“Hà Nội không vội được đâu”
Nguyễn Quang Dy
6/3/2019
Khi vở diễn Trump-Kim đã hạ màn, khách khứa đã về
nhà mình, và 2600 nhà báo đã xong việc, thì bụi đường Hà Nội cũng tạm lắng xuống.
Việc đánh giá thất bại hay không chỉ là quan niệm tương đối, vì “Hà Nội không vội
được đâu”. Bên cạnh quan hệ Mỹ-Triều, các mối quan hệ khác có liên quan vẫn nổi
cộm trong đầu chủ nhà. Đó là quan hệ Mỹ-Trung và Mỹ-Việt trong tam giác Mỹ-Trung-Việt,
với tầm nhìn “Indo-Pacific tự do và rộng mở”. Xét cho cùng, cuộc gặp
Trump-Tập sắp tới còn quan trọng hơn, và liên quan mật thiết với nhau.
Phản ứng của thị trường
Sau cuộc gặp cấp cao Trump-Kim lần đầu tại Singapore
(12/6/2018) mà nhiều người đã phê phán là thiếu kết quả cụ thể, thì nhiều người
kỳ vọng vào cuộc gặp Trump-Kim lần thứ 2 tại Hà Nội (27-28/2/2019). Nhưng thiên
hạ không hiểu rằng 8 tháng là khoảng thời gian quá ngắn để hai bên đạt được kết
quả cụ thể về 2 vấn đề lớn: (1) Bình Nhưỡng “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều
Tiên” và (2) Washington “bỏ cấm vận Bắc Triều Tiên”, trong khi hai bên vẫn còn
chưa rõ và chưa thống nhất về định nghĩa cũng như giới hạn của hai vấn đề cơ bản
nói trên. Việc Trump dùng những lời lẽ hoa Mỹ để lấy lòng Kim trong “ngoại giao
cá nhân” (personal diplomacy) không thay thế được những lỗ hổng về truyền thông
(communication gaps) và sự thiếu hụt về độ tin cậy lẫn nhau trong việc xây dựng
lòng tin (confidence building).
Trong ngày đàm phán thứ hai (28/2) Trump bất ngờ bỏ
về (walk out), họp báo sớm (trước 2 tiếng) rồi lên máy bay về luôn (không ký kết
và ăn trưa). Theo Trump và Mike Pompeo, phía Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ “bỏ cấm vận
hoàn toàn”, nên không thể chấp nhận. Nhưng theo ngoại trưởng Triều Tiên Ri
Yong-ho (họp báo lúc nửa đêm) họ chỉ yêu cầu “bỏ cấm vận một phần” (5/11 nội
dung). Trong khi hai bên lý giải khác nhau về nguyên nhân đổ vỡ, tạo ra khủng
hoảng làm đoàn Mỹ bỏ về, và đoàn Triều Tiên bối rối (bewildened). Sự phản bác của
phía Triều Tiên chứng tỏ sự bất mãn và thất vọng (frustration). Một quan chức
Triều Tiên nói “Chủ tịch Kim đã mất cảm hứng đàm phán, và Trump đã đánh mất một
cơ hội ngàn năm”. Chắc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại phải đứng ra hòa giải.
Một canh bạc lớn về ngoại giao đã đổ vỡ (fell apart), và thất bại này làm tương
lai quan hệ Mỹ-Triều càng bất định (uncertain). (How Trump and Kims summit
dream fell apart, Will Ripley, CNN, March 2, 2019).
Trong khi giới bình luận đánh giá khác nhau (từ “thất
bại” đến “không tồi tệ”), thị trường chứng khoán ở nhiều nước trong khu vực
Châu Á đã đồng loạt phản ứng tiêu cực trước kết quả đàm phán Trump-Kim lần thứ
2. Theo Bloomberg (28/2/2019), chứng khoán Châu Á đã chao đảo ngay sau khi đàm
phán Mỹ-Triều kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào như dự định. Cụ thể, chỉ
số MSCI châu Á-Thái Bình Dương mất 0,6 % (lúc 15:32 chiều 28/2/2019, giờ
Tokyo). Chỉ số Topix của Nhật Bản giảm 0,8% khi chốt phiên, trong khi chỉ số
Kospi của Hàn Quốc mất 1,8% (mức giảm nhiều nhất kể từ 10/2019). Chỉ số Hang
Seng giảm 0,2%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 0,4%. Chỉ số chứng
khoán VNI của Việt Nam cũng giảm 1,7%. Có thể nói, phản ứng của thị trường luôn
là một thước đo khá chính xác.
Quan hệ Mỹ-Triều và Mỹ-Trung
Theo John Bolton, Trump muốn gặp Kim vào đầu năm
2019 vì Triều Tiên “không giữ cam kết” tại Singapore. Nhưng theo các nhà phân
tích, đáng lẽ đó là lý do để không gặp lại. Các cơ quan tình báo đã cảnh báo là
Kim không sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, và đã nhiều lần nói rằng họ
sẽ bỏ dần từng bước. Một số trợ lý của Trump như John Bolton (cố vấn an ninh quốc
gia) và Mike Pompeo (ngoại trưởng) cho rằng cơ hội đàm phán (grand bargain) để
giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân hầu như là số không. Một số người khác còn cho
rằng Trump không nên gặp Kim vào lúc này. (How the Trump-Kim Summit Failed:
Big Threats, Big Egos, Bad Bets, David Sanger & Edward Wong, New York
Times, March 2, 2019).
Nhưng theo đại sứ Hoàng Anh Tuấn (Phó Tổng Thư ký
ASEAN), trước đây “mỗi khi Mỹ chuẩn bị cứng rắn với Trung Quốc thì tình hình
trên bán đảo Triều Tiên bỗng ‘đột ngột căng thẳng’. Khi đó, Mỹ buộc phải thông
qua Trung Quốc giúp hòa giải để làm dịu tình hình”… Nhưng trong suốt quá trình
căng thẳng quan hệ với Trung Quốc lần này, “tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại
hết sức ổn định”. Đây là điều Tổng thống Trump rất cần khi đi vào đàm phán quyết
định trong vòng một tháng tới với Trung Quốc, mà đỉnh cao là cuộc gặp cấp cao
giữa Trump và Tập Cận Bình tại Florida vào cuối tháng 3/2019. Trong lần gặp tới,
Trung Quốc buộc phải tính toán kỹ có hay không việc nhân nhượng về các vấn đề cốt
lõi với Mỹ… “Nếu họ không nhân nhượng đủ lớn, đủ hấp dẫn với Mỹ thì sẽ không có
bất kì thỏa thuận nào”…
Theo ông Tuấn, “Đây sẽ là đòn tâm lý và sức ép rất lớn
lên phía Trung Quốc khi họ đứng trước rủi ro rất cao là không thể đạt được thỏa
thuận”… Trong trường hợp đạt được thỏa thuận với Trung Quốc thì Tổng thống
Trump sẽ tự tin hơn vì được tiếp thêm sức mạnh mới để tiếp tục ép Kim Jong Un
có những nhượng bộ lớn hơn. Trong trường hợp không có thỏa thuận với Trung
Quốc và Triều Tiên, Trump vẫn có thể ung dung bước vào cuộc chiến tái tranh cử
năm 2020… Nói cách khác, “Tổng thống Trump tiếp tục chứng tỏ mình là người khó
đoán, khó hiểu về các quyết định chiến lược, với các bước đi của mình và bí ẩn
đến phút chót ngay cả với các trợ lý hàng đầu”…Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội
“Khi tất cả đều nghĩ đến thỏa thuận thì cũng là lúc họ ngã ngửa vì chẳng có thoả
thuận nào cả!” (Chủ tịch Kim, TT Trump 'được nhiều nhất' từ thượng đỉnh
Mỹ - Triều, Hoàng Anh Tuấn, Zing.vn, 1/3/2019).
Quan hệ Mỹ-Triều và Mỹ-Việt
Nhưng vấn đề không hẳn là “hữu sự tại nhân, thành sự
tại thiên” (Man proposes, God disposes), để phó mặc cho ông trời. Tuy trước đây
người ta thường khuyên nhau “dục túc bất đạt” (More haste, less speed) để đừng
nên quá vội, nhưng nay họ lại nói “Hà Nội không vội được đâu”. Tuy
đó chỉ là câu nói “nửa đùa nửa thật”, nhưng nó đã vận ngay vào câu chuyện đàm
phán cấp cao Trump-Kim lần thứ 2 tại Hà Nội. Dù đúng hay sai, nó đang làm phân
hóa nhiều người trong nhận thức và tầm nhìn của họ về sự thật (hay là “hậu sự
thật”?).
Theo báo Economist, cục diện tại bán đảo Triều
Tiên lẽ ra còn có thể tồi tệ hơn nhiều. Phi hạt nhân hóa bán đảo
Triều Tiên là một quá trình lâu dài chứ không phải là điều có thể đạt được
trong một sớm một chiều như Trump đã từng ám chỉ trước đó. Trump cho thấy rằng
nay ông chủ trương một thỏa thuận ít tham vọng hơn nhiều so với việc loại bỏ
hoàn toàn vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Đó là thỏa thuận “bảo đảm không sử dụng
các loại vũ khí hạt nhân”. Vì vậy, việc ông bỏ dở hội nghị cấp cao tốt hơn là
chấp nhận một thỏa thuận không đúng. (The Hanoi summit: Trump and Kim
walk away, Economist, February 28, 2019).
Theo Alexander Vuving, cuộc gặp cấp cao Trump-Kim lần
thứ 2 tuy thất bại (broke down) nhưng ít ra có một bên thắng lớn là Việt Nam…Đó
là cơ hội lớn để chính quyền Hà Nội quảng bá đất nước tươi đẹp và mến khách, chứng
tỏ mô hình cải cách thành công và chính sách đối ngoại đúng hướng. Tuy Việt Nam
không có báo chí độc lập, nhưng đã đón tới 2600 nhà báo từ 40 nước… (Trump
and Kim left their summit empty handed but there was one clear winner:
Vietnam, Shashank Bengali, Los Angeles Times, March 1, 2019).
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên?
Theo ông Trần Việt Thái (Viện phó Viện Nghiên cứu
Chiến lược, Bộ Ngoại Giao), bắt đầu từ ngày 21/2/2019, đại diện của Mỹ và Triều
Tiên đã gặp nhau đàm phán tại khách sạn Nikko, Hà Nội. “Hai bên đã dự thảo được
2 văn kiện và 4 điểm then chốt”… Phương án cao nhất mà Mỹ mong muốn gồm 6 điểm,
trong khi Triều Tiên chỉ muốn thực hiện từng bước và có lộ trình mà họ có thể
kiểm soát được… Cũng theo ông Thái, hai bên đã dự thảo xong tuyên bố kết thúc
chiến tranh rất ngắn gọn (chỉ có nửa trang), nhưng đáng tiếc là cuối cùng không
ký được…Đến 12 giờ trưa ngày 28/2, khi mọi người vẫn nghĩ là sẽ ký được hai văn
kiện đó, thì diễn biến sau đó như chúng ta đã biết. Có lẽ vì Triều Tiên đặt kỳ
vọng hơi cao, và chưa hiểu hết về Mỹ… Cuối cùng, ông Thái lấy làm tiếc rằng
“mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”…
Khi đi vào đàm phán cụ thể, phía Triều Tiên xin gỡ bỏ
5/11 lệnh cấm vận, nhưng phía Mỹ lại hiểu hơi khác. Trên thực tế, Triều Tiên chỉ
muốn gỡ bỏ những lệnh cấm vận đã được công khai rồi, chứ không phải gỡ bỏ hết.
Về phi hạt nhân hóa, Mỹ đã “biết đến từng cm ở Triều Tiên”. Thực ra, phía Mỹ có
danh sách rồi, nhưng Triều Tiên không công nhận nên họ cho rằng Triều Tiên
không chân thành. Chữ “chân thành” được nhắc đến rất nhiều. Cuối cùng, hai bên
không ký được tuyên bố chung vào phút chót sau cuộc họp mở rộng do bất đồng về
vấn đề cấm vận và phi hạt nhân hoá, nên không đạt được mục đích. (Thượng đỉnh
Mỹ Triều: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, Trần Việt Thái,
Nghiên cứu Quốc tế, 3/3/2019).
Theo ông Thái, một nguyên nhân khác là do cách làm.
Khi đàm phán cấp dưới đã không chốt ngay vấn đề mà để ngỏ cho cấp cao quyết.
Nhưng sau đó cấp cao Mỹ lại ra về ngay nên không có cơ hội để trung gian hòa giải.
Việt Nam cũng có thiện chí muốn giúp nhưng họ ra về nhanh quá, nên không còn cơ
hội cho bên thứ ba can dự. Đó là điều đáng tiếc, có thể do tính cách của Trump,
nhưng cũng có thể vì lý do khác nữa như lời khai của luật sư Michael Cohen đúng
vào lúc đó đã tác động đến tâm trạng của Trump. Trong khi đó, dư luận còn nhắc
tới vai trò quan trọng của Trung Quốc đằng sau hậu trường. (Dấu vết Trung Quốc
trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội, FB Nguyễn Ngọc
Chu, 2/3/2019).
Lời cuối
Theo Trump, Trung Quốc là một nước lớn, cung cấp đến
93% hàng hóa cho Triều Tiên, nên Trung Quốc có ảnh hưởng lớn và đã hỗ trợ nhiều
cho Triều Tiên. Nhưng Trump tin rằng “Triều Tiên có lập trường riêng, không nhận
mệnh lệnh từ bất kỳ ai”. Đây là lời chỉ trích gián tiếp đối với Trung Quốc đã
vi phạm cấm vận áp đặt cho Bình Nhưỡng. Washington cũng không hài lòng về việc
Trung Quốc vẫn ủng hộ chính quyền Maduro ở Venezuela. Cuộc gặp Trump-Tập vào cuối
tháng này sẽ cho thấy thái độ của Trump đối với Bắc Kinh.
Vì vậy, tam giác Mỹ-Trung-Việt rất quan trọng, không
chỉ liên quan đến vấn đề Biển Đông, mà còn về tầm nhìn chiến lược “Indo-Pacific
Tự do và Rộng mở”. Donald Trump và Tập Cận Bình đều là người thực dụng, nên cần
xem Bắc Kinh có thể tác động đến chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam như thế
nào, cả về chiến lược lẫn kinh tế. Xét cho cùng, tam giác Mỹ-Trung-Việt và lợi
ích tại Biển Đông vẫn là vấn đề sống còn đối với Việt Nam. Cần đặt quan hệ Mỹ-Triều
trong tầm nhìn rộng lớn lớn hơn về bức tranh địa chính trị Mỹ-Trung.
Theo Graham Allison, con đường phi hạt nhân hóa bán đảo
Triều tiên còn dài, nhưng cuộc gặp cấp cao tại Hà Nội làm ông nhớ tới một câu
nói nổi tiếng của Lão Tử: “con đường ngàn dặp bắt đầu bằng một bước chân” (a
journey of a thousand miles begins with a single step). Nhưng theo Richard
Haass (president of the Council on Foreign Relations), “cuộc gặp cấp cao tại Hà
Nội cho thấy nguy cơ Tổng thống Trump đã quá đề cao ngoại giao cá nhân” (The
Hanoi summit showed the dangers of a president who over-personalizes
diplomacy).
----------------------
Tham khảo
1. The Significance of the Second Trump-Kim Summit
for Vietnam, Le Hong Hiep, ISEAS, February 8, 2019
2. What Kim Jong-un Really Wants, and How America
Should Respond, Alexander Vuving, National interest,
February 18, 2019
3. Can Trump Avoid Caving to Kim in Vietnam? Susan Rice, New York Times, February 26, 2019
4. Hanoi Summit Has Tokyo Feeling Left Out, Robbie Gramer, Foreign Policy, February 26, 2019
5. Vietnam Wants Western Politicians, Not Western
Politics, Bill Hayton, Foreign Policy, February 27, 2019
6. The Hanoi summit shines a light on the Vietnam
model of development, David Dollar,
Brookings, February 27, 2019
7. How to judge the Hanoi summit, Yoon Young-kwan, Project Syndicate, February 27, 2019
8. The Hanoi summit: Trump and Kim walk
away, Economist, February 28, 2019
9. Takeaways from the Trump Kim Hanoi summit, Jeremy Diamond, CNN, February 28, 2019
10. Trump and Kim left their summit empty handed but
there was one clear winner:
Vietnam, Shashank Bengali,
Los Angeles Times, March 1, 2019
11. Misunderstanding Trump’s Failed Hanoi
Summit, Graham Allison, National Interest, March
1, 2019
12. The Hanoi Talks Failed, But That Could Be a
Blessing in Disguise, Colum Lynch, Foreign Policy,
March 1, 2019
13. How Trump and Kim’s summit dream fell
apart, Will Ripley, CNN, March 2, 2019
14. How the Trump-Kim Summit Failed: Big Threats,
Big Egos, Bad Bets, David Sanger& Edward Wong, New York
Times, March 2, 2019
15. Chủ tịch Kim, Tổng thống Trump 'được nhiều nhất'
từ thượng đỉnh Mỹ - Triều, Hoàng Anh Tuấn, Zing.vn,
1/3/2019
16. Dấu vết Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Bắc
Triều Tiên tại Hà Nội, FB Nguyễn Ngọc Chu,
2/3/2019
17. Thượng đỉnh Mỹ Triều: Canh bạc của Trung Quốc? Phạm Hoàng Sơn, Nghiên cứu Quốc Tế, 2/3/2019
18. Thượng đỉnh Mỹ Triều: “Mưu sự tại nhân, thành sự
tại thiên”, Trần Việt Thái, Nghiên cứu Quốc tế, 3/3/2019
NQD.
5/3/2019
No comments:
Post a Comment