Venezuela
triển khai lực lượng an ninh, đàn áp những người bị nhiễm virus corona
Anatoly
Kurmanaev, Isayen Herrera và Sheyla
Urdaneta - New York Times
Dịch giả: Christine
Nguyễn
21/08/2020
Nền kinh tế bị hủy hoại và hệ thống chăm sóc sức khỏe
bị phá vỡ đã khiến Tổng thống Nicolás Maduro không thể chống chọi với đại dịch
như các nhà lãnh đạo thế giới khác. Ngược lại, ông ta đã giam giữ hàng ngàn người
để cố gắng ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/08/1-37-1024x683.png
Các viên cảnh sát ở
Caracas, thủ đô Venezuela, bắt giữ những người bị nghi ngờ, bất chấp các biện
pháp cách ly hồi tháng Bảy. Nguồn: Adriana Loureiro Fernandez/ NYT
Các nhà chức trách
Venezuela đang lên án những ai có thể bị nhiễm virus corona là “những kẻ khủng
bố sinh học” và kêu gọi hàng xóm tố cáo họ. Chính phủ đang giam giữ và đe dọa
các bác sĩ và các chuyên gia hoài nghi các chính sách về virus của tổng thống.
Và chính quyền đang tóm
hàng ngàn người Venezuela đang kéo về nhà sau khi bị mất việc làm ở nước ngoài,
nhốt vào các trung tâm giam giữ tạm thời vì sợ họ có thể bị nhiễm virus.
Tổng thống Nicolás Maduro
đã xử trí virus corona theo cách giống với bất kỳ mối đe dọa nội bộ nào đối với
quyền cai trị của mình: Triển khai bộ máy an ninh đàn áp để chống lại.
Trong các khách sạn bị
quân đội trưng dụng, các trường học bỏ hoang và các trạm xe bus bị giăng dây
phong tỏa, người dân Venezuela từ các nước Mỹ Latin quay về nhà đang bị buộc phải
vào trong những căn phòng đông kín người với thức ăn, nước uống và khẩu trang hạn
chế. Và họ đang bị lính của quân đội canh giữ trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng
để làm xét nghiệm virus corona hoặc chữa trị bằng các loại thuốc chưa được công
nhận, theo các cuộc phỏng vấn những người bị giam giữ, các video được họ quay bằng
điện thoại di động và các tài liệu của chính phủ.
“Họ nói với chúng tôi
rằng chúng tôi bị nhiễm bệnh, rằng chúng tôi có tội vì làm lây lan bệnh cho cả
nước”, Javier Aristizabal, một y tá ở thủ đô Caracas, là người kể rằng, anh
ta đã phải trải qua 70 ngày trong các trung tâm sau khi từ Colombia trở về hồi
tháng 3.
Trong thành phố lớn San
Cristóbal, các nhà hoạt động của đảng cầm quyền đang gắn bảng đánh dấu những căn
nhà có người bị nghi nhiễm virus và dọa sẽ tống tù họ, các cư dân nói. Trong một
thành phố khác, Maracaibo, cảnh sát tuần hành trên đường phố để tìm những người
Venezuela về nước mà không có sự chấp thuận chính thức. Các chính trị gia đối lập
địa phương có khu vực bầu cử bị dịch bệnh cho biết, họ bị đe dọa truy tố.
“Đây là đất nước duy
nhất trên thế giới xem người bị nhiễm virus corona là tội phạm”, Sergio
Hidalgo, một nhà hoạt động đối lập Venezuela, là người cho biết đã mắc phải các
triệu chứng của virus corona, chỉ thấy cảnh sát ngay trước cửa nhà và chính quyền
cáo buộc ông làm lây nhiễm cộng đồng.
Khi đại dịch hoành hành ở
các quốc gia láng giềng, gây quá tải mạng lưới chăm sóc y tế vốn được chuẩn bị
tốt hơn nhiều so với hệ thống suy sụp của Venezuela, tổng thống Maduro đã áp dụng
đường lối cứng rắn, xử lý virus corona như mối đe dọa đến an ninh quốc gia, có
thể làm mất ổn định một đất nước vốn đang phá sản và gây nguy hiểm cho việc nắm
giữ quyền lực của ông ta.
“Đại dịch phơi bày rõ
ràng mối nguy cơ đối với chính quyền vì nó cho thấy sự bấp bênh của các nguồn
tài nguyên”, John Magdaleno, nhà khoa học chính trị Venezuela ở Caracas,
nói. “Đối phó với đại dịch không phải là điều ưu tiên. Đó là sự sống còn
chính trị trong ngắn hạn”.
Trong bảy năm cầm quyền,
Maduro đã quan sát sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế Venezuela, sự phá hủy nền
kinh tế quốc gia, và đánh dấu một quốc gia ngày càng bị quốc tế cô lập.
Với nguồn lực cạn kiệt
trang bị cho các bệnh viện đang xuống cấp hoặc giúp cho người dân vốn đang bị bần
cùng sống còn trong khủng hoảng, Maduro phải chuyển sang các cơ sở giam giữ
chính, đàn áp và ép buộc để cố ngăn chặn virus đang tràn ngập cả nước, các nhà
phân tích chính trị nói.
Đường lối xử lý mạnh tay
của chính phủ có thể buộc nhiều người phải ở nhà hơn và làm chậm lại sự lây lan
của virus, nhưng cũng không khuyến khích những người bị nhiễm bệnh tìm kiếm sự
giúp đỡ. Ngược lại, điều này đang khiến cho việc chống lại đại dịch càng khó
khăn hơn, các bác sĩ ở Venezuela nói.
“Khi mắc bệnh, họ sẽ
cho rằng mình mắc phải vấn đề pháp lý hoặc gặp vấn nạn với cảnh sát, như thể họ
là kẻ phạm pháp. Do đó họ sẽ giấu bệnh”, Julio Castro, một bác sĩ Venezuela
người tư vấn về chăm sóc y tế cho Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, nói.
Phạm vi thật sự của đại dịch
ở Venezuela, quốc gia đã ngưng công bố số liệu thống kê y tế cơ bản như số tử
vong trẻ sơ sinh từ nhiều năm trước, gần như không thể xác định được.
Nhưng với 20 quan chức
hàng đầu báo cáo là đã có kết quả dương tính với virus và một số bác sĩ cảnh
báo rằng, các bệnh viện gần hết công suất, thì tình hình có thể tồi tệ hơn rất
nhiều so với con số tử vong chính thức là 288 trong một quốc gia có khoảng 30
triệu dân.
Những bác sĩ và các nhà
báo từng đặt nghi vấn về số liệu thống kê chính thức, cho biết họ đã bị đe dọa.
Ít nhất 12 bác sĩ và y tá đang bị cầm tù vì bình luận công khai về virus
corona, theo các nghiệp đoàn y tế.
Những di dân Venezuela về
nước sau khi mất việc ở nước ngoài do đại dịch, bị cho vào tầm ngắm một cách đặc
biệt.
Theo chính phủ Colombia,
khoảng 95 ngàn người Venezuela đã quay về nước từ tháng ba, và 42 ngàn người
khác đang đợi nhập cảnh dọc biên giới.
Chỉ có 1.200 người được
phép nhập cảnh mỗi tuần, qua cửa khẩu chính, dưới sự hướng dẫn của chính quyền
Venezuela, buộc những người khác phải chờ đợi nhiều tháng trong các trại tạm
cư. Những người đi bằng đường mòn bất hợp pháp xâm nhập vào biên giới bị công
khai dán nhãn là những mối nguy cơ.
Trên Twitter, các lực lượng
vũ trang của Venezuela kêu gọi dân chúng tố giác cái gọi là những kẻ khủng bố
sinh học, ám chỉ những người Venezuela trốn tránh sự kiểm soát biên giới của
chính phủ và quay về nhà.
New York Times đã phỏng vấn
bảy người Venezuela bị giam giữ trong các trung tâm. Nhiều người cho biết đã bị
nhồi vào những căn phòng không giường, không thức ăn nóng, không cửa sổ và
không đủ nước uống.
“Chúng tôi không kêu
ai giúp gì được cả, vì điều duy nhất chúng tôi nhận được là sự lạm dụng”,
Aristizabal, y tá, là người bị đưa tới đưa lui nhiều trung tâm giam giữ sau khi
quay về từ chuyến đi thăm mẹ ông ở Colombia.
Trong quá trình giam giữ,
Aristizabal nói rằng, đã có nhiều lúc ông phải ngủ trên nền đất – trên mặt đường
nhựa của một trạm xe bus hoặc trên sàn của một căn phòng khách sạn không cửa sổ,
cùng với năm người khác.
Một số người nói rằng, họ
bị giam giữ chung với những đứa trẻ chỉ mới một tuổi mà không có thực phẩm đặc
biệt cho trẻ nhỏ. Nhiều người khác nói rằng, họ bị buộc phải uống thuốc trong
phác đồ chính thức của Venezuela để điều trị cho bất cứ ai bị nhiễm, hoặc nghi
là bị nhiễm virus corona, ngay cả không có triệu chứng.
Các loại thuốc được liệt
kê trong hướng dẫn của chính phủ chưa được công nhận để điều trị virus corona,
và có thể có các hậu quả nguy hiểm. Thuốc điều trị gồm hydroxychloroquine mà Cục
quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cảnh báo có thể gây ra rối loạn nhịp tim,
nguy hiểm đối với bệnh nhân virus corona, và một loại thuốc chống ký sinh trùng
tên là ivermectin mà WHO nói là không được sử dụng để điều trị bệnh này.
Những người Venezuela trong
các trại cách ly tập trung đã quay lại video, cho thấy, điều kiện thiếu vệ sinh
của trại. Nhiều người nói rằng, họ không được điều trị các bệnh nền đang mắc phải,
chỉ được đeo một chiếc khẩu trang duy nhất trong thời gian ở trại và không thể
thực hiện giãn cách xã hội.
Nhưng điều tồi tệ nhất, họ
nói là không biết sẽ phải bị giam giữ trong bao lâu.
Trong một video do
một nhà lập pháp đối lập đăng tải, năm người đàn ông lẫn đàn bà cao niên quấn
trong những chiếc chăn bẩn bị nhồi nhét vào một căn phòng nhỏ không cửa sổ với
những chiếc ghế sứt càng gãy gọng và một chiếc giường tầng không nệm, là nơi mà
theo họ là trạm cấp cứu do chính phủ điều hành ở Caracas.
Một người đàn ông trông
quẫn bách, nói: “Xem hãy đem tôi ra khỏi đây. Tôi chết ở đây mất. Tôi thấy
ngày càng tồi tệ hơn”.
Việc đàn áp các di dân
Venezuela về nước của Maduro thật tương phản với sự hưởng thụ tự do của giới đỉnh
cao cầm quyền của quốc gia này, những kẻ đang thoát khỏi sự phong tỏa trên các
hòn đảo Caribean đóng kín, trong các dinh tự trên sườn đồi và trong các nhà
hàng xa hoa, chỉ dành cho khách mời.
Hai quan chức hàng đầu của
đảng bị nhiễm virus corona đang được điều trị trong các bệnh viện tư hoặc trong
các quân y viện đáng tin cậy của Caracas. Với vài ngàn đô la, những người về nước
giàu có thể bỏ qua lệnh bắt buộc cách ly và về thẳng nhà.
Những chiếc xe SUV chống
đạn sang trọng không biển số chạy khắp các khu phố thượng lưu của Caracas vào
ban đêm, trong khi cách đó vài dặm, đội dân quân vũ trang ủng hộ chính phủ thực
thi lệnh phong tỏa trong các khu dân cư nghèo khổ.
Maduro tuyên bố rằng, ông
ta đã phản ứng nhanh – phong tỏa cả nước hôm 17/3, ngay sau hai ca lây nhiễm
virus corona đầu tiên được xác nhận – đã ngăn chặn được sự tàn phá mà các quốc
gia lân cận phải gánh chịu.
Một cách chính thức,
Venezuela khoe khoang là quốc gia có lượng lây nhiễm thấp nhất trong khu vực.
Năm tháng sau khi virus bị phát hiện, con số tử vong hàng ngày, theo chính phủ,
chưa bao giờ quá 12 người.
“Chúng ta được chăm
sóc có một không hai trên thế giới, sự chăm sóc đầy nhân đạo và tình yêu
thương, nhân danh Chúa”, Maduro nói trong bài diễn văn toàn quốc hôm 14/2.
Nhưng các chuyên viên y tế
nói rằng, các con số lây nhiễm chính thức thấp là kết quả của số lượng xét nghiệm
cực kỳ thấp. Các xét nghiệm virus cấp tính rất khan hiếm và phải mất nhiều tuần
để được tiến hành trong một hay hai phòng xét nghiệm được chính phủ phê duyệt,
theo tám bác sĩ trong ba bang của Venezuela được mời phỏng vấn cho bài báo này.
Các bác sĩ không muốn công khai danh tính vì sợ bị chính phủ bức hại.
Các bác sĩ này nói rằng,
hầu hết bệnh nhân có các triệu chứng của virus corona không bao giờ được làm
xét nghiệm hoặc chết trước khi có kết quả xét nghiệm, do đó họ không bao giờ được
đưa vào thống kê chính thức.
Tại bang Zulia ở phía tây
nước này, chính quyền nói rằng, 70 người đã tử vong vì virus corona vào tuần thứ
hai của tháng 8. Nhưng một nhóm bác sĩ theo dõi số tử vong trong bang này nói rằng,
chỉ trong một bệnh viện – lớn nhất bang Zulia – đã có 294 người tử vong với các
triệu chứng của virus corona vào thời điểm đó.
Vài ngày trước khi
Venezuela xác nhận ca lây nhiễm virus corona đầu tiên, thống đốc bang Zulia,
Omar Prieto, nói trong một diễn văn trước công chúng rằng, đã hạ lệnh cho phản
gián quân đội hỏi cung một bác sĩ nổi tiếng vì đã báo động về khả năng lây nhiễm.
“Đây là vấn đề an ninh
quốc gia và người này phải bị điều tra”, Prieto nói về bác sĩ Freddy
Pachano.
Maracaibo là thủ phủ của
bang Zulia, đã thành tâm chấn của đại dịch ở Venezuela.
Một nhà hỏa táng ở
Maracaibo từ chỗ xử lý trung bình năm thi thể mỗi ngày, đã tăng lên 20 thi thể
mỗi ngày hồi tháng 6, trước khi các lò thiêu của nhà hỏa táng bị hỏng vì làm việc
quá mức, theo một người quản lý của cơ sở, phát biểu với điều kiện ẩn danh vì sợ
bị trả thù.
Nhà chức trách ở
Maracaibo từ đó đã phải mở hố chôn tập thể trong nghĩa trang thành phố.
Prieto, thống đốc bang,
đã có xét nghiệm dương tính với virus corona nhưng đã hồi phục trong một bệnh
viện tư.
Bác sĩ Pachano là người cố
gắng lên tiếng báo động về cuộc khủng hoảng sắp tới, đã trốn sang Colombia để
tránh bị bắt bớ.
“Không thể thực hiện
các biện pháp thích đáng để chống lại dịch bệnh nếu chúng ta không biết thật sự
những gì đang xảy ra”, ông nói.
No comments:
Post a Comment