20/03/2019
“Sẽ có những ngày tốt đẹp,
và sẽ có những ngày tồi tệ.”
Thủ tướng Jacinda Ardern
của New Zealand đã “chào sân ra mắt” người dân đất nước mình bằng những lời như
vậy, vào cuối tháng 10/2017.
Nhưng có thực tế đến đâu,
nữ thủ tướng mới 37 tuổi khi đó ắt là không thể hình dung được thảm kịch xảy ra
với đất nước mình vào thứ Sáu tuần trước, ngày 15/3/2019.
Một kẻ cực đoan trang bị
các khẩu súng trường bán tự động cùng chất nổ đã xông vào hai nhà thờ Hồi giáo
tại thành phố Christchurch, xả súng giết hại 50 người, bắn bị thương vài chục
người khác. Đến thời điểm hiện tại có hơn 30 người đang phải điều trị cấp cứu tại
bệnh viện, một số vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Các nạn nhân đa phần là
dân nhập cư. Trong số những người bị bắn chết tại chỗ,
có đứa trẻ chỉ mới ba tuổi.
Sự kiện này diễn ra ở bất
kỳ đâu cũng đều là thảm kịch kinh hoàng. Đối với New Zealand, trước nay luôn được
xem là một trong số những thiên đường bình yên còn sót lại trên trái đất, vụ việc
còn gây chấn động gấp bội. “Đây là một trong những ngày đen tối nhất của đất nước
chúng ta”, Jacinda Ardern nói ngay sau khi được thông tin.
Thủ tướng New
Zealand Jacinda Ardern ôm hôn an ủi gia đình một nạn nhân, ngày 18/3/2019. Ảnh:
Getty
Giống như khi thành phố mất
điện người ta lại thấy được thứ ánh sáng (gần như) vĩnh hằng của các vì sao,
trong những ngày đen tối của đất nước, người New Zealand, và khắp nơi trên thế
giới, lại trông thấy được những nguồn sáng ấm áp tỏa rộng khắp nơi từ đảo quốc
nhỏ bé này.
Hình ảnh, lời nói và hành
động của người New Zealand những ngày qua, thay cho nỗi oán hận, lại ngập tràn
thông điệp của sự cảm thông và tình yêu thương. Nó truyền tải và tiếp thêm sức
mạnh cho lòng dũng cảm, thay cho nỗi sợ hãi. Nó được phát ra từ những con người
bình thường lặng tiếng nhất trong cộng đồng, để rồi cùng được chia sẻ nhân rộng
ra muôn nơi.
Một trong những điểm sáng
lan tỏa mạnh nhất trong những ngày đen tối này chính là nữ thủ tướng trẻ tuổi
Jacinda Ardern.
Thủ tướng Jacinda
Ardern mang khăn hijab thăm cộng đồng người Hồi giáo tại Christchurch. Ảnh:
Christchurch City Council Newsline/ Kirk Hargreaves.
Đồng cảm và yêu thương
Ngay sau khi thảm kịch xảy
ra, Ardern lập tức xuất hiện trên truyền hình trấn
an người dân và bảo vệ các nạn nhân.
“Họ có thể là những người nhập cư, những người tị nạn.
Họ đã chọn New Zealand làm nhà. Và đây là nhà của họ. Họ là chúng ta. Những
kẻ gây ra tội ác này mới không xứng đáng ở cùng chúng ta.”
Ardern cũng nhanh chóng
chỉ thẳng mặt gọi thẳng tên kẻ thực hiện vụ tấn công này là “kẻ khủng bố”
(terrorist).
Phản ứng của
Ardern khiến giới truyền thông lẫn chính trị phương Tây bất ngờ. Nghi phạm thực
hiện vụ tấn công là một người Úc da trắng. Gọi những kẻ cực đoan bệnh hoạn
da trắng bằng từ “khủng bố” là một việc không nhiều nhà lãnh đạo phương Tây dám
làm. Trong vài thập niên qua, “khủng bố” là từ được họ mặc định dành cho người
Hồi giáo. Lên tiếng công khai bảo vệ những người nhập cư, đặc biệt là người Hồi
giáo, trong khi thẳng thừng lên án những người cùng chủng tộc da trắng của
mình, là việc gần như “đại kỵ” đối với các chính trị gia phương Tây. Họ không
muốn mạo hiểm mất phiếu bầu của những người (da trắng) ủng hộ mình. Bảo vệ đến
cùng những người thuộc “phe ta”, kích động chia rẽ gây thù hằn đối với “phe địch”,
đó là chiêu bài mà rất nhiều lãnh đạo ưa dùng, khi nó vừa đơn giản lại thường
hiệu quả, đánh vào nỗi sợ hãi mơ hồ của rất nhiều người.
Jacinda Ardern không phải
là lãnh đạo một đất nước độc tài, cướp được chính quyền từ tay ai. Cô cũng phải
quan tâm đến phiếu bầu. Nhưng Ardern có mối bận tâm lớn hơn thế. Cô muốn liên tục
truyền tải một thứ “năng lượng tích cực” (relentless positivity), như đúng tôn
chỉ cô đã đề ra từ lúc tranh cử. Thông điệp từng bị xem là ngây
thơ này không phải chỉ là một khẩu hiệu nhắm đến cử tri để ve vãn phiếu
bầu. Nó phản ánh quan niệm làm người của chính Jacinda Ardern.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi điện chia sẻ sau vụ khủng bố, hỏi cô
có cần sự giúp đỡ gì, Ardern đã trả
lời, hãy chia sẻ “sự đồng cảm và tình yêu thương dành cho tất cả cộng đồng
Hồi giáo”. Đó là một hình ảnh hoàn toàn đối nghịch với Trump, một người trong
suốt nhiều năm qua luôn dành những lời cay nghiệt cho cộng đồng người Hồi giáo
nói chung và những người nhập cư Hồi giáo nói riêng.
Đồng cảm và yêu thương từ Ardern không chỉ thể hiện qua lời
nói. Ngay sau vụ xả súng, cô đến nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch nơi bị tấn
công, thăm những người thân đang còn bàng hoàng đau đớn, động viên an ủi họ.
Cô xuất hiện với chiếc
khăn choàng đầu của phụ nữ đạo Hồi (hijab), mặc dù bản thân là một người
vô thần không theo tôn giáo nào. Đơn giản vì đó là cử chỉ thể hiện sự tôn trọng
và đồng cảm với những người đang gặp nạn.
Ardern cũng không khua
chiêng gióng trống khi đến nơi, xuất hiện trước rừng ống kính để phát biểu, làm
trung tâm của mọi chú ý. Cô đến ôm chặt từng người, nói thầm vào tai họ. Cô lặng
lẽ đặt hoa tưởng niệm, kiên nhẫn lắng nghe những lời tâm sự của mọi người tại
đó. Nếu không có quay phim chụp ảnh, người ta sẽ khó nhận ra được đây cuộc viếng
thăm của một nguyên thủ quốc gia. Nó giống với hình ảnh một phụ nữ bình thường
đi thăm và chia sẻ với những người thân của mình. Chính xác hơn, đó chính là
hình ảnh những con người bình thường chia sẻ nỗi đau với nhau. Trong những thời
khắc đen tối nhất, không có sự phân biệt giữa lãnh đạo hay thường dân, giữa
giàu và nghèo, sang hay hèn, da trắng và da màu, người gốc ở đây hay người từ
chỗ khác đến. Chỉ có người với người.
Sự đồng cảm và tình yêu
thương từ khắp nơi đổ về Christchurch, từ những cư dân trong thành phố cho đến
những người hoàn toàn xa lạ, từ những đứa trẻ, các bạn học sinh cho đến những
người lớn tuổi. Tất cả đều chia sẻ cùng thông điệp mà vị lãnh đạo của mình đã
nhấn mạnh ngay từ những giây phút đầu tiên của thảm kịch, rằng những người gặp
nạn đó, họ là chúng ta, và chúng ta, bất kể màu da, đều là
người một nhà.
Thủ tướng Jacinda
Ardern phát biểu trước Quốc hội New Zealand, tuyên bố không bao giờ nhắc đến
tên nghi phạm. Ảnh: Dave Lintott/AFP.
Bắt tay khắc phục và phòng ngừa
Ngoài sự đồng cảm về tinh
thần, Ardern cũng rất thực tế khi ngay lập tức đã lên kế hoạch chăm lo cuộc sống
của những người nhà nạn nhân. Trong số những người thiệt mạng, nhiều người là
trụ cột kinh tế trong gia đình. Trách nhiệm của những người còn sống, đặc biệt
của chính quyền, là phải lo cho thân nhân của họ.
Bên cạnh những hành động khắc
phục thiệt hại (CAP – Corrective Action Plan), thủ tướng của New
Zealand cùng các đồng sự cũng không lãng phí giây phút nào để bắt tay ngay vào
các hành động phòng ngừa trong tương lai (PAP – Preventive
Action Plan).
Ardern chỉ ra ngay lập tức
vấn đề trong luật quản lý súng đạn của New Zealand, khi bất kỳ ai cũng có thể dễ
dàng mua bán sở hữu những vũ khí quân sự (military weapons) như súng trường bán
tự động, có khả năng gây sát thương hàng loạt. Khác với các đồng nghiệp bên Mỹ,
những người luôn dè dặt mỗi khi đề cập đến việc quản lý súng đạn, bất chấp các
thảm kịch xả súng hàng loạt diễn ra đều đặn mỗi năm, Jacinda Ardern không lo ngại việc đụng chạm đến lợi
ích của ngành công nghiệp vũ khí lẫn văn hóa sử dụng súng lâu đời ở đất nước
này. “Luật sở hữu súng đạn của chúng ta phải thay đổi”, Ardern nhấn
mạnh, và “đây là lúc thay đổi.”
Thủ tướng New Zealand
cùng lúc cho mở
cuộc điều tra các hoạt động tình báo của nước này để tìm hiểu lý do
các cơ quan chức năng đã không thể ngăn chặn được vụ khủng bố từ đầu. Cô cũng
chủ động yêu cầu Facebook cùng các trang mạng xã hội khác chặn đứng việc lan
truyền các thông tin hình ảnh từ những kẻ cực đoan. Facebook thông báo trong 24
tiếng kể từ vụ thảm sát, họ đã gỡ bỏ 1,5 triệu video chia sẻ từ nội dung của
nghi phạm khủng bố.
Không đổ lỗi
Quan sát tất cả những việc
nhà lãnh đạo của New Zealand thực hiện, từ lời nói đến hành động, người ta có
thể thấy rất nhiều điều, nhưng đồng thời sẽ thấy thiếu vắng một thứ gần như mặc
định luôn xuất hiện trong các cuộc khủng hoảng: hành động đổ lỗi (blaming).
Không ai tìm thấy một động
tác đổ lỗi nào của Jacinda Ardern dành cho nước Úc, nơi nghi phạm khủng bố xuất
thân. Cô thậm chí từ
chối nhắc đến tên của kẻ thủ ác, vì muốn dành năng lượng cho những nạn
nhân, người thân của họ, những người lương thiện xứng đáng được quan tâm.
Ardern cũng không chỉ tay
đổ lỗi Facebook, hay những mạng xã hội nơi các kẻ cực đoan tuyên truyền những
thông điệp thù hằn độc ác. Cô chỉ yêu cầu họ phải có trách
nhiệm quản lý những nội dung đó.
Ngay cả việc Ardern yêu cầu
điều tra cơ quan an ninh của mình cũng không phải là để tìm ra kẻ giơ đầu chịu
báng, mà nhằm đảm bảo những vụ việc tương tự không bao giờ lặp lại.
Thay vì đổ lỗi để thoái
thác trách nhiệm, như rất nhiều người làm trong bất kỳ sự cố lớn nhỏ nào, nhà
lãnh đạo của New Zealand chủ động gánh trách nhiệm sửa chữa
thiệt hại, phòng ngừa những thảm kịch tương tự, và san sẻ trách nhiệm đó
cho tất cả những người xung quanh.
Cơ quan an ninh của New
Zealand “hoan nghênh” việc điều tra, vì họ biết cần phải “học được tất cả những
bài học có thể từ thảm kịch này”. Facebook cùng các trang mạng xã hội khác chủ
động ngăn chặn những nội dung xấu lan truyền. Còn người Úc phải tự
day dứt về sản phẩm mà mình tạo ra.
Không có ai đá quả bóng
trách nhiệm qua lại. Đổ lỗi là hành động của những kẻ hèn nhát và vô trách nhiệm.
Những người New Zealand, đặc biệt là các lãnh đạo của họ, không cổ xúy cho những
giá trị đó.
Lãnh đạo đang trở
thành một hình mẫu lãnh đạo cho cả thế giới. Ảnh: Washington Post.
Nhà lãnh đạo thực sự
Bên cạnh các tin tức dồn
dập về thảm kịch tại Christchurch những ngày qua, truyền thông thế giới không
ngớt lời ca
ngợi Jacinda Ardern. Họ xem cô là hình
mẫu lý tưởng cho một người lãnh đạo trong thời đại mà “đồng cảm và yêu
thương” bị xem là thứ đồ xa xỉ, hoặc tệ hơn, là dấu hiệu của một kẻ yếu ớt. Người
Úc mong
chờ các nhà lãnh đạo của mình “ngồi dậy và ghi chép” học hỏi từ
Ardern. Người New Zealand đơn giản gọi Ardern là “một
nhà lãnh đạo thật sự”.
Ardern thật ra đã là hiện
tượng từ hơn một năm trước, từ khi cô trở thành nữ lãnh đạo dân cử trẻ nhất
trên thế giới. Thẳng thắn, chân thật và quyết liệt, cô luôn truyền tải năng lượng
tích cực đến người xung quanh.
