Dân Trí. VN
Thứ Hai 25/03/2019 -
20:48
Điện Kremlin đã chính thức lên tiếng sau khi Mỹ
công bố kết quả cuộc điều tra về mối liên hệ giữa Nga và Tổng thống Donald
Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ
William Barr ngày 24/3 đã công bố bản tóm tắt báo cáo về kết quả cuộc điều tra
do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller thực hiện trong gần 2 năm qua, trong đó
xác định Tổng thống Donald Trump không thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử Mỹ
năm 2016.
Trong cuộc họp diễn ra
hôm nay, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov một lần nữa bác bỏ mọi nghi
vấn nhằm vào Nga. Ông Peskov khẳng định Nga không bao giờ can thiệp và cũng
không lên kế hoạch can thiệp vào công việc nội bộ cũng như các cuộc bầu cử của
Mỹ hay của bất kỳ quốc gia nào khác.
“Rất khó để tìm thấy một con mèo đen trong một căn
phòng tối, đặc biệt nếu ở đó không có con mèo nào cả… Nhiều thế kỷ đã trôi qua,
nhưng không may là vẫn chưa có sự thấu hiểu về vấn đề này ở phía bên kia đại
dương”, ông Peskov nói với các
phóng viên.
“Chúng tôi đã xem một số đoạn trích và kết luận từ
báo cáo (của công tố viên đặc biệt Robert Mueller). Báo cáo này thực tế không
có gì mới, ngoại trừ thừa nhận rằng không có bất kỳ sự thông đồng nào giữa Nga
và văn phòng chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump”, người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm.
Bình luận về khả năng cải
thiện quan hệ với Mỹ sau khi kết quả cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt được
công bố, ông Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định
ông sẵn sàng tăng cường mối quan hệ với Washington.
“Trong trường hợp này, quả bóng hoàn toàn nằm trên
sân của họ (Mỹ). Quả bóng đã được trao cho ông Trump tại Helsinki”, ông Peskov nói.
Trước đó, trong cuộc gặp
thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin tại thủ
đô Helsinki, Phần Lan vào tháng 7/2018, nhà lãnh đạo Nga đã tặng ông chủ Nhà Trắng
một quả bóng sau khi Nga đăng cai giải bóng đá thế giới World Cup.
Tổng thống Putin tặng
bóng cho Tổng thống Trump trong cuộc gặp tại Helsinki năm 2018. (Ảnh: AFP)
Bộ Ngoại giao Nga hôm nay
cũng kêu gọi Mỹ chính thức xác nhận không có bất kỳ sự thông đồng nào giữa Nga
và chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump vào năm 2016 sau báo cáo điều
tra của công tố viên đặc biệt. Các quan chức cấp cao của Nga hối thúc ông Trump
tận dụng cơ hội này để tái khởi động mối quan hệ với Moscow.
“Có cơ hội để làm mới mối quan hệ của chúng ta,
nhưng câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có chấp nhận rủi ro hay không. Còn chúng
tôi, tất nhiên, luôn sẵn sàng. Tôi đề xuất bắt đầu từ những vấn đề cấp bách nhất,
đó là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) và Hiệp ước Các lực lượng hạt
nhân tầm trung (INF)”, ông
Konstantin Kosachyov, chủ tịch ủy ban đối ngoại thượng viện Nga, bình luận hôm
nay.
Theo ông Kosachyov, báo
cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller “đã chứng minh những gì Nga biết
ngay từ đầu rằng: không có sự thông đồng giữa ông Trump cũng như bất kỳ ai
trong đội ngũ của ông ấy với Điện Kremlin”. Tuy vậy, ông Kosachyov cũng nói
rằng Nga không có lý do để ăn mừng kết quả cuộc điều tra của Mỹ sau khi mối
quan hệ giữa hai nước phải chịu tổn thất nặng nề sau hai năm và “các cáo buộc
nhằm vào Nga vẫn còn đó”.
Thành Đạt
Theo AFP, TASS
------------------------
XEM THÊM
Dân Trí. VN
Thứ Ba 26/03/2019 - 07:30
Chiến thắng của Tổng thống Donald Trump trong cuộc
điều tra về nghi vấn thông đồng với Nga có thể sẽ tác động tới chính sách của
ông chủ Nhà Trắng trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Trong bức thư gửi Quốc hội
Mỹ ngày 24/3, Bộ trưởng Tư pháp William Barr cho biết công tố viên đặc biệt
Robert Muller không tìm thấy bất cứ cá nhân hay quan chức nào trong đội ngũ
tranh cử của Tổng thống Donald Trump bị coi là thông đồng với Nga trong cuộc bầu
cử tổng thống năm Mỹ năm 2016, cũng như khẳng định không có đủ bằng chứng để buộc
tội người đứng đầu Nhà Trắng cản trở công lý.
Giới chuyên gia nhận định
với việc công bố kết quả có lợi cho Tổng thống Trump sau cuộc điều tra kéo dài
2 năm, nhà lãnh đạo Mỹ hiện tại không còn “quay cuồng” trong sức ép của dư luận
nữa. Kết luận không thông đồng với Nga đã “xua tan” đám mây đen bao trùm hai
năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Điều này đồng nghĩa với việc ông Trump
bây giờ không còn quá khao khát một chiến thắng về chính trị như trước đây.
“Cách đây một tháng, một điều chắc chắn đó là ông ấy
(Donald Trump) thực sự rất cần một chiến thắng. Tôi nghĩ ông ấy sẽ chấp thuận gần
như bất kỳ chính sách nào về thương mại”, Greg Valliere, chiến lược gia trưởng về chính sách Mỹ tại hãng AGF và
là chuyên gia về phân nhánh chính trị trên thị trường tài chính, nhận định.
“Bây giờ ông ấy đã giành chiến thắng, điều đó khiến
ông ấy không còn quá khao khát để giành được một thỏa thuận (thương mại). Ông ấy
có thể sẽ cứng rắn hơn một chút với Trung Quốc”, chuyên gia Greg cho biết.
Theo CNBC, hiện
tại là thời điểm tốt nhất cho Tổng thống Trump để tiến hành các cuộc đàm phán
thương mại với Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ tới Trung Quốc
trong tuần này để tiếp tục các cuộc đàm phán về các vấn đề liên quan tới thương
mại. Hai bên đã nhiều lần tranh cãi và liên tục áp thuế trả đũa nhau.
Giới quan sát chính sách
thương mại tin rằng việc kết thúc cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt với kết
quả được cho là chiến thắng của ông Trump đã đặt nhà lãnh đạo Mỹ vào “thế thượng
phong” trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Sau khi được “minh oan”
không thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Trump có thể
sẽ cảm thấy tự tin hơn và sẵn sàng trì hoãn việc thúc đẩy đàm phán thương mại với
Trung Quốc.
“Mặc dù vẫn còn quá sớm để kết luận, song những diễn
biến hiện nay cho thấy khả năng gia tăng mức độ khó khăn trong các chính sách của
chính quyền Trump trong tương lai gần. Điều này có thể sẽ kéo dài chặng đường
hoàn tất việc ký kết thỏa thuận với sự nhượng bộ lớn hơn từ phía Trung Quốc”, Ed Mills, nhà phân tích chính sách công tại
hãng dịch vụ tài chính Raymond James, cho biết.
Khi cuộc bầu cử Mỹ năm
2020 sắp tới gần, Tổng thống Trump cần củng cố nền tảng cử tri ủng hộ, trong đó
phần lớn nằm ở các khu vực trung tâm cũng như nhóm nông dân đang bị tổn thất từ
cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng bị thiệt hại
nặng nề khi mất đi một thị trường xuất khẩu then chốt như Mỹ.
“Cả hai bên đều có động lực để đạt một thỏa thuận. Nền
kinh tế Trung Quốc đang trượt dốc và việc chấm dứt các hàng rào thuế quan ngày
càng tăng của Mỹ sẽ thúc đẩy (nền kinh tế Trung Quốc) phát triển đáng kể. Đối với
Mỹ, mọi con đường dẫn tới chiến thắng của ông Trump vào năm 2020 đều đi phải đi
qua các nông trại”, Tom Block, trưởng nhóm
nghiên cứu tại hãng tư vấn Fundstrat Global Advisors, nói.
Tuy vậy giới chuyên gia
nhận định dư luận sẽ phải kiên nhẫn nếu muốn chờ đợi một thỏa thuận thương mại
cuối cùng giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Với những ai đang hy vọng về một thỏa thuận thương
mại nhanh chóng, ít có khả năng họ (Mỹ - Trung) sẽ đạt được bất kỳ điều gì
nhanh chóng. Tiến trình này có thể kéo dài hơn một chút so với sự mong đợi của
thị trường”, chuyên gia Valliere nhận
định.
Thành Đạt
Theo CNBC
No comments:
Post a Comment