Chủ Nhật, 08/09/2020 -
18:23 — songchi
https://www.rfavietnam.com/node/6426
Cho đến nay, đại dịch
COVID-19 đã ảnh hưởng đến 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 19,
894, 063 người bị nhiễm, 731, 099 người tử vong (tính đến ngày 9.8.2020). Và những
con số này vẫn chưa dừng lại.
Kể từ khi bùng phát tại
thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12.2019 (có nhiều chuyên gia cho rằng
có thể thực ra dịch đã xuất hiện từ trước đó, tại Trung Quốc), tới giờ đã hơn 7
tháng trôi qua, nhiều quốc gia đã trải qua cao điểm dịch lần thứ hai, thứ
ba…nhưng cũng không ai biết bao giờ thì dịch chấm dứt, bao giờ thì sáng chế được
vaccine, và liệu vaccine đó có khống chế được con coronavirus này không.
Một số khoa học gia cho rằng
chính vì sự chủ quan, ngạo mạn, coi thường thiên nhiên, thói quen ăn uống động
vật hoang dã của một số dân tộc-tức cũng là một kiểu coi thường sự tồn tại, cộng
sinh của các động vật khác trên trái đất, nên cứ lâu lâu thiên nhiên lại giận dữ
giáng một trận dịch, để dạy cho con người một số bài học.
Vậy thì đại dịch COVID-19
lần này đã dạy cho con người những bài học gì?
Quốc gia cho tới cá nhân nào
chủ quan, coi thường nó là “toang”.
Mỹ, cường quốc hàng đầu
thế giới là một ví dụ cho sự chủ quan, coi thường này. Cho đến hôm nay-
9.8.2020, ở Mỹ đã có 5,160,141 người bị nhiễm, 165,199 người chết.
10 quốc gia có số lượng
người bị nhiễm cao nhất thế giới theo thứ tự là Mỹ, Braxil, Ấn độ, Nga, Nam
Phi, Mexico, Peru, Colombia, Chile, Tây Ban Nha.
10 quốc gia có số lượng
người chết cao nhất thế giới theo thứ tự là Mỹ, Brazil, Mexico, UK, Ấn độ, Ý,
Pháp, Tây Ban Nha, Peru.
Vương quốc Anh, nơi tôi
đang sinh sống, có số người bị nhiễm là 310,825 người, đứng hàng thứ 12 trên thế
giới, và số người chết là 46,574, đứng hàng thứ tư trên thế giới, một phần cũng
vì sự chủ quan, đối phó hơi chậm giai đoạn đầu.
Trong tháng Hai và Ba,
khi nhiều nước ở Châu Âu đã phong tỏa và đóng cửa hết mọi thứ, thì ở Anh vẫn
tranh luận về việc có nên đóng cửa hay chọn giải pháp miễn dịch cộng đồng (herd
immunity)
Ngày 23.3, Thủ Tướng
Boris Johnson mới đọc diễn văn cho toàn quốc gia, tuyên bố phong tỏa cả nước.
Một số dân biểu Anh cũng
chỉ trích chính sách nhập cảnh của Anh trong giai đoạn đầu. Họ cho rằng “Tốc
độ virus corona lan mạnh tại Anh Quốc lẽ ra đã có thể được làm chậm lại nếu
các biện pháp kiểm dịch được áp dụng với người nhập cảnh sớm hơn,” “các dân biểu
nói rằng nhiều khả năng hàng ngàn người nhiễm virus đã vào Anh trước khi lệnh
phong tỏa hoàn toàn được áp dụng, ngày 23/3/2020…(“Covid-19: Anh 'sai
nghiêm trọng' về chính sách nhập cảnh?”, BBC).
Trong khi đó một số quốc
gia được đánh giá cao vì người đứng đầu và chính phủ đã không tỏ ra coi thường
dịch bệnh ngay từ đầu như Đài Loan, Singapore, New Zealand, Đan Mạch, Na Uy, Phần
Lan, Đức…
Không chỉ ở tầm mức quốc
gia mà ở mức độ cá nhân cũng vậy, nếu chủ quan, coi thường là bị Cô Vy quật
ngay. Chúng ta đã từng đọc thấy những câu chuyện từ một số chính khách cho tới
dân thường ở Mỹ và các nước, vì chủ quan không mang khẩu trang hoặc thậm
chí không tin là coronavirus này có thật nên đã bị nhiễm và tử vong.
VN giai đoạn đầu cũng là
một trong những quốc gia được đánh giá là chống dịch tốt. Có lẽ một phần do các
nước láng giềng của Trung Quốc trong đó có VN, đã từng trải qua những kinh nghiệm
về các đại dịch trước đó, mà hầu hết xuất phát từ Trung Quốc và Hong Kong, cộng
với sự thiếu lòng tin vào những tuyên bố chính thức của nhà cầm quyền Bắc Kinh
nên khi nghe thấy có dịch ở Trung Quốc là phải lo đối phó ngay, đây cũng là tâm
lý của chính phủ Đài Loan.
Một số đại dịch do virus,
cúm hay virus corona có nguồn gốc từ Trung Quốc:
Bệnh cúm châu Á, năm
1957, xuất phát từ tỉnh Quý Châu (tây nam Trung Quốc) rồi lan sang Úc và nhanh
chóng phủ khắp Bắc Bán Cầu.
1968, một trận dịch cúm
gia cầm lại xuất hiện từ Hồng Kông tàn phá thế giới, cướp đi hơn một triệu sinh
mạng.
Năm 1997, dịch cúm A với
virus H5N1 lại xuất phát từ Hồng Kông. Một biến thể của H5N1 đã gây ra trận đại
dịch SARS 2003-2006. (Dịch viêm phổi cấp SARS, thực tế đã xuất hiện từ tỉnh Quảng
Đông, Trung Quốc, từ 11.2002)
Và bây giờ là COVID-19 lại
xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Chống dịch cần sự nhất quán,
đoàn kết, phối hợp từ trên xuống dưới.
Quốc gia nào có sự thống
nhất, phối hợp ăn ý giữa các cơ quan của chính phủ, đội ngũ chuyên gia y tế,
các nhà khoa học...cho tới các địa phương, các ngành nghề cộng với việc người
dân đặt lòng tin vào chính phủ, tuân thủ mọi hướng dẫn của nhà nước và các nhà
khoa học thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh, không đến nỗi “vỡ trận”.
Lại phải lấy thí dụ từ Mỹ,
vì thiếu sự nhất quán, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” giữa người đứng đầu Nhà
Trắng và chính phủ của Tổng thống Donald Trump với các chuyên gia, cố vấn, giữa
chính quyền liên bang và các tiểu bang, giữa người dân với nhau cũng mỗi người
quan niệm khác nhau về dịch bệnh, việc mang khẩu trang, đóng cửa, mở cửa xã hội
v.v…nên dịch cứ thế lây lan.
Thêm một lý do khiến đại
dịch lần này trở nên tồi tệ ở Mỹ là do từ chính phủ cho tới người dân đã
chống dịch theo quan điểm chính trị chứ không phải theo quan điểm khoa học.
Trở lại vương quốc Anh
tuy giai đoạn đầu có chậm trễ nhưng các biện pháp phòng chống dịch, đóng cửa
cho tới mở cửa, phục hồi kinh tế…đều có kế hoạch từng bước, có hướng dẫn cụ thể,
người dân cứ thế mà thi hành, nên mặc dù số lượng người bị nhiễm, số lượng người
chết cao nhưng ngành dịch vụ y tế quốc gia (National Health Service/NHS) không
đến nỗi bị quá tải, không có ai phải để cho chết vì không đủ máy thở hay thiếu
giường v.v…
Anh là một quốc gia luôn
đặt nặng vấn đề sức khỏe và an toàn (health and safety) trong lao động lên hàng
đầu. Mọi cửa hàng, quán xá, nhà hàng, dịch vụ, ngành nghề đều tuân thủ nghiêm
ngặt những quy định về sức khỏe và an toàn cho nhân viên, cho môi trường làm việc
và cho khách hàng, nếu không sẽ bị phạt nặng, nên bây giờ khi có dịch đến thì
chỉ việc áp dụng thêm những quy định về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa
tay với xà phòng có chất sát khuẩn thường xuyên, lập màng kính ngăn giữa nhân
viên với khách hàng v.v…
Trong khi đó, VN tuy tinh
thần chống dịch của người dân khá tốt thể hiện qua thói quen mang khẩu trang,
nhưng sự nghiêm ngặt tạo thành nếp, thành luật về sức khỏe và an toàn trong mọi
môi trường lao động thì lại chưa có, hoặc chỗ này ngành này làm, chỗ khác ngành
khác không, thành ra cũng khó kìm hãm được mức độ lây lan.
Lối sống, cách sống của các
dân tộc, các cộng đồng khác nhau cũng có ảnh hưởng đến tỷ lệ bị nhiễm
coronavirus.
Chẳng hạn, ở Anh này, cộng
đồng BAME-viết tắt của 'Black, Asian and minority ethnic” (Da đen, Châu Á và
dân tộc thiểu số) bị nhiễm coronavirus cao hơn và khi bị nhiễm, dễ bị nặng hơn
người da trắng.
Nói thêm, khái niệm người
châu Á ở Anh, khác với ở Mỹ, là nhằm nói đến các dân tộc ở khu vực Nam Á như Ấn
độ, Pakistan, Bangladesh…Còn người Hoa, người Việt, Nhật, Hàn, Thái, Phi…thì được
gọi là các dân tộc ở khu vực Viễn Đông (Far East).
Nói như thế không có
nghĩa là Cô Vy có ý kỳ thị/phân biệt chủng tộc gì, nhưng vì điều kiện sống,
công việc-các cộng đồng BAME thường làm việc trong những công việc dễ bị lây
nhiễm như công nhân trong nhà máy, siêu thị, tài xế xe bus, y tá (tỷ lệ BAME
làm việc trong NHS ở UK rất cao), trong gia đình lại thường có cảnh 2, 3 thế hệ
sống trong cùng một ngôi nhà nên khó có thể giãn cách xã hội v.v…Tỷ lệ người da
đen và người Nam Á bị các loại bệnh như tiểu đường, bệnh thiếu máu hồng cầu
hình liềm (sickle cell anemia), bệnh cao huyết áp…cũng khá cao nên khi bị nhiễm
COVID-19 thì dễ bị nặng.
Tương tự ở Mỹ với các cộng
đồng người da đen, người Latino, Nam Á...
Còn tại sao đại dịch
COVID-19 và nhiều đại dịch cúm trước đó thường phát xuất từ Trung Quốc, Hong
Kong là do thói quen ăn uống, chế biến các loại động vật hoang dã.
Thật đáng tiếc là VN đã
kiểm soát dịch khá tốt giai đoạn đầu nhưng do chủ quan, cũng lại là chủ quan,
nên đã bị bùng phát dịch trở lại từ tuần lễ thứ tư trong tháng 7 và lần này dịch
tiến triển nhanh hơn nhiều. Tổng số ca nhiễm cho đến hôm nay đã tăng lên 841, từ
không có người nào bị tử vong trong đợt 1, đến ngày 9.8 đã có 11 người chết, và
nhiều khả năng con số tử vong sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.
Có lẽ do VN đã mở cửa
hoàn toàn mà không áp dụng mọi biện pháp ngăn ngừa cẩn thận tại mọi cửa hàng,
cơ quan, quán xá, dịch vụ, cộng thêm việc du khách từ nước ngoài vào, hàng trăm
người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào VN cũng như số người Việt từ các vùng
dịch trở về, trong đó có những người đã bị nhiễm bệnh.
Bài toán vừa chống dịch vừa phục
hồi kinh tế.
Làm thế nào để vừa kiểm
soát được dịch, hạn chế tối đa số người bị nhiễm, số người chết mà vẫn không để
cho kinh tế bị trì trệ, kiệt quệ, ảnh hưởng tới đời sống của bao nhiêu con người,
là bài toán chung cho mọi quốc gia. Nhưng tất nhiên những quốc gia giàu hơn, có
nền kinh tế phát triển, có nguồn ngoại tệ dự trữ dồi dào thì dù dịch có nặng
cũng sẽ dễ hồi phục hơn là những quốc gia nghèo, đang phát triển.
VN là một nước đang phát
triển, kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào việc xuất khẩu, nên đại dịch COVID-19 chắc
chắn sẽ ảnh hưởng nặng và thời gian phục hồi sẽ lâu hơn. Chính vào những giai
đoạn khó khăn như thế này thì nhà nước VN cần phải có kế hoạch rất kỹ, vừa truy
đuổi dấu vết, khoanh vùng dập dịch chứ không thể đóng cửa toàn bộ như lần trước,
vừa có những biện pháp hỗ trợ người dân, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm
thuế, kích cầu kinh tế …
Đại dịch sẽ làm thay đổi thể
giới. Thay đổi lối sống của con người.
Khi đại dịch mới xảy ra,
và biện pháp đóng cửa, cách ly xã hội được thực hiện ở hầu khắp mọi quốc gia,
con người cảm thấy khó khăn để thích nghi với việc phải làm việc, học hành,
khám bệnh…qua internet, bị cách ly với xã hội với thế giới bên ngoài, thiếu sự
giao tiếp trực tiếp…Nhiều nhà xã hội học, tâm lý học đã lo ngại đến việc bạo
hành trong gia đình sẽ gia tăng do việc bức bối, mất việc, phải ngồi ở nhà, hoặc
một số người sẽ bị trầm cảm, nhất là người già, những người sống một mình (cả
hai điều này đều đã xảy ra nơi này nơi khác). Nhưng nhìn chung con người cũng
quen dần, sống chậm hơn, đơn giản hơn, quay về với gia đình, người thân và với
chính mình, điều mà nhiều khi đời sống quá bận rộn trước kia chúng ta khó làm
được.
Có một điều chắc chắn rằng
đại dịch rồi sẽ qua đi nhưng thế giới sẽ thay đổi, cuộc sống của con người sẽ
có những thay đổi. Chẳng hạn, một số công việc lâu dài có thể sẽ chuyển sang
làm việc từ xa qua internet, một phần hoặc toàn bộ, việc học hành, đào tạo…cũng
thế. Con người sẽ phải tính đến chuyện chuyển đổi cách thức làm việc. Nhưng
quan trọng hơn, bài học từ đại dịch, từ rất nhiều thảm họa do con người đã gây
ra, đó là phải tôn trọng thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên và những
sinh vật, động vật khác, không tham lam sân si, tàn sát mọi thứ nếu không muốn
lại phải đón nhận những thảm họa khác.
No comments:
Post a Comment