Thang
Pham
Posted on August 4, 2020
http://dcvonline.net/2020/08/04/song-cung-voi-quy/
Tôi nhìn đứa em họ thuở
bé “bạch diện thư sinh”, hai mắt nó đỏ như người uống rượu dù nó chẳng uống, mặt
mũi như thằng tội phạm hình sự. Bỗng dưng muốn khóc thật to, hiểu nó hơn!
Đứa em họ chẳng thua anh
mấy tuổi. Nhìn mắt và mặt thì như đứa giết người, râu ria lại xồm xoàm như thảo
khấu. Anh bạn học Lasan Tabert chung 41 năm mới gặp lại nó, đùa,
“Mày chỉ còn cái đầu húi cua là cũ, trông không còn
trắng trẻo thư sinh như con gái nữa!”
Anh bạn học của đứa em nhắc
lại hình ảnh lúc bé của nó. Hai ngày, một đêm, thằng anh họ chơi ác, chuyện trò
dẫn dắt đứa em nhớ lại những chuyện nó đã muốn quên.
18 năm sống chung với quỷ,
24 lần vượt biên, 5 lần tù – ngắn thì chỉ vài tuần cho đến dài thì hơn 3 năm –
4 lần sau là 4 lần vượt ngục; không kể 3 tháng nằm trong Bót quận I ở Mạc Đĩnh
Chi thời “cải tạo công tư sản” dù nhà nó chẳng bán buôn
gì sau khi gia đình bị gài bắt ở Gò Công, mất toàn bộ gia sản bố mẹ gầy dựng
khi vào Nam 1954. An ninh thành phố phối hợp với du kích địa phương bắt toàn bộ
gia đình, và một số bạn bè của gia đình trên một đảo nhỏ. Chuyến đi bị theo dõi
sát sạt từ ban đầu vì bị nghi ngờ là có âm mưu “phản động hiện hành”.
Cầu Sơn ngày nay, vẫn
bắc ngang con rạch cùng tên, không còn thấy cây sơn mọc trên bờ rạch nữa, thay
vào đó là những căn nhà phố cao rộng, giàu có | Ảnh: Hồ Tường (chụp ngày
8-1-2018)
Sau 75, bố mẹ nó bỏ cái
biệt thự Việt Nam Thương Tín ở Cầu Sơn, không dám về, lánh nạn ở nhà bố mẹ tôi
một thời gian. Hai con chó Doberman mà ông cậu nhờ quẳng mấy cục thịt để nuôi
hôm trước bị bộ đội bắn chết khi phá cửa vào nhà. Anh em nó không còn đi học,
dính dáng đến một số hoạt động chống chính quyền mới, rải truyền đơn…
Ông cậu biết, sợ, mua một
chiếc ghe đánh cá ở Rạch Dừa, đậu ở Cát Lở, Vũng Tàu năm 1977 để đẩy hai đứa
con trai ra đấy, rồi chuẩn bị cho cả nhà vượt biển. Nó học lái tàu, đi cào, te,
câu đảo từ đấy. Nhóm từ Sài Gòn bị bắt trọn trên cái cù lao ở Gò Công trước, nó
theo ghe ra cửa biển, đi bọc xuống, ngược sông vào Gò Công, đèn chớp ba phát,
ba phát chớp lại, ghe tiến vào, tiếng súng đạn nổ rân trời.
Gia đình nó bị tải về
thành phố, nhốt bốn nơi khác nhau, trong bốn ngôi nhà mà các chủ nhà bỏ lại sau
75. Bố nó nằm tù 6 năm rưỡi! Tù lần đầu, nó sống chung với đủ loại cán bộ phạm
pháp, và tù hình sự, được thả sau khi công an tra khảo để lấy sạch vàng dấu
trên ghe nhà. Nó trở về cái căn nhà mới mua sau 75, phía xéo mặt nhà bố mẹ tôi,
trong ngõ Asam. Mẹ nó và hai chị đã được thả về trước, nhà không có thức gì để
ăn! Họ hàng thân thuộc không ai dám tiếp xúc; 16 tuổi, nó nhảy ra sân trường đời
bương chải kiếm tiền nuôi cả nhà, và nuôi bố ở tù.
Vài tháng sau, nhà nó lại
bị ập vào đóng chốt trong chiến dịch cướp nhà lùa đi các khu kinh tế mới. Nó bị
bắt bỏ vào khám như một con tin để bọn cướp mang danh giai cấp khảo thêm của, 3
tháng nhà pha! Ra tù, mẹ nó đẩy con xuống Bạc Liêu. Ghe đã đi ra biển thì bị bắt
đưa về lại Bạc Liêu nhốt. Nó được làm tạp dịch cho nhà bếp, khiêng những cần xế
hàng tiếp liệu vào, rồi vác những cần xế rỗng không ra. Nhảy tõm vào một cái,
lôi mấy cái khác úp lên, xe lăn bánh, xe dừng, hai tên công an ghé nghỉ dọc đường.
Không biết đang ở đâu, nhảy khỏi xe, rút vàng dấu dưới đế dép, đổi thành tiền;
ăn cắp dép của dân bụi đời đang ngủ để khỏi bị lộ khi trời sáng, lần mò về
thành phố, bắt đầu cho cuộc sống không giấy tờ, bất hợp pháp trong chốn vô pháp
đấy.
Người vượt biển/vượt
biên: “Chúng tôi ở bên thua cuộc và gia đình tôi đã bị áp bức.” Ảnh:
Express Newspapers/Getty Images
Nhờ biết lái tàu học từ
ông tài công ở Cát Lở, thằng em được móc nối vào ban tổ chức cho chuyến đi từ
Bình Khánh, quận 7. Nó không nói tại sao bị bể, giải về Chí Hòa. Thời gian này
có một nhóm thanh niên nam nữ cướp tàu quốc doanh, tài công nhảy xuống sông
bơi vào Cần Giờ báo biên phòng quây bắt. Có vũ trang, bọn thanh niên bắn trả,
chết lính tuần duyên. Một cô gái trong nhóm dùng lược, và ống hút nhựa thổi nhạc
như tiếng khẩu cầm.
Cả nhóm cướp tàu bị tử
hình ở Chí Hòa.
18 tuổi, vẫn còn non dạ,
nó không khai trong khi cả bọn cùng tàu đã khai, và được đưa ra ngoài lao động
từ lâu. Sau 3 tháng, nó được chuyển ra Đồng Phú gần Đồng Xoài, một trại lao động
trực thuộc Chí Hòa. Cứ như thế, sáng thức dậy, đi kiếm đủ mọi thứ quanh con suối
cách trại gần 3 tiếng, đi trong rừng, rồi chiều vác về trại tù. Nó quyết định
‘bung nóng’, trốn lúc đi làm. Áo quần lúc bị bắt mặc bên trong áo tù, bên ngoài
là cái áo mưa. Sau khi ăn trưa, mọi người trở lại làm việc, nó buông người theo
dòng suối. Con nước đưa nó trôi quanh co về phía trại, đến gần dãy nhà của bọn
quản giáo, và hậu cần, mất khoảng 6-7 giờ. Khi thả người trôi chừng hơn một tiếng
thì bọn công an đã phát giác tù trốn trại, bắn chỉ thiên báo cho các nhóm khác
đưa chó đi lùng. Chúng có ngờ đâu thằng tù trốn lại quay đầu về trại trốn. Nó nằm
đấy, nghe bọn công an đi lùng về bực tức, chửi thề khi không tóm được đứa trốn
trại. Đến ngày thứ hai, đói, ban đêm nó bò vào nhà bếp trộm cơm. Qua ngày thứ
ba, bọn công an đã nản và ngưng tìm kiếm, nó lần mò ra hướng đường với cái bình
nước mang theo. Ngày nghỉ đêm đi, như thế đến ngày thứ tư thì nghe tiếng xe,
đúng hướng! Nước thì từ suối rừng, thức ăn là bất kỳ con vật gì. Thú rừng đáng
nhớ là con trăn to như cây cột nhà, quấn mình trên cành cây mà nó vừa phải luồn
qua mà không biết để xuống lấy nước. Con trăn đang no? Chiều ngày thứ bẩy thì
ra đến mặt đường, nó nằm im trong bụi ven đường. Chiếc xe khách chạy đến gần,
trời xui đất khiến hỏng máy ngay trước mặt. Hành khách túa xuống đường giãn gân
cốt, xăm xăm vào bụi đi tiêu, tiểu. Tài xế gọi khách trở lại, xe đã sửa xong.
Nó lẫn vào đám khách, leo vào xe. Xe về bến Bình Dương, lấy xe ôm chạy về nhà
thằng bạn gốc Tàu ở Chợ Lớn. Làm sao quên được!
Từ Cà Mau ra, nó phụ lái
nên ngồi trên bong. Ghe đã ra biển, cách bờ rất xa, bỗng một tiếng ùm thật lớn,
nó chụp ngay can nước uống, nước biển ập vào, ghe vở toang thành mảnh, khoảng
50 người lớn bé nằm dưới hầm ghe. Ôm can nước còn non nửa, lênh đênh. Đến sáng,
điểm danh, 7 người khác đang bám những mảnh ván, gom lại, xé mảnh vải áo để
thòng qua nắp bình đóng lại để chỉ được mút nước ngọt mà đỡ khát. Ngay ngày
đầu ba người buông xuôi tay, rồi dần dần từng người biến mất không từ giả, chỉ
còn lại nó và một anh đã từng đi lính thời cũ. Nó đã ước mơ chân được chạm vật
gì cưng cứng bên dưới, đấy là định nghĩa của hai chữ hạnh phúc. Trôi như
thế mấy ngày, ngược về đất liền, tàu công an biển phát hiện, vớt. Rủ cái anh
đã cùng sống sót vượt ngục, anh không theo, nó vượt ngục mình ên! Chuyện vượt
ngục ở Hộ Phòng 1982 chẳng buồn kể cho ông anh họ nghe làm gì khi chuyện xém
chết trôi sống dậy “hay” hơn.
Hình : Quốc lộ 21
(Cambodia) gần biên giới Việt Nam (Châu Đốc, QL91C). Nguồn: Google Maps
Năm 84 đã là trễ cho lối
mòn đường bộ xuyên qua Miên đến Thái. Đứa em họ cùng vợ qua đường Châu Đốc đi
Nam Vang, ở đấy cả mấy tháng. Vận chuyển bằng xe đến vùng tây nam xứ Miên, Pac
Luang Pu Koun (sp), xuống ghe để nhóm dẫn đường người Miên đưa qua đất Thái rồi
tự xoay sở. Đến gần hải phận phía Thái thì ghe chết máy, ba người Miên dẫn đường
hì hục sửa đến gần sáng. Không dám vào sâu cái dẻo đất của Thái, mấy tay người
Miên sau khi lấy được thư tay từng người vượt biên để về lại Sài Gòn lấy nốt
phần tiền còn lại từ thân nhân ở nhà, chúng đạp đám người Việt xuống biển cho
lội vào bờ. Cả đám hơn 30 người bơi về hướng đất Miên vì gần hơn, chỉ hai vợ chồng
nó bơi về hướng đất Thái khi nó nhận ra được lá cờ Thái phất phới trên khu đất
đồi. Bộ đội biên phòng của Việt cộng trên núi phía bên đất Miên phát giác ra
nhóm người vượt biên hóa trang trong áo quần bộ đội giả đổ lên từ ghe,
chúng xả súng bắn xuống. Hơn nửa chết ngay khi đến bờ, số còn lại bị bắt sống.
Hai vợ chồng bơi về hướng
đất Thái. Lính Thái chỉ bắn thị uy xuống cát để đuổi ngược về, ra khỏi vùng có
mìn gài. Hai vợ chồng trốn trong một vùng nước vũng nơi mé rừng giữa hai ranh
giới; xương người rải rác chung quanh, chết do mìn của cả hai bên cài hay do
súng đạn từ lính Thái hay Việt cộng, trời mới biết! Nó nhìn thấy lính Thái đi
ra phía bờ biển, hai người hoa tiêu Miên đưa tay xin cứu. Bụp, bụp! Hai xác người
Miên lình phình. Bổng nghe tiếng cà ùm của B40 từ phía núi bên đất Miên bắn
tới. Liên tiếp B40 lại dội xuống, đằng nào cũng chết, hai vợ chồng quyết định
giơ tay đầu hàng đi về phía đất Miên. Bộ đội Việt cộng bắn cho chết, đạn xẹt
cháy xém hai bên áo quần hai vợ chồng mặc ngụy trang như bộ đội, da mặt hai
bên cũng bị xẹt cháy phỏng, không chết! Lính Việt cộng bắt trói hai người vào
hai cây cột của sân bóng chuyền. Một giọng Bắc kỳ:
– Thằng này chắc là biệt kích!
Một tay người Miên lái
ghe còn sống sót được giải đến, “Làm gì với thằng này đây?” “Mày xử nó đi!” Đoành!
Thân người đổ ngay trước mắt hai vợ chồng.
Bị trói như thế hai ngày,
tên xếp bộ đội cho cởi trói, đưa vào “làm việc”. Dù đã biết cả bọn chỉ là dân
đi vượt biên, hắn đập bàn quát tháo. Thằng em họ nhỏ nhẹ:
– Anh bị bệnh phải không?
Bệnh gì? Sốt rét! Chẩn
đoán thật tài tình!
– Anh có muốn tôi chữa bệnh cho anh không?
Làm sao? Đưa tôi mấy cây
kim trong túi của tôi, tôi châm cứu cho anh.
Nó học châm cứu cùng ông
cậu họ một dạo ở Sài Gòn. May sao, tên xếp bị sốt rét ít lên cơn dần. Hắn thu tất
cả thuốc men của người vượt biên giao cho “ông bác sĩ”, cung cấp cho “ông bà
bác sĩ” căn nhà riêng trong 3 tháng ở đấy. Đống thuốc tây thì giải quyết ra
sao? Đau bụng à? Viên màu trắng dài! Nhức đầu hả? Viên tròn màu vàng! “Bác sĩ”
chữa bệnh cho bộ đội biên phòng chả anh nào chết. Rồi cả bọn vượt biên được
chuyển dần từ đảo xa sang đảo gần, hướng về đất Việt Nam trong khoảng 7
tháng. Vợ được thả, nó vẫn bị giữ lại. Trốn trại ngay sau đó. Chuyện trốn trại
ra sao nó chẳng buồn kể, ông anh họ cũng chẳng buồn truy ra mà hỏi. Chuyện trốn
trại nào mà ly kỳ bằng chuyện Đồng Phú. Tù Đồng Phú chắc cũng chỉ mình nó thoát
khi có ba con chó và đám quản giáo trong rừng.
Mẹ nó và hai chị vào để
nhận “visa” ra đi theo chương trình ODP. Một ông Mỹ bạn của bố nó bảo lãnh. Tên
công an lo mải tán người chị kế nó, hỏi:
– Hộ khẩu, và chứng minh nhân dân đâu?
Mẹ nó đưa ra tờ hộ khẩu,
và bốn cái chứng minh nhân dân (nó làm gì có), để trên mặt bàn. Tên công an kéo
hộc bàn, chẳng ngó nghía gì đến đám giấy tờ, lùa cả xấp giấy xuống hộc, rồi
đưa ra năm cái phiếu nhập cảnh Mỹ, trong khi tay mẹ nó đã nắm sẵn tờ
giấy bạc đô la chuẩn bị thủ tục hối lộ. Có ai đó che cho nó, hay nó đã
hết hạn bị đọa đầy?
“Em khổ đến như thế nên giờ chẳng thèm khổ nữa!”
“Em khổ đến như thế
nên giờ chẳng thèm khổ nữa!”. Nguồn: TP/Facebook
Tôi nhìn đứa em họ, thuở
bé “bạch diện thư sinh”, hai mắt nó đỏ như người uống rượu dù nó chẳng uống, mặt
mũi như thằng tội phạm hình sự. Bỗng dưng muốn khóc thật to, hiểu nó hơn!
“Vì ai gây dựng cho nên nỗi này!”[1]
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn
và đọc “Thể lệ trích đăng lại
bài từ DCVOnline.net”
***
Nguồn: Thang Pham, “Sống
cùng với quỷ”, Facebook, 29 July, 2016.
[1] Đặng Trần Côn , “Chinh Phụ Ngâm”, circa
1741
No comments:
Post a Comment