Tuesday, 21 August 2018

VỀ CHUYỆN ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ (Văn Biển)




Tạp bút của Văn Biển
21/08/2018

Lâu nay người ta thường gọi nhóm người trong Bộ Chính trị là “Đỉnh cao trí tuệ”. Hoặc mấy người trong số đó tự phong hoặc người trong Đảng bốc lên lâu ngày thành quen. Có cảm giác các vị ấy như những nhân vật có một trí tuệ khác người. Nói cái gì cũng đúng, làm chuyện gì cũng hay. Hãy thử điểm qua một số việc và lời nói của một số vị trong Bộ Chính trị.

Hãy lấy một nhân vật điển hình, nhân vật số một làm nên lịch sử: Lê Duẩn.

Lê Duẩn xuất thân từ anh bẻ ghi trước khi đi làm cách mạng. Có những người xuất thân, có thể từ đống rác mà trở thành nhà phát minh lớn. Họ học trong trường đời, với đầu óc thông minh họ biết gạn lọc điều hay, dở, từ đó mà lớn lên, đi lên. Có những người không học trong trường đời mà học trong tù. Lê Duẩn nằm trong trường hợp sau. Nhờ xuất thân từ gốc gác được cách mạng tin cậy, với bản chất tự tin, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Ông ta trở thành nhân vật số một trong công cuộc thống nhất đất nước, đem non sông về một mối, và tất nhiên với “công trạng” đó cũng như nhiều “công trạng” khác, ông ta trở thành nhân vật kiệt xuất, nhân vật số một lấn át uy thế của ông Hồ, là người đã làm ra cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử.

Thép Mới, Hồng Hà từng nói thẳng. Anh Ba hơn Bác Hồ dám đánh Mỹ. Nhưng chẳng cần phải chờ độ lùi của lịch sử, đã thấy những sai lầm tai hại những việc anh Ba làm, những điều anh Ba nói. Anh Ba 200 nến (do Lê Đức Thọ tặng lúc còn ở miền Nam) đã tắt ngấm cùng với những “chiến công”, những thành tích của mình. Đến nỗi người con trai của anh Ba đã cất tiếng than: “Lịch sử đã không công bằng với ba tôi”.

Tôi muốn nói thêm, chờ vài mươi năm nữa, độ lùi của lịch sử lớn hơn sẽ càng thấy anh Ba là người có tội hơn là kẻ có công với cách mạng, với nhân dân, đất nước. Những điều trên đây phải có cả một công trình nghiên cứu, một vài cuốn sách mới phân tích đầy đủ. Dưới dạng một bài Tạp bút chỉ mạn phép đưa ra những suy nghĩ nhỏ.

Trong cuốn sách mới ra mắt bạn đọc “Que diêm thứ Tám” tôi đã dành một chương nói về những việc anh Ba làm, những điều anh Ba nói. Trong bài Tạp bút này chỉ xin nhắc lại câu nói nổi tiếng: “Làm chủ tập thể” mà anh cho là phát minh lớn thứ 3 của nhân loại sau khi loài người tìm ra lửa thoát khỏi đời sống thú vật, thứ hai là tìm ra kim loại, phát minh lớn thứ ba là làm chủ tập thể. Tôi e người nói câu đó cũng không biết thật sự nó là cái gì. Câu “danh ngôn” bị rơi vào quên lãng trước lúc anh Ba ra đi.

Một nhân vật cộm cán khác không góp phần làm nên lịch sử nhưng đã có công lớn phá hoại sự tiến bộ của Đất nước, góp phần làm nên sự đói nghèo trước là ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa và sau đó là ở miền Nam, khi “được giải phóng”. Đó là Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ông ta chỉ giỏi phá, luôn sợ Dân giàu. Trong khi đó ông ta thản nhiên bỏ túi 10 triệu USD tiền đút lót. Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi, ông ta nhận có nhưng nói dùng để xây trường, làm bệnh xá (!). Có công lớn bỏ tù mọi sáng kiến làm giàu. Từ chuyện ông vua Lốp Nguyễn Văn Chấn vào tù ra tội mấy lần làm xôn xao một thời. Sau đó ông ta được cử vô Nam tiếp tục đánh phá tư sản miền Nam, kéo mức sống của người dân miền Nam chỉ một thời gian ngắn ngang bằng hoặc khổ hơn cả miền Bắc. Gốc gác ông ta ư? Người thì bảo thợ sơn, người bảo dân đổ thùng, còn cư dân mạng thì cho ông ta làm nghề hoạn lợn… Chắc chắn chỉ có dưới cơ chế cộng sản bước thang danh vọng của ông ta mới lên nhanh đến vậy.

Có thể nêu lên hàng tá nhân vật cỡ lớn. Nhưng chỉ thêm một vị, có câu nói và việc làm có một không hai. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Khi nhậm chức Tổng Bí thư, ông này cũng biết gây ấn tượng cho mình bằng một số việc làm và câu nói… hay. “Các Tổng Bí thư thường cách các vị khác (trong Bộ Chính trị) một cái đầu. Còn chúng ta chỉ cách nhau 1 sợi tóc”. Một câu nói khiêm tốn khéo hay. (Nhưng chưa chắc đã đúng). Tập hợp một số văn nghệ sĩ để lắng nghe anh chị em nói, ông mở đầu bằng một câu khá hay: Vào một ngày đẹp trời tôi ngứa miệng kêu lên: “Đừng đợi trời cứu – chúng ta hãy tự cứu lấy mình”. Và ông đã cởi trói cho anh chị em được “tự do” sáng tác.

Nhưng khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, ông lo lắng cho số phận xã hội chủ nghĩa nước mình, trở về nước việc đầu tiên là xiết chặt đội ngũ cầm bút, cầm cọ lại, đưa tất cả vào khuôn khổ. Bắt người này, giam kẻ nọ. Đến nỗi nhà văn Trần Mạnh Hảo phải kêu: nhà văn có phải con gà con vịt đâu muốn thả thì thả, muốn trói thì trói. Nhưng chuyện đối với giới văn nghệ sĩ là chuyện nhỏ. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa mới là chuyện lớn. Ông bảo:

“Thà mất Tổ quốc còn hơn mất chủ nghĩa xã hội”. Tưởng là một câu nói quá hay của một nhà cách mạng, nhưng một em bé có thể nói: Ủa vậy không có Tổ quốc, không còn Đất nước, xã hội chủ nghĩa đứng ở đâu, sống với ai? Câu hỏi nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Thưa ông.
Chắc lúc ông qua đời, hay lúc kỷ niệm 100 năm ngày sinh, người ta làm lễ long trọng, sẽ không thiếu lời này. “… Đồng chí mất đi Đảng mất một đảng viên ưu tú, một chiến sĩ cách mạng, một đời vì Dân, vì Đất nước”…

Chuyện Đỉnh cao trí tuệ còn dài dài nhưng chỉ xin kể bấy nhiêu. Mua vui cũng được một phần trống canh. Trí tuệ, trí thức (trừ một số trí ngủ, ngủ quên trong vòng kim cô của cộng sản) bàng bạc trong Nhân dân…








No comments:

Post a Comment

View My Stats