Monday, 3 August 2020

VIỆT NAM GIẢI BÀI TOÁN KHÓ VỪA CHỐNG DỊCH VỪA DUY TRÌ KINH TẾ (VOA Tiếng Việt)



Việt Nam giải bài toàn khó vừa chống dịch vừa duy trì kinh tế 

VOA Tiếng Việt

03/08/2020

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-giai-bai-toan-khoa-vua-chong-dich-vua-duy-tri-kinh-te/5528293.html

 

Việt Nam hiện nhắm mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của Việt Nam khẳng định tại một cuộc họp báo vào chiều thứ Hai 3/8.

 

Chỉ trong vòng 10 ngày qua, dịch Covid-19 ở Việt Nam đột ngột lây lan nhanh, đưa tổng số người nhiễm virus từ đầu dịch đến nay tăng lên con số 642 ca, với 6 ca tử vong và hơn 103.000 người phải cách ly, tính đến chiều 3/8.

 

Theo quan sát của VOA, người dân và báo giới trong nước bày tỏ lo ngại dịch bệnh sẽ làm cho tình trạng “phong tỏa”, “đóng cửa” quay trở lại, có thể gây tổn thương nặng nề đến nền kinh tế và sinh kế của người dân.

 

Trong cuộc họp báo được truyền trực tiếp trên Facebook, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết về phương hướng hành động của chính phủ:

 

“Quan điểm chung là các vùng dịch chúng ta phải khoanh, phải dập. Đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ và phải dập tắt. Ví dụ, thôn Bùi, xã Hòa Tiến, tỉnh Thái Bình, thì người ta chỉ khoanh vùng cái thôn thôi. Khoanh vùng với bán kính nhỏ, vừa đủ để dập dịch. Đồng thời chúng ta vẫn đảm bảo để kinh doanh, thông thương nền kinh tế”.

 

Tâm dịch hiện nay ở Việt Nam là Đà Nẵng, một trung tâm du lịch của đất nước, nơi xuất hiện trở lại các ca nhiễm trong cộng đồng vào những ngày cuối tháng 7, sau 99 ngày dịch tạm lắng xuống ở trong nước.


Trong cuộc họp trực tuyến giữa chính phủ Việt Nam với một số tỉnh, thành vào chiều 2/8, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đề xuất rằng cần cách ly cả thành phố Đà Nẵng với kinh nghiệm tham khảo từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

 

Các báo lớn như Thanh Niên, VNExpress, VietnamNet dẫn lời Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói rằng Đà Nẵng hiện có 103 người nhiễm trên dân số 1 triệu người, cần xác định thành phố này là “trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm".

 

Ông Nhân đề nghị rằng “Đà Nẵng áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn" và đưa ra “kinh nghiệm Vũ Hán” là “họ yêu cầu tất cả mọi người ở nhà, mỗi nhà chỉ được 1 người đi chợ 1 lần thôi, phát phiếu chỉ người đó được ra khỏi nhà đi chợ thôi. Sau một thời gian họ không cho đi chợ nữa, mà chuyển sang giao nhận thực phẩm tại nhà", theo tường thuật trên báo chí trong nước.

 

Tuy nhiên, trong họp báo của chính phủ hôm 3/8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho thấy một cách tiếp cận ít cứng rắn hơn:

 

"Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng. Không để lây lan ra cộng đồng. Và lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Và không được cát cứ, bất cứ hạn chế nào. Không vì kiềm chế dịch bệnh mà ngăn sông cấm chợ. Đây là quan điểm quyết liệt của Thủ tướng”.

 

https://gdb.voanews.com/648EC666-33F4-4529-95DF-C8A2B9A0A794_w650_r0_s.jpg

Du khách tại sân bay Đà Nẵng ngày 26/7/2020.

 

Nói thêm về cách ứng phó để vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động kinh tế, Bộ trưởng Dũng lưu ý rằng cách hành động giờ đây khác so với trước và điều quan trọng là các biện pháp không nên “cứng quá” mà cần phải “vừa đủ”:

 

“Ví dụ, một địa phương mà phát hiện ca nhiễm cộng đồng mới, thì chúng ta đừng đặt vấn đề là đưa ra bán kính quá rộng để giãn cách, phong tỏa. Một bệnh nhân ở phường xã nào thì khoanh cái phường đó, tổ dân số đó, chứ đừng đặt vấn đề quy mô cả huyện, cả xã. Nó khác là như thế”.

 

Đến nay, nhiều nhà kinh tế đánh giá rằng tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và xã hội Việt Nam là nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các dự báo trước đây.

 

Một trong các chỉ số là tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2019, theo Tổng cục Thống kê.

 

Khái quát về tình hình kinh tế Việt Nam trong 7 tháng qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra các con số gồm lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,74% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu tăng nhẹ, đạt gần 146 tỷ đô la, được bộ trưởng xem là “rất mừng”; và xuất siêu đạt 6,5 tỷ đô la, một kết quả thật “khích lệ”, theo lời ông Dũng.


