Tuesday, 25 August 2020

HỎI - ĐÁP : CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA Ở THÁI LAN ? (Huỳnh Minh Triết - Luật Khoa)

 


 

 

Hỏi – Đáp: Chuyện gì đang xảy ra ở Thái Lan?

Huỳnh Minh Triết  -  Luật Khoa

25/08/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/08/hoi-dap-chuyen-gi-dang-xay-ra-o-thai-lan/

 

Hàng nghìn người Thái đang đồng loạt giơ ba ngón tay thẳng lên trời. Chuyện gì đang xảy ra mấy tuần nay?

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/thai-protest--1024x683.jpg

Sinh viên biểu tình ở Đại học Mahidol, tỉnh Nakhon Pathom ngày 18/8/2020. Ảnh: Lillian Suwanrumpha/AFP.

 

Mục lục

·         Chuyện gì đang xảy ra?

 

·         Ai tham gia biểu tình?

 

·         Lý do biểu tình là gì?

 

·         Ba ngón tay có nghĩa là gì?

 

·         Chính quyền phản ứng như thế nào?

 

·         Có ai phản đối biểu tình không?

 

·         Chuyện gì sẽ đến tiếp theo?

 

 

                                                           ***

 

Chuyện gì đang xảy ra?

Hôm 16/8, 10.000 người biểu tình tập trung ở thủ đô Bangkok để đòi hỏi cải tổ dân chủ. Họ thậm chí dám chỉ trích nhà vua – hành vi phạm tội khi quân ở Thái Lan. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất tại đất nước này kể từ cuộc đảo chính năm 2014 đưa ông Prayut Chan-o-cha lên nắm quyền.

 

Từ đầu tháng Tám, các cuộc biểu tình đang diễn ra gần như mỗi ngày trên khắp Thái Lan.

 

Ai tham gia biểu tình?

Phần lớn người biểu tình là học sinh, sinh viên. Tuy vậy, làn sóng biểu tình gần đây đã lan ra khắp đất nước, thu hút sự tham gia của đông đảo các thành phần khác, và trở thành mối quan tâm chung của xã hội. Cũng giống như biểu tình Hong Kong, người biểu tình Thái Lan tự nhận là họ không có lãnh đạo và chỉ tập hợp nhờ truyền thông xã hội. 

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/abbeab265ce44cd1a6a21c81401cfade_8-1024x648.jpg

Học sinh trường Samsen Wittayalai (Bangkok) che mặt bằng giấy trắng và giơ biểu tượng ba ngón tay trong cuộc biểu tình ngày 18/8/2020. Ảnh: Sakchai Lalit/AP Photo.

 

Lý do biểu tình là gì?

“Chúng tôi mơ về một chế độ quân chủ cùng tồn tại với nền dân chủ, luật sư nhân quyền Anon Nampa, một thủ lĩnh biểu tình nói hôm 16/8 ở Bangkok. “Chúng ta phải đạt được ước mơ này trong thế hệ của chúng ta”.

 

Khát vọng dân chủ đã luôn tồn tại trong những người trẻ Thái Lan. Tuy nhiên, có ba lý do trực tiếp vì sao phong trào lại diễn ra vào thời điểm này: 

 

Bất mãn với chính quyền Prayut

Người biểu tình coi cuộc bầu cử vào tháng 4/2019 là một sự dàn xếp để thủ tướng phe bảo hoàng Prayut Chan-o-cha tiếp tục kéo dài quyền lực. Vào tháng 2/2020, Đảng Tương lai mới (FFP) bị Toà án Tối cao giải thể. Quyết định giải thể tổ chức đảng vốn được nhiều người trẻ ủng hộ này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình thứ nhất, sau đó phải dừng lại do dịch COVID-19. 

 

Bất an trước đại dịch COVID-19

Thái Lan không phải chịu tình trạng virus lan truyền rộng, tuy nhiên, dịch bệnh đã tàn phá ngành du lịch trọng điểm của nước này và khiến hàng triệu người thất nghiệp. Hồi tháng Bảy, hai “khách VIP” nước ngoài được chính quyền Bangkok bỏ qua khâu kiểm dịch khi nhập cảnh, sau đó họ được phát hiện nhiễm virus. Sự kiện này cũng đã dẫn đến một cuộc biểu tình vào lúc đó. Người dân tức giận, đồng thời lo sợ về làn sóng lây nhiễm thứ hai cũng như hậu quả nặng nề hơn về kinh tế.

 

Phẫn nộ trước sự xa hoa của nhà vua

Vị tân vương Maha Vajiralongkorn vốn là một tay chơi đầy tai tiếng. Từ khi được thừa kế ngôi vua năm 2016, ông đã ra sức tập trung quyền lực: biến Sở Tài sản Hoàng gia thành tài sản cá nhân, đưa các lực lượng quân đội ở Bangkok vào dưới quyền điều khiển trực tiếp của mình.

 

Trong tình cảnh cả nước hoạn nạn vì đại dịch, vị vua này đem theo đoàn tuỳ tùng 100 người sang Đức để cách ly trong một khách sạn sang trọng. Tuần trước, ông cùng hoàng hậu Suthida (vợ thứ tư, cựu đội trưởng đội cận vệ) về Thái để mừng sinh nhật mẹ, rồi bay đi ngay ngày hôm sau.

 

Trên Twitter, hashtag tiếng Thái “Chúng ta cần một vị vua để làm gì?” được chia sẻ hơn một triệu lần. 

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/thailand-king-vajiralongkorn-queen-1024x538.jpg

Vua Maha Vajiralongkorn và Tướng Suthida Vajiralongkorn, nay là Hoàng hậu Suthida trong lễ cưới tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 1/5/2019. Ảnh: Reuters.

 

Sự bất mãn ngày càng tăng cao. Vấn đề là ở Thái Lan, công khai chỉ trích hoàng gia là phạm tội khi quân (lese-majeste), một trọng tội được quy định trong Luật Hình sự với hình phạt có thể lên đến 15 năm tù. 

 

Những người biểu tình đang bất chấp rủi ro, đứng lên chống lại điều luật hà khắc này.

 

Phong trào phản kháng có tên chính thức là Thanh niên Tự do (Free Youth). 

Sinh viên Panusaya Sithijirawattanakul nói trong buổi tập trung của họ hôm 10/8 tại đại học Thammasat:

 

“Trong quá khứ, người ta đã lừa dối chúng ta rằng những người sinh ra trong hoàng tộc là thần linh và thiên sứ tái sinh. Với tất cả sự tôn trọng, xin hãy tự hỏi, bạn có chắc các vị thần có nhân phẩm như thế không?” 

 

https://lh3.googleusercontent.com/nNcflpRBJzh5Kvti6gZzLkfnN0CvDO3vNWeXznoYQZzyB9S7_8IrnuVQFx1w_PWrRraOH55MMdiiHKXAp0nBg_Eg6ojY98CaxWEYmNeD3bWlxmnN_eFZGxk25HprY20Vlkh91lyu

Nhà hoạt động sinh viên 21 tuổi Panusaya Sithijirawattanakul hôm 10/8 tại Đại học Thammasat. Ảnh: Prachatai English.

 

Ba ngón tay có nghĩa là gì?

Ba ngón tay tượng trưng cho ba yêu sách của phong trào biểu tình, được công bố ngày 18/7. Đó là:

 

1. Tổ chức lại bầu cử.

 

2. Soạn hiến pháp mới, đảm bảo nền quân chủ lập hiến. 

 

3. Chấm dứt đe dọa những công dân phê phán chính quyền. 

 

Ba đòi hỏi này được hình tượng hóa thành ba ngón tay hướng thẳng lên trời. Những người quen thuộc với tác phẩm Hunger Games sẽ nhận ra ngay biểu tượng này: đó là dấu hiệu phản kháng của những người chống lại chế độ hà khắc tại đất nước Panem hư cấu. Giờ đây, nó đang được tái hiện trong đời thực, mỗi ngày, ở Thái Lan.

