Monday, 25 March 2019

NỖI BUỒN PHÂT GIÁO (Larry De King)





Cách đây hơn 2500 năm, thái tử Tất Đạt Đa chào đời. Ngài là con vua Tịnh Phạn trị vì tiểu quốc Ca Tỳ La Vệ, thuộc miền trung nước Ấn, nay là vương quốc Nepal. Năm 29 tuổi, ngài từ bỏ đời sống xa hoa vương quyền, đi tìm chân lý tối thượng.

Sau 6 năm khổ hạnh, có lúc tưởng đã chết, ngài đạt được thánh quả. Đạo Phật ra đời từ đó. Ngài đi thuyết giảng suốt 45 năm sau đó, và mất năm 80 tuổi.

Phật giáo xuất phát từ Ấn độ, nên chịu nhiều ảnh hưởng của Ấn giáo, còn gọi là Bà la môn, nhưng có nhiều điểm khác biệt căn bản. Ấn giáo theo chủ thuyết đa thần, còn Phật giáo thì không. Ấn giáo chủ trương Có Ngã, còn phật giáo chủ trương Vô Ngã. Điểm đặc biệt nhất, Phật giáo không công nhận tình trạng phân biệt giai cấp nặng nề thời bấy giờ, trong đó con người chia ra 4 đẳng cấp: Tăng lữ, quan lại, thương gia, và tiện dân. Tiện dân bị cho là được sinh ra để làm những công việc nhỏ nhặt, dơ bẩn, nhằm phục vụ cho 3 giới trên.

Ngài nổi tiếng với câu nói: “Không có sự phân biệt trong giòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn”. Có thể xem đây là 1 cuộc cách mạng lớn của hơn 2500 trước, và được rất nhiều người ủng hộ.

Sau khi ngài nhập diệt, đạo Phật được truyền ra khỏi Ấn độ. Có 2 nhánh chính là nam truyền gồm các nước Sri Lanka, Miến điện, Thái lan… và bắc truyền qua ngã Tây tạng, vào Trung quốc, rồi lan sang Nhật, Hàn, và Việt Nam.

*****

Khi vào Trung hoa, Phật giáo có thời kỳ phát triển khá mạnh, từ đó có trường phái Phật giáo Bắc Tông, còn gọi là Đại Thừa, với nhiều bổ sung, phát triển từ Phật giáo Nguyên Thủy, nên còn có tên là Phật giáo phát triển. Có mặt ở Trung hoa nên Phật giáo cũng chịu ảnh hưởng văn hóa nước này, với nhiều hủ tục vẫn còn hiện diện cho tới hôm nay như nạn đốt vàng mã cho người chết, cúng sao giải hạn, nhập vong.v.v… Có người lý giải rằng các tổ Trung hoa cố gắng tùy duyên để hóa độ ở một xứ sở còn rất nặng về nghi lễ và phong tục, cộng với việc phải cạnh tranh với đạo Nho Khổng. Hậu quả là Phật giáo phải mang thêm trên mình những tệ nạn mê tín dị đoan cho đến ngày nay.

Phật giáo Việt Nam được truyền từ Trung hoa, nên mang đầy đủ những hệ lụy của nó. Tuy vậy, ở Việt Nam từng có thời kỳ nhà Lý và Trần Phật giáo rất hưng thịnh, quốc gia thái bình. Nhưng dần về sau, Phật giáo không cạnh tranh lại Khổng và Nho giáo cũng truyền từ phương bắc. Có lẽ Khổng Nho thích hợp với kiểu cai trị độc quyền của các vua chúa, nên được ưu tiên truyền bá.

Trước năm 1975 Phât giáo Việt Nam cũng khá phát triển, dù có ít nhiều xung đột với chính quyền thông qua vấn đề bình đẳng tôn giáo. Đó là giai đoạn Phật giáo đạt nhiều thành tựu về chất, đào tạo được nhiều vị cao tăng. Nổi bật là Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), là 2 nhà sư thông tuệ, 2 nhà thơ, học giả uyên bác. Ngoài ra còn phải kể đến Ni Sư Trí Hải, thế danh là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh, xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc. Bà xinh đẹp, thông minh từng sang Mỹ lấy bằng Master ở đại học lừng danh Princeton, nhưng khi về nước chọn đường xuất gia. Ni sư Trí Hải là dịch giả nổi tiếng với hàng chục tác phẩm về triết học và văn học Phật giáo.

Thời kỳ này Phật giáo cũng có hệ thống trường trung học tư thục Bồ Đề phủ khắp các tỉnh thành miền nam, và Viện Đại Học Vạn Hạnh.

*********

Sau 1975, khi người cộng sản thu giang san về một mối, họ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tôn giáo. Ông tổ CS là Karl Marx từng tuyên bố TÔN GIÁO LÀ THUỐC PHIỆN. Không chỉ là thuốc phiện, mà tôn giáo còn có khả năng tập họp quần chúng – đây là điều cấm kỵ đối với 1 thể chế toàn trị, không bao giờ chấp nhận chia sẻ quyền hành. Các tôn giáo nói chung từ đó bị trù dập, phân hóa trầm trọng. Thiên chúa giáo cũng chịu chung số phận, nhưng nhờ có Vatican mà cũng đỡ được phần nào. Phật giáo Hòa Hảo gần như bị tận diệt, Phật giáo chính thống là mối quan tâm lớn nhất, vì thời đó 80% dân miền nam theo đạo Phật. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất chính là cái gai cần phải nhổ. Các tăng ni của giáo hội bị đàn áp khốc liệt, nhiều lãnh đạo Phật giáo bị bỏ tù và thủ tiêu.

Ngày 2 tháng 11 năm 1975, 12 tăng ni thiền viện Dược Sư ở Cần Thơ tự thiêu tập thể để phản đối đàn áp. Tháng 4/1984 Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị bắt tội chống nhà nước, và bị kêu án tử hình, mà thực chất là họ tiếp tục ủng hộ giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nhờ có sự can thiệp của cộng đồng quốc tế mà 2 ông được giảm án và ra tù năm 1988. Chung vụ còn có Ni Sư Trí Hải cũng bị 4.5 năm tù.

Năm 1981 giáo hội Phật giáo Việt Nam do người CS dựng lên chính thức hoạt động. Từ đó, cùng với 1 xã hội tham nhũng tha hóa là những tháng năm trượt dài của phật giáo, để rồi thời gian gần đây trên mạng nhan nhản những câu chuyện, hình ảnh rất phản cảm của các vị sư quốc doanh, đặc biệt là miền bắc, nơi thiếu vắng hẳn đời sống tâm linh kể từ khi người CS nắm chính quyền năm 1945.

Cũng cần nhìn thấy sự cố gắng của những vị tăng ni chân chính trong nổ lực hoằng dương chánh pháp. Họ không còn cách nào khác là phải nương vào phương tiện là giáo hội quốc doanh này để được tu tập và truyền bá.

Nhưng những nổ lực đó không thể bù lại sự phá hoại từ lãnh đạo của giáo hội là những người CS đột lốt tu hành. Ở cấp TW có ban tôn giáo chính phủ mà người trưởng ban từng là trung tướng công an của tổng cục tình báo 2. Rồi cấp tỉnh, huyện đều có ban tôn giáo. Ngành công an cũng có 1 phòng ban riêng để theo dõi tôn giáo. Với những gọng kiềm khắp nơi như thế làm sao phật giáo có thể phát triển tự do, lành mạnh?

Giới luật từ đó không còn nghiêm chỉnh, ngày càng nhiều chùa to như Bái Đính, Tam Chúc, Phúc Khánh, Ba Vàng mà đằng sau là các quan chức chống lưng, mục đích chính là kinh doanh trên lòng mê tín của dân chúng. Dân càng mê tín, ít quan tâm chính trị, ít đòi hỏi công bằng xã hội thì người CS càng yên tâm kéo dài thời gian cai trị.

Từ đó nhan nhản những tên ma tăng Thích Chân Quang, Thích Thanh Quyết, Thích Thanh Cường, và nay lại là Thích Trúc Thái Minh sáng tạo ra cách kiếm tiền mới: dùng chuyện vong hồn báo oán để khống chế đám con nhang.

Các ma tăng này xuất hiện để đáp ứng tâm thức mê thích lễ hội, cúng sao giải hạn, trong đó có không ít những cán bộ cao cấp, những con người nhiều tiền của, quyền lực nhưng tâm thần bất an bởi tội ác của mình, muốn tìm đến chùa chiền như là liều thuốc an thần chứ nào có hiểu gì về phật pháp.

Có thể nói đây là hệ quả của cách cai trị ngu dân hóa. Và người CS đã rất thành công.

********

Phật giáo không có gì là huyền bí. Với thời gian, Phật giáo cũng có nhiều hệ phái, nhưng cái cốt lõi của nó chỉ đơn giản là TỨ DIỆU ĐẾ và BÁT CHÁNH ĐẠO.

