Phạm Chí Dũng
March 24, 2019
Dường như toàn bộ chính
thể độc đảng ở Việt Nam đã quyết tâm chọn thái độ im lặng vì không cơ quan nào
chịu lên tiếng và dám lên tiếng vụ “bắt cóc Trưng Duy Nhất”…
Tin tức “từ trên trời rơi xuống”
Phải gần hai tháng sau vụ
“Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok,” một tin tức “từ trên trời rơi xuống” mới
đến với người nhà của ông Nhất: Trương Thục Đoan, con gái của ông Trương Duy Nhất,
hiện đang ở Canada cho báo chí nước ngoài biết rằng phía trại giam thông báo
cho mẹ của cô là ông Nhất bị bắt vào ngày 28 Tháng Giêng và bị đưa vào trại T16
ở Thanh Oai, Hà Nội trong cùng ngày.
Không rõ cách thức thông
báo bằng cách nào, nhưng không có bất kỳ giấy tờ nào được chuyển cho gia đình
ông Nhất – điều hoàn toàn sai nếu đối chiếu với Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (khi bắt
người, trong vòng 24 giờ, cơ quan bắt giữ phải thông báo cho gia đình).
Bà Cao Thị Xuân Phượng, vợ
của ông Trương Duy Nhất và là mẹ của Trương Thục Đoan, vào ngày 20 Tháng Ba đến
Trại T16 với mục đích được thăm gặp chồng; nhưng cán bộ trại không cho gặp với
lý do việc điều tra chưa xong. Tuy nhiên, việc Trại T16 chịu nhận một ít thực
phẩm và áo quần do bà Cao Thị Xuân Phượng gửi vào cho chồng là một bằng chứng về
“Trương Duy Nhất ở trong đó.”
Việc trại giam T16 của Bộ
Công An “bắn tin” về tình hình giam giữ Trương Duy Nhất xảy ra cùng lúc với việc
một facebooker mang tính “tín hiệu” lần thứ hai liên tiếp phát tin về “Trương
Duy Nhất đã “có mặt” ở Việt Nam” (vào Tháng Chín, 2018 cũng facebooker này phát
tin đầu tiên về Trần Bắc Hà bị bắt ở nước ngoài và đưa về Việt Nam và tin này
sau đó được xác nhận là đúng). Cũng đồng thời diễn ra một đợt bắt bớ tiếp theo
của Bộ Công An đối với một số lãnh đạo Đà Nẵng liên quan đến những tài sản công
được bán như cho cho Vũ “Nhôm.”
Làm sao chứng minh Nhất “tự
nguyện về nước đầu thú?”
Trong khi đó, vẫn chưa có
bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy các cơ quan “có trách nhiệm” của Việt Nam muốn
mở miệng về vụ Trương Duy Nhất, dù rằng cách thức đơn giản nhất của Việt Nam là
chối phắt “không bắt cóc Trương Duy Nhất,” hoặc cùng lắm thì tuyên bố “Trương
Duy Nhất tự nguyện về nước đầu thú” theo cách mà Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao Việt
Nam đã “đạo diễn” cho Trịnh Xuân Thanh, sau khi Nhà Nước Đức tố cáo rằng mật vụ
Việt Nam đã nhảy xổ vào Berlin để bắt cóc Thanh vào Tháng Bảy năm 2017.
Nhưng nếu là “Trương Duy
Nhất tự nguyện về nước đầu thú,” chắc chắn chính quyền Việt Nam sẽ phải trưng
ra lời chứng của Nhất, hoặc vật chứng như một bản tường trình theo cách “tự
nguyện” của Nhất, hoặc tốt hơn cả là chính ông Nhất xuất hiện trên truyền hình
để thuyết phục công chúng và quốc tế rằng ông đã tự nguyện nộp mạng chứ không
phải bị bắt cóc.
Nhưng liệu Trương Duy Nhất
có chịu nói ra điều đó, hoặc tối thiểu có chịu ký vào một bản tường trình “tự
nguyện về nước đầu thú” để các cơ quan Việt Nam làm bằng chứng nhằm làm im miệng
báo chí quốc tế và “đập tan các luận điệu thù địch và xuyên tạc”?
E rằng khó với một người
cứng đầu như Trương Duy Nhất…
Thậm chí vào lần này, tốc
độ “phản ứng nhanh” của chính quyền Việt Nam về vụ Trương Duy Nhất còn tệ hơn
nhiều so với vụ Trịnh Xuân Thanh.
Vào đầu Tháng Tám, 2017,
chỉ vài ngày sau khi bị nhà nước Đức phản ứng Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân
Thanh, Bộ Công An Việt Nam ít ra còn thông báo ngược lại rằng “Trịnh Xuân Thanh
đã đến trực ban Bộ Công An đầu thú.”
Cho tới nay, dấu hiệu duy
nhất cho thấy chính quyền Việt Nam “công bố” chỉ là một số bài viết của giới dư
luận viên được tung ra, tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất với Vũ
“Nhôm” và cả những hoạt động thuộc về “phe cánh chính trị” của ông Nhất – hàm ý
rằng nếu trong thời gian tới Trương Duy Nhất có bị công an và tòa án truy tố và
xử tù về tội danh kinh tế thì cũng chẳng có gì là oan sai, càng chẳng đáng để
các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về ông Nhất.
Cơ quan nào là “tác giả bắt
cóc?”
Vì sao vào lần này Bộ
Công An – cơ quan chủ quản của Trại giam T16 đang giam giữ Trương Duy Nhất – lại
quá chậm chạp trong phản ứng nhanh vụ Trương Duy Nhất?
Hay “đặc thù” của vụ
Trương Duy Nhất khác với vụ Trịnh Xuân Thanh, tức không “dính” Bộ Công An hoặc
có “dính” thì Bộ Công An chỉ đóng vai trò phụ và “thủ tục,” nên bộ này chẳng có
gì phải sốt ruột hay xáo động?
Mà nếu diễn viên chính
trên sân khấu vào lần này không phải là Bộ Công An, đó có thể là ai, hoặc cơ
quan nào?
Có lẽ đó mới là vấn đề nhức
đầu và khó xử lý nhất, thậm chí còn khó hơn nhiều việc “bắt cóc Trương Duy Nhất”
mà đã bị dư luận xã hội xôn xao và cả cộng đồng quốc tế quan ngại suối từ Tháng
Giêng 2019 đến nay.
Một chi tiết cũng đáng mổ
xẻ là bất chấp khá nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân Xá Quốc Tế, theo dõi
nhân quyền, phóng viên không biên giới, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả và Liên Minh Báo
Chí Đông Nam Á lên tiếng yêu cầu chính phủ Thái Lan phải làm rõ vụ Trương Duy
Nhất mất tích ra sao, số phận của Nhất thế nào…, đồng thời yêu cầu chính phủ Việt
Nam phải có trách nhiệm giải thích về việc này, Bộ Ngoại Giao Việt Nam của Ủy
Viên Bộ Chính Trị Phạm Bình Minh vẫn một mực im lặng.
Vào Tháng Hai, 2019, Ngoại
Trưởng Phạm Bình Minh đã phải thực hiện một chuyến công du, có lẽ đầy miễn cưỡng
theo chỉ đạo của “Tổng chủ” Nguyễn Phú Trọng, sang Đức để đàm phán và có thể đã
tiếp tục hứa hẹn “sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức,” đổi lấy việc Đức cho phục hồi
quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam dù sẽ phải điều chỉnh khá nhiều nội
dung trong đó, đặc biệt là nâng cấp vai trò của nhân quyền.
Trong tâm thức và tâm thế
của mình, có lẽ Phạm Bình Minh đã quá ngán ngẩm tâm trạng phải chạy đôn chạy
đáo “đổ vỏ” cho kẻ “ăn ốc.”
Đã từng bị chê bai và chỉ
trích quá nhiều bởi cộng đồng quốc tế và mạng xã hội về cái cách người phát
ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam dang tay về phía trước tuyên bố “Trịnh Xuân Thanh tự
nguyện về nước đầu thú,” bất chấp những văn bản của nhà nước Đức khẳng định mạnh
mẽ và phẫn nộ về việc Thanh đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin, Phạm
Bình Minh hẳn đã rút ra bài học kinh nghiệm xương máu trong vụ “bắt cóc Trương
Duy Nhất”: Im lặng là vàng.
Cùng lúc, các cơ quan “mật
vụ” của Việt Nam như Bộ Công An (nhưng không còn Tổng Cục Tình Báo như thời “bắt
cóc Trịnh Xuân Thanh”) và Tổng Cục 2 (Tình báo quân đội) thuộc Bộ Quốc Phòng
cũng một mực giữ “sự im lặng đáng sợ.”
Gần như chắc chắn là
trong những tháng tới vụ Trương Duy Nhất sẽ được công bố, nhưng không phải theo
cách “tự nguyện về nước đầu thú” hay tất cả những gì liên quan đến việc bằng
cách nào Nhất lại có mặt trong trại giam T16 sau khi đã có hiện diện trong một
trại giam khác, mà chỉ đề cập đến vụ việc Trương Duy Nhất “dính” vụ Vũ “Nhôm”
ra sao.
Dường như toàn bộ chính
thể độc đảng ở Việt Nam đã quyết tâm chọn thái độ im lặng vì không cơ quan nào
chịu lên tiếng và dám lên tiếng, bất chấp thái độ đó sẽ khiến uy tín trên trường
quốc tế của “đảng và nhà nước ta” sẽ càng lao dốc thê thảm hơn dù vẫn chưa mò
thấy đáy. (Phạm Chí Dũng)
No comments:
Post a Comment