Tuesday, 7 August 2018

NGÀY VÀO ĐẠI HỌC & MỘT THẾ HỆ SINH VIÊN XÔI THỊT (Khải Đơn)




Monday, 30/07/2018 21:34

Cứ mỗi năm đến ngày gọi tên điểm vào đại học, tôi lại phải nghe đi nghe lại các điệp khúc: điểm chuẩn 30 vào ngành công an quân đội, 29 điểm vẫn rớt. 12 điểm vẫn đậu Sư phạm.

Năm 2016, tôi đọc một phỏng vấn trên Infonet viết: “Các trường trong khối ngành công an đáp ứng được nhu cầu về việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Hơn nữa, vào được ngành, tức là sẽ được nuôi ăn, nuôi học… như thế là đã phụ giúp được gia đình rất nhiều”(1)

Những câu trả lời ngô nghê đến xót thương. Chúng được phát ra từ miệng của những đứa trẻ sinh năm 1998.

Một anh lớn kể với tôi về hoàn cảnh cách đây gần 20 năm: “Thời của anh, không đậu đại học không có con đường khác. Bạn anh ai không đậu đại học sẽ trở thành thanh niên xung phong, đi kinh tế mới, đi bộ đội chiến trường Campuchia. Anh học chỉ vì không muốn phải đi.”

Thật tàn bạo, những giảng viên đại học đang phải đón vào đời những người trẻ hoàn toàn mù lòa về tương lai của bản thân và chọn lựa bất cứ gì cũng vì một động cơ không ĐƯỢC QUYỀN CHỌN của thứ gì đó ngoài bản thân họ.

Anh bạn tôi chọn đại học vì anh không muốn số phận mình bị hủy diệt.

Em học trò sinh năm 1998 chọn ngành công an vì được nuôi ăn, nuôi học.

Triết lý giáo dục và con người bị vứt ra ngoài cống rãnh nào đó. Nó không cho phép người trẻ chọn một thứ mà trái tim họ thành thật mong muốn.

Nó đẻ ra một thế hệ ngồi trên giảng đường đau đáu và luôn mồm nói về làm giàu không khó, làm kinh doanh đi tắt đón đầu kiếm tiền, làm tiền bằng đủ mọi cách. Nhiều người trong số họ đã chất vấn giảng viên khi hỏi: Em học xong ngành này có thể kiếm được tiền không?

Câu hỏi đó xóa nhòa giá trị thực sự của giáo dục đại học. Nơi đó không chỉ dạy nghề hay dạy ra các cỗ máy kiếm tiền, đó là nơi dựng nên người. Mà để bắt đầu cho cái đề bài dựng nên người đó, trường đại học phải đón nhận được những tâm trí và thân thể khao khát trưởng thành – chứ không phải khao khát trốn chạy, khao khát được bảo bọc free, hoặc khao khát tìm một chỗ yên thân ấm thịt.

Tôi lo sợ cho các giảng viên đại học. Họ đối mặt với một thế hệ sinh viên xôi thịt hơn bất kỳ ai. Những sinh viên không quan tâm đến giá trị và lý tưởng nghề nghiệp, đến chuyên môn và đam mê, đến sức mạnh và sự thay đổi xã hội từ nghề nghiệp. Câu hỏi duy nhất trở thành đề bài cho mọi tiểu luận: Việc này có ra tiền không? Con có được nuôi ăn nuôi học không? Con có tìm được việc ra trường không?
Thật kinh dị và nhầm lẫn. 

Ngôi trường là nơi CẦN PHẢI cung cấp tri thức mới, kỹ thuật mới, công cụ tư duy cập nhật, phương pháp học và nhận định. Nhưng ngôi trường và cả giảng viên, họ đâu phải là cỗ máy xay và nhào nặn ra cỗ máy kiếm tiền. Họ không đáng phải gánh trách nhiệm sống còn đó như một lời nguyền.

Và thật buồn cười, sau 20 năm khi anh bạn tôi đã vào đại học và trở thành một người làm việc giỏi, tôi lại thấy một thế hệ mới, sống trong ngập tràn vật chất và tri thức, ngập tràn lựa chọn và con đường – vẫn cắm đầu đâm xác vào một lựa chọn duy nhất là tiền và cơm.

Không ai dạy họ bắt đầu kiếm tìm một con đường để nung nấu giấc mơ.

Không ai dạy người thợ giá trị của một anh thợ sửa điện trong ngôi nhà khách hàng (và chả ai muốn làm thợ).

Không ai dạy người đứng quầy nước niềm vui quan trọng của người khách thưởng thức được thức uống ngon (và để mặc họ trở thành những người pha nước cẩu thả).

Không ai dạy một người học sư phạm giá trị và lý tưởng của người thầy (một lý tưởng quá rẻ so với số lương – đủ để rất nhiều kẻ trong số họ bán sạch giá trị để có lương).

Không ai dạy một người trẻ giá trị của nghề công an, để người học đâm đầu vô thi vì được… nuôi ăn nuôi học.

Hai mươi năm sau kỳ thi đại học mà anh bạn tôi cắn răng vượt qua… chúng ta tiếp tục có một thế hệ mù lòa giá trị tiếp tục cắn răng… vì một đống thứ kỳ quặc ngoài cốt lõi nghề nghiệp.

Khải Đơn








No comments:

Post a Comment

View My Stats