Thursday, 16 August 2018

HƠN 350 TỜ BÁO MỸ CHỐNG 'CUỘC CHIẾN BẨN THỈU' CỦA ÔNG TRUMP (tin tổng hợp)




BBC Tiếng Việt
16/08/2018

Hơn 300 cơ quan báo chí vừa có chiến dịch phản ứng lại các cuộc tấn công của Tổng thống Donald Trump và để cổ súy cho tự do báo chí.

Tờ Boston Globe hồi tuần trước kêu gọi các báo đoàn kết. AFP

Tờ The Boston Globe ra lời kêu gọi hồi tuần trước, theo đó muốn cả nước lên án "cuộc chiến bẩn thỉu" của tổng thống chống lại truyền thông, với việc sử dụng hashtag #EnemyOfNone (Không phải là kẻ thù của bất kỳ ai).


Ông Trump đã chế giễu những tường thuật trên báo chí là "tin giả" và công kích các phóng viên là "kẻ thù của nhân dân".
Các chuyên gia của Liên hiệp quốc nói điều này làm dấy lên nguy cơ bạo lực chống lại các phóng viên.

Báo The Boston Globe cam kết viết bài xã luận "về những mối hiểm nguy về việc chính quyền tấn công báo chí" vào hôm 16/8, và đề nghị các báo khác hãy làm điều tương tự.
Lời kêu gọi đã nhận được những phản ứng tích cực, với từ 100 cơ quan báo chí lúc ban đầu đã tăng lên thành có gần 350 báo, trong đó có các tờ báo lớn, tầm cỡ quốc gia của Mỹ, và các báo địa phương, nhỏ hơn, ủng hộ, bên cạnh các báo quốc tế lớn như tờ The Guardian của Anh.

Tổng thống Trump bị cáo buộc làm tăng nguy cơ tấn công bạo lực đối với giới phóng viên.  AFP/GETTY

Các báo nói gì?

  • Bắt đầu từ chính Boston Globe, bài xã luận của báo này với tiêu đề Journalists Are Not The Enemy (Phóng Viên Không Phải Là Kẻ Thù) nói rằng tự do báo chí là một nguyên tắc cốt lõi của Hoa Kỳ từ hơn 200 năm qua

  • Tờ New York Times chọn tiêu đề A Free Press Needs You (Một Nền Báo Chí Tự Do Cần Các Bạn), gọi các cuộc tấn công của ông Trump là "nguy hiểm cho huyết mạch sống còn của nền dân chủ"

  • Tờ New York Post - tờ báo hiếm khi nghiêng về cánh tả - đáp lời kêu gọi của tờ Globe bằng việc đặt câu hỏi "Chúng ta không đồng ý với ai?", và nói thêm: "Thật là bực bội khi phải tranh luận rằng việc chúng ta đăng những sự thật không lấy gì làm dễ chịu không có nghĩa là chúng ta đăng tin giả, và việc làm phóng viên không có nghĩa là chúng ta dự thi trong cuộc đua mức độ được yêu mến. Tất cả những gì chúng ta làm là tường thuật"

  • Tờ Philadelphia Inquirer nói thành phố Philadelphia là nơi sinh ra nền dân chủ Mỹ, và viết: "Nếu như báo chí không được tự do, nếu như báo chí bị trả đũa, trừng phạt hay bị nghi ngờ về việc đưa ra những quan điểm hay những thông tin không được ưa chuộng, thì cả đất nước cũng sẽ trở nên như vậy. Và cả nhân dân của đất nước đó nữa"

  • Các cây bút bình luận trên McClatchy ra bài xã luận cho 30 tờ nhật báo mà họ quản lý, trong đó có tờ Miami Herald, nói rằng các báo hiếm khi có chung một tiếng nói, nhưng nay các báo đang làm vậy. Bài xã luận viết rằng "kẻ thù của nhân dân" là "điều mà Phát xít Đức gọi là Do Thái. Đó là cách mà những người chỉ trích Joseph Stalin bị dán nhãn vào để bị đưa đi hành hình"

Một tờ báo khá cũng tham gia chiến dịch này là Topeka Capital-Journal viết về cuộc tấn công của ông Trump lên truyền thông rằng: "Đó là sự ác độc. Là sự hủy hoại. Và điều đó cần phải chấm dứt ngay lúc này." Báo này là một trong số ít các báo đã ủng hộ ông Trump hồi 2016.

Thực tế là ông Trump đã giành chiến thắng khi không nhận được hậu thuẫn của truyền thông khiến người ta nghi ngờ rằng liệu chiến dịch này của Globe có thực sự làm suy giảm sự ủng hộ dành cho ông hay không.

Cũng đã có một số tiếng nói không đồng tình với chiến dịch của Globe.

Tom Tradup thuộc trang mạng bảo thủ Townhall.com gọi chiến dịch của Globe là "nỗ lực thống thiết nhằm tỏ ra rằng họ vẫn có liên quan".

Wall Street Journal không tham gia chiến dịch.

Người dân Mỹ nghĩ gì?

Một kết quả thăm dò dư luận được Đại học Quinnipiac công bố hôm thứ Ba cho thấy 51% cử tri theo đảng Cộng hòa nay tin rằng truyền thông là "kẻ thù của nhân dân thay vì là một phần quan trọng của nền dân chủ", và 52% ủng hộ viên của đảng Cộng hòa được hỏi không thấy quan ngại về việc lời chỉ trích của ông Trump có thể dẫn đến tình trạng bạo lực chống lại giới phóng viên.

Trong số toàn bộ cử tri, có 65% tin rằng tin tức thời sự là một phần quan trọng trong nền dân chủ, kết quả thăm dò cho thấy.

Một cuộc thăm dò dư luận do Ipsos thực hiện, cũng trong tháng này, cho ra kết quả tương tự.

Thêm nữa, cuộc thăm dò này cho thấy 23% thành viên Cộng hòa, và chừng một phần tám cử tri Mỹ nói chung tin rằng ông Trump cần phải đóng cửa các hãng truyền thông chính thống lớn như CNN, Washington Post và New York Times.

-----------------------------------

Đăng ngày 16-08-2018

Vào hôm nay, 16/08/2018, đã có đến hơn 350 tờ báo Mỹ lớn nhỏ - kể cả tại những địa phương bầu cho ông Trump năm 2016 - đăng xã luận tố cáo điều được gọi là « cuộc chiến dơ bẩn chống nền báo chí tự do » mà tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến hành, đặc biệt là lập luận « fake news » được ông dùng để gán cho những bài phê phán ông, và nhận định « báo chí là kẻ thù của nhân dân » thường xuyên được ông nêu lên.

Đây là sáng kiến do Marjorie Pritchard, nữ ký giả phụ trách trang « Tranh luận » trên tờ báo lớn The Boston Globe đề ra. Đối với bà Pritchard, báo chí không thể ngồi yên chịu trận trước những đòn tấn công « nguy hại » của người đứng đầu nước Mỹ, do đó cần phải có một hành động chung - cụ thể là đăng một bài xã luận - để xác định rằng báo chí không phải là kẻ thù của nhân dân như ông Trump thường nêu.

Những bài xã luận sẽ không rập khuôn nhau, từ ngữ có thể khác nhau, mỗi tờ báo vẫn giữ phong cách của mình, nhưng cùng một mục tiêu chung : tố cáo những đòn tấn công xuyên tạc đến từ ông Trump.

Trả lời hãng tin Mỹ AP, bà Pritchard giải thích : « Tôi hy vọng là việc này sẽ giúp độc giả thấy là một cuộc tấn công vào điều thứ nhất của Hiến Pháp (cho phép tự do ngôn luận) là không thể chấp nhận được. Chúng tôi là báo chí độc lập, tự do, đây là một trong những nguyên tắc thiêng liêng nhất ghi trong Hiến Pháp ».

Bài xã luận trên tờ Boston Globe hôm nay chẳng hạn đã tố cáo tổng thống Mỹ « tấn công liên tục vào nền báo chí tự do ». Đối với tờ báo « Sự vĩ đại của nước Mỹ phụ thuộc vào vai trò của một nền báo chí tự do để nói lên sự thật trước những kẻ mạnh… Việc chụp mũ báo chí là "kẻ thù của nhân dân" vừa không hợp với giá trị Mỹ, vừa nguy hiểm cho khối gắn kết công dân đã được người Mỹ chia sẻ trong hơn hai thế kỷ. »

Tờ New York Times thì công nhận rằng ai cũng có quyền chỉ trích các phương tiện truyền thông về những sự kiện bị xem nhẹ hay thổi phồng, thậm chí có yếu tố sai lạc. Thế nhưng, tờ báo đã cho rằng « Phóng viên và biên tập viên đều là con người, và đều có thể có sai lầm. Chỉnh sửa những sai sót đó chính là cốt lõi công việc của nhà báo… Thế nhưng nhấn mạnh rằng các sự thật mà bạn không thích là "tin thất thiệt" là một điều nguy hiểm đối với huyết mạch của nền dân chủ. Và gọi các nhà báo là "kẻ thù của nhân dân" là một điều nguy hiểm ! Chấm hết ! »

Tiếng nói bất đồng

Tuy nhiên, không phải là báo Mỹ nào cũng tham gia chiến dịch hôm nay. Bên cạnh những tờ bênh vực cho ông Trump, sự vắng mặt được chú ý nhiều nhất là của tờ báo lớn Wall Street Journal. Ngay khi ý tưởng về chiến dịch viết xã luận được gợi lên, nhật báo tài chánh này đã đánh giá là việc đăng « cùng những lời chỉ trích Trump vào cùng một thời điểm không phải là cách tốt nhất thuyết phục được các độc giả mới, vốn nằm trong thành phần ủng hộ ông Trump ».

Hôm nay, Wall Sreet Journal còn đi xa hơn khi cho rằng nỗ lực của tờ Boston Globe đi ngược lại tính độc lập mà các ban biên tập thường tôn vinh. James Freeman của tờ báo cho rằng ông Trump cũng có quyền tự do ngôn luận như các đối thủ của ông.

Một nữ phóng viên của đài CNN cũng tự hỏi về hiệu quả của việc làm này đối với những người đã mất tin tưởng vào báo chí.

------------------------

Gia Hưng – RFI
Đăng ngày 16-08-2018

Tổng thống Hoa Kỳ hôm qua, 15/08/18, đã đưa ra thông cáo tước đặc quyền tiếp nhận thông tin tuyệt mật của cựu giám đốc CIA John Brennan. Quyết định cho thấy chính quyền Donald Trump sẵn sàng trả đũa những người người lên tiếng chỉ trích.

Cựu giám đốc CIA John Brennan. Ảnh chụp tại một phiên điều trần ở Quốc Hội Mỹ, 23/05/2017.REUTERS/Kevin Lamarque

Trong thông cáo nói trên, ông Donald Trump cho rằng cựu giám đốc CIA đang dần trở nên «thất thường », với hàm ý ông Brennan không thể được tin tưởng giao phó tin tuyệt mật.

Trước đây, ông Trump đã từng đe dọa tám cựu quan chức cấp cao khác cũng có thể mất đi đặc quyền này. Tám quan chức này bao gồm cựu giám đốc FBI James Comey, cựu giám đốc Tình Báo Quốc Gia Mỹ James Clapper, và cựu giám đốc Cơ Quan An Ninh Quốc gia Michael Hayden. Những nhân vật này từng nhiều lần công khai chỉ trích ông Donald Trump kể từ khi ông nhận chức tổng thống. Họ bị cáo buộc dùng tin mật vì mục đích chính trị và làm giàu.

Ngay sau khi phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đưa tin này trước báo giới, ông Brennan đã viết trên trang mạng Twitter rằng đây là một động thái nhằm ngăn cản các tiếng nói chỉ trích cũng như quyền tự do ngôn luận của chính quyền Donald Trump. Ông John Brennan là người thường xuyên lên tiếng chỉ trích tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông John Brennan, người từng giữ chức vụ giám đốc CIA dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, sẽ mất đi quyền tiếp cận thông tin mật. Đây là quyền mà tất cả giám đốc các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ, sau nhiệm kỳ của mình, vẫn có, nhằm phục vụ hoạt động cố vấn cho những người kế nhiệm.










No comments:

Post a Comment

View My Stats