Trần Đức Anh Sơn
23/08/2018
Đây là ý kiến của tôi về cái gọi là “Con đường tơ
lụa trên biển” mà Trung Cộng đang giành giật cho họ và đề xuất UNESCO công nhận
là Di sản văn hóa thế giới của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa:
VIỆT NAM TRONG MẠNG LƯỚI HẢI THƯƠNG CHÂU Á
VÀ “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA TRÊN BIỂN”
VÀ “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA TRÊN BIỂN”
Trong hai ngày 30 và 31-5-2017, hơn 30 chuyên gia,
học giả quốc tế trong lĩnh vực lịch sử, khảo cổ và di sản hàng hải đã nhóm họp
tại Viện Khảo cổ học thuộc Đại học London (UCL, Anh quốc), dưới sự chủ trì của
Trung tâm Di sản Thế giới (WHC) thuộc UNESCO. Tham gia điều hành hội nghị quan
trọng này còn có Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) và Trung tâm Quốc
tế về Nghiên cứu Bảo tồn và Bảo quản các tài sản văn hóa (ICCROM), là những tổ
chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa và
thiên nhiên của nhân loại. Đây là hội nghị xem xét quy trình công nhận Con
đường tơ lụa trên biển (Maritime Silk Road) là Di sản Thế giới, do Chính phủ
Trung Quốc tài trợ kinh phí, thông qua Quỹ Di sản thế giới (WHF).(1) Trung Quốc
cũng chính là quốc gia đề xướng việc lập hồ sơ đệ trình UNNESCO công nhận Con
đường tơ lụa trên biển là Di sản Thế giới.
Đúng 6 tháng sau, ngày 1-12-2017, tại Seoul diễn ra
hội thảo quốc tế Con đường tơ lụa trên biển ở Đông Nam Á: Giao lộ của văn hóa
do Đại học Sogang và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đồng tổ chức, với sự tham gia
của các học giả đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Ý, Việt Nam và Hàn Quốc. Các học
giả tham dự hội thảo này đã dẫn nhiều bằng chứng khảo cổ học và tư liệu lịch sử
để chứng minh Con đường tơ lụa trên biển kết nối Trung Quốc với các nước Đông
Nam Á, Ấn Độ, thế giới Ả Rập và châu Âu xuyên qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương,
Địa Trung Hải…, hình thành từ hơn 2.000 năm trước là di sản chung của nhiều
quốc gia, trong đó có Việt Nam.(2) Đó không chỉ là mạng lưới hải thương liên
lục địa, mà là còn giao lộ của văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tác động đến sự
phát triển của nhiều quốc gia qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Nhà địa lý học người Đức Ferdinand von Richthofen là
người khai sinh thuật ngữ Seidenstraße (Con đường tơ lụa) vào năm 1877 trong
các nghiên cứu của ông về con đường thương mại cổ đại xuất phát từ Trung Hoa đi
về phía tây châu Á, xuyên qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran,
Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, các nước xung quanh Địa Trung Hải và đến tận châu Âu,
dài hơn 6.400 km.(3) Đó là con đường buôn bán giữa Trung Quốc với thế giới bên
ngoài, khởi nguyên từ thời nhà Hán (206 TCN - 220), hưng thịnh vào thời nhà
Đường (618 - 907) và nhà Nguyên (1271 - 1368), suy thoái và tàn lụi vào thời
Minh (1368 - 1644).
Ngoài Con đường tơ lụa trên bộ từ Trung Quốc xuyên
qua Trung Á và Trung Đông, còn có tuyến thương mại đường biển kết nối các
thương cảng của Trung Quốc với các thương cảng của các quốc gia trong khu vực
Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, đến tận Địa Trung Hải và châu Âu. Đó là Con
đường tơ lụa trên biển, hình thành từ thời nhà Hán, phát triển mạnh mẽ vào thời
nhà Đường và bùng nổ trong các thế kỷ XVI - XVII. Những nghiên cứu của giới
khảo cổ học và sử học quốc tế ngay nay cho biết Con đường tơ lụa trên biển này
đã kết nối 43 địa điểm, chủ yếu là các thương cảng, thuộc các quốc gia:
Pakistan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Sri
Lanka, Ấn Độ, Nga, Oman, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Venice. Trong đó, có 8 địa điểm
nằm trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay là: Vân Đồn, Luy Lâu, Long Biên, Phố Hiến,
Hội An, Cù Lao Chàm, Thị Nại và Óc Eo.(4)
* Việt Nam trong mạng lưới hải thương châu Á thời cổ đại
Việt Nam là một quốc gia bán đảo, có bờ biển
trải dài hơn 3.260 km và một không gian biển rộng hơn 1 triệu km2. Việt Nam
lại nằm trên tuyến hải thương quan trọng nhất thế giới, từng là một trong những
trung tâm kinh tế lớn ở Đông Nam Á thời cổ trung đại, giữ một vai trò quan
trọng trong mạng lưới hải thương châu Á.
Trong các thế kỷ trước và sau Công nguyên, chủ
nhân các nền văn hóa: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo - Phù Nam trên lãnh thổ
Việt Nam ngày nay đã từ vùng trung du, đồng bằng cận duyên tiến dần ra
phía biển, khai thác tài nguyên biển để tồn tại và du nhập các yếu
tố biển vào văn hóa của cộng đồng mình.
Đặc biệt, cư dân của văn hóa Đông Sơn đã có mối
quan hệ mật thiết với cư dân ở Nam Trung Hoa, ở Tây Nam Nhật Bản, ở
các quốc đảo trong khu vực Đông Nam Á thông qua giao thương trống đồng.
Những trống đồng Đông Sơn phát hiện trong các di chỉ ở Nam Trung Hoa, Đông Nam
Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, nhất là ở các vùng cận duyên từng là những
cảng thị cổ ở Philippines, Malaysia và Indonesia… là những minh chứng sống
động. Nhiều nhà nghiên cứu đã xác quyết hình thuyền khắc trên trống đồng Đông
Sơn chính là hình mẫu của kiểu nhà mái cong và là totem của nhiều tộc người
sống trong vòng cung Thái Bình Dương, điển hình là cư dân ở vùng Batak và vùng
Tongkonan ở Indonesia. Mục từ Dongson Culture trong The New Encyclopaedia
Britanica ghi nhận: “Đông Sơn không những chỉ riêng là văn minh đồ đồng mà cũng
có đồ sắt nữa… Người Đông Sơn là dân đi biển, có thể đã hải hành và thương mại
khắp vùng Đông Nam Á châu”.(5)
Những công bố của các học giả phương Tây về khảo cổ
học Đông Nam Á trong các 30 năm gần đây, cùng với thông tin từ các nguồn thư
tịch cổ ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cho biết cách đây khoảng 4.000 năm,
cư dân Đông Nam Á đã tham gia vào mạng lưới hải thương quốc tế, kết nối Trung
Hoa với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, thế giới Ả Rập và châu Âu. Ngoài giao
thương về kinh tế, còn có sự tiếp xúc, trao đổi trong các lĩnh vực văn hóa, tôn
giáo, chính trị… Những tiếp xúc này đã tác động lớn đến việc thay đổi các cấu
trúc xã hội, tôn giáo và văn hóa của cư dân Đông Nam Á, trong đó có cư dân Việt
Nam cổ đại.
Từ trước thời Bắc thuộc, lưu vực sông Hồng, sông Mã
đã là những trung tâm hàng hải cùng thương mại phồn thịnh, hàng hóa đi khắp nơi
và có liên lạc thường xuyên với Tây phương. Hán sử chép rằng Hán Vũ Đế (156 -
87 TCN) tạo lập một tuyến hải thương từ Trung Hoa đến Ấn Độ đi qua biển Đông và
Ấn Độ Dương. Chuyến hàng đầu tiên gồm có tơ lụa và vàng rời Trung Hoa vào năm
140 TCN, đến một thành phố ở gần Madras (Ấn Độ). Phương tiện chuyên chở chuyến
hàng này do người Nam Man phụ trách. Nam Man là tên người Hán gọi cư dân các
tộc người Việt cổ ở phía Nam Trung Hoa.
Nghiên cứu của các học giả quốc tế sau này cũng ghi
nhận tương tự. Học giả Trung Quốc Lin Yu viết trong nguyệt san T’ien Hsia
Monthly rằng: “Thời cổ đại, người Man đã đóng thuyền đi ra biển. Cho đến cuối
triều đại Lưu Tống (420 - 479, thời kỳ Nam Bắc triều), có thể người Trung Hoa
mới bắt đầu đóng tàu thuyền cho việc hải thương”.(6) Còn Friedrich Hirth và W.W.
Rockhill, tác giả của nhiều sách và bài khảo cứu về hàng hải châu Á, thì quả
quyết rằng: “Vào đầu Công nguyên, không có một tàu thuyền nào của Trung Hoa
hoạt động trong Ấn Độ Dương, mà người Trung Hoa thường quá giang theo tàu
thuyền của dân Nam Man”.(7)
Những hải trình thương mại giữa Địa Trung Hải và các
nước Đông Á đều đi qua một thương trạm mang tên Kattigara (hay Cattigara), mà
hầu hết bản đồ thế giới cổ đại xuất bản ở phương Tây đều đánh dấu là một vị trí
thuộc miền Bắc Việt Nam ngày nay. Nhiều học giả cho rằng Kattigara chính là
vùng đất Kẻ Chợ - Hà Nội sau này. Nhưng cũng có ý kiến nói rằng Kattigara là
vùng cảng Hòn Gai trong vịnh Hạ Long ngày nay (ý kiến của Bình Nguyên Lộc).(8)
Trong thời kỳ Bắc thuộc (179 TCN - 938), hải cảng
sầm uất nhất khu vực Đông Nam Á là Long Biên, nằm ven sông Hồng. Mọi hàng hóa
chuyên chở bằng đường biển vào ra Trung Quốc thời kỳ này đều từ đi qua Long
Biên và người Việt ở Giao Chỉ (Bắc Bộ Việt Nam ngày nay) luôn luôn nắm giữ hệ
thống thương thuyền giao dịch trong mạng lưới hải thương này.(9)
Sau thời Bắc thuộc, Đại Việt (Việt Nam lúc đó) tiếp
tục giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới hải thương ở Biển Đông. Ở vùng biển
cực bắc của Đại Việt, vào năm 1149, vua Lý Anh Tông cho thành lập thương cảng
Vân Đồn và biến nơi này thành một thương cảng quốc tế kết nối giao thương
giữa Đại Việt với các nước ở khu vực Đông Bắc Á trong các thế kỷ XII
- XIV.
Phía nam Đại Việt bấy giờ là vương quốc Champa. Các
chứng cứ khảo cổ học phát hiện ở miền Trung Việt Nam (vốn là lãnh thổ của vương
quốc Champa xưa) cùng với thông tin từ các nguồn sử liệu của Trung Quốc, Đại
Việt và bi ký Champa, cho biết: cư dân Champa từ các thế kỷ VI - VII đã có các
hoạt động giao thương với các quốc gia ở Đông Nam Á và thương buôn Trung Hoa,
Ả Rập. Trong đó Cù Lao Chàm là một trong những trạm dừng quan trọng trong mạng
lưới hải thương ở Biển Đông. Những phát hiện khảo cổ, cùng với những ghi chép
trong thư tịch cổ và những điều kiện sinh thái thuận lợi cho thấy cụm đảo Cù
Lao Chàm đã tham dự vào tuyến đường giao thương hàng hải thời cổ trung đại. Kết
quả khai quật di chỉ Bãi Làng cho thấy có hiện vật có nguồn gốc nội địa như gốm
cùng kiểu dáng, niên đại và hoa văn với gốm phát hiện ở Đồng Nà, Nam Thổ Sơn,
Trà Kiệu…; có đồ gốm Trung Hoa thế kỷ VII - VIII; có đồ gốm và thủy tinh có
nguồn gốc từ Trung Đông, tương tự đồ gốm phát hiện ở Phú Quốc, Trà Kiệu, Ngũ
Hành Sơn, Hội An…, niên đại vào khoảng thế kỷ IX - X.(10)
Ở miền Nam Việt Nam, trong các thế kỷ VII - XII,
cư dân Óc Eo - Phù Nam ở châu thổ sông Mékong đã giao thương với các
quốc gia trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.11
* Việt Nam và Con đường tơ lụa trên biển trong kỷ nguyên
Đại thương mại của thế giới
Thế kỷ XVI, tình hình thế giới có nhiều biến đổi,
nhất là về kinh tế. Ở châu Âu, chủ nghĩa tư bản đang phát triển mạnh và đang mở
rộng quá trình tìm kiếm thị trường ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Sự phát
triển này có ảnh hưởng nhất định đến bối cảnh kinh tế và chính trị của Việt Nam
tại thời điểm đó. Lúc này Việt Nam đã bị chia cắt thành hai vùng: Đàng Ngoài và
Đàng Trong. Chính quyền ở cả hai vùng này đều thực thi chính sách mở cửa đối
với ngoại thương, bằng việc thiết lập một hệ thống thương cảng quan trọng, cho
phép tàu buôn nước ngoài đến buôn bán và trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam
với các nước trong và ngoài khu vực.
Ở Đàng Ngoài có hai thương cảng quốc tế nổi tiếng là
Phố Hiến (Hưng Yên) và Thăng Long - Kẻ Chợ (Hà Nội). Ở Đàng Trong, chính quyền
mở nhiều thương cảng ven biển trên cơ sở hồi sinh các thương cảng cổ của vương
quốc Champa xưa, vốn là những trong địa trong mạng lưới hải thương mại của
Champa từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII. Trong đó, các cảng Thanh Hà (Huế), Hội An
(Quảng Nam) và Nước Mặn (Quy Nhơn) là ba thương cảng quốc tế quan trọng nhất.
Ngoài các thương cảng ven biển, thì các đảo ven bờ ở
Đàng Trong như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Cù Lao Thu… cũng là những điểm cập bến
chân thường xuyên của thương thuyền nước ngoài, để tránh trú bão, tiếp nước
ngọt và lương thực, trao đổi hàng hóa…
Trước khi có sự bùng nổ hải thương trong kỷ nguyên
Đại thương mại (thế kỷ XVI - XVII) trên thế giới, thì vào năm 1371, chính quyền
nhà Minh ở Trung Quốc ban hành chính sách hải cấm (cấm biển), kéo dài cho đến
năm 1567 mới chấm dứt. Chính sách hải cấm đã khiến cho nhiều loại hàng hóa
truyền thống từ Trung Hoa xuất khẩu sang Nhật Bản và một số nước phương Tây như
tơ lụa, gốm sứ… bị cấm vận. Do đó, thương thuyền của Nhật Bản và các nước
phương Tây phải tìm mua những mặt hàng thay thế ở các nước khác như Việt Nam,
Ấn Ðộ, Thái Lan…, hoặc dùng hải cảng của các nước này để trung chuyển hàng hóa
giữa Trung Hoa, Nhật Bản và các nước bên ngoài châu Á. Ðiều này đã khiến cho
các thương cảng ở Việt Nam trở thành những mắt xích quan trọng trong mạng lưới
hải thương từ Á sang Âu và ngược lại. Ngoài ra, chính sách hải cấm của Trung
Quốc thời kỳ này đã tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam, như: đồ gốm, tơ sống,
hương liệu, gia vị, lâm thổ sản… vượt biển đi đến các nước trong khu vực Đông
Nam Á, Nhật Bản và thế giới Ả Rập.
Đây là thời kỳ mà Con đường tơ lụa trên biển được
phục hưng mạnh mẽ. Cùng với nó là con đường gia vị, con đường gốm sứ… được hình
thành, hoạt động nhộn nhịp thông qua mạng lưới hải thương xuyên đại dương.
Những con đường này đã kết nối các nền kinh tế ở phương Đông với phương Tây; du
nhập khoa học kỹ thuật của châu Âu vào châu Á; truyền bá văn hóa, tư tưởng và
tôn giáo từ phương Tây sang phương Đông và ngược lại.
Các dấu tích khảo cổ học dày đặc trên lãnh thổ Việt
Nam; các con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam được phát hiện ở Hòn Cau, Cù
Lao Chàm, Bình Thuận, Cà Mau, Bình Sơn…; các di sản văn hóa vật thể và phi
vật thể hiện hữu trong các di tích lịch sử văn hóa ở khắp Việt Nam…, đã chứng
minh Việt Nam đã tích cực tham gia vào mạng lưới hải thương xuyên Biển Đông và
đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì Con đường tơ
lụa trên biển từ trước Công nguyên cho đến kỷ nguyên Đại thương mại hàng hải của
nhân loại.
Và, Con đường tơ lụa trên biển ấy xứng đáng được
vinh danh và bảo tồn như là di sản chung của nhiều thế hệ, nhiều quốc gia đã
góp phần làm nên con đường huyền thoại ấy. Đó không thể là di sản riêng của một
chính thể, một quốc gia nào, và càng không thể phục vụ cho một mục đích chính
trị nào.
T.Đ.A.S.
No comments:
Post a Comment