Friday, 7 August 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 07/08/2020 (The Economist)

 


Thế giới hôm nay: 07/08/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

07/08/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/08/07/the-gioi-hom-nay-07-08-2020/

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Beirut sau vụ nổ khiến ít nhất 135 người thiệt mạng. Ông cam kết viện trợ quốc tế nhưng cảnh báo rằng Lebanon sẽ “tiếp tục chìm” nếu không tiến hành các cải cách chính trị và kinh tế. Khi lớp bụi đã lắng xuống, nhiều người Lebanon đổ lỗi cho chính phủ vì đã để mặc 2.750 tấn amoni nitrat nằm ở cảng Beirut nhiều năm trời.

 

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo “các biện pháp đáp trả mạnh mẽ” trước viễn cảnh chuyến thăm Đài Loan của Alex Azar, Bộ trưởng Y tế Mỹ. Chủ nhật này, ông Azar sẽ trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ kể từ năm 1979 tới thăm hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Người phát ngôn này cảnh cáo bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại nguyên tắc “một Trung Quốc” vốn coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

 

Thượng viện đã  bỏ phiếu nhất trí cấm TikTok, một ứng dụng chia sẻ video, trên các thiết bị của chính phủ Mỹ. Dự luật được Hạ viện thông qua vào tháng trước và dự kiến ​​sẽ trở thành luật. Động thái này diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo vạch ra kế hoạch bảo vệ cơ sở hạ tầng công nghệ và viễn thông quan trọng. Kế hoạch của ông nhắm vào phần mềm, mạng di động và cả cơ sở hạ tầng vật lý lẫn đám mây của Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các công ty ngoài Trung Quốc rút ứng dụng của họ khỏi các kho ứng dụng của Trung Quốc.

 

Ngân hàng Trung ương Anh giữ lãi suất ở mức 0,1% và đưa ra triển vọng hỗn hợp cho nền kinh tế Anh. Từng dự đoán sẽ có phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, giờ đây ngân hàng nói GDP sẽ vẫn ở dưới mức trước đại dịch cho đến cuối năm 2021. Nhưng mức giảm 9,5% GDP mà ngân hàng dự đoán cho năm nay là ít nghiêm trọng hơn so với dự đoán giảm 14% trước đó.

 

Ai Cập và Hy Lạp ký thỏa thuận phân định một vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước ở phía đông Địa Trung Hải. Quyền khoan dầu trong khu vực đang bị tranh chấp vì có thể có trữ lượng dầu và khí đốt dưới lòng biển. Thỏa thuận này dường như chắc chắn sẽ khiến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tức giận, bên vốn cũng đã ký một thỏa thuận riêng với Libya vào năm ngoái.

 

Tổng chưởng lý New York Letitia James đã đệ đơn kiện yêu cầu giải thể Hiệp hội Súng trường Quốc gia, một nhóm vận động hành lang ủng hộ súng, với cáo buộc rằng các giám đốc điều hành đã “rút hàng triệu USD làm của riêng” và các hành vi sai trái bao gồm cả vi phạm luật thuế liên bang. Bà James có thẩm quyền đối với hiệp hội vì nó là tổ chức phi lợi nhuận đăng ký ở bang New York.

 

Glencore, gã khổng lồ ngành khai mỏ và hàng hóa cơ bản, đã loại bỏ kế hoạch trả cổ tức hàng năm trị giá 2,6 tỷ USD. Công ty đổ lỗi cho triển vọng kinh tế bất định vì đại dịch covid-19 và thay vào đó cam kết giảm nợ. Hãng này đã lỗ ròng 2,6 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Lebanon khó có thể xây dựng lại Beirut

Các đội dọn dẹp sẽ làm việc hôm nay, ngày mai và nhiều ngày tới. Việc sửa chữa thiệt hại do vụ nổ thảm khốc tại cảng Beirut ngày 4 tháng 8 sẽ mất nhiều năm. Vụ nổ do lượng amoni nitrat lớn đang để kho gây ra đã khiến hơn 130 người thiệt mạng. Hàng chục người khác vẫn mất tích, bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Hơn 5.000 người bị thương và 300.000 người rơi vào cảnh vô gia cư.

 

Viện trợ đang đổ vào; máy bay ầm ầm trên đầu, chất đầy vật tư y tế và đội cứu hộ, để khắc phục cuộc khủng hoảng nhân đạo trước mắt. Nhưng việc xây dựng lại là gần như không thể. Đồng tiền của Lebanon đã mất 80% giá trị trên thị trường chợ đen (về mặt chính thức thì nó được neo tỉ giá với đồng đô la) kể từ tháng 10 năm ngoái, trong khi lạm phát tăng vọt. Khoảng một nửa đất nước sống trong cảnh nghèo đói. Chính phủ từng đàm phán gói giải cứu 10 tỷ USD với IMF, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ. Kể cả một thỏa thuận như vậy thậm chí cũng không thể bù đắp được thiệt hại do vụ nổ: thống đốc Beirut ước tính thiệt hại lên tới 15 tỷ đô la.

 

Công bố báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ

Báo cáo việc làm hàng tháng của Hoa Kỳ có thể là ấn phẩm kinh tế thường xuyên được theo dõi kĩ càng nhất trên thế giới. Hôm nay sẽ có số liệu tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 15% vào tháng 4, thuộc nhóm cao nhất trong số các nước giàu. Kể từ đó nó có xu hướng giảm nhẹ khi phong tỏa được nới lỏng và mọi người bắt đầu quay lại nhịp sống cũ.

Nhưng một số nhà kinh tế lo ngại tháng 7 sẽ đặt dấu chấm hết cho những tiến bộ  này. Trong những tuần gần đây, nhiều bang, đặc biệt là ở “vành đai mặt trời” (các bang miền nam), đã áp đặt hoặc áp đặt lại các hạn chế để đối phó với số ca nhiễm covid-19 tăng nhanh. Rất có thể là tỷ lệ thất nghiệp ở các bang này đang tăng, đủ để đảo ngược xu hướng trước đó. Các nhà kinh tế khác cho rằng việc nới lỏng phong tỏa ở các vùng khác của đất nước sẽ đủ để đẩy tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc đi xuống, nhưng chỉ một chút. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng cho đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy sẽ có phục hồi hình chữ V trên thị trường lao động Mỹ.

 

Hãng nghiên cứu y tế Hangzhou Tigermed lên sàn Hồng Kông

Chưa bao giờ các thử nghiệm lâm sàng lại được giới đầu tư chứng khoán quan tâm nhiều đến vậy như trong năm 2020. Kết quả tích cực về các phương pháp điều trị tiềm năng và các thử nghiệm vắc xin covid-19 đã khiến toàn bộ thị trường chứng khoán tăng vài lần trong năm nay. Mặc dù các nhà sản xuất thuốc được chú ý, công việc khó khăn trong việc điều hành các thử nghiệm thường được giao cho các tổ chức nghiên cứu theo hợp đồng. Những công ty ít tiếng tăm hơn này tiến hành những việc không mấy hấp dẫn – nhưng sinh lợi cao – như tuyển dụng bệnh nhân, thiết kế các thí nghiệm và phân tích dữ liệu thử nghiệm.

 

Những hãng lớn nhất trong số họ có vốn hóa thị trường lên đến vài tỷ đô la. Hangzhou Tigermed, một trong những doanh nghiệp lớn nhất của Trung Quốc trong ngành, sẽ niêm yết số cổ phiếu trị giá 1,4 tỷ đô la lên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông vào hôm nay, hoàn thành vụ chào bán cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe lớn nhất châu Á trong năm nay. Có thể đoán được mức độ nổi tiếng của công ty đối với các nhà đầu tư: cổ phiếu niêm yết của họ ở sàn Thâm Quyến đã tăng 78% kể từ đầu năm.

 

Belarus đi bầu và tương lai “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu” 

Belarus, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ với gần 10 triệu dân, đứng trước thời khắc quan trọng trong lịch sử ngắn ngủi trong tư cách một quốc gia độc lập. Vào Chủ nhật, người Belarus sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống của họ. Alexander Lukashenko, nhà độc tài dân túy thường được mệnh danh là “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu”, đã ngồi ghế này 26 năm nay. Ông đã bỏ tù các đối thủ, cấm các cuộc thăm dò dư luận và kéo dài cuộc bỏ phiếu trong nhiều ngày để tạo nhiều không gian hơn cho gian lận. Chắc chắn ông sẽ tuyên bố chiến thắng với cách biệt lớn.

 

Điều ít chắc chắn hơn là liệu người dân Belarus có chấp nhận kết quả này hay không. Các cuộc biểu tình chống Lukashenko đã lan rộng khắp đất nước. Đối thủ chính của ông, Svetlana Tikhanovskaya, vợ của một vlogger bị bỏ tù, đã củng cố phe đối lập và thu hút được đám đông lớn tại các cuộc vận động tranh cử. Vì vậy, Lukashenko đã quay sang phao tin đồn, cáo buộc Nga âm mưu tấn công ông bằng vũ lực. Sự tuyệt vọng của ông trông thật đúng lúc. Người dân Belarus đang mong chờ ông ra đi.

 

Nhiều người phản đối chính sách đóng cửa biên giới bang của Úc

Hầu hết các bang và vùng lãnh thổ của Úc đã đóng cửa kể từ khi đại dịch bắt đầu. Biên giới giữa New South Wales và Victoria, nơi chiếm phần lớn trong số khoảng 8.000 ca nhiễm ở  nước này, đã đóng cửa kể từ ngày 8 tháng 7. Cuối tuần này Queensland sẽ đóng cửa biên giới với New South Wales, bang có Sydney, thành phố lớn nhất của Úc, là thủ phủ. Những hạn chế như vậy giúp hạn chế covid-19 lây lan ở những vùng ít dân cư của đất nước, khiến chúng được cử tri địa phương ủng hộ.

 

Nhưng chúng cũng làm đình trệ kế hoạch hồi sinh du lịch trong nước và khiến một số doanh nghiệp khó chịu. Ông trùm khai thác mỏ Clive Palmer đang kiện Tây Úc, bang tự cách ly vào tháng 4, vì từ chối cho ông ta vào bang. Ông lập luận rằng việc đóng cửa bừa bãi vi phạm yêu cầu của hiến pháp rằng “hoạt động mua bán, giao thương giữa các bang phải được tự do tuyệt đối”. Nếu Tòa án Tối cao đồng ý, Tây Úc sẽ phải nới lỏng các hạn chế của mình. Các tiểu bang khác có thể bị buộc phải tuân theo.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats