Friday, 14 August 2020

QUAN CHỨC HỌC ĐẠO ĐỨC VÀ LÒNG TỰ TRỌNG Ở ĐÂU VÀ LÚC NÀO? (Trần Văn Thọ)

 


QUAN CHỨC HỌC ĐẠO ĐỨC VÀ LÒNG TỰ TRỌNG Ở ĐÂU VÀ LÚC NÀO?  

Trần Văn Thọ

00:26  13/08/2020  

https://www.facebook.com/tran.vantho.90226/posts/341227900596245

 

Gần đây một số lãnh đạo cấp tỉnh có những hành động gây phản cảm trong dân chúng. Bí thư tỉnh ủy của xứ quan họ sắp đặt để đưa con trai của mình làm bí thư thành phố lớn nhất của tỉnh mình, thay thế cho người mới vừa đươc bầu trước đó mấy tuần (nhưng rồi lại được chuyển về tỉnh làm Phó Giám đốc Sở).

 

Lại nhớ mấy năm trước cựu bí thư một tỉnh miền Trung cũng sắp đặt cho con trai làm Giám đốc Sở trong tỉnh mình. Rồi tại một tỉnh miền cực bắc, các chức vụ quan trọng đều do người trong nhà của Bí thư tỉnh ủy nắm hết. Nhân vụ nhà công vụ của bà cựu thứ trưởng Bộ GDĐT người ta lại biết tại một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có hiện tượng cha con, anh em, vợ chồng nắm các chức vụ quan trọng trong tỉnh. Tất cả các vụ đó khi báo chí lên tiếng đều được giải thích là đã làm đúng quy trình.

 

Tuần trước lại thấy một trường hợp khác. Bí thư của một tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Hồng định tổ chức một đoàn đi thăm và làm việc ở một số tỉnh miền Trung và cao nguyên để học kinh nghiệm phát triển. Tôi rất ngạc nhiên khi xem danh sách đoàn đi khảo sát này. Đoàn do Bí thư tỉnh ủy dẫn đầu có tới trên 30 thành viên (không kể những lãnh đạo doanh nghiệp tháp tùng cũng có tới trên dưới 25 người trong ban lãnh đạo và quản lý của tỉnh). Tôi hỏi thử ý kiến một người bạn đồng hương cũng từng làm Bí thư tỉnh ủy về mục đích và quy mô của đoàn khảo sát nầy thì anh bảo rằng với mục đích đó chỉ cần 2-3 cán bộ chuyên nghiệp đi thực hiện là đủ. Xem thử thống kê (trước khi có đại dịch) thì thấy ở tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng nầy còn tới 6,5% số hộ nghèo và cận nghèo. Chắc chắn là dịch bệnh Covid-19 đã làm số hộ nghèo tăng nhiều hơn. Nghe nói do dư luận xôn xao nên đoàn khảo sát (dự kiến thực hiện vào cuối tháng 7) đã được hoãn lại và sẽ giảm số người tham gia. Tại sao lãnh đạo tỉnh không tiết kiệm ngân sách để cải thiện cuộc sống của đồng bào nghèo?

 

Các Bí thư tỉnh đều là ủy viên trung ương trừ vài ngoại lệ. Trước khi được cơ cấu vào các chức vụ lãnh đạo đó họ đều được học tập các khóa lý luận chính trị cao cấp. Nhưng còn các tố chất về đạo đức, về lòng tự trọng, về lòng trắc ẩn thương dân thì họ học ở đâu? Nếu có các tố chất nầy thì dù làm đúng quy trình, đúng luật mà không hợp lòng dân hoặc thấy thẹn với lương tâm thì họ sẽ không hành động như thế.

 

Tôi vẫn nhớ các bài học về đạo đức và lòng tự trọng của quan chức từ hồi còn học tiểu học ở một nông thôn miền Trung, cũng đã trên nửa thế kỷ rồi. Trong các bài học có câu chuyện nầy: Một ông quan nhận một thanh niên vào làm trong cơ quan của ông vì thấy khả năng của thanh niên đó thích hợp với công việc đang cần. Cha của người thanh niên mừng quá và cảm thấy biết ơn vị quan ấy nên đã mang mấy cây vàng đến tạ lễ. Ông quan một mực từ chối dù được nài nỉ nhiều lần. Cuối cùng người cha đã nói: “Ở đây chỉ có ngài với tôi, không ai biết cả, xin ngài nhận cho tôi được vui lòng”. Ông quan nghiêm nét mặt: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại nói không có ai biết?”. Ông quan có lòng tự trọng đã dùng cách nói dễ hiểu đối với một thường dân để từ chối lễ vật mà ông thấy không đáng nhận.

 

Khi lên trung học tôi lại đọc trong sách câu chuyện về tố chất của quan chức phải giữ mình thanh bạch và không để bị hiểu lầm dù mình không phạm lỗi, không bất chính: “đi qua vườn dưa không cúi xuống sửa dây giày”. Sau nầy khi lên đại học, đọc được nguyên văn của câu nầy:

 

Qua điền bất nạp lý

Lý hạ bất chính quan

 

(Đi qua vườn dưa không sửa dây giầy, đi dưới giàn mận không sửa mũ)

 

Nếu thấm nhuần ý tưởng nầy thì các bí thư tỉnh ủy dù thấy con trai mình tài giỏi cũng không cho làm việc ở tỉnh mình đang lãnh đạo mà cho đi thi thố tài năng ở những địa phương khác hoặc những lãnh vực khác.

 

Ở đại học tôi cũng đọc được một ý tưởng rất hay về tố chất của một lãnh đạo lý tưởng: “Lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên ha” (tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc). Nếu ông Bí thư tỉnh ủy của tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng thấm nhuần được triết lý nầy thì ông đã không tổ chức đoàn đi khảo sát tốn kém như thế mà dùng ngân sách để cải thiện cuộc sống của dân nghèo, của người đang khó khăn vì đại dịch.

 

Đã đến lúc không nên dùng lý do “đúng qui trình” để biện hộ cho sự thiếu công tâm, thiếu tự trọng của lãnh đạo. Việc hoàn thiện quy trình hay luật pháp thường mất thời gian nên điều quan trọng là phải có quan chức tốt. Otto von Bismarck (1815-1898), nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đức cuối thế kỷ 19, đã nói chí lý (đại khái): “Luật chưa hoàn hảo mà quan chức có lương tâm thì vẫn tốt hơn là có luật hoàn hảo mà quan chức không lương tâm”.

 

Quan chức học đạo đức, lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm ở đâu và lúc nào? Về nhân sự sắp tới ở Đại hội Đảng lần thứ XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương có phát biểu trên báo đại khái là “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín” (Đại Đoàn kết, 7/8/2020).

 

Không rõ làm sao chọn được những người có đức? Theo tôi họ nên được chọn từ thời còn trẻ qua các kỳ thi tuyển nghiêm túc. Trong các kỳ thi, ngoài các môn thi về pháp luật, về chính trị kinh tế, nên có các môn về giáo dưỡng, triết học, lịch sử. Họ phải học tập, đọc sách để có một hiểu biết nhất định về tư tưởng Đông phương, Tây phương, về tinh hoa của văn minh Việt Nam mới thi đỗ vào các kỳ thi tuyển quan chức. Với trình độ giáo dưỡng đã thấm vào máu thịt, quan chức sẽ hành động có lương tâm, đầy lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm.

 

77 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats