Thursday, 28 March 2019

DONALD TRUMP, TẬP HỢP & DÂN TRÍ VIỆT (Việt Hoàng)




27/03/19

Tổng thống 45 của Mỹ, Donald Trump đã để lại "dấu ấn lịch sử" trong chính trường Mỹ chỉ 2 năm sau ngày nhậm chức. Dấu ấn lịch sử đó không phải là bức tường mới (có thể xây) giữa Mỹ và Mexico, cũng không phải là đã làm cho "nước Mỹ vĩ đại trở lại"… mà có lẽ là làm nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết.

Di sản buồn mà Trump để lại đối với nước Mỹ đã đành, không những thế Trump còn để lại cả dấu ấn trong cộng đồng người Việt Nam (cả ở Mỹ lẫn ở trong nước) đó là làm cho người Việt Nam cũng chia rẽ thành "hai phe", phe ủng hộ và phe phản đối Trump.

Với một số người thì Tập Hợp (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) thuộc về "phe phản đối Trump" nhưng khác với những người "cùng phe" là Tập Hợp chỉ trích Trump ngay từ khi ông ta lọt vào vòng chung kết đại diện cho đảng Cộng hòa để tranh chức tổng thống với Hilary Clinton. Chúng tôi không thích Trump và cũng không thích cả Hilary vì nhận thấy là cả hai ứng cử viên đều không đưa ra được một cương lĩnh chính trị thực sự có ích lợi cho thế giới trong đó có Việt Nam. Đừng quên là tổng thống Mỹ, đồng thời cũng là lãnh đạo của khối các nước dân chủ, luôn có ảnh hưởng trên qui mô toàn cầu. Buồn thay, các ưu tư của các tổng thống Mỹ chỉ đơn thuần bó hẹp trong phạm vi nước Mỹ.

Khi chúng tôi đưa ra đề nghị mô hình chính trị cho Việt Nam trong tương lai là "dân chủ nghị viện và tản quyền" thay vì mô hình chính trị "tổng thống chế" (bầu một người thay vì bầu một chính đảng) thì đã không nhận được sự chia sẻ của trí thức và người dân Việt Nam.

Nước Mỹ, cường quốc số một thế giới đang bị khủng hoảng vì mô hình "tổng thống chế", sự tê liệt và xuống cấp của các chính đảng đã cho phép những người không có kiến thức về chính trị trở thành tổng thống như trường hợp Trump. Chính mô hình "tổng thống chế" đã buộc các ứng cử viên phải "dân túy" bằng cách mị dân và hứa hẹn mang lại những điều ngoài khả năng của họ. Ví dụ Trump hứa lấy tiền của Mexico để xây dựng bức tường mới ngăn cách hai nước, kế hoạch mang các công ty của Mỹ trở về Mỹ hay ngay cả cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-EU… Cũng đã gần như thất bại hoàn toàn.

Tập Hợp đã phân tích trong nhiều bài viết rằng tư tưởng chính trị của thế giới nói chung và của nước Mỹ nói riêng đã không theo kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và kinh tế. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì trí tuệ nhân tạo và máy móc đã thay thế rất nhiều cho con người trong nhiều lĩnh vực. Nhiều ngành nghề ăn nên làm ra nếu biết khai thác kỹ thuật mới như các công ty Apple, Facebook, Google, Amazon…Trong khi đó rất nhiều ngành nghề khác bị đi xuống nhất là những ngành dùng nhiều lao động chân tay như nông nghiệp, bưu điện hay đóng tàu, lắp ráp ô tô…

Rõ ràng là các chính trị gia thế hệ cũ đã lỗi thời vì không thay đổi kịp thời cuộc dù đó là Hilary Clinton hay các chính trị gia đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa. Trump xuất hiện và lấp vào khoảng trống đó bằng những lời hứa bạt mạng mà các chính trị gia truyền thống không dám phát ngôn. Sau khi Trump đắc cử và trở thành tổng thống Mỹ thì các chính trị gia Mỹ mới tá hỏa và tìm mọi cách "hạn chế" ông ta. Việc tống vào tù gần chục cộng sự đắc lực của Trump là nỗ lực nhằm hạn chế các hành động thất thường và mang tính răn đe với Trump nhưng có lẽ vì đôi lúc đảng Dân chủ quá "soi mói" và nặng lời với Trump khiến cho Trump càng được ‘thông cảm’ và ủng hộ bởi những người yêu mến. Họ cho rằng Trump là nạn nhân của một âm mưu phế truất vì cay cú của đảng Dân chủ…

Dù bản báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller vừa được công bố kết luận là Trump không "thông đồng" với Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử hồi 2016 nhưng điều đó không có nghĩa là Trump được yên thân. Chỉ riêng việc một tổng thống đương nhiệm bị nghi ngờ là thông đồng với "kẻ thù" truyền thống là Nga cũng đã là một sỉ nhục ghê gớm với Trump. Thật khó hình dung nếu bản kết luận của Mueller là ngược lại, khi đó bộ mặt của nước Mỹ sẽ giấu vào đâu ?

Uy tín của nước Mỹ bị sứt mẻ nghiêm trọng và hoàn toàn không thể phục hồi, kể cả sau khi Trump đã ra đi. Một ví dụ là vào đầu năm 2021 người Mỹ phải xin visa khi vào Châu Âu. Hay một ví dụ khác là Châu Âu và các nước Nam Mỹ đã không ủng hộ đúng mức và cần thiết cho tổng thống đối lập của Venezuela Juan Guaido, người được Trump công khai hậu thuẫn và cho dù cuộc ‘cách mạng’ này gần như đã thành công chỉ vì lý do là họ không thích Trump. Xin nhắc lại, Trump hoàn toàn đúng trong việc này.

Tập Hợp là tổ chức chính trị đầu tiên lên tiếng chỉ trích Trump ngay từ khi ông ta chưa thành tổng thống Mỹ. Chúng tôi không thù ghét hay liên quan gì đến ông ta mà chỉ vì ông ta không tôn trọng các giá trị đạo đức mà Tập Hợp cổ xướng và theo đuổi. Không chỉ có thế, Trump còn đi ngược lại và bỏ bê các giá trị tinh thần dân chủ đã làm nên một nước Mỹ vĩ đại như ngày hôm nay từ những Locke, Jefferson, Stuart Mills, De Tocqueville, James v.v.

Trump là lãnh đạo của nước Mỹ cũng đồng thời là đại diện cho thế giới văn minh vì vậy mọi người đều có quyền chỉ trích ông ta. Vấn đề yêu ghét không nên đặt ra khi tranh luận về Trump hay bất cứ ai. Cái cần đặt ra nhất là lý lẽ, là lý trí, là sự phân tích đúng sai, hay dở chứ không phải vì ông ta là một doanh nhân giỏi, có vợ đẹp hay làm việc không lương. Dù sao thì Trump cũng chỉ là một cơn gió thoảng qua lịch sử nước Mỹ, ông đến rồi ông đi. Giờ đây khi đã có nhiều tiếng nói chỉ trích và phê phán Trump trong cộng đồng người Việt Nam thì chúng tôi lại có ý kiến mới rằng Trump, sau những tiêu cực mang lại cho nước Mỹ và thế giới tự do thì sự "xuất hiện" của ông ấy lại đang mang lại những "tích cực" cần thiết cho nước Mỹ và thế giới.

Rồi họ (người dân và giới chính trị Mỹ) sẽ thấy được sự tai hại của những nhà lãnh đạo dân túy, rồi họ sẽ thấy được mô hình tổng thống có rất nhiều hạn chế, rồi họ sẽ thấy để một người "tay mơ" về chính trị lên làm lãnh đạo đất nước là nguy hại như thế nào, rồi họ sẽ thấy vai trò quan trọng của các giá trị đạo đức nền tảng mới làm cho nước Mỹ vĩ đại chứ không phải những lời lời đao to búa lớn và lỗ mãng, rồi họ sẽ thấy vai trò của các chính đảng là quan trọng như thế nào, rồi họ sẽ thấy một dự án chính trị là cần thiết ra sao kể cả đối với một quốc gia dù đã hùng mạnh như nước Mỹ, rồi họ sẽ thấy uy tín nước Mỹ đã bị hủy hoại như thế nào… Để rồi từ đó họ tìm cách để sửa chữa và khắc phục. Sự ưu việt của các thể chế dân chủ là chúng có cơ chế để thay đổi và sửa chữa mọi khiếm khuyết.

Tập Hợp quan niệm rằng lẽ phải và sự thật là tối thượng, thậm chí trên cả Thượng đế. Bảo vệ lẽ phải và những điều đúng đắn là việc bắt buộc phải làm và nên làm. Tập Hợp chưa bao giờ ngần ngại hay phân vân vì sợ nói ra sự thật và bảo vệ lẽ phải sẽ làm mất lòng ai đó. Chúng tôi chấp nhận "mất lòng" khi phê phán "đối lập dân chủ Việt Nam", trí thức Việt Nam hay Donald Trump. Vì Trump mà Tập Hợp mất đi một số thân hữu và một lượng người theo dõi trang Fanpage của Tập Hợp trên Facebook. Có người bày tỏ sự "tiếc nuối" khi thấy Tập Hợp phản đối Trump khiến họ phải "chia tay" Tập Hợp. Chúng tôi cũng lấy làm tiếc nhưng không thể làm khác. Chúng tôi không có gì thay đổi, chúng tôi vẫn là chúng tôi của hơn 30 năm về trước, nếu có khác thì chỉ là chúng tôi chín chắn hơn, trưởng thành hơn và "biết" nhiều hơn.

Làm chính trị là hò hẹn với tương lai, tức là phải có khả năng tiên liệu những điều có thể xảy ra trong tương lai để từ đó có đối sách và sự chuẩn bị. Một tổ chức chính trị mà không có viễn kiến, không tiên liệu được tương lai thì khó lòng có…tương lai. Tất nhiên sự tiên liệu không phải lúc nào cũng đúng nhưng đó là điều bắt buộc. Nếu không thì cũng sẽ giống như các nhân sĩ suốt ngày chạy theo các sự kiện, chạy theo các biến cố và rồi vì không "biết mình, biết địch" nên hành động và phát ngôn hời hợt và vô duyên, cuối cùng bị cả chính quyền lẫn người dân coi thường và phê phán.

Tập Hợp luôn đưa ra các nhận định về tình hình thế giới và sự ảnh hưởng của chúng đến Việt Nam suốt ba thập niên qua, từ dự đoán Liên Xô sẽ sụp đổ cho đến…Trung Quốc trong một tương lai gần. Nếu độc giả nào theo dõi Tập Hợp thường xuyên thì sẽ nhận thấy là hầu hết các dự đoán của chúng tôi đều đúng.

Thái độ của Tập Hợp sẽ không thay đổi, sẽ luôn đề cao các giá trị đạo đức, lẽ phải, sự lương thiện, bao dung với sự thẳng thắn trong tinh thần tương kính, lắng nghe và luôn sẵn sàng đối thoại. Chúng tôi hy vọng là những người hiểu lầm về thái độ của Tập Hợp với Trump sẽ hiểu ra vấn đề và tiếp tục ủng hộ chúng tôi trong tương lai khi mà mọi việc về Trump được rõ ràng và cụ thể.

Một điều mà tôi muốn tâm sự nhân việc nói về Trump, đó cũng là điều làm chúng tôi ngạc nhiên là chỉ vì không đồng ý với nhau về Trump mà nhiều người bỗng trở nên dữ tợn, hằn học và "tấn công" những ý kiến khác về Trump rất thô bạo ? Tại sao phải như thế ? Tại sao chỉ vì một người xa lạ (chắc không mấy người là bạn bè thực ngoài đời của Trump) mà lại sỉ vả nhau cạn tàu ráo máng như vậy ? Chúng ta có còn là đồng bào, là người Việt Nam nữa hay không ? Bản chất của xã hội dân chủ là tôn trọng mọi chính kiến khác biệt. Làm sao chúng ta có thể xây dựng một nước Việt Nam dân chủ mà lại không tôn trọng dân chủ ? Chắc gì ý kiến về chính trị của một cá nhân lại có thể đúng hơn ý kiến của một tập thể làm chính trị chuyên nghiệp ?

Có lẽ Việt Nam vẫn chưa có được dân chủ là vì người dân còn ngộ nhận nhiều thứ và mâu thuẫn với chính mình. Không ít người ủng hộ Trump, khi nói về Trump, họ không phân tích lý lẽ mà chỉ đưa ra lập luận rằng ông ta kinh doanh giỏi, vợ đẹp, sẵn sàng làm việc không lương…Mấy thứ đó có liên quan gì đến các hoạt động chính trị đâu ? Hầu hết các chính trị gia kiệt xuất đều không phải là doanh nhân và nếu vợ đẹp thì Melania đâu phải là hoa hậu ? Có lẽ tư duy "làm chính trị là tìm kiếm thành công cho bản thân" đã ăn sâu vào trong tâm hồn người Việt. Tâm lý này khiến 2/3 cộng đồng người Việt tại Mỹ ủng hộ Trump trong khi các sắc dân thiểu số Châu Á khác chỉ là 1/3. Chúng ta là một dân tộc không giống ai.

Tư duy bị ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa Khổng giáo khiến người Việt luôn ủng hộ cho các "cá nhân làm chính trị" thay vì ủng hộ cho các "tổ chức làm chính trị" bất chấp là các cá nhân mà họ ủng hộ có muốn hay không. Họ cho rằng chỉ cần một cá nhân nổi tiếng là có thể mang lại thành công chứ không cần một tổ chức. Điều này hoàn toàn sai vì đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức với nhau chứ không phải giữa các cá nhân.

Suốt bao năm qua người Việt chỉ ủng hộ cho các cá nhân hoạt động chính trị chứ không mấy quan tâm đến các tổ chức chính trị. Một ai đó bị đi tù vì lý do chỉ trích chính quyền lập tức được nhiều người tung hô như một người hùng có thể "cứu nhân độ thế", tuy nhiên một người thì có thể làm được gì ? Bao nhiêu người đi tù được tung hô lên tận mây xanh nhưng sau khi ra tù hay được bảo lãnh ra được ngoài thì cũng đâu làm được gì hơn ?

Mâu thuẫn lớn ở đây là dư luận luôn ủng hộ và muốn "đôn" những người không có ý định hay khả năng làm chính trị trở thành "người dẫn đường", đứng lên "phất cờ khởi nghĩa" trong khi những tổ chức chính trị chuyên nghiệp lại không nhận được sự ủng hộ cần thiết đáng ra phải có đó. Việc này cũng giống như khi một người bị bệnh nan y, thay vì tìm đến bệnh viện với ê-kip các bác sĩ có chuyên môn cao thì họ đi tìm một thầy lang. Nhiều người ngụy biện "các tổ chức chính trị của người Việt Nam hiện nay không xứng đáng, chưa đủ trình, chưa thuyết phục…" nhưng khi hỏi vậy ai, tổ chức nào mới xứng đáng thì họ không có câu trả lời. Hoặc có người chê bai tất cả các tổ chức nhưng khi được hỏi sao không tự mình thành lập một tổ chức mới đi thì họ cũng không có câu trả lời...

Một tổ chức chính trị chuyên nghiệp và có thâm niên hoạt động, dù chưa thực sự hùng mạnh thì vẫn hơn tất cả những cá nhân và tổ chức mới ra đời. Kinh nghiệm, khả năng, tầm nhìn và uy tín của một tổ chức chính trị là những thứ không tự nhiên mà có được mà phải được chứng minh, thể hiện qua một quá trình dài. Nếu cho rằng vẫn có những người hay tổ chức khác có khả năng hơn, giỏi hơn nhưng chẳng qua là chưa muốn "xuất hiện"…vậy làm sao biết và kiểm chứng được họ là như thế nào ?

Thế giới thay đổi từng ngày trong khi tư duy về chính trị của người Việt Nam vẫn đang ngủ vùi trong giấc ngủ hơn hai ngàn năm của văn hóa Khổng giáo. Đã đến lúc người Việt phải thức dậy và lấy quyết định ủng hộ cho các tổ chức chính trị chuyên nghiệp, đứng đắn, cùng đồng hành với các tổ chức đối lập đó để mang lại dân chủ cho Việt Nam.

Việt Hoàng
(27/03/2019)







No comments:

Post a Comment

View My Stats