08/07/2018
· by nganlau121212
Ghi
Chú NL:
Người Việt có câu “bần cùng sinh đạo tặc, phú quý sinh lễ nghĩa”. Đây là câu
ca dao tục ngữ nói cái thường tình của xã hội. Dĩ nhiên, tất cả đều có sự ngoại
lệ. Cho nên có người giàu mà lễ nghĩa chẳng ra gì, vẫn tiếp tục ăn cắp để làm
giàu bởi lòng tham của con người thì vô tận. Hình ảnh của những quan nhà sản
tiếp tục ăn cắp bằng mọi hình thức của dân, của đất nước chỉ bởi vì cơ chế này
cho phép họ làm những điều đó. Những cuộc đánh tham nhũng của ông Trọng bởi vì
ông Trọng muốn diệt phe đối lập chứ ông Trọng biết rõ cái cơ chế này là bao
che, là tham nhũng để vì quyền lợi mà đảng của ông đoàn kết lại với nhau — mục
đích ăn cắp tài sản quốc gia bỏ vào túi của chính mình với cái danh từ mỹ miều
xã hội chủ nghĩa. Cái gian dối của người cầm quyền biến người dân phải gian
dối. Có nghĩa là nếu ăn cắp được từ người khác thì cũng sẵn sàng. Có điều, đối
với quần chúng, ăn cắp được hiểu là sự buôn bán giá cả sẽ chọn theo đúng khuôn
mặt của người mua. Ai quen biết thì giá phải chăng. Ai không quen biết, có vẻ
là người có tiền thì giá sẽ được nâng cấp dù rằng chất lượng hàng hoàn toàn
không nâng cấp. Sự khác biệt giữa trường hợp ngoài đời và quan nhà sản là ngoài
đời, bạn có quyền lựa chọn. Mua món hàng giá cao hơn bởi vì thông cảm sự cùng
cực của người dân hoặc không mua đi tìm chỗ khác giá rẻ hơn. Còn quan nhà sản
thì toàn dân lại không có quyền lựa chọn một ông quan nào đó liêm chính bởi
đảng không chấp nhận sự liêm chính và sự lựa chọn của dân. Giữa hai cái ăn cướp
trên thì quan nhà sản là loại cướp có súng đạn, có bạo lực và đáng khinh bỉ hơn
loại cướp của thường dân.
*
Mấy
người bạn nước ngoài của Hồng Ly rất thích đồ ăn vặt của Việt Nam như chè, bánh
chuối, khoai lang chiên, hoa quả dầm... Sau mỗi bữa ăn không mang tính chất
công việc, ít khi chúng tôi chọn món tráng miệng tại quán hoặc nhà hàng mà hay
chọn đi ra mua của mấy người bán hàng rong. Thường thì khi thấy có tôi, các anh
chị bán hàng không nói thách quá nhiều như khi chỉ có mấy người nước ngoài một
mình. Một lần, khi thấy tôi mua một quả dứa (trái thơm) giá 15 ngàn đồng thì
chị bạn nước ngoài có vẻ không hài lòng với người bán hàng vì đã bán đắt cho
tôi. Chị nói : " Giá một quả dứa thế này chỉ là 10.000 đồng thôi, tại sao
chị ta lại bán cho bạn những 15.000 đồng ? Quân ăn cắp ! ". Tôi hiểu ý chị
bạn mình nhưng không dám dịch lại cho chị bán hàng đang thắc mắc hỏi về thái độ
của chị bạn tôi mà tôi chỉ trả tiền, cảm ơn và ra dấu cho chị bạn sẽ giải thích
sau rồi đi.
Ở
trên xe, chị bạn có vẻ vẫn còn chưa nguôi sự bực bội nên hỏi "Hồng Ly, có
một điều gì đó không ổn và có vẻ thiếu sự logic trong cách hành xử của bạn !".
Tôi cười và nhìn chị bạn mình : " Ok, mình nghe đây !". Chị bạn thẳng
thắn : " Tại sao mình thấy bạn luôn lên tiếng trước bất công, trước những
điều dối trá trên đất nước này mà hôm nay bạn lại im lặng trước hành vi
"ăn cướp" rõ ràng của chị bán hàng lúc nãy ? Dù 5000 đồng không phải
là nhiều nhưng bạn cũng cần phải lên tiếng để cho họ biết là chúng ta không
ngốc chứ ?".
Tôi
trả lời : ''Bạn nói có phần đúng ! Nếu theo lập luận này của bạn thì mình đã
sai khi không lên tiếng lúc nãy. Tuy nhiên, hành động của chị bán hàng mà bạn
miêu tả là "ăn cướp" ấy nó thực sự là điều cá nhân mình có thể thông
cảm được khi nhìn toàn bộ tình hình xã hội dưới con mắt vĩ mô. Nói cách khác là
nó không có thấm vào đâu so với những hành động ăn cướp thật sự của những người
cầm quyền của chế độ này dưới mọi hình thức ! Người dân trong đó có chị bán
hàng rong ấy suy cho cùng cũng chỉ là những nạn nhân đáng thương của chế độ này
mà thôi ! Nếu được sống trong một xã hội tự do, văn minh và phát triển thật sự
thì cách hành xử của con người đối với nhau cũng sẽ nhân bản hơn và có lẽ chị
bán hàng rong ấy có thể còn tìm được công việc tốt đẹp hơn và xứng đáng với
công sức mà chị ấy bỏ ra hơn là chỉ tìm cách thu lợi về mình bằng cách bán đắt
cho người khác như thế ! Do đó, người chúng ta cần phải lên án chính là những
kẻ ăn lương của nhân dân mà lại không đứng về lợi ích của nhân dân, thậm chí
còn tìm cách cướp bóc và hút máu của dân thêm chứ không phải là chị bán hàng
rong ấy đâu. Trong một đất nước đầy rẫy những sự sai trái và trong khi chúng ta
không có ba đầu sáu tay thì chúng ta đành phải lựa chọn chủ thể chính của sự
đấu tranh dựa theo mức độ và phạm vi của sự sai trái. Quay lại việc ban nãy,
mình có cách nghĩ thoáng hơn và cho cuộc sống dễ thở hơn. Để kiếm được đồng
tiền thì chị bán hàng rong ấy cũng đã vô cùng vất vả bươn chải dưới cái nắng
nóng chói chang.Trong khi chúng ta ngồi ăn trong quán điều hòa máy lạnh thì chị
ấy vẫn còn đang cặm cụi tỉa từng mắt dứa ngoài kia để cho chúng ta chỉ việc
ngồi mát trên ô tô ăn những miếng dứa thơm lành và bàn chuyện "đại
sự" như thế này phải không ? ".
Bạn
cười đón cái nháy mắt của tôi nhưng vẫn bướng bỉnh : ''OK, mình đã hiểu hơn rồi
nhưng vẫn chưa thấy thoải mái lắm với cách giải thích có vẻ nhân nhượng ấy của
bạn ! Hãy thử đặt mình ở vị trí là khách nước ngoài bị những người bán hàng ở
gần địa điểm du lịch chèo kéo và "chém đẹp" đi thì bạn mới thấy bực
bội biết nhường nào, nhất là khi niềm tin đã bị đặt không đúng nơi đúng chỗ và
đổ vỡ !".
Tôi
thành thật :" Đó cũng là nỗi xấu hổ của mình khi đi cùng những người bạn
nước ngoài sang thăm Việt Nam. Có những trường hợp quá đáng quá thì mình cũng
đã chọn cách nói thẳng với người bán cũng như cho họ biết cảm nhận thực sự của
những người khách nước ngoài về hành động đó của họ. Ai cũng vì lý do mưu sinh
cuộc sống nhưng không thể lấy thủ đoạn để biện minh cho hành vi bất chính của
mình, ngay cả khi mục đích sau cùng có cao cả đến đâu. Nếu nhà cầm quyền không
thông đồng với bọn bảo kê và nếu họ làm "quyết liệt" như cái cách họ
luôn đối xử với những người dấn thân đấu tranh thì tình trạng chèo kéo và
"chém đẹp" khách du lịch ấy sẽ không thể tồn tại một cách lâu dài và
công khai như thế !"
Cuối
cùng, thượng bất chính, hạ tắc loạn ! Trên ăn cướp theo kiểu ở trên thì dưới ắt
sẽ có cách ăn cướp theo kiểu ở dưới. Trên thanh trừng nội bộ để tranh giành
quyền và lợi thì ở dưới cũng sẽ vậy thôi ! Một xã hội mà phần lớn chỉ nhăm nhe
tìm cách ăn cướp, giẫm đạp lên nhau để tồn tại thì xã hội ấy sẽ không bao giờ
có tương lai. Đêm đen chỉ đến khi bầu trời tắt nắng. Cái ác chỉ xuất hiện khi
cái tốt đã không còn đủ mạnh để ngăn chặn những cái xấu tồn tại và phát triển.
Chúng ta cần phải đánh vào cái gốc của mọi vấn đề, đó chính là thể chế chính
trị, chứ không thể chỉ nhìn thấy cây mà không nhìn thấy rừng !
No comments:
Post a Comment