Tuesday, 14 August 2018

TRUNG QUỐC TRỤC XUẤT SINH VIÊN BÁO CHÍ ĐỨC VIẾT VỀ NHÂN QUYỀN (BBC Tiếng Việt)




14 tháng 8 2018

Việc David Missal, 24 tuổi, sinh viên báo chí vừa bị trục xuất làm gia tăng lo ngại về tự do báo chí ngày càng tệ đi ở Trung Quốc, đặc biệt với phóng viên nước ngoài.

Một sinh viên Đức đã học được bài học cay đắng rằng thực hành báo chí ở Trung Quốc, thậm chí chỉ trong dự án của một lớp học, thì vẫn có thể dẫn đến kết cục nghiêm trọng.
Giới chức về nhập cư ở Trung Quốc nói với David Missal, 24 tuổi, rằng hộ chiếu của anh bị hủy và anh có một tuần để rời Trung Quốc, theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng.

Sinh viên báo chí David Missal

David Missal, 24 tuổi, theo học thạc sỹ ngành báo chí truyền thông tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.
Anh đáp xuống Düsseldorf, Đức hôm Chủ Nhật 11/8 sau khi giới chức Trung Quốc cho hay visa sinh viên của anh bị hủy và anh có một tuần để rời nước này.
Missal nói anh nghĩ là do anh tường thuật, tại một lớp học về báo chí, trường hợp của những luật sư về nhân quyền hiện đang bị giam giữ tại Trung Quốc.

Missal nói đại diện trường Đại học Thanh Hoa từng cảnh báo anh hai lần về việc theo đuổi các chủ đề chính trị nhạy cảm, nhưng anh vẫn tiếp tục vì muốn "tìm hiểu về xã hội và chính trị Trung Quốc".
"Hai tháng qua, tôi quả thực đã hiểu được nhiều hơn về xã hội và chính trị Trung Quốc," Missal nói, liên hệ đến trường hợp của mình.

Kể từ tháng 9/2015, Trung Quốc đã thẩm vấn, tạm giam và bắt khoảng 300 luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động. Một số người phải chịu án tù dài trong khi những người khác đang chờ bị kết án.

Việc Missal bị trục xuất làm nổi bật và nhấn mạnh sự nhạy cảm của Trung Quốc đối với sự chú ý của nước ngoài về cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến, đề tài hiếm khi xuất hiện trên truyền thông bị kiểm duyệt và trên mạng internet của nước này.
Missal nói bài báo của anh chỉ được đăng trên blog cá nhân và Youtube, và mới chỉ có khoảng dưới 100 lượt xem.
Phòng tuyên truyền của Đai học Thanh Hoa nói không thể bình luận ngay lập tức về việc này mà phải xem xét cụ thể sự việc.

'Đừng động vào Trung Quốc!'

Sự việc của David Missal thu hút nhiều bình luận trên mạng xã hội.
Facebooker có tên Jack Badao bình luận: "Điều này, một lần nữa, chứng tỏ rằng chính phủ Trung Quốc muốn che giấu điều gì đó, luôn luôn là như vậy. Họ không muốn mọi người biết sự thật. Chỉ có kẻ ngốc mới tin vào cộng sản".

Đáp lại, Dean Wong Dean viết: "Mọi chính phủ trên hành tinh này đều che giấu rất nhiều điều, và không có ngoại lệ. Không chính phủ nào muốn người dân biết sự thật. Chỉ có kẻ ngốc mới tin vào chính phủ và chính trị".

Bạn đọc tên Leonardo Daniel nói: "Đừng động vào Trung Quốc!" trong khi người có nickname Nai Seng Tan khuyên "Bạn nên tập trung vào việc Trung Quốc xóa đói nghèo và phục hồi rừng như thế nào. Đừng có viết về nhân quyền và chính trị".

Tài khoản Chad LeCroy ủng hộ: "Đúng đấy, đừng khiến Trung Quốc ngượng bằng cách nói về nhân quyền!"

Yanny Ree an ủi: "Thế giới tròn mà, bạn có thể học báo chí ở nước khác!"

Bị giới chức TQ 'gây khó dễ'

Trường hợp của David Missal chỉ khiến cộng đồng báo giới nước ngoài lo ngại hơn về tình hình tự do báo chí đang ngày càng tệ đi ở Trung Quốc.
Các phóng viên nước ngoài từng báo cáo về việc bị giới chức Trung Quốc gây khó dễ, thập chí đánh đập, theo báo cáo năm 2017 của Câu Lạc Bộ Nhà báo nước ngoài (FCCC) tại Trung Quốc được đăng tải trên Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng.
Gần một nửa trong số hơn 100 phóng viên được hỏi cho hay đã phải chịu một số hình thức can thiệp vào năm 2017 trong khi đang cố gắng thu thập thông tin.
23% trong số được khảo sát cho biết bị cản trở khi tiếp cận một địa điểm và 8% cho biết họ bị đánh đập.

Phóng viên Matthew Goddard của BBC được trích lời cho hay một người không rõ danh tính cố đập vỡ máy ảnh của ông sau khi ông từ chối giao lại các cảnh quay, sau đó người này đấm ông.

FCCC cho rằng tình hình ngày càng tệ đi đối với các nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc.
Tình hình đặc biệt tệ ở Tân Cương, quê hương của người Uygurs - một dân tộc thiểu số Hồi giáo bị chính quyền Trung Quốc đàn áp văn hóa và tôn giáo.
73% phóng viên cho hay bị chính quyền Trung Quốc cấm đưa tin tại Tân Cương vào năm 2017.
"Tôi đã bị giam ở Tân Cương nhiều lần, ở nhiều thành phố, trên tàu. Tôi từng bị thẩm vấn 11 tiếng đồng hồ và không được phép ngủ 2 đêm," một phóng viên từ một cơ quan báo chí của Mỹ nói.

Chính quyền Trung Quốc còn dọa không gia hạn visa cho nhà báo nếu không đưa tin theo yêu cầu của họ.
Năm cơ quan báo chí quốc tế bị gây khó khăn về visa khi đăng ký cho phóng viên thường trú ở Trung Quốc.
Các nhà ngoai giao Trung Quốc ở nước ngoài cũng tỏ ra quyết đoán hơn khi tăng áp lực lên các trụ sở cơ quan báo chí, bao gồm các tuyên bố từ các đại sứ người Trung Quốc hoặc đại sứ quán Trung Quốc cáo buộc rằng các bài báo là tin giả, và yêu cầu xóa bài.

Bắt bớ và giam cầm

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà báo, hoặc sinh viên báo chí nước ngoài gặp rắc rối với chính quyền các nước sở tại khi đưa tin hoặc có các hoạt động 'đụng chạm' đến vấn đề chính trị.
Năm 2016, hai phóng viên người Úc, Linton Besser và Louie Eroglu, làm việc cho Australian Broadcasting Corporation bị chính quyền Malaysia bắt giữ khi đang thực hiện loạt bài điều tra về cáo buộc tham nhũng đối với Thủ tướng Najib Razak, theo BBC.

Năm 2017, một nhóm phóng viên địa phương và nước ngoài bị chính quyền Myanmar bắt giam hại tháng do sử dụng drone để tác nghiệp gần tòa nhà quốc hội nước này. Đó là Mok Choy Lin từ Malaysia, Lau Hon Meng từ Singapore lúc đó đang thực hiện quay phim tài liệu cho Đài Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT. Họ bị giam cùng phóng viên Myanmar Aung Naing Soe và lái xe Hla Tin, theo Reuters.

Tháng 12/2017, hai phóng viên của Reuters là Wa Lone và Kyaw Soe Oo bị bắt tại Yangon với cáo buộc tiếp cận bất hợp pháp với các tài liệu mật của chính phủ. Hai phóng viên này có thể đối mặt với án tù giam 14 năm. Cả hai đang thực hiện phóng sự điểu tra về người Rohingya bị quân đội Myanmar tàn sát, theo New York Times.







No comments:

Post a Comment

View My Stats