Sunday, 19 August 2018

CHƯA PHẢI LÀ CƠN BÃO CUỐI CÙNG (Thế Dũng & Văn Biển)




Thế Dũng và Văn Biển
20/08/2018

Vài câu hỏi phụ

Thế Dũng: Anh có thể kể vài “chuyện vui buồn” quanh kịch bản sân khấu và hai Đoàn kịch thể nghiệm của anh không?
Nhà văn Văn Biển: Như trên tôi đã nói, trong các loại hình nghệ thuật tôi chọn Sân khấu là nