RFA
2018-08-21
2018-08-21
Nhiều
người Thượng Tây Nguyên bị chính quyền Hà Nội bỏ tù vì tham gia các cuộc biểu
tình tại địa phương từ những năm 2000 đến nay vẫn đang bị giam giữ sau hơn mười
năm tuyên án. Đa phần trong số này đều bị ‘bỏ rơi’ trong tù vì không có ai thăm
nuôi.
Mười
năm không có ai thăm nuôi
Chị Huyền Trang, vợ của tù nhân lương
tâm Phạm Văn Trội,
sau chuyến đi thăm gần nhất trong tháng 8 thuật lại với chúng tôi điều mà
chồng bà kể về hoàn cảnh của những người Thượng Tây Nguyên hiện nay đang bị
giam chung với ông tại trại giam Ba Sao, tỉnh Hà Nam:
Trong
phòng giam của anh Trội có 8 người thì có 4 đến 5 người là người Thượng ở Tây
Nguyên mà không có người thăm nuôi đâu. Hoàn cảnh của họ rất đáng thương. Có
trường hợp của một anh này: lần trước anh Trội đi tù đã gặp rồi, lần này vào
thì vẫn gặp anh đấy. Mười năm nay rồi anh ấy không có ai thăm nuôi.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân lương
tâm, hiện đang sống tại Đức cho chúng tôi biết số lượng người Thượng bị bỏ tù
trong thời gian ông chịu án lên tới 200 người:
Vào
thời kỳ tôi bị cầm tù lần đầu tiên vào năm 2007-2011 thì tôi được ở chung với
khoảng độ 200 người Thượng Tây Nguyên. Họ đều là những người Tin Lành và những
người đầu tiên bị cầm tù bắt đầu từ năm 2001. Những người tiếp theo bị bắt vào
những năm 2004 cho đến 2008. Họ đều bị những bản án rất nặng nề, thường từ 7 năm
đến 18 năm ở trong trại giam Hà Nam.
Luật
sư Đài cho biết sau khi ông mãn án lần thứ nhất vào năm 2011 thì chính quyền đã
phân phối số lượng người Thượng kể trên đi nhiều nhà tù khác như nhà tù Phú Sơn
ở Thái Nguyên, một số nhà tù ở Thanh Hóa và Nghệ An.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, phụ trách Hội thánh
Mennonite Độc lập, người đã nhiều lần trực tiếp đến thăm các tù nhân người Thượng
và gia đình của họ ở Tây Nguyên xác nhận rằng vẫn còn số lượng lớn người Thượng
đang phải chịu án tù:
Tôi
mới gặp một anh dân tộc Ba Na đi tù có cha cũng đi tù ở ngoài miền Bắc. Anh đó
đi về thì nói với tôi là còn nhiều lắm thầy ơi. Có 3, 4 người Ba Na kế làng của
ảnh cũng còn ở tù.
Được
biết, đa số những người Thượng Tây Nguyên đang bị giam giữ đều có hoàn cảnh rất
nghèo khó. Nhiều người bị giam ở tận phía Bắc nên gia đình họ không có điều kiện
đến thăm nuôi. Mặt khác, an ninh địa phương thường xuyên sách nhiễu, đe dọa
tinh thần của gia đình họ nếu nhận sự hỗ trợ từ người khác.
Luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định:
An
ninh địa phương rất độc ác. Khi họ biết tôi đến thăm thì họ lập tức triệu tập
những người vợ của những người tù đó lên để thẩm vấn liên tục suốt hàng tuần. Họ
hỏi là tôi đến có giúp đỡ gì không, có hứa hẹn gì không và đe dọa là nếu còn
liên hệ với tôi thì sẽ bắt đi tù và không cho ra. Cho nên mặc dù tôi đã vận động
được tài chính để hỗ trợ cho họ đi từ Tây Nguyên ra Hà Nội và lên Thái Nguyên để
thăm chồng nhưng vì họ rất sợ an ninh địa phương nên họ không dám đi và cũng
không dám nhận tiền.
Luật
sư Đài hiện đang ở Đức và cho biết ông vẫn tìm cách liên lạc những gia đình tù
nhân người Thượng Tây Nguyên đang còn chịu lao tù để giúp đỡ họ nhưng hầu như tất
cả những người liên lạc được đều từ chối.
Án tù nặng
vì đòi hỏi quyền con người
Mục
sư Nguyễn Hồng Quang cho biết những người Thượng Tây Nguyên đang phải chịu các
án hơn chục năm tù đều là những người lãnh đạo lớn tuổi, có uy tín trong các
buôn làng.
Mục
sư Quang giải thích lý do gây ra mâu thuẫn giữa người Thượng và chính quyền địa
phương như sau:
Cái
đường chuẩn bị mở qua, một mét vuông hàng mấy chục triệu mà họ (chính quyền) biết,
mua và đẩy hết người sắc tộc vào sâu trong rừng. Chuyện đó rất là bất công. Người
dân tộc họ cũng biết, nhận thức được cho nên những người hiểu biết đó họ lãnh đạo
cuộc đấu tranh về đất đai rồi về vấn đề thờ phượng.
Sau
các cuộc biểu tình đông người tại Tây Nguyên những năm 2001, 2004, Chính phủ Hà
Nội tuyên các án tù nặng nề cho hàng trăm người Thượng tham gia biểu tình với
các cáo buộc ‘âm mưu lật đổ chính quyền’, ‘phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc’,
hay ‘gây rối trật tự công cộng.’
Mục
sư Nguyễn Hồng Quang có mặt trong các vụ mâu thuẫn tại Tây Nguyên năm 2004 nhận
định các cáo buộc trên của phía chính quyền:
Phá
rối gì ‘an ninh’? Vì ‘an ninh’ ở địa phương đó là nguồn sống, là khát vọng của
người dân ở đó mà. Vì an ninh, vì tự do, vì cuộc sống bình an, hạnh phúc, vì
quyền sống mà họ yêu cầu những cán bộ, đảng viên làm vi phạm chính sách dân tộc,
chính sách đoàn kết, chính sách quyền lợi làm ngược ngạo. Nói với người sắc tộc
một đằng – làm một nẻo, đàn áp họ thì họ nổi lên. Chuyện này người Kinh còn có,
đảng viên còn có. Động cơ bên trong của người dân tộc thì tôi nghĩ rất bình thường.
Nhu cầu dân sinh, nhân quyền không được đáp ứng. Người dân khát vọng quyền cơ bản
của công dân quy định theo Hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam chứ họ cũng không mơ đòi gì cao sang.
Trả tự
do vì nhân đạo và lương tâm
Luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định với chúng
tôi các hành vi sách nhiễu và đe dọa tình thần gia đình tù nhân người Thượng
Tây Nguyên vẫn đang diễn ra.
Mục
đích của nhà cầm quyền cộng sản và đặc biệt là an ninh khu vực Tây Nguyên là
tìm mọi cách triệt hạ những người có tinh thần đấu tranh cho tự do tôn giáo ở
đó, làm cho gia đình của họ lâm vào tình cảnh khó khăn. Những người trong tù bị
bỏ rơi, không còn khả năng kháng cự. Những người mà còn ở tù thời điểm này thì
thường bị kết án rất cao từ 14 năm đến 18 năm và họ cương quyết không nhận tội
nên họ không được giảm án.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang mong muốn chính phủ
Hà Nội hãy xem xét trả tự do cho những tù nhân người Thượng Tây Nguyên:
Yêu
cầu chính quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho họ vì lý do nhân đạo và lương
tâm vì họ phản kháng cũng chỉ vì tồn sinh thôi. Hành động phản kháng những áp bức,
bất công cũng là lẽ đương nhiên của con người. Họ bị giam lâu quá tôi thấy rất
đau khổ. Mỗi lần lên thăm một vài gia đình thấy nước mắt của vợ con họ mà mình
không cầm được.
Phúc
trình của Tổ chức Nhân Quyền Montagnards (MHRO) và Nhóm Vận Động Bãi Bỏ Tra Tấn
tại Việt Nam (CAT-VN) vào hôm 3/5/2018 cũng nêu rõ việc cơ quan chức năng Việt
Nam tiếp tục bách hại nặng nề những tín đồ Thiên Chúa Giáo người sắc tộc thiểu
số bản địa ở Tây Nguyên, hay còn gọi là người Montagnards.
No comments:
Post a Comment