nhà văn, một đằng trở thành đạo diễn và đều thành công. Cả hai, một sẽ viết tiểu thuyết, một sẽ làm phim về cuộc đời của mình, để xoa dịu mình và để bày tỏ tình yêu với người mẹ. 

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/06f55cd2-1e5e-4a7b-8a8d-8abc93ce6fa5.jpg

Bìa tiểu thuyết On earth we’re briefly gorgeous được dịch sang tiếng Việt. Ảnh: Nhã Nam

 

Viết đến đây, tôi tự hỏi rằng có phải vì chung một Mẹ Việt Nam, mà chúng ta dù có chia rẽ, mâu thuẫn, dầu có biền biệt xa cách nhau bao lâu và bao xa đi nữa thì vẫn có khả năng ngồi lại với nhau như Lưu Quang Vũ đã viết:

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về...

Tình cờ, cách nay ba - bốn năm, tác phẩm Người tị nạn của nhà văn Viet Thanh Nguyen được phát hành ở Việt Nam cũng vào thời điểm cuối năm và cũng nhận được sự chào đón nồng ấm của độc giả trong nước.  

Công bằng mà nói, cả Viet Thanh Nguyen và Ocean Vuong là nhà văn người Mỹ, viết tiếng Anh. Nhưng mỗi khi tác phẩm của họ được xuất bản ở Việt Nam, độc giả trong nước luôn dành sự ưu ái lớn như chào đón một người con xa xứ hồi hương. Tương tự, nếu không bị dịch bệnh cản trở, thì cuối năm cũ đầu năm mới, bao giờ chẳng là thời điểm hiếm hoi người Việt ở nước ngoài chọn trở về thăm quê. 

Tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian ra mắt bản tiếng Việt lần này, theo một cách nào đó, cũng là dịp để lần nữa, nhà thơ Ocean Vuong đoàn tụ với cố hương.

Ocean Vuong sinh năm 1988 ở Sài Gòn, tên khai sinh là Vương Quốc Vinh. Anh cùng gia đình di cư đến Mỹ vào đầu thập niên 1990. 

Năm 2016, Vuong xuất bản tập thơ đầu tay Night sky with exit wounds gây được tiếng vang và gặt hái nhiều giải thưởng. Tập thơ đã được dịch và phát hành ở Việt Nam với tên Trời đêm những vết thương xuyên thấu (Phanbook và NXB Hội Nhà Văn).

Tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (nguyên tác: On earth we’re briefly gorgeous) được xuất bản năm 2019. Cũng năm này, Ocean Vuong nhận giải Genius grants (Thiên tài) của Quỹ MacArthur. Tác phẩm On earth we’re briefly gorgeous đã được dịch sang nhiều thứ tiếng (Nga, Đức, Trung, Tây Ban Nha…),  được hãng phim A24 của Mỹ mua bản quyền chuyển thể thành phim điện ảnh…

 

Huỳnh Trọng Khang

---------------

·         Quê người trọn kiếp lưu đày

 

·         Thơ Ocean Vuong





No comments:

Post a Comment

View My Stats