 

Hôm 10/8, nhà hoạt động 21 tuổi Panusaya Sithijirawattanakul đã đọc bản tuyên ngôn 10 điều trước khoảng 4.000 người tại Đại học Thammasat. Bản tuyên ngôn này xoáy sâu vào yêu cầu cải cách thể chế quân chủ, đòi hỏi hoàng gia phải ở dưới Hiến pháp; tách bạch tài sản cá nhân của vua và nhà nước; yêu cầu vua không được nắm quyền điều động quân đội, tránh xa chính trị và không được phê chuẩn các cuộc đảo chính tương lai. 

 

https://lh3.googleusercontent.com/zvyHBBjaaC_aGtZHL1KQR9Kkq7jRr9g62KhjtF3Jvu3ChuTJHnqnmkXxKWSL3zQDyZPlnGRUGvhuEs_J6_DatMih_dmauu9hJyqkYMX_vLqv8Va1OZqNcWlK_lQvFyXZ00eJ88Bj

“Chúng tôi cần nền dân chủ thật” – một người biểu tình cầm khẩu hiệu ngày 16/8 ở Bangkok. Ảnh: AFP/Getty Images.

 

Chính quyền phản ứng như thế nào?

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 13/8, ông Prayut nói chính phủ đã “kiềm chế” trong việc xử lý người biểu tình. Ông cho biết nhà vua đã yêu cầu không áp dụng luật tội khi quân để bắt người biểu tình trong lúc này. Ông cũng nói rằng người biểu tình đã “đi quá xa” khi đòi hỏi cải tổ chế độ quân chủ. 

 

Tư lệnh quân đội Hoàng gia Apirat Kongsompong cáo buộc người biểu tình là những người có lòng “căm thù dân tộc”. Và trái với COVID-19, đây là “căn bệnh không chữa được”, ông cảnh báo.

 

Ít nhất chín người biểu tình đã bị bắt vì tội xúi giục nổi loạn (sedition) trong tuần qua. Tất cả đều được bảo lãnh tại ngoại sau đó. Luật sư Anon và nhà hoạt động sinh viên Parit Chiwarak bị tố phạm tội khi quân. Các chuyên gia cho rằng chính quyền đang nhắm tới các thủ lĩnh của phong trào với hy vọng phong trào này sẽ dần biến mất. 

 

Có ai phản đối biểu tình không?

Có. Những người trung thành với hoàng gia cũng tổ chức biểu tình để phản đối phong trào của Free Youth. Họ tuyên bố ba trụ cột của Thái Lan là “quốc gia, tôn giáo và quân chủ”, và cho rằng việc những người biểu tình công khai chỉ trích hoàng gia là không thể chấp nhận được. 

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/08/ba7167d2ecdd4b30bf65cbb2f70d14e6_8-1024x683.jpg

Một sinh viên biểu tình hoá trang với phấn trắng và băng keo đen dán miệng ở trường Mahidol ngày 18/8. Ảnh: Jorge Silva/Reuters.

 

Chuyện gì sẽ đến tiếp theo?

Không ai biết. Biểu tình chống hoàng gia là chưa từng có tiền lệ ở Thái, do đó mọi khả năng đều có thể xảy ra.

 

Chia sẻ với Luật Khoa từ Bangkok, nhà hoạt động thuộc tổ chức Amnesty International Nguyễn Trường Sơn nói rằng anh có nhiều hy vọng khi nhìn thấy sự ủng hộ của cộng đồng với cuộc phản kháng.

 

“Biểu tình xảy ra khắp nơi, chứ không chỉ bó hẹp trong các trường đại học có truyền thống ở Bangkok. Bên cạnh hai tổ chức sinh viên phát động phong trào, vừa có thêm bảy tổ chức công đoàn cùng tham gia. Trong các rạp chiếu phim, ngày càng có nhiều người từ chối đứng dậy lúc mở màn để bày tỏ sự tôn kính với nhà vua. Lần đầu tiên, người Thái không biểu tình để chống phe này hay ủng hộ phe khác, mà là để nói rằng họ muốn xây dựng lại nền dân chủ, từ đầu”.

 

Sau bài phát biểu gây chấn động hôm 10/8, Panusaya Sithijirawattanakul tin chắc rằng mình sẽ bị bắt, nhưng đến nay cô vẫn an toàn và đang lên kế hoạch cho cuộc biểu tình tiếp theo ở trường Thammasat. Một số cựu sinh viên Thammasat sống sót sau thảm sát 1976 nói rằng quân đội sẽ không manh động vì thời nay khác với thời trước. 

 

Nhưng rủi ro xảy ra xung đột là hiện hữu, và bóng ma của cuộc thảm sát sinh viên 1976 bởi phe bảo hoàng vẫn còn bao trùm ngôi trường này. 

 

Giáo sư sử học Thongchai Winichakul tại Đại học Wisconsin, một người sống sót sau thảm sát 1976 đưa ra một dự đoán u ám với BBC

 

“Hung thần đã ra khỏi chai. Xã hội sẽ không đứng yên, sự thay đổi sẽ không dừng lại. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là cẩn trọng để thay đổi diễn ra với ít đổ vỡ nhất có thể. Người Thái đã dèm pha với nhau về hoàng triều trong nhiều năm qua, rồi lại dạy con cháu họ phải công khai ca ngợi công đức hoàng tộc, thật là đạo đức giả. Tất cả những gì mà những thanh niên này đã làm chỉ là đưa câu chuyện bí mật kia ra công khai mà thôi”. 

 

Trong khi đó, người biểu tình đã ra hạn chót cho chính phủ phải thay đổi vào tháng Chín, nếu không muốn tình hình leo thang. 

 

-----------------------

 

Các nguồn tin chính:

 

·         BBC, Thailand protests: Risking it all to challenge the monarchy.

 

·         Time, Why Are Thai Protesters Risking Up to 15 Years in Prison to Criticize the Monarchy?

 

·         The New York Times, Protests Take On Thai Monarchy, Despite Laws Banning Such Criticism.

 

·         Al Jazeera, In Pictures: Thai students’ ‘Hunger Games’ protests spread.

 

 

======================================

.

.

Thái Lan: Một nhà hoạt động bị bắt vì biểu tình kêu gọi cải cách chế độ quân chủ

VOA Tiếng Việt

25/08/2020

https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-mot-nha-hoat-dong-bi-bat-vi-bieu-tinh-keu-goi-cai-cach-che-do-quan-chu/5557067.html

 

Hôm 25/8, Cảnh sát ở Thái Lan cho biết đã bắt giữ luật sư nhân quyền Anon Nampa với cáo buộc biểu tình gây bạo loạn mà thông qua đó ông kêu gọi cải cách chế độ quân chủ, theo Reuters.

 

https://gdb.voanews.com/8f43f3c0-5957-4ea6-a86d-aa5ba4e618b5_cx0_cy8_cw0_w650_r1_s.jpg

Luật sư nhân quyền Anon Nampa bị cảnh sát Thái Lan áp giải hôm 7/8/2020.

 

“Cảnh sát đã đưa Anon đến đồn cảnh sát để đọc cáo buộc về các cuộc biểu tình ngày 10/8 và sẽ thẩm vấn ông trước khi đưa ông ra tòa để tống giam,” Trung tướng cảnh sát Amphol Buarabporn cho Reuters biết.

 

Luật sư nhân quyền Anon Nampa sẽ bị giam giữ cùng với một nhà hoạt động chính trị khác, Panupong Jadnok, người đã bị bắt hôm 24/8 trong cuộc biểu tình chống lại Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.

 

Cảnh sát cho biết cả ông Anon và Panupong đều phải đối mặt với cáo buộc vi phạm điều 116, điều khoản về xúi giục bạo loạn (sedition) và vi phạm quy định hạn chế tập trung đông người trong việc quản lý dịch bệnh COVID-19.

 

Luật sư Anon, 36 tuổi, người đi đầu trong các cuộc biểu tình gần như hàng ngày trong tháng qua ở Thái Lan. Ông là người đầu tiên công khai kêu gọi thay đổi vai trò của Quốc Vương Maha Vajiralongkorn, vi phạm một điều cấm kỵ lâu đời tại đất nước này.

 

Trước đó, hôm 10/8, hàng nghìn đã tham gia cuộc biểu tình tại một trường đại học ở ngoại ô Bangkok, đưa ra kế hoạch cải cách 10 điểm, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Prayuth từ chức.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats