08/03/2019
Mạng xã hội vài hôm nay nóng lên với hình ảnh của một
tu sĩ đứng chụp hình chung với hơn một chục phụ nữ phía sau là tấm biểu ngữ chức
mừng sinh nhật của sư thầy.
Không khó lắm để biết đó là Đại đức Thích Thanh
Cường, người trước đây được báo chí chú ý vì thích iPhone, đến nỗi Đại đức
chịu khó xếp hàng để được là người thứ nhất sở hữu chiếc iPhone đời mới nhất tại
Việt Nam. Từ chiếc iPhone đó Thích Thanh Cường tung lên mạng xã hội những hình ảnh
của chính mình mà tấm ảnh mặc đồ trận đứng trước chiếc xe Jeep quân đội đã vang
vọng danh tiếng của Đại đức.
Người ta cũng lần ra rằng Đại đức Thích Thanh Cường
hiện đang là Ủy viên Nghi lễ Trung ương Giáo hội, Chánh văn phòng Phật giáo tỉnh
Hải Dương, Trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Tứ Kỳ.
Một tu sĩ khác nổi tiếng còn hơn Thích Thanh Cường
đó là Thượng tọa Thích Chân Quang. Trong một bài thuyết pháp được tung
lên Youtube trước đây đã nói “Theo lịch sử không chối cãi được, Trung Quốc là
anh, Việt Nam là em… mà Lý Thường Kiệt mang quân đánh là hỗn.”
Thượng tọa Thích Chân Quang từng tuyên bố mình là
cháu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng bác ruột và thật ngạc nhiên cả hệ thống
tuyên giáo cũng như công quyền chưa thấy lên tiếng xác nhận hay phủ nhận về khẳng
định này.
Một vị tu sĩ Phật giáo khác, có danh phận lớn trong
guồng máy quyền lực là Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Đại biểu Quốc hội
Việt Nam khóa XIII, thuộc đoàn đại biểu Quảng Ninh, Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại của
Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Trị Sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
Quyền Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cùng các chức vụ khác đang giữ
trong GHPG Việt Nam. Ông đã và đang trụ trì 3 ngôi chùa nổi tiếng nhất nhì miền
Bắc đó là chùa Yên Tử, chùa Phúc Khánh và chùa Non Nước.
Trong phiên họp quốc hội được truyền hình trực tiếp,
Thích Thanh Quyết kiến nghị Việt Nam phải xây dựng quân đội mạnh như quân đội Cộng
hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Phát biểu này bị dư luận lên án gay gắt vì đã
là một tu sĩ Phật giáo thì yếu tố từ bi phải đặt lên hàng đầu vì vậy đề nghị
phát triển guồng máy chiến tranh làm cho Đạo Phật vốn tích đức, từ bi nay trở
thành bạo lực, giết người không khác với hồi giáo cực đoan là mấy.
Cả ba vị tu sĩ vừa nêu đều có liên quan mật thiết tới
guồng máy nhà nước, vì vậy người dân nhìn họ dưới nhãn quan là tu sĩ quốc doanh cũng là
điều bình thường.
Nhưng câu hỏi đặt ra tại sao nhà nước lại dung túng
cho những con sâu trong một tôn giáo lớn nhất nước, ban cho họ chiếc áo đảng
viên, mà hành động, lời nói đi ngược lại với những gì đẹp đẽ nhất mà đạo Phật
giảng dạy cho chúng sinh, phải chăng đây là cách hạ bệ Phật giáo bằng cách dung
tục hóa tu sĩ để từ đó Phật tử bị định hướng có những cái nhìn sai trái về đạo
của mình đang phụng sự hay thờ kính?
Không những dung tục hóa, đảng hóa tu sĩ, nhà nước
còn có chính sách kinh doanh hóa đạo Phật qua chiêu bài du lịch tâm linh bằng
cách cho phép, khuyến khích đầu tư vào việc xây chùa thật lớn thật hoành tráng.
Trong khuôn viên những ngôi chùa này là chốn ăn chơi trá hình, những nhà nghỉ,
sòng bài công khai thu hút khách du lịch và hệ quả mà nó mang tới đang được báo
chí mổ xẻ, phản biện gay gắt.
Trong 10 năm trở lại đây hàng loạt các ngôi chùa to
lớn được hình thành, như chùa Bái Đính ở Ninh Bình, khu Đại Nam quốc
tự ở Bình Dương, chùa Ba Vàng thuộc TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh hay
mới đây nhất là ngôi chùa được cho là vĩ đại nhất thế giới: Chùa Tam Chúc,
Ba Sao, Hà Nam.
Ngôi chùa Bái Đính là một trong các chùa được cho là
hoành tráng nhất nước đang thu hút khách du lịch với con số đáng nể. … với số vốn
đầu tư lên tới hơn 1.000 tỷ đồng do đại gia Nguyễn Xuân Trường bỏ tiền ra xây dựng.
Ông Trường là tổng giám đốc Doanh nghiệp Xuân Trường, chủ tịch Hội đồng Quản trị
Công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư, Giám đốc Khách sạn Hoa Lư. Thu nhập từ khách du
lịch đến Bái Đính hàng ngày được cho là không dưới hai tỷ từ thu phí cho tới những
hòm công đức mà báo chí phanh phui.
Chùa Tam Chúc ở Kim Bảng, Hà Nam rộng 5.100 héc ta,
là khu du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành. Tuy rộng hơn
5.000 héc ta nhưng mặt bằng xây dựng chùa Tam Chúc chỉ chiếm 144 héc ta. Phần đất
còn lại sẽ thành khu trung tâm ẩm thực, khách sạn 5 sao, bến xe điện, khu nghỉ
dưỡng, bến du thuyền, khu vui chơi tổng hợp, casino, cùng hàng trăm biệt thự
cao cấp...
Khi nói đến Chùa người ta nghĩ ngay đến chốn thanh tịnh
có khả năng giúp Phật tử tịnh tâm tu học, nhưng các ngôi chùa tổ chức du lịch
đi kèm làm lệch lạc tôn chỉ của một ngôi chùa truyền thống và ảnh hưởng xấu của
nó tuy không được các tăng ni Phật tử ra mặt chống đối nhưng tiềm ẩn bên trong
là bất mãn, xấu hổ của những người tu hành chân chính.
Câu chuyện cúng sao giải hạn ầm ỉ một thời gian sau
Tết cho thấy số tiền mà ngôi chùa Phúc Khánh do nhà sư Đại biểu Quốc hội Thích
Thanh Quyết trụ trì đáng để người dân suy gẫm. Mỗi một sao giải hạn giá là 150
ngàn đồng, với người xin sao lên tới con số hàng trăm ngàn người thì nguồn thu
vô tận ấy được chi vào đâu cho hết? Dĩ nhiên số tiền “bán” sao giải hạn không
phải chịu thuế và vì vậy nhà chùa hưởng trọn còn nghĩa vụ đóng thuế thì kể như
quên bẵng.
Các ngôi chùa như Bái Đính hay Tam Chúc … có hình thức
như BOT đó là nhà nước góp vốn bằng quỹ đất còn nhà đầu tư thì góp tiền xây dựng
và thu phí trong vòng bao nhiêu năm….vì vậy báo cáo thu nhập khác với số tiền
thu thật sự là có khả năng xảy ra. Nếu người dân vì bức xúc như BOT bẩn tự động
ngồi đếm xe, nhưng do niềm tin tôn giáo không ai dám công khai ngồi đếm số
khách du lịch thập phương để báo cáo cho nhà nước do đó các khu du lịch tâm
linh còn sống mạnh sống khỏe và sẽ không bao giờ… lỗ cả.
Chùa là nơi huấn dụ những bài thuyết pháp khiến con
người trở về với tính thiện nhưng các ngôi chùa vừa kể chỉ chuyên tâm tới chuyện
ăn chơi, vốn đi ngược lại với ý thức hành thiện thì liệu Phật tử tới đó để hành
hương thu hoạch được gì cho đạo đức bản thân?
No comments:
Post a Comment