Nhận định về thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói Việt Nam vẫn đối mặt với “những khó khăn lớn” và “nhiều rủi ro”.

 

Ông Dũng cảnh báo các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, vận tải, hàng không, dịch vụ và du lịch sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, đồng thời nói thêm rằng con số người mất việc trong quý 3 và cả thời gian sau đó “sẽ cao hơn”.

 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh dự báo với VOA rằng nếu Việt Nam kiểm soát được dịch, mức tăng trưởng của năm nay có thể đạt trong khoảng 2-3%. Ngược lại, nếu không kiểm soát được dịch, sẽ khó đạt con số đó, tiến sĩ Doanh nói.

 

Vẫn theo chuyên gia này, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng bằng đầu tư công. Tuy đại dịch gây ra nhiều khó khăn, thách thức, song nó cũng là chất xúc tác để Việt Nam chuyển đổi, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:

 

“Dịch Covid cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế số hóa, thương mại điện tử, làm việc, hội họp qua mạng. Điều thứ hai Việt Nam có thể làm là cải cách mạnh mẽ về thể chế, giảm giấy phép con, thực hiện công khai minh bạch để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển”.

 

Hồi cuối tháng 7, một nhóm chuyên gia thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Ngân hàng BIDV đưa ra dự báo rằng tùy theo khả năng chống đỡ đại dịch của Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2020 của đất nước có thể là một trong ba mức: 1,5% (kịch bản tiêu cực), 3% (kịch bản cơ sở), hoặc 4% (kịch bản tích cực).

 

 -------------------------------------------------

 

Covid-19 tại Việt Nam: Số ca nhiễm tăng nhanh, nhiều người nguy kịch

VOA Tiếng Việt

03/08/2020k

https://www.voatiengviet.com/a/covid-19-t%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam-s%E1%BB%91-ca-nhi%E1%BB%85m-t%C4%83ng-nhanh-nhi%E1%BB%81u-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-nguy-k%E1%BB%8Bch/5528590.html

 

Số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đang tăng nhanh từng ngày giữa lúc chính quyền ráo riết thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn dịch, truy tìm dấu vết và khoanh vùng những nơi có người nhiễm virus.

 

Vào tối 3/8, Việt Nam ghi nhận thêm 15 ca nhiễm Covid-19 mới ở Đà Nẵng và 6 ca tại Quảng Nam, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 642 người.

 

Riêng ổ dịch Đà Nẵng chiếm tới 195 ca kể từ khi ca đầu tiên được phát hiện tại đây vào ngày 25/7.

 

Hiện tại, đã có 4 khu công nghiệp ở Đà Nẵng ghi nhận có công nhân nhiễm virus corona. Tổng cộng có khoảng 77.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp này.

 

UBND thành phố Đà Nẵng tối 30/7 nhận định rằng tình hình dịch bệnh trong thành phố đang “rất nguy cấp” và yêu cầu các cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm trên diện rộng với số lượng từ 3.500 – 4.000 người mỗi ngày, lập tức thông báo các ca F1 có kết quả dương tính để thực hiện cách ly ngay những người tiếp xúc.

 

Thành phố du lịch cũng đã áp dụng biện pháp phong toả thành phố, lập các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào, phun thuốc khử khuẩn toàn bộ quận Sơn Trà, nơi được xem là ổ dịch của thành phố, đồng thời cấp tốc xây dựng bệnh viện dã chiến để đối phó với khả năng số ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian sắp tới.

 

Trong khi đó, các tỉnh thành khác như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… đều ghi nhận các ca nhiễm bệnh mới, phần lớn liên quan đến những người trở về từ Đà Nẵng.

 

Bộ Y tế Việt Nam cho biết chủng virus corona gây bệnh tại Đà Nẵng hiện nay là chủng mới, có khả năng lây lan nhanh hơn so với 5 chủng virus đã phát hiện trước đây, và chủng này tương tự với chủng xuất hiện tại Bangladesh vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7.

 

Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị, có 10 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, 3 bệnh nhân nặng và 21 bệnh nhân tiên lượng nặng và đang được điều trị tại các bệnh viện ở Huế và Đà Nẵng, vẫn theo Bộ Y tế Việt Nam.

 

Hôm 2/8, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca tử vong nữa, nâng tổng số ca từ vong vì Covid-19 lên 6 người chỉ trong vòng 1 tuần, sau nhiều tháng không có ca tử vong nào.

 

Tuy nhiên, trong cuộc họp chính phủ vào ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình dịch bệnh “cơ bản trong tầm kiểm soát” nhờ những kinh nghiệm nhất định trong phòng chống dịch của Việt Nam, theo Vietnamnet.

 

Người đứng đầu nhà nước cũng yêu cầu các quan chức và địa phương phải “khoanh vùng dập dịch quyết liệt” nhưng “không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan”.

 

Theo ông, diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đang đề ra các rủi ro, thách thức gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats