09/08/2020
https://baotiengdan.com/2020/08/09/dat-nuoc-cua-nhan-dan/
ĐẤT NƯỚC CỦA NHÂN DÂN
(Nhân đề thi TN THPT 2020)
Sáng nay, môn văn đã thi
xong. Xin không bàn về chất lượng của đề, chỉ muốn viết đôi dòng nhân câu Nghị
luận văn học (xin xem hình) đề cập đến tư tưởng “Đất nước của nhân dân” trong 1
đoạn trích thuộc trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
(NKĐ).
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/08/Thi.jpg
Đề thi tốt nghiệp
THPT năm 2020 môn Ngữ Văn. Ảnh: internet
Tác phẩm này ra đời năm
1971, giữa lúc cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra ác liệt, tác giả đã nói
lên những suy tư chiêm nghiệm của mình nhằm thức tỉnh thế hệ trẻ về cội nguồn
thiêng liêng của đất nước và trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước thân
yêu của mình. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” được ông tổng kết trong 2 câu
thơ:
“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống
ông cha”
Từ đây, chúng ta thấy đất
nước hiện lên trên ba phương diện chính:
1. “Dáng hình” đất nước. Bằng cái nhìn rất độc đáo đầy tính thần thoại,
huyền thoại và huyền sử của mình, NKĐ đã làm toát lên cái ý rất sâu này: dáng
hình của nước Việt ta là do muôn ngàn thế hệ đã HÓA THÂN mà thành. “Những người
vợ nhớ chồng” thì hóa thành núi Vọng Phu; “cặp vợ chồng yêu nhau” thì hóa thành
hòn Trống Mái; “những người học trò nghèo” thì hóa thành “núi Bút, non Nghiên”;
“những người dân nào” thì hóa thành những núi ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm.
Đất nước này là nơi cư ngụ của chim Lạc, của rồng thiêng – vốn là tổ tiên của
dân tộc. Thậm chí những con cóc, con gà quê hương cũng hóa thân thành những
danh thắng trên khắp non sông này.
Dáng hình xứ sở đã được
NKĐ nhìn như thế đó. Nó nói lên cái cội-nguồn-nhân-dân của đất nước từ trong
sâu thẳm, gần gũi mà thiêng liêng vô cùng. Ngày nay chúng ta đang sống trên sự
hóa thân ấy của ông cha ngàn đời; tổ tiên ta đang nâng đỡ và nuôi dưỡng hơn 90
triệu đồng bào từ mảnh đất thiêng liêng này.
Từng tấc đất, từ bờ tre,
dòng sông, ngọn núi đều là thân thể ông cha. Phải gữ gìn và bảo vệ, không thể
hèn với giặc, ác với dân mà đánh mất cương vực của đất nước máu xương này.
2. “Thời gian đằng đẵng”. Nó không phải là thứ thời gian vật lý mà là
thời gian của đời người, thời gian của biết bao lớp người, là thời gian của những
cuộc đời nhân dân nối tiếp để dựng xây, để hi sinh và dâng hiến cho đất nước
này. “Năm tháng nào cũng người người lớp lớp”, “con gái con trai”; họ là “bốn
nghìn lớp người” đã “làm ra đất nước” này.
Nước Việt ta không phải
ra đời từ 1930 hay 1945; cũng không phải chỉ do những người nhân danh 1 lý tưởng
nào đó đã làm ra nó. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của nhân dân, cái nhân dân từ
thủa mẹ “Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”; cái nhân dân từ thủa “bà
Trưng cưỡi voi đánh giặc”; từ “Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê bao đời gây nền độc lập”.
Lịch sử phải được trả về
cho nhân dân. Chúng ta không chỉ có mỗi cái giai đoạn “đỉnh cao muôn trượng”,
thời đại sao vàng chói lọi át hết tất cả những hùng anh của dằng dặc lịch sử bi
tráng của dân tộc này.
Đừng khiến học sinh hiểu
nhầm hoặc hiểu lệch mà phê phán hết thảy, chê “thiên hạ đục chỉ mình ta trong”.
Như thế, vừa làm méo mó sự thật, vừa không đạt được mục đích giáo dục.
3. “Lối sống ông cha”. Đó là văn hóa, là những cái “ngày xửa ngày
xưa mẹ thường hay kể”, là phong tục “tóc mẹ thì bới sau đầu”, là “một nắng hai
sương”, là yêu đương nồng nàn “từ thủa trong nôi”, là biết quý trọng tình nghĩa
“những ngày lặn lội” v.v.. Đất nước này “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” chứ
không phải chỉ có mỗi cái văn hóa “tiến tiến” từ đầu thế kỷ trước đâu, mà
“đào”, mà “tróc”, mà xóa cờ chơi lại; mà coi tất cả quá khứ đều là hủ lậu, là xấu
xa.
Cái công cuộc xây dựng “văn hóa mới” e chưa thành mà bao nhiêu giá trị
cũ đã bị đạp bỏ, bị tan hoại đến những tưởng không còn gì lành lặn nữa. Người
Việt giờ rơi vào trạng thái “chân không” – cái cũ đã mất, cái mới thì chưa thấy,
nó hiện ra một thứ lai căng, hỗn tạp mà ở đó đồng tiền soán ngôi đế vương, điều
hành cả xã hội như một cơn lên đồng tập thể.
Những giá trị cũ không thể bị phản bội để tuyên
xưng một cái gì mà chưa ai rõ mặt. Cần trân trọng di sản của nhân dân, giữ gìn và bảo vệ; đồng thời vượt
qua sự kiêu ngạo mà học lấy những giá trị phổ quát có tính nhân loại. Đó là những
Tự do, những Nhân quyền, Dân quyền; là tôn trọng cá nhân và tinh thần bình đẳng
thiêng liêng; là văn hóa pháp quyền pháp trị…
Cuối cùng, xin mượn lời
nhà thơ đáng trọng Nguyễn Khoa Điềm để gởi gắm tới tất cả chúng ta những lời
tha thiết để cùng thức tỉnh ý thức trách nhiệm trước hiện tình đất nước đang rất
cần bàn tay của tất cả để dựng xây lại.
“Em ơi em
Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời…”
No comments:
Post a Comment