Saturday, 30 March 2019

BINYAMIN NETANYAHU & CHÂN DUNG CHỦ NGHĨA DÂN TÚY HIỆN ĐẠI (The Economist)




Phan Nguyên dịch
30/03/2019

Người hâm mộ gọi ông là Nhà ma thuật, Người chiến thắng, thậm chí là “melekh yisrael”, nghĩa là “Vua của Israel”. Binyamin Netanyahu là chính trị gia tài năng nhất của Israel trong vòng một thế hệ qua. Ông là thủ tướng nắm quyền lâu thứ hai của đất nước, và nếu ông thắng cử lần thứ năm vào ngày 9 tháng 4, ông sẽ đánh bại kỷ lục của người cha sáng lập đất nước, David Ben Gurion.

Thường được gọi với biệt danh “Bibi”, ông có tầm quan trọng vượt ra ngoài Israel, và không chỉ bởi vì ông nói thứ tiếng Do Thái và tiếng Anh hoàn hảo và có thế đứng tốt ở Trung Đông hỗn loạn ngày nay. Ông quan trọng bởi vì ông hiện thân cho thứ chính trị dân tộc chủ nghĩa cơ bắp, chủ nghĩa sô vanh và sự phẫn nộ của giới tinh hoa từ lâu trước khi chủ nghĩa dân túy theo kiểu đó trở thành một thứ sức mạnh trên toàn cầu. Ông Netanyahu có thể đếm trong số các bạn bè và đồng minh của mình những người như Donald Trump và Narendra Modi, chưa kể các chính trị gia châu Âu từ Viktor Orban ở Hungary đến Matteo Salvini ở Ý.

Sự trị vì của Vua Bibi là một câu chuyện ngụ ngôn về chính trị hiện đại: sự trỗi dậy của một chính trị gia tài năng và thành công lâu dài dựa trên sự pha trộn khéo léo giữa việc thực hiện các chính sách tốt và việc tạo ra những chia rẽ cay độc. Khi quyền lực của ông bị đe dọa, ông đã chuyển sang mạnh mẽ chống lại báo chí tự do, lực lượng tư pháp và những thế lực trong bóng tối. Bây giờ Bibi phải đối mặt với mối nguy hiểm lớn nhất của mình, dưới hình thức những cáo buộc hình sự về tội tham nhũng. Nếu ở một thời đại khác, ông đã phải từ chức, và giờ sẽ phải tự bảo vệ mình trong vai trò một công dân bình thường. Nhưng ông có ý định tiếp tục nắm quyền, và hy vọng rằng các cử tri sẽ cứu ông khỏi tay cảnh sát, các công tố viên và thẩm phán. Chính trị Israel đang biến thành một cuộc ganh đua giữa thành tựu thực sự và sự mị dân ​​ở một bên và bên kia là nền pháp quyền. Tất cả những ai quan tâm đến dân chủ nên theo dõi chặt chẽ cuộc đua này.

Một nước Israel nhỏ bé gây chú ý vì nó có một lịch sử lớn: những câu chuyện trong Kinh thánh và tài năng công nghệ; nạn nhân thảm sát Holocaust và sức mạnh quân sự; nền dân chủ tràn đầy năng lượng và sự chiếm đóng lâu dài đất đai nơi người Palestine tuyên bố chủ quyền và sinh sống. Dù vậy, ông Netanyahu cũng tự mình xứng đáng là một nhân vật lớn. Ông thông minh và có năng lực hơn nhiều so với nhiều nhà dân túy khác, và có thể tự nhận nhiều thành công. Bằng cách thu gọn nhà nước cồng kềnh, ông đã giúp nền kinh tế Israel phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp công nghệ. Với việc sử dụng khéo léo ngoại giao và lực lượng quân sự một cách thận trọng nhất, ông đã tăng cường an ninh cho Israel mà không bị cuốn vào những cuộc chiến thảm khốc. Nhờ đó cùng với sự thù địch chung đối với Iran, quan hệ của Israel với nhiều lãnh đạo Ả Rập đã trở nên tốt hơn bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử Israel.

Tuy nhiên, Netanyahu cũng rất giáo điều. Ông đã hứa hẹn về vấn đề hòa bình với người Palestine nhưng không tiến hành bước đi ý nghĩa nào để đạt được mục tiêu đó. Ông tố cáo bất kỳ sự hợp tác nào giữa phương Tây với Iran, ngay cả khi để hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Theo quan điểm bi quan của Bibi, Israel bị bao quanh bởi những con sói đội lốt cừu và những con sói thực thụ. Israel chỉ có thể quản lý xung đột, không thể giải quyết chúng, vì vậy ông tin rằng Isreal phải dựa vào một bức tường sắt và chờ thời gian trôi qua.

Như vậy, chủ nghĩa “chống giải pháp” này có nguy cơ lưu  giữ rắc rối cho tương lai. Nó làm tăng nguy cơ chiến tranh với Iran, hoặc khiến các lãnh đạo cứng rắn của Iran quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân. Israel càng cắm rễ lâu ở khu Bờ Tây, thì sự chiếm đóng quân sự “tạm thời” của họ càng trông giống như sự kìm kẹp người Palestine vĩnh viễn theo một luật riêng, thậm chí là sự phân biệt chủng tộc. Điều này càng trở nên tồi tệ khi không có ảnh hưởng kiềm chế của Mỹ. Ông Netanyahu đã nồng nhiệt ủng hộ ông Trump, người cũng tặng lại ông những món quà, mà gần đây nhất là việc ông Trump ủng hộ việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan. Liệu ông Trump cũng sẽ ủng hộ Israel sáp nhập các mảnh đất thuộc Bờ Tây, qua đó từ chối hy vọng của người Palestine về một nhà nước? Về lâu dài, việc Bibi liên kết với phe Cộng hòa và cánh hữu ở Mỹ có thể đe dọa sự đồng thuận lưỡng đảng theo hướng ủng hộ Israel ở Washington, vốn là nền tảng an ninh của Israel.

Nhưng mối đe dọa lớn nhất mà ​​triều đại Bibi gây ra chính là ở trong nước. Ông đã giữ quyền lực không chỉ dựa trên sức mạnh thành tích của mình mà còn bằng cách tìm kiếm lợi thế chính trị thông qua việc làm xói mòn các quy tắc dân chủ của Israel. Khi tuyên bố rằng hòa bình với người Palestine là không thể (hoặc không đáng mong muốn), các thành viên của liên minh cánh hữu của ông đã thi nhau tìm cách thông qua các biện pháp khẳng định địa vị thượng đẳng của người Do Thái. Ông Netanyahu đã thúc đẩy một liên minh bầu cử với nhóm Quyền lực Do Thái (Jewish Power) cực hữu, những người muốn sáp nhập tất cả các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng, đồng thời khuyến khích những người Ả Rập, kể cả những người đã thành công dân Israel, rời khỏi Israel. Ông đã chơi lá bài bản sắc quá lâu đến nỗi ông đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ của đất nước, giữa người Do Thái và người Ả Rập, giữa người Do Thái hải ngoại và người Israel, giữa người Do Thái Ashkenazi phía Tây và người Do Thái Mizrahi phía Đông, và giữa những người thế tục và những người theo tôn giáo. Bằng cách tự cho mình là người có khả năng duy nhất bảo vệ Israel chống lại kẻ thù, ông thường coi những người nói khác với mình là những kẻ phù thủy hoặc phản bội.

Netanyahu và bạn bè của ông tố cáo bất kỳ người Do Thái nào cản đường mình là người kẻ đâm dao sau lưng. Báo chí tự do thì bị cho là đăng toàn tin giả. Các đối thủ chính trị, ngay cả các tướng lĩnh nằm trong đảng đối lập Xanh lam và Trắng mới thành lập, bị gán là đang thông đồng với người Ả Rập. Bibi còn bóng gió thuyết âm mưu được yêu thích bởi những người bài Do Thái rằng George Soros, một tỷ phú người Do Thái, đang âm mưu phá hoại các chính phủ quốc gia trên toàn thế giới.

Theo ông Netanyahu, các cáo buộc tham nhũng chống lại ông chỉ là một đòn “phỉ báng máu” (blood libel) – một lời đồn ác ý thời Trung cổ buộc tội người Do Thái trộn máu của những đứa trẻ Kitô giáo bị sát hại vào bánh mì của họ trong lễ Vượt qua. Tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng cảnh sát, người điều tra các cáo buộc, và tổng chưởng lý, người ra lệnh truy tố, đều được đích thân ông Netanyahu lựa chọn. Các đồng minh của ông muốn có một đạo luật cho phép ông được hưởng quyền miễn trừ truy tố.

Israel là một ngoại lệ trong các nền dân chủ phương Tây. Nó được sinh ra như là một nhà nước của người Do Thái; trong khi Chủ nghĩa Zion (phục quốc Do Thái) và chủ nghĩa dân tộc Palestine đều tuyên bố chủ quyền đối với cùng một vùng đất. Israel phải đấu tranh với một mối đe dọa sinh tồn và đối thủ, chứ không phải với những mối đe dọa ảo mà các nhà dân túy thêu dệt nên ở những nơi khác. Cánh tả, vốn đang trong tình trạng hỗn loạn ở nhiều quốc gia, cũng chịu tổn thương lớn ở Israel bởi nỗ lực của họ nhằm đàm phán một thỏa thuận đổi đất lấy hòa bình với người Palestine đã thất bại đẫm máu.

Tuy nhiên, cũng chính vì những áp lực này, Israel đưa ra một thử nghiệm quan trọng về sự bền bỉ của nền dân chủ. Vào ngày 09/04/2019, cử tri Israel phải đối mặt với một lựa chọn định mệnh. Bầu lại ông Netanyahu và tưởng thưởng cho ông vì đã làm xói mòn sự độc lập của các thể chế Israel. Hoặc loại bỏ ông với hy vọng xây dựng lại niềm tin vào nền dân chủ, và khao khát trở thành “ánh sáng cho các quốc gia”.

*
Nguồn: Binyamin Netanyahu: a parable of modern populism”, The Economist, 30/03/2019.

-----------------------------------------------------------

Có Thể Bạn Quan Tâm:








No comments:

Post a Comment

View My Stats