Một
điều mà gần như tuyệt đại đa số người Việt đều ước mà chắc chắn làm không được
là dời cái bản đồ Việt Nam ra khỏi nơi đang ở hiện nay. Đi đâu cũng được miễn
là tránh khỏi Tàu, dù Tàu Cộng hôm nay hay có thể Tàu không Cộng trong tương
lai. Tham vọng Đại Hán, dù Đông Hán hai ngàn năm trước hay Cộng Hán này nay
cũng chẳng khác nhau nhiều.
Một
số quan điểm, phát xuất từ lòng căm thù Tàu Cộng, cho rằng những biện pháp phải
thi hành tức khắc khi Việt Nam có dân chủ gồm: (1) xóa bỏ các hiệp ước kể cả
kinh tế bất bình đẳng và phân định biên giới mà CSVN đã ký kết với Trung Cộng,
(2) hủy bỏ tức khắc các hợp đồng kinh tế bất lợi với Tàu Cộng, (3) Tàu Cộng
phải rút về nước trong một thời gian rất ngắn toàn bộ lực lượng lao động có mặt
trên lãnh thổ Việt Nam.
Đương
nhiên quốc gia Việt Nam dân chủ sẽ phải làm tất cả để đạt ba mục đích trên
nhưng chiến lược và chiến thuật có thể sẽ phải linh động và đừng để Trung Cộng
có cớ gây chiến khi Việt Nam chưa nắm bắt được trong tay hai yếu tố “thiên
thời” và “địa lợi”.
Một
nước Việt Nam dân chủ non trẻ sau CS có đủ khả năng ngăn chận Trung Cộng viện
lý do “bảo vệ quyền lợi và kiều dân” để động binh?
Chắc
chắn là chưa đủ khả năng.
Nếu
Tàu Cộng động binh liệu Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp?
Không
có gì bảo đảm Mỹ sẽ can thiệp ngay bằng các biện pháp cứng rắn.
Điều
đó cũng có nghĩa, khi nào Việt Nam còn có chung biên giới trên đất liền và
chung thềm lục địa dưới biển với Tàu Cộng, Việt Nam sẽ phải chấp nhận bị chi
phối bởi các nguyên tắc địa lý chính trị của một quốc gia đất hẹp, dân ít mà
nằm trong vùng độn (buffer state).
Do
đó, dù giả thiết đã có “nhân hòa”, Việt Nam vẫn phải có một chính sách đối
ngoại vô cùng khôn khéo.
1. Đàm
phán
Không
nên vội vã. Tất cả hiệp ước, cam kết, hứa hẹn, nợ nần v.v. với Tàu Cộng đều sẽ
được giải quyết song phương hay quốc tế nếu có liên hệ đến nước thứ ba, bằng
“đàm phán”. Người viết để “đàm phán” trong ngoặc bởi vì muốn nhấn mạnh đến yếu
tố thời gian cũng là phần của chiến lược để phục hồi sinh lực dân tộc về văn
hóa đạo đức, ổn định chính trị, phát triển kinh tế và tăng cường quốc phòng.
2. Biết
chọn lựa liên minh đúng lúc
Về
địa lý chính trị, vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ sau thế chiến thứ nhất không quan trọng
bằng vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ sau thế chiến thứ hai. Nếu năm 1922, Tổng thống Thổ
Mustafa Kemal xin liên minh với Mỹ chưa hẳn đã đươc TT Warren G. Harding đón
nhận. Nhưng trong Chiến tranh Lạnh thì khác. Năm 1946 TT Truman chính thức gởi
chiến hạm USS Missouri tới thăm Cộng Hòa Thổ kèm theo các khoản viện trợ quân
sự lớn đến sau.
3. Đừng
để ghét hay thương chi phối chính sách đối ngoại
Đa
số người Việt ghét Tàu Cộng nhưng không nên để ghét thương chi phối chính sách
đối ngoại. Georgia và Ukraine có cảm tình với chính sách của Boris Yeltsin nên
tham gia khối thịnh vượng chung và cuối cùng tự đưa cổ vào tròng Putin.
Lithuania, Latvia, Estonia dù trong lòng chưa quên mối hận bị Mỹ bỏ rơi sau thế
chiến thứ hai, đã chọn đứng về phía Mỹ và Tây Âu khi tái lập được nền độc lập.
4. Chủ
động chiến lược hóa vị trí quốc gia
Như
người viết trình bày trong bài “Để thắng được Trung Cộng”, để bảo đảm an ninh
và phát triển, các lãnh đạo của một Việt Nam dân chủ non trẻ tương lai phải
biết chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia và từng bước tham gia các liên
minh quân sự tin cậy. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đàm phán với Liên Sô khi nền Cộng
hòa Thổ vừa ra đời nhưng khi vừa đủ mạnh và thấy thời cơ đến đã dứt khoát đứng
về phía Tây.
Chính
sách đối ngoại của TT Mỹ Dwight D. Eisenhower là một trường hợp nghiên cứu rất
hay và cần phân tích ở đây.
Trong
tác phẩm được phát hành vào tháng 3, 2018 “The Age Of Eisenhower”, Giáo sư sử
học William Hitchcock dành một chương dài để bàn về quan điểm của TT Mỹ Dwight
D. Eisenhower đối với Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung. Theo đó, TT
Eisenhower tin rằng nếu Việt Nam rơi vào tay CS các quốc gia Đông Nam Á cũng sẽ
lần lượt sụp đổ theo. Lý luận này được nhiều người biết như là “thuyết domino”.
Ngoại trừ việc gởi quân tham chiến, TT Eisenhower đã làm hết những gì có thể
làm để ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng. Tổng thống thứ 34 của Mỹ xem Việt
Nam quan trọng đến mức chính ông và hai phụ tá thân cận đã thảo một điện văn
dài cố gắng thuyết phục Thủ Tướng Anh Sir Winston Churchill để thành lập một
liên minh nhằm ngăn chận sự bành trướng của CS xuống Đông Nam Á. Nếu Mỹ, Anh,
Pháp cùng thành lập liên minh quân sự, rất đông đồng minh của Mỹ sau thế chiến
thứ hai đều sẽ đứng sau lưng. Anh từ chối, Pháp thua tại Điện Biên Phủ nên lịch
sử dân tộc Việt bị cuốn vào một thực tế đầy tang tóc hôm nay.
Nhưng
đừng quên, cũng chính TT Eisenhower đã từ chối can thiệp vào cuộc Nổi Dậy
Hungary 1956 dù quốc gia Đông Âu trái độn này cũng nằm trong vị trí chiến lược
không khác gì Việt Nam. TT Eisenhower lo ngại việc can thiệp của Mỹ vào Hungary
có khả năng dẫn đến thế chiến thứ ba. TT Eisenhower cũng không áp lực đồng minh
hay Liên Hiệp Quốc đáp ứng lời thỉnh cầu của Thủ tướng Imre Nagy, tân lãnh đạo
Hungary, kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp. Một số nhà phân tích cho rằng nếu
một phái đoàn Liên Hiệp Quốc có mặt tại thủ đô Budapest trong thời điểm cuối
tháng 10, 1956, cho dù không ngăn chận hẳn, ít ra cũng làm chậm bước tiến của
Liên Sô và giảm bớt số người bị giết trên đường phố thủ đô Budapest. Tóm lại,
TT Eisenhower không làm gì cả.
Một
tổng thống và cũng trong gần cùng một thời điểm nhưng Mỹ có hai chính sách đối
ngoại khác nhau.
Bài
học đối ngoại của TT Eisenhower là một thực tế chính trị mà các nước trong vị
trí vùng trái độn đều phải học. Không nên chỉ nhìn một cách phiến diện vào khả
năng quân sự của Mỹ vượt trội Tàu Cộng mà suy ra viễn ảnh đầy lạc quan của Việt
Nam.
Đối
với Mỹ, vùng biển Đông Á là huyết mạch kinh tế lẫn an ninh của Mỹ và các nước
đồng minh với Mỹ như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Indonesia, liên minh được
với Mỹ đúng thời điểm vừa có thể thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đất nước để
một ngày thách thức Trung Cộng về mọi mặt.
Túi
khôn của loài người bao la nhưng cũng có giới hạn. Các lý thuyết quan hệ quốc
tế thường được lập đi lập lại. Như người viết kết luận trong chính luận “Để
thắng được Trung Cộng”, khi chảo dầu mâu thuẫn tại Á châu được đun nóng hơn,
nhiều liên minh quân sự mới sẽ ra đời. Do đó, biết chủ động chiến lược hóa,
quốc tế hóa, quan trọng hóa vị trí của quốc gia cũng như biết khai thác mối lo
của các cường quốc sẽ làm cho vị trí của quốc gia quan trọng hơn trong tranh
chấp quốc tế. Đồng thời, sự liên minh khôn khéo trong nhiều trường hợp giúp
quốc gia tránh được chiến tranh hay có thêm thời gian để chuẩn bị chiến tranh.
No comments:
Post a Comment