Ngô Nhân Dụng
March 1, 2019
Khi chấm dứt cuộc gặp gỡ vô ích với Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un, Tổng Thống Donald Trump nói rằng thà không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận bất lợi.
Ông Tập Cận Bình nghĩ thế nào khi nghe câu nói đó?
Chủ tịch Trung Cộng có thể thấy đây là một lời cảnh báo: Khi cò kè mặc cả với
Donald Trump, không nên găng quá. Già néo đứt dây! Trump có thể đứng dậy bất cứ
lúc nào.
Khi gặp Donald Trump trong một vài tháng tới, Tập Cận
Bình ở một vị thế yếu hơn Kim Jong Un.
Đối với Kim, ký một thỏa hiệp với Trump hay không ký
cũng chẳng sao cả. Dân Bắc Hàn vẫn chỉ được nghe, đọc và coi những tuyên truyền
của đảng Cộng Sản. Họ vẫn tung hô lãnh tụ kính yêu muôn năm. Nếu phải nhịn ăn họ
sẽ cắn răng chịu đựng.
Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình không còn mạnh như vậy.
Dù bây giờ có thể đứng đầu đảng Cộng Sản và nhà nước Trung Cộng vĩnh viễn, cái
ghế của họ Tập vẫn chưa hoàn toàn bảo đảm 100%. Nếu kinh tế Trung Quốc sa sút
quá, thì Tập cũng có thể bị lật đổ. Trong nội bộ không thiếu gì những tay đầy
mưu mô và tham vọng, như trong bất cứ đám lãnh tụ Cộng Sản nào.
Tập Cận Bình phải thấy chuyện kinh tế đáng lo. Sức
phát triển của Trung Quốc đang giảm tốc, tức là không tăng nhanh như trước.
Đang tăng trưởng 10% tụt xuống 7% đã thấy đáng lo, nếu lại xuống chỉ còn 6% hay
5% thì phải méo mặt, vì hàng chục triệu công nhân sẽ thất nghiệp. Bao nhiêu năm
phất lên nhờ hàng xuất cảng, nay số xuất cảng đang giảm. Từ năm năm nay Tập Cận
Bình đã thúc đẩy “cải tổ cơ cấu” để thoát khỏi con đường đi xuống; nhưng việc cải
tổ phải đi từng bước chậm, khi tiến, khi lui, vì thay đổi nhanh quá sẽ gây xáo
trộn.
Trong tình trạng kinh tế bấp bênh như thế, nếu
Donald Trump quyết liệt dùng đòn thuế quan “đánh tới bến” thì kinh tế sẽ lao
đao. Hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất cảng lớn nhất của Trung Quốc.
Cho nên, Tập Cận Bình sẽ phải tính toán coi khi mặc
cả với Donald Trump thì sẽ đòi hỏi gay go đến mức nào, mềm mỏng nhượng bộ đến mức
nào, cho nó tối hảo, nhưng không nên để ra về tay không, sôi hỏng, bỏng không!
Còn Donald Trump thì sao?
Không ai biết trước ông Trump sẽ làm gì. Nhưng chúng
ta có thể nhìn coi thế cờ của ông như thế nào, để phỏng đoán.
Vũ khí chính của Trump là thuế quan đánh trên hàng
nhập cảng từ Trung Quốc. Tăng thuế thì hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng giá, không
thể cạnh tranh với các nước khác trong thị trường Mỹ. Đánh thuế quan cao hơn
làm cho hàng Trung Quốc khó xuất cảng. Trump sẽ dùng miếng võ này để bắt Tập thỏa
mãn một số đòi hỏi.
Những yêu cầu của Mỹ rất giản dị. Trung Cộng hãy xóa
bỏ những hạn chế trên số đầu tư của ngoại quốc, trong đó có Mỹ. Không bắt buộc
các công ty Mỹ phải hợp doanh và bắt các công ty Mỹ phải chia sẻ kỹ thuật với
công ty Trung Cộng. Các công ty ngoại quốc được đối xử bình đẳng trong các cuộc
đấu thầu. Các vụ kiện về quyền sở hữu tri thức phải được xử tại các tòa án trọng
tài quốc tế, theo phương thức của WTO, Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới.
Các đòi hỏi của Mỹ đã được đưa ra từ mấy đời tổng thống
trước, và bao giờ Trung Cộng cũng hứa hẹn sẽ làm. Nhưng khi Trung Cộng kiếm cớ
này cớ khác không làm theo lời hứa thì chẳng ai thúc đẩy họ phải thực hiện bằng
được.
Năm 2010, Luật Sư Robert Lighthizer ra điều trần trước
Quốc Hội Mỹ, nói rằng các ông tổng thống Mỹ không bắt Trung Cộng phải đáp ứng
những đòi hỏi trên, lấy cớ rằng nước Mỹ đang cần Trung Cộng hỗ trợ trong các vụ
khủng hoảng khác trên thế giới. Ông Lighthizer than: Thế giới lúc nào cũng có
những cuộc khủng hoảng mà Trung Cộng có thể giúp một tay giải quyết! Cứ như thế
này thì Mỹ sẽ chẳng bao giờ đòi được Trung Cộng làm ăn thẳng thắn, công bằng!
Hiện nay ông Robert Lighthizer đang là cánh tay mặt
của Tổng Thống Trump trong vấn đề ngoại thương. Và ông là một “diều hâu” trong
trận chiến mậu dịch Mỹ-Trung Cộng.
Nếu ông Trump nghe lời khuyên của ông Lighthizer,
thì Tập Cận Bình sẽ nhức đầu. Chính quyền Mỹ sẽ không chấp nhận những lời hứa hẹn
nữa. Phải có những biện pháp cụ thể mở rộng thêm nền kinh tế Trung Quốc cho các
xí nghiệp và ngân hàng Mỹ tham dự. Không trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước cạnh
tranh bất chính. Phải đặt ra một lịch trình rõ rệt, ngày nào sẽ làm gì.
Ngưng nâng đỡ doanh nghiệp nhà nước và bắt các xí
nghiệp nội địa phải cạnh tranh bình đẳng với nước ngoài, đó là hai cải tổ cơ cấu
kinh mà chính Tập Cận Bình cũng muốn làm. Nhưng không thể làm nhanh được. Nhanh
quá, có thể hư hết cả. Cả một khối người đang được hưởng lợi nhờ đảng Cộng Sản
ưu đãi, họ sẽ chống đến cùng. Đòi hỏi kinh tế Trung Quốc thay đổi cơ cấu cũng
khó như đòi Kim Jong Un phải vứt bom hạch tâm đi vậy.
Cho nên, Tập Cận Bình sẽ chỉ có thể nhượng bộ những
điều nho nhỏ nhưng ngoạn mục, để ông Trump có thể tuyên bố là thắng lợi. Trung
Cộng nhập cảng từ Mỹ nhiều hơn. Sẽ mua thêm đậu nành, mua thêm hơi đốt, máy bay
và nhiều nông phẩm Mỹ khác. Việc này dễ làm, vì đằng nào Trung Cộng cũng phải
đi mua ở nước ngoài.
Liệu ông Trump có chấp nhận những nhượng bộ nho nhỏ
của Tập Cận Bình hay không? Nếu chấp nhận thì ông được lợi gì?
Trước khi bay đi Hà Nội gặp Kim Jong Un, ông Trump
đã đấu dịu: Bỏ lệnh tăng thuế nhập cảng trên $200 tỷ hàng Trung Quốc, từ 10%
lên 25%, vào ngày 1 Tháng Ba, 2019. Ông nêu lý do là cuộc đàm phán đã tiến triển
tốt đẹp. Không ai biết chi tiết nào để thấy nó tốt đẹp thế nào. Một phái đoàn
cao cấp Trung Cộng bay qua Washington. Rồi lại bay về. Hứa hẹn sẽ tiếp tục thảo
luận. Nhưng không hẹn ngày nào vụ họp hành kết thúc.
Có một lý do khiến có lúc Tổng Thống Donald Trump muốn
đấu dịu: Thị trường chứng khoán. Ông Trump luôn luôn theo dõi chỉ số thị trường
lên xuống. Ông vẫn nêu tin thị trường lên cao như một thành tích kinh tế của
mình. Trong hai năm qua ông đã “tuýt” về tin thị trường lên cao hơn 30 lần!
Ông Trump luôn luôn theo dõi chỉ số thị trường lên
xuống. Ông Tập biết yếu huyệt này. Sang năm dân Mỹ sẽ đi bầu. Bằng mọi cách,
ông Trump không để cho thị trường chứng khoán và kinh tế đi xuống. Trong hình,
nhân viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York-NYSE. (Hình: Johannes
Eisele/AFP/Getty Images)
Như ông Trump đã thấy, thị trường lên xuống tùy theo
triển vọng kinh tế thế giới, mà trong đó kinh tế Mỹ và Trung Quốc đóng vai
chính. Nếu cuộc chiến mậu dịch giữa hai nước không ngừng, kinh tế toàn cầu sẽ
xuống. Từ hơn một năm qua, thị trường lên xuống theo những thông điệp “tuýt” của
ông Trump về ông Tập. Khi Trump khen Tập dễ thương, chỉ số Dow Jones lên. Khi
ông tố cáo dân Trung Hoa cướp công việc làm của người Mỹ, thị trường xuống.
Ngày 3 Tháng Mười Hai, 2018, khi Trump gặp Tập ở
Buenos Aires, Argentina, trong hội nghị G-20, Trump đã “tuýt” về rằng hai bên rất
vui vẻ; thị trường New York tăng vọt ngay. Ngày 4 Tháng Mười Hai, sau khi nghe
các cố vấn diều hâu như Lighthizer, Trump “tuýt” một câu nhắc lại lập trường:
“Tôi là tay đánh thuế quan (I am a Tariff Man).” Và khoe, “Chúng ta đang thu
vào hàng tỷ đô la quan thuế!” Chỉ số Dow Jones tụt ngay 300 điểm.
Ông Trump đứng giữa hai lựa chọn: Tấn công mậu dịch
Trung Quốc, hay là, giữ vững chỉ số Dow Jones! Nếu trong tháng tới ông có vẻ
hòa dịu hơn với Tập Cận Bình, thì lý do chính là ông muốn bảo vệ thị trường chứng
khoán.
Tập Cận Bình chắc phải biết điều đó. Cho nên, trong
trận đấu Trump-Tập sắp tới, hai bên sẽ thử thách nhau: Xem bên nào chớp mắt trước!
Tập Cận Bình có thể găng, không nhượng bộ dễ dàng. Nếu
Mỹ không hài lòng, thì cứ việc cắt cầu, không nhập cảng hàng Tàu, không buôn
bán làm ăn bên Tàu nữa! Nếu Mỹ bỏ đi thì sẽ có các nước khác nhẩy vào. Hãy coi
thí dụ gần đây nhất, chính phủ Mỹ yêu cầu các đồng minh tẩy chay hàng của
Huawei cho hệ thống thông tin mới G-5, nhưng nhiều nước thân Mỹ nhất cũng không
nghe! Huawei vẫn tiếp tục mở rộng thị trường khắp thế giới.
Tổng thống Mỹ còn một mối lo khác ngoài thị trường
chứng khoán: Sang năm dân Mỹ sẽ đi bầu. Bằng mọi cách, không để cho thị trường
chứng khoán và kinh tế đi xuống. Tập Cận Bình biết yếu huyệt này. Cho nên Tập
có thể hứa hẹn sẽ giúp Trump giữ vững thành trì cử tri ở các tiểu bang nông
nghiệp.
Sau khi ở Hà Nội về, ông Trump đã lên tiếng kêu gọi
Trung Cộng hãy nhập cảng thêm nông sản Mỹ. Điều đó thì Tập Cận Bình sẵn sàng
đáp ứng. Mua đậu nành ở Brazil thì giá cả không khác gì đậu nành Mỹ! Ăn thịt
heo của Mỹ thì dân Trung Quốc vẫn thấy ngon chẳng kém thịt heo của Nga!
Cho nên, cuộc gặp gỡ Trump-Tập sắp tới sẽ không chấm
dứt không kèn không trống như khi Trump và Kim gặp nhau ở Hà Nội. (Ngô
Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment