Monday, 4 March 2019

THƯỢNG ĐỈNH HÀ NỘI THẤT BẠI : NHẬT BẢN CÓ CỚ LÀM BOM HẠCH NHÂN? (Châu Chấu)




Châu Chấu
Friday, 01/03/2019 

Bên lề buổi họp thượng đỉnh Trump-Un ở Singapore tháng 6/2018 hay 27/2/2019 ở Hà Nội, một cái bóng không mờ nhưng ít thấy: đó là Nhật Bản.

Vì vị trí địa lý, Nhật Bản có ba mối đe dọa đáng lo ngại. Mới đây nhất 9/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera nhắc lại Nhật đang phải đối mặt với những khó khăn về mặt an ninh khi Trung Cộng và Nga mở rộng các hoạt động quân sự, và Bắc Hàn là mối đe dọa trước mắt.

Hiệp Sĩ mù nghe gió kiếm Shinzo Abe

Liên tiếp làm thủ tướng năm 2006-2007 và 2012-2019, Shinzo Abe tuyên bố “Với tôi, nước Nhật sẽ tái xuất hiện.” Abe là một con diều hâu quyết đoán không ngồi yên nhắm rượu sake múa kiếm hoa đào rơi lả tả cho thế giới hát karaoke. Abe sửa đổi hiến pháp chủ hòa, hiện đại hóa quân đội - đặc biệt là hải quân. Abe đi thăm hầu hết các nước láng giềng Á Châu và liên tiếp gặp Donald Trump ngay khi vừa nhậm chức tổng thống Mỹ để chia sẻ gánh nặng “xoay trục” sang Á Châu.

Thủ Tướng Shinzo Abe (giữa) đang giơ tay cùng các đồng hữu trong Đảng Dân Chủ Tự Do tại đại hội thường niên của đảng ngày 10 tháng 2, 2019 tại Tokyo. (Tomohiro Ohsumi/Getty Images)

Năm 2015, một đạo luật được thông qua cho phép Lực Lượng Phòng Vệ 250,000 quân có thể can thiệp bên ngoài lãnh thổ để hỗ trợ các đồng minh, khi “sự sống còn của Nhật bị đe dọa.”

Tháng 5/2018 quân đội Mỹ chính thức đổi tên Bộ Tư Lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương thành Bộ Tư Lệnh Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng là mượn khái niệm Indo-Pacific của Abe từ năm 2010.

Đối diện với Trung Cộng ở Biển Đông

Năm 2010, một tàu cá Trung Cộng cố tình đâm vào tàu tuần duyên Nhật dấy lên khủng hoảng ngoại giao. Tái đắc cử thủ tướng năm 2012, Abe cảnh cáo ngay là Nhật sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực trong trường hợp quân Trung Cộng đổ bộ lên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư hiện do Nhật quản lý. Thế kỷ trước hải quân Nhật học từ hải quân Anh bách chiến bách thắng. Hải quân Trung Cộng nếu đụng với Nhật chưa kịp khóc đã tan tành. 

Về mặt công nghệ, Nhật Bản khôn khéo chuẩn bị từ lâu cho dù bị hiến pháp chủ hòa trói buộc. Tháng 11/2018 Nhật Bản cải tiến hai khu trục hạm chở trực thăng Izumo và Kaga thành hàng không mẫu hạm để các phi cơ loại F-35 có thể hạ cánh và cất cánh thẳng (không cần phi đạo).

Sẵn sàng ứng chiến

Tháng 12-2018 Nhật tăng cường tiềm lực quân sự để đối phó với Trung Cộng. Nhật đã đặt 42 phi cơ tàng hình F-35B của hãng Lockheed Martin, dự kiến mua thêm 45 chiếc nữa trị giá $4 tỉ đô la. Nhật mua 105 chiếc F-2 hệ thống phòng không Aegis Ashore để ngăn chận hỏa tiễn Bắc Hàn, 4 phi cơ Boeing KC-46 Pegasus để mở rộng tầm tiếp liệu, 9 máy bay cảnh báo Northrop Grumman E-2 Hawkeye. Phí tổn tổng cộng chung 1.000 tỉ yen (8,8 tỉ đô la).

Nhật còn sẵn sàng yểm trợ Đông Nam Á đối phó với Trung Cộng. 

2014: Nhật Bản cấp thêm tàu tuần duyên cho Việt Nam.
Suốt từ 2015 đến 2016, Hà Nội kêu gọi Nhật cung cấp thêm tàu tuần duyên để bảo vệ biển đảo. 

8/2016: Phi Luật Tân nhận 10 tàu tuần duyên đầu tiên của Nhật.

Hỏa tiễn hạch nhân từ Bắc Hàn

Khoảng cách từ Bắc Hàn qua Nhật là 1,043km, hoàn toàn nằm trong tầm của hỏa tiễn Bắc Hàn.

Nội trong năm 2017, Giai Mập Kim Jong Un vui vẻ phóng thử 16 hỏa tiễn thì 8 quả bay xa từ 1,000 đến 3,700 km bay ngang nước Nhật rơi xuống biển Nhật. 

Bắc Hàn không dám bắn trúng mục tiêu đất liền vì không tuyên chiến mà ra tay trước sẽ tan xác ngay. Nhưng cũng chính Bắc Hàn không thể nào điều khiển được 100% hỏa tiễn rơi xuống chỗ nào. Chưa kể, không ai biết được sự điên rồ bốc đồng hay âm mưu của Giai Mập dưới sự hỗ trợ của Trung Cộng, nên đã đến lúc Nhật không thể ngồi yên. Nhất là sau hội nghị Hà Nội vừa tan vỡ hôm qua 28/2/2019, thì Nhật không còn lý do để trì hoãn.

Với Hoa Kỳ

Tháng 2/2017, lần đầu ông Shinzo Abe gặp TT Trump tại Washington, TT Trump khẳng định tuyên bố nước Mỹ sẽ 100% hỗ trợ Nhật. 

Tháng 8/2018, Nhật tham dự tập trận RIMPAC do Mỹ tổ chức hai năm một lần. RIMPAC 2018 thiết kế theo “kịch bản bảo vệ quần đảo” mà Mỹ và Nhật phải đối phó ở Tây Thái Bình Dương. Trung Cộng không những không được mời mà còn trở thành đối tượng ... nhắm bắn. Nội dung diễn tập RIMPAC là "Đánh chìm tàu địch" (tức Trung Cộng).

Trước hay sau hai thượng đỉnh Singapore 2018 và Hà Nội 2019, TT Trump đều hội kiến hay hỏi ý Thủ Tướng Abe. Sau thượng đỉnh Singapore dù TT Trump khoe “thành công lớn,” Abe vẫn nhắc chừng TT Trump rằng Bắc Hàn sẽ không bao giờ giải trừ vũ khí hạch nhân toàn diện bất tuân quyết định của Liên Hiệp Quốc. Mới hôm thứ Sáu, 28/2/2019, ngay sau khi hội nghị Hà Nội thất bại, TT Trump cũng đã gọi cho Thủ Tướng Abe. Lần này thì Abe không cần phải nhắc nữa.

Lịch sử sẽ kinh ngạc vì dàn cảnh quá công phu

Nếu trong tương lai gần, từ 6 tháng tới 1 năm, thế giới nghe Thủ Tướng Abe loan báo Nhật đã có bom hạch tâm thì đừng ngạc nhiên.

Nếu đó là điều sắp xảy ra, thì chúng ta phải cảm ơn... Giai Mập nếu không phải chủ mưu thì cũng là đồng lõa với TT Trump để Nhật có thể đàng hoàng làm bom hạch nhân đối mặt với Trung Cộng qua dàn cảnh công phu giữa nhiều quốc gia.

Khi ấy, Trung Cộng sẽ là nước duy nhất trên thế giới bị bao vây giữa 5 nước có vũ khí hạch nhân: Pakistan, Ấn Độ, Nga, Bắc Hàn và Nhật Bản.

Chúc Tập Cẩn Bình ngủ ngon.




No comments:

Post a Comment

View My Stats