Tứ diệu đế là 4 sự thật: Sự thật về khổ đau, sự thật về nguyên nhân của khổ đau, sự thật về sự chấm dứt khổ đau, và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau.

Bát chánh đạo tức là 8 cách để dẫn đến sự thật thứ 4. Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh định, chánh niệm.

Tất cả cách kinh điển Phật giáo tựu trung cũng nhằm phát triển và làm rõ thêm cốt lõi này. Cái nào đi ngược lại gốc rễ này chính là tà giáo.

Hơn nữa, đạo Phật chủ trương tự lực là chính. Phật cũng là người, ngài không thể ban phước hay giáng họa cho ai. Ngài chỉ là người thầy chỉ đường, như ngón tay chỉ mặt trăng, còn hành giả phải tự tu tập lấy, ai tu nấy hưởng, nhân quả công bằng.

Đạo Phật chú trong đến việc nghiêm trì giới luật. Chính đức Phật trước khi nhập diệt cũng bảo các đệ tử rằng sau khi ta chết các con hãy lấy giới luật làm thầy. Các vị tu sĩ chân chính phải thọ đến 250 giới tỳ kheo. Đi đứng nằm ngồi, ăn nói, từng cử chỉ, tất cả đều phải có oai nghi. Giữ giới sinh ra định, tức tâm thần an định vì không làm gì sai trái để phải lo âu. Định sinh ra trí huệ, tức tinh thần lắng đọng sẽ sáng suốt.

Còn người phật tử chỉ cần thọ 5 giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm và không dùng rượu hay các chất kích thích làm ảnh hưởng đến tâm thần.

Tu đơn giản như trong kinh Pháp Cú:

Không làm các điều ác
Gắng làm các điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đó là lời Phật dạy

Theo đạo phật, nguyên nhân của khổ đau chính là tâm THAM – SÂN – SI. Nếu biết chế phục tâm này thì sẽ có bình an, tức là có hạnh phúc.

Nhiều người đồng nghĩa TIỀN = HẠNH PHÚC, nên lao vào kiếm tiền bất chấp thủ đoạn, tội ác. Thực tế cho thấy chưa hẳn vậy. Rất nhiều người giàu vẫn khổ đau, có khi tìm đến cái chết như một vài minh tinh màn bạc trên thế giới. Các tham quan nằm trên đống tiền nhưng lúc nào cũng âu lo. Lo bị vào lò, lo dân chúng nổi dậy cho chúng lên giá treo cổ..v.v…

Dĩ nhiên quá nghèo khổ thiếu thốn thì khó mà có hạnh phúc.

Đó là lý thuyết, thực hành rốt ráo bát chánh đạo không phải là dễ. Do đó những bậc chân tu đạt trình độ giác ngộ cao đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, nó công bằng ở chổ tu là sửa, ai tu sửa nhiều, con người trở nên tốt hơn, sống dễ thương hơn, và do đó dễ có hạnh phúc hơn người đụng chút là sân si, hay tham lam vô độ.

*********

Bản thân mình là người yêu mến đạo phật, và tình cờ biết đến đạo trong 1 tình huống khổ đau muôn trùng. Nhờ hiểu đạo phật mà mình bình tĩnh hơn, biết chấp nhận hơn, và do đó bình an hơn, sống dễ thương và vị tha hơn lúc chưa biết đạo.

Hôm nay, nhìn thấy sự tha hóa của phật giáo VN mà chạnh lòng. Có lẽ đạo phật cũng không là ngoại lệ khi xã hội đầy rẫy cái xấu cái ác, diễn ra hằng ngày. Hết chuyện trẻ em ăn thịt nhiễm sán, đến màn tấn công tình dục trong thang máy coi công lý như trò đùa, rồi hôm nay là nạn gọi vong, cúng oan gia trái chủ. Đem đối chiếu với bát chánh đạo thì những gì sư trụ trị chùa Ba Vàng đang làm chỉ là Tà kiến, Tà tư duy, từ đó dẫn đến Tà ngữ, Tà nghiệp.

Khi nào Phật giáo VN được trả lại quyền tự quyết, khi đó Phật giáo mới có cơ may khôi phục lại nền minh triết của mình. Còn hiện tại thì vô phương.

PS: Mình viết để chia sẻ. Nếu bạn không thích thì không cần phải đọc, xin đừng tranh cãi về tôn giáo. Cảm ơn.


---------------------------

ĐẠO PHẬT CHÂN CHÍNH LÀ ĐÂY :
.
.
.






No comments:

Post a Comment

View My Stats