Ardern sinh con trong thời
gian đương chức, nghỉ sáu tuần chăm con như mọi phụ nữ khác, và thậm chí ẵm
theo em bé vừa sinh vào phòng họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, một việc
chưa từng có tiền lệ. Cô xuất hiện trên các chương trình truyền hình phỏng vấn
nước ngoài, thoải mái tự tin trả lời mọi câu hỏi.
Cô được xem là niềm hi vọng
cho một thế hệ lãnh đạo mới, những người vừa mạnh mẽ vừa biết yêu thương, thấu
hiểu, thay cho những kẻ mạnh nhờ bạo (strongman). Cô chỉ
ra sự vô lý khi “chúng ta dạy trẻ con sự tử tế và thấu hiểu, nhưng đến
lúc làm lãnh đạo, nắm giữ quyền lực, lại hoàn toàn vứt bỏ điều đó”. Ardern quyết
định chọn con đường khác, và tự hào trở thành một người lãnh đạo “biết cảm
thông, biết yêu thương”, bởi vì cô hiểu rằng, để thấu cảm và yêu thương, người
ta cần rất nhiều “sự dũng cảm và sức mạnh thật sự”.
Nhưng sẽ chỉ là một nửa
câu chuyện nếu chỉ nhìn vào điểm sáng từ Jacinda Ardern.
Video: Sinh viên trường Orewa College tại Auckland xếp
hình người gửi thông điệp “Kia
Kaha – Hãy mạnh mẽ” đến các nạn nhân của vụ khủng bố tại Christchurch.
Đồng cảm, yêu thương, mạnh
mẽ, dũng cảm, chân thật, lan tỏa những năng lượng tích cực, tất cả đều không phải
là sáng tạo mới mẻ hay riêng lẻ của một nhà lãnh đạo nào. Nó nằm trong DNA văn
hóa của người New Zealand nói riêng, và của tất cả những con người lương thiện
trên trái đất này nói chung.
Ta có thể nhìn thấy điều
đó qua hình ảnh những người tay không tấc sắt sẵn sàng hi sinh đối đầu với kẻ xả
súng để bảo vệ người khác, ở những cảnh sát trang bị thô sơ không ngần ngại lao
vào ngăn chặn kẻ giết người, hay từ những người xa lạ cùng nhau chia sẻ nỗi đau
của những người khác, và hình ảnh những người có trách nhiệm cùng bắt tay tìm
giải pháp để ngăn chặn các thảm kịch tương tự.
Người New Zealand hưởng ứng
thông điệp đồng cảm và yêu thương của Ardern không phải vì họ làm theo lãnh đạo,
mà ngược lại, đó là vì hành động của Ardern phù hợp với những giá trị mà họ
mong muốn.
Sẽ không thừa nếu nhắc lại,
Jacinda Ardern và đảng Lao động (Labour Party) của cô không phải là đảng giành
được nhiều phiếu bầu nhất trong kỳ bầu cử cuối năm 2017. Đảng Lao động về thứ
hai sau Đảng Quốc gia (National Party). Nhưng cuối cùng Ardern đã liên hiệp được
với đảng New Zealand Trên Nhất (New Zealand First) để thỏa thuận liên minh lập
nên chính phủ.
Không phải là lựa chọn đầu
tiên của người dân, nhưng với việc chia sẻ cùng những giá trị tích cực của họ,
Jacinda Ardern đã và đang trở thành một trong những hình mẫu lãnh đạo lý tưởng
nhất, không chỉ của người New Zealand.
Cũng như những ai luôn
thù hằn sẽ đi theo những nhà lãnh đạo biết kích động thù hằn, những người chọn
giả dối sẽ thích vây quanh những ai giỏi lừa gạt, những người chia sẻ cùng
chung giá trị luôn biết cách tìm đến với nhau.
Không phải ngẫu nhiên
mà quốc ca của New Zealand được
lồng ghép cả hai lời, tiếng Māori, ngôn ngữ của tộc bản địa, và tiếng Anh. Cũng
không phải ngẫu nhiên mà trong lời bài hát quốc ca của họ, từ “yêu thương” (love trong
tiếng Anh và aroha trong tiếng Māori) được lặp đi lặp lại.
Jacinda Ardern xứng đáng
lãnh đạo đất nước cũng như người New Zealand xứng đáng với một lãnh đạo như
Ardern.
Như thông điệp họ dành
cho nhau trong những thời khắc đen tối – “Kia Kaha” và “Aroha” – Hãy mạnh
mẽ và luôn yêu thương, những con người mạnh mẽ và biết yêu thương luôn xứng
đáng với nhau.
No comments:
Post a Comment