Thursday, 9 August 2018

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHỞI KIỆN QUAN CHỨC VIỆT NAM Ở MỸ? (Luật Khoa Tạp Chí)






Năm 1999, khi đang viết khóa luận cao học luật tại Mỹ, giữa nhiều đề tài luật pháp lý thú, tôi lựa chọn nghiên cứu một đạo luật ít nhiều có thể giúp các nạn nhân Việt Nam bị nhà nước cộng sản vi phạm nhân quyền đòi công lý ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ. Đó là Đạo luật Trách nhiệm Dân sự phạm của Người nước ngoài (Alien Tort Statute (28 U.S.C. § 1350), sau đây gọi tắt là “Luật ATS”).

Khóa luận đó dài hơn 30 trang, nghiên cứu mọi khía cạnh lý thuyết và thực tiễn của Luật ATS cùng án lệ được các tòa án Hoa Kỳ phát triển trên cơ sở luật này trong thế kỷ 20, kể từ án lệ Filartiga năm 1980 như sẽ trình bày dưới đây. Bản khóa luận, tiếc thay, đã mất vì nhân viên an ninh tịch thu năm 2009 khi tôi bị bắt giam và khám nhà.

Sau năm 1999, đường hướng án lệ Mỹ về Luật ATS đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới mẻ, cũng như có nhiều vấn đề pháp lý mới phát sinh kể từ đầu thế kỷ 21. Do đó, gần đây, trước tình hình vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam, đặc biệt là tình trạng tra tấn và giết người phi pháp tại các đồn công an gia tăng trên khắp cả nước, tôi đã nghiên cứu lại Luật ATS và cập nhật thêm sự phát triển mới của các án lệ có liên quan. Tôi cũng thêm xác quyết rằng đây là công cụ pháp lý hữu hiệu giúp nạn nhân bị vi phạm nhân quyền đòi lại công lý cho mình và thân nhân.

Bài viết này chỉ giới thiệu một cách vắn tắt nhất những khái niệm và vấn đề liên quan đến Luật ATS, hầu giúp những ai quan tâm có thể chuẩn bị một vụ kiện như vậy cho mình trong tương lai khi có cơ hội.

Đạo luật cổ mang tinh thần mới

Luật ATS là một luật liên bang được Quốc hội đầu tiên của Hoa Kỳ thông qua lần đầu vào năm 1789 và được Tổng thống George Washington ký ban hành thành luật, nhằm trao cho các tòa án liên bang Mỹ quyền xét xử những vụ kiện mà nguyên đơn là người không mang quốc tịch Mỹ đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của bất kỳ ai.[1]

Nước Mỹ khi đó muốn chứng minh trước cộng đồng thế giới rằng tuy là một quốc gia mới xuất hiện nhưng họ là một nước trọng pháp trên phạm vi toàn cầu. Thế kỷ 18, lúc Luật ATS được ban hành, là giai đoạn sơ khai của luật quốc tế vốn chủ yếu quy định quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia và chỉ đặt ngoài vòng pháp luật các tội phạm quốc tế như cướp biển mà thôi.[2]  Tuy nhiên, luật quốc tế trong thế kỷ 20 và 21 đã hoàn toàn khác, phạm vi áp dụng của nó đã được mở rộng bao gồm cả việc bảo vệ nhân quyền.[3]

Trong 70 năm kể từ ngày ký Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền vào năm 1948 đến nay, nhân quyền toàn cầu đã chuyển từ một ý niệm mang tính khích lệ thành một thực tiễn pháp lý. Quá trình phát triển đột phá này đã khiến cho Luật ATS trở nên quan trọng hơn vào cuối thế kỷ 20. Theo đó, những người sống sót sau những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hoặc thân nhân của nạn nhân đã chết đều có quyền khởi kiện thủ phạm ra trước tòa án Mỹ. Từ năm 1980, Luật ATS đã được áp dụng thành công trong các vụ kiện có liên quan đến bạo lực tình dục và hiếp dâm có sự tiếp tay của nhà nước, các vụ tra tấn hoặc giết người phi pháp, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và giam giữ tùy tiện.[4]

Bên cạnh Luật ATS còn có Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân bị Tra tấn (Torture Victim Protection Act), được thông qua vào năm 1991 và đã được Tổng thống George H. Will Bush ký ban hành thành luật vào năm 1992, trao các quyền tương tự cho công dân Hoa Kỳ và cả người ngoại quốc trong việc khởi kiện đòi bồi thường đối với các hành vi tra tấn và giết người phi pháp diễn ra ở nước ngoài.[5]

Một trụ sở toà án ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Ảnh: AP Photo/Susan Walsh.

Án lệ theo Luật ATS

Án lệ Filartiga
Vụ án đầu tiên được khởi kiện theo Luật ATS là vụ Filartiga v. Peña-Irala. Năm 1976, cha của một thanh niên từng bị tra tấn đến chết trong đồn cảnh sát ở Paraguay đã trông thấy một trong những kẻ tra tấn con trai ông đang đi bộ trên đường phố ở Manhattan, New York.[6]

Người cha đã báo cảnh sát Mỹ bắt giữ tay cựu viên chức cảnh sát Paraguay đó. Sau đó, người cha và em gái của nạn nhân liền khởi kiện anh ta theo Luật ATS. Năm 1980, một tòa án liên bang ở New York đã tuyên chấp thuận yêu cầu đòi bồi thường hàng triệu USD của họ, từ đó mở ra cơ hội cho những yêu cầu đòi bồi thường tương tự.[7]

Kể từ án lệ Filartiga, hàng loạt các vụ kiện theo Luật ATS đã được khởi động chống lại các cá nhân thủ phạm bị phát hiện có mặt ở Hoa Kỳ. Mọi vụ kiện như vậy đều được tòa án Mỹ xét xử vì những người sống sót sau các vụ vi phạm nhân quyền và thân nhân của nạn nhân đã chết thường không còn cách nào đòi lại công lý ở chính quê hương mình.

Tiêu chuẩn Sosa: Quan điểm của Tòa án Tối cao
Đường hướng của án lệ Hoa Kỳ kể từ vụ Filartiga đã được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xác nhận. Trong phán quyết năm 2004 đối với vụ Sosa v Alvarez-Machain, Tòa tuyên rằng Luật ATS trao cho tòa án liên bang thẩm quyền đối với các đơn kiện dựa trên các tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế. Nói cách khác, Tòa án Tối cao đã bật đèn xanh cho việc sử dụng Luật ATS như một công cụ yêu cầu bồi thường đối với các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.[8]

Trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm nhân quyền
Tại các quốc gia thường xuyên có xung đột vũ trang hoặc bị cai trị bởi các chế độ độc tài toàn trị, việc miễn trách nhiệm đối với vi phạm nhân quyền hàng ngày có thể nói là một bất hạnh đối với người dân thấp cổ bé họng. Hệ thống tư pháp ở những nơi đó luôn thỏa hiệp hoặc bị giới cầm quyền tác động nhằm ngăn cản khởi tố hình sự những hành vi phạm tội như vậy, bởi trong hầu hết các trường hợp, thủ phạm vẫn đang đương chức.

Một yếu tố khác có thể ngăn cản nạn nhân và thân nhân họ đòi bồi thường là thủ phạm có thể đã cao chạy xa bay khỏi đất nước đó. Hàng ngàn kẻ vi phạm nhân quyền như thế đã và đang trú ẩn an toàn tại Hoa Kỳ. Đối với những người tị nạn và người sống sót đang cố gắng xây dựng lại cuộc sống của mình tại Hoa Kỳ, họ có thể bị tổn thương sâu sắc khi tiếp tục nhìn thấy thủ phạm đang sống mà không bị trừng phạt. Do đó, Luật ATS cung cấp một công cụ vạch trần những kẻ vi phạm nhân quyền và không cho chúng sống an nhàn sau bao tội ác gây ra.

Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hành vi đồng lõa
Bắt đầu vào giữa những năm 1990, một loạt các vụ kiện mới theo Luật ATS đã diễn ra nhằm mục đích buộc các tập đoàn đa quốc gia chịu trách nhiệm về hành vi đồng lõa trong các vụ vi phạm nhân quyền.[9]  Mặc dù một bộ phận trong cộng đồng doanh nghiệp đã phản đối dữ dội và do đó dấy lên các chỉ trích nảy lửa về việc áp dụng Luật ATS, nhưng những nỗ lực để bãi bỏ hoặc làm suy yếu đạo luật này đã thất bại. Kể từ năm 2009, hai vụ kiện về trách nhiệm doanh nghiệp, Doe v. Unocal và Wiwa v. Shell, đã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống án lệ, dẫn đến các thỏa thuận bồi thường khổng lồ cho những người sống sót và cộng đồng của họ.[10]

Những vụ người dân chết trong đồn công an với nhiều thương tích trên cơ sở xảy ra thường xuyên. Ảnh: Tễu Blog.

Khởi kiện để làm gì?

Cần lưu ý, các vụ kiện theo Luật ATS không tiến hành theo thủ tục tố tụng hình sự.[11] Do đó, bị đơn không nhất thiết phải bị giam cầm, trừ trường hợp cảnh sát hoặc tòa án phát hiện bị đơn đã thực hiện các hành vi khác vi phạm luật pháp Hoa Kỳ. Chẳng hạn, trong vụ Filartiga, tay cựu viên chức cảnh sát Paraguay bị bắt giữ vì visa nhập cảnh Mỹ quá hạn.

Tố quyền theo Luật ATS được thực hiện nhằm mục đích khởi động các vụ kiện dân sự mà kết quả là một phán quyết buộc bồi thường thiệt hại bằng tiền cho nguyên đơn.[12] Tuy nhiên, những vụ kiện này luôn thể hiện tầm quan trọng vì nhiều lý do khác, như nêu dưới đây, chứ không đơn thuần vì khoản tiền bồi thường mà nguyên đơn đạt được.

Sự thật lên tiếng
Những vụ kiện này mang đến cho các nguyên đơn cơ hội kể câu chuyện của mình và câu chuyện của nạn nhân đã khuất trong các vụ vi phạm nhân quyền. Sự thật có dịp lên tiếng để toàn thế giới thấy rõ bộ mặt phi nhân của các chế độ độc tài.

Chấm dứt bất công
Nhiều người sống sót và thân nhân của nạn nhân đã chết muốn đòi lại công lý và không cho phép thủ phạm sống an nhiên không bị trừng phạt như ở quê nhà của họ. Do đó, các vụ kiện này có thể được sử dụng như phương tiện trừng phạt và vạch trần hành vi của kẻ thủ ác trước một tòa án và đưa ra các bằng chứng về hành vi vi phạm trong quá khứ vào hồ sơ lưu trữ công khai.

Hơn nữa, một số vụ kiện theo Luật ATS còn khiến thủ phạm bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Đồng thời, sau khi bị trục xuất, bằng chứng tại phiên tòa có thể được dùng để truy theo kẻ thủ ác đến tận quê nhà của chúng trong tương lai nhằm hỗ trợ thủ tục truy tố và xét xử hình sự.

Từ chối nơi trú ẩn an toàn
Các vụ kiện theo Luật ATS gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các viên chức chính quyền, bao gồm các sĩ quan quân đội và công an, rằng không ai có quyền đứng trên pháp luật, bất kể đó là luật pháp nước của họ. Họ phải hiểu rằng Hoa Kỳ không bao giờ cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.

Điều kiện để khởi kiện

Bị đơn hay thủ phạm phải hiện diện tại Hoa Kỳ
Để khởi kiện một cá nhân viên chức chính quyền nước ngoài và buộc cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp về các vi phạm nhân quyền, cá nhân đó phải có thể đích thân tham gia vào vụ kiện lúc đang có mặt ở Hoa Kỳ. Nói cách khác, thủ phạm phải sống hoặc đang đến thăm Hoa Kỳ.[13]

Viên chức vi phạm nhân quyền trong khi thi hành công vụ
Để có thể khởi kiện theo Luật ATS, các vi phạm phải do viên chức chính quyền, bao gồm các sĩ quan quân đội và công an, thực hiện trong khi thi hành công vụ hay đang thực thi chức trách công quyền của họ.[14] 

Bị đơn doanh nghiệp
Có thể kiện các doanh nghiệp đồng lõa trong các vụ vi phạm nhân quyền, miễn doanh nghiệp đó có địa chỉ liên lạc ở Hoa Kỳ và đã hành động hoặc phối hợp với một cơ quan nhà nước hoặc viên chức chính quyền có liên quan đến các vi phạm.[15]

Nguyên thủ quốc gia và viên chức ngoại giao
Theo[16] Tuy nhiên, một khi họ thôi chức, các nguyên thủ quốc gia và viên chức chính quyền khác sẽ trở thành đối tượng của các vụ kiện dân sự ngay cả đối với những vi phạm nhân quyền mà họ đã thực hiện trong khi đang tại chức.[17]

Hành vi có thể bị kiện bao gồm tra tấn, giết người và vi phạm nhân quyền khác
Theo Luật ATS, hành vi có thể bị kiện là mọi vi phạm nhân quyền. Điều thú vị ở đây là tố quyền theo Luật ATS cho phép người không phải công dân Hoa Kỳ lại có quyền khởi kiện rộng rãi hơn một công dân Hoa Kỳ. Theo Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Tra tấn (TVPA), công dân Hoa Kỳ chỉ có thể khởi kiện hai loại vi phạm là tra tấn và giết người phi pháp thực hiện ở Mỹ hoặc ở nước ngoài.[18]

Trong khi đó, người không phải công dân Hoa Kỳ lại có quyền khởi kiện theo Luật ATS đối với các hành vi vi phạm thuộc phạm vi rộng hơn, bao gồm tra tấn; giết người phi pháp; bắt cóc hoặc giam giữ bí mật; tội ác chống nhân loại; đối xử tàn bạo, phi nhân hoặc hạ nhục; giam giữ tùy tiện kéo dài; diệt chủng; tội ác chiến tranh; nô lệ; và bạo lực tình dục và hiếp dâm có sự tiếp tay của nhà nước.[19]


Người Việt đang sống trong một xã hội mà quyền làm người không được tôn trọng và thậm chí bị nhà cầm quyền vi phạm. Thân thể và tự do của con người có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào nếu nhà cầm quyền muốn. Môi trường sống bị đe dọa bởi các doanh nghiệp chỉ biết kiếm tiền bất chấp quyền được sinh sống một cách lành mạnh của dân cư xung quanh, do nhận được sự bảo trợ và tiếp tay từ các quan chức chính quyền hoặc, nghiêm trọng hơn, từ chính bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, khi quyền làm người bị xâm phạm, người Việt có thể đòi công lý ở các tòa án tại nước mình hay không? Câu trả lời đáng buồn là không. Nguyên nhân là vì hệ thống tư pháp quốc gia bị đảng cầm quyền thao túng, khiến nó không thể mang đến công lý cho đại đa số người Việt Nam một cách độc lập và sáng suốt. Nó được thiết lập để phục dịch công lý cho đảng cầm quyền, chứ không nhằm xiển dương công lý cho toàn xã hội.

Đó là lý do vì sao cần đi tìm công lý ở nơi khác và bằng một công cụ pháp lý hữu hiệu. Với mục tiêu như vậy, bài viết này đã cố gắng giới thiệu sơ lược cho mọi người một công cụ pháp lý bảo vệ nhân quyền đáng tin cậy trước tòa án Mỹ, mà tôi tin chắc có thể giúp những ai không phải là công dân Mỹ chạm được vào cánh cửa công đường của vị Bao Công hiện đại, giữa tình cảnh cánh cửa công lý chật hẹp trên quê hương Việt Nam đã khép chặt từ lâu. Công cụ đó chính là Đạo luật Trách nhiệm Dân sự phạm của Người nước ngoài như được giới thiệu ở trên.

------------------------
Tài liệu tham khảo:


[2] [3] [8] [17] Xem Anthony J. Bellia Jr và Bradford R. Clark, “The Alien Tort Statute and the Law of Nations” (2011), The University of Chicago Law Review, Volume 78, Issue 2.


[5] [6] [10] [16] [18] Xem Beth Stephens, “The Curious History of the Alien Tort Statute” (2014), Notre Dame Law Review, Volume 89, Issue 4.








No comments:

Post a Comment

View My Stats