Monday, 17 August 2020

TƯ LIỆU GHI ÂM VỀ ÔNG VÕ VĂN KIỆT (Ngô Vĩnh Long)

 


Tư liệu ghi âm về ông Võ Văn Kiệt    

Ngô Vinh Long

11:40  16/08/2020  

https://www.facebook.com/ngovinh.long/posts/3487768744617097

 

Do sự giới thiệu của anh Ngô Công Đức, anh Dương Văn Ba, và một số bạn bè thân thiết khác, cuối năm 1979 tôi gặp ông Võ Văn Kiệt để nói chuyện với ông ấy về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam cũng như một số vấn đề nông thôn Đồng bằng Sông Cữu Long. Đầu năm 1987 tôi lại được sắp xếp gặp ông Kiệt trong chuyến đi về Vĩnh Long để trao đổi. Nhưng sau đó, mãi cho đến tháng 6 năm 2006, tôi tránh gặp ông (trừ 3 lần có lý do cần thiết) vì tôi muốn dành một khoảng cách đối với những người đang có chức quyền để khỏi bị dị nghị.

 

Từ tháng 6 năm 2006 đến tháng 3 năm 2008 tôi gặp ông Kiệt nhiều lần để trao đổi về nhiều vấn đề, trong đó có những chặng đường lịch sử của Việt Nam. Tôi có ghi âm những việc ông nói về cuộc đời cũng như những cảm nhận riêng tư của ông; và tôi ghi tay những đánh giá chi tiết của ông về chính sách và một số người làm chính sách trong một vài giai đoạn mà lúc đó tôi nghĩ vẫn còn “nhạy cảm” nên chưa tiện ghi âm. Đằng nào đi nữa thì tháng 3 năm 2008 ông Kiệt và tôi đồng ý là sẽ dành một năm làm việc với nhau về các vấn đề lịch sử Việt Nam từ những năm của thập kỷ 30 cho nên để lúc đó ghi âm và ghi hình đàng hoàng thì tốt hơn. Tháng 4 năm ấy tôi xin đại học bang Maine cho tôi nghỉ dạy một năm không ăn lương để về Việt Nam nghiên cứu (và làm việc với ông Kiệt, nhưng tôi không nói ra). Ông Kiệt cũng đã giới thiệu tôi thỉnh giảng tại Đại học Quốc Gia ở TP HCM trong năm tôi về làm việc. Rất tiếc là tháng 5 Đại học Maine chấp nhận cho tôi nghỉ dạy một năm thì tháng 6 ông Kiệt qua đời.

 

Những gì tôi đã ghi âm với ông Kiệt là bằng máy các-sét nhỏ (micro cassette) vì lúc đó là để riêng cho tôi ghi nhớ chứ chưa có ý định chia sẻ trên mạng. Bây giờ nhân dịp bị bắt “cách ly xã hội” vì Covid-19 nên tôi nghĩ chắc một số bạn bè cũng có thể dành thời gian nghe giọng nói của ông Kiệt kể về cuộc đời của ông và một số nhận định riêng tư để có thể biết về con người của ông. Nhưng chuyển băng ghi âm ra MP3 rất tốn công. Thêm vào đó là FaceBook không có hình thức đưa âm thanh (audio) lên, chỉ có thể đưa video lên thôi. YouTube cho đưa audio lên, nhưng không có thể viết giới thiệu hay giải thích gì thêm được. Tôi bèn nghĩ cách “nửa chừng xuân” là đưa một số khúc ghi âm lên Google Drive của tôi với hệ mở và chép liên kết trong phần giới thiệu trên trang FB nầy để ai muốn nghe hay muốn tải xuống để nghe sau thì có thể theo liên kết đó.

 

Hôm nay tôi sẽ đưa lên phần ghi âm ông Kiệt kể từ khi ông “thoát ly” gia đình theo cách mạng đến khi chạy trốn vào U Minh. Phần nầy cho biết vì sao ông quí trọng người dân vì ông đã được họ đùm bọc. Con gái của ông được đặt tên là Hiếu Dân và ông có bí danh Sáu Dân chắc không phải là chuyện tình cờ. Thêm vào đó là ông thường nhắc đến chuyện “chị Tư Hồng” cứu mạng ông 4 lần cho nên có thể vì đó mà ông thường đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong xã hội và cách mạng.

 

Trước khi nghe phần ghi âm ông Kiệt kể giai đoạn ông thoát ly và chạy trốn vào U Minh, tôi xin vắn tắt vài hàng về bối cảnh xã hội và gia đình lúc ông còn nhỏ. Ông Kiệt (tên bố mẹ đặt là Phan Văn Hoà) sinh năm 1922 tại xã Trung Lương, nay gọi là xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Trung Lương là một xã nghèo, phần lớn đất đai đã vào tay địa chủ khi ông sinh ra mặc dầu người dân ở đó đã lao động khai phá. Phần lớn xã dân là tá điền. Gia đình ông Kiệt có tất cả là 8 anh em và ông là con út. Có một người vụng trộm sinh ra một đứa con cùng ngày nên giao đứa nầy cho mẹ ông Kiệt làm con nuôi để bịt tiếng tăm là có con hoang. Đây là chuyện khó xử, nhưng muốn giúp đỡ cho nên bà mẹ ông Kiệt chấp nhận nuôi.

 

Trong lúc đó thì một ông chú bà con họ, một đầu ông nội, chuyên làm mướn và không có con nên xin ông Kiệt về làm con nuôi. Ông chú tên là Phan Văn Chi, “ông già” ông Kiệt là Phan Văn Dựa. Lúc ông chú họ đem về làm con nuôi thì ông Kiệt chưa dứt sữa nên mỗi ngày “bà già đem về cho bú, chị dâu cũng cho bú, cả xóm cho bú.” Ông Kiệt chủ yếu ở bên “ông già nuôi, nhưng vẫn chạy tới chạy lui, kêu gọi gia đình bố mẹ…. Cả hai gia đình không biết chữ và làm mướn chung quanh thời vụ.” Khi ông “già nuôi” đi xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu gặt thì đem ông Kiệt theo mót lúa. Đến năm 11, 12 tuổi thì ông Kiệt đi ở (làm mướn) để giúp gia đình.

 

Năm 16 tuổi bà mẹ của ông Kiệt mất. Lúc cúng tuần (100 ngày), ở gần nhà có con ông cậu ruột (ông thứ 4 và “bà già” ông Kiệt thứ 7). Ông cậu ruột nầy, tên Hà Văn Út, hoạt động cách mạng (báo Dân Chúng năm 1938 có nói về ông nầy) về thăm và “phát hiện” ông Kiệt. Sau đó ông Út về nhiều hơn và nói với ông Kiệt về vấn đề Pháp thuộc và chế độ nầy đã đem lại sự bất bình đẳng trong xã hội như thế nào, v.v. Ông Kiệt thấy hay quá nên theo “tổ chức hội ái hữu tương tế” để đoàn kết, đấu tranh giảm tô, giảm tức. Vì tích cực trong hội tương tế ông “được đi ấp nầy, ấp khác, thoát cảnh ngục tù trong xóm làng.” Lúc 18 tuổi ông Kiệt được ông Bí thư Tỉnh uỷ (tên Tạ Uyên, người Ninh Bình) kết nạp, nhưng chưa đủ tuổi vào đảng. Sau đó vì Pháp khủng bố và bắt nhiều người bỏ tù, ông Kiệt chuyển vào hoạt động bí mật. Ông Kiệt phụ trách chi bộ xã. “Chị Tư Hồng” về làm thay ông Huyện Uỷ.

 

Sau đây là liên kết khúc ghi âm ông Kiệt kể về giai đoạn từ khi ông “thoát ly” đến lúc chạy vào U Minh. Nếu người đọc và người nghe thấy bổ ích thì xin cho biết ý kiến để tôi cố gắng dành thời gian nạp thêm các phần ghi âm khác

https://drive.google.com/…/14uWDVph_Cshv9Q4ZjmOcT5Ttl…/view…

 

Tiện đây, tôi cũng xin đưa lên hai tấm ảnh chụp với ông Kiệt. Tấm đầu là vào cuối tháng 6 năm 2006 khi ăn cơm trưa với ông tại nhà khách đường Tú Xương, TPHCM. Tấm thứ hai là giữa tháng 3 năm 2008 khi ăn tối ở biệt thự số 6 Phủ Tây Hồ, Hà Nội. Môi cả hai người đang hoen rượu vang đỏ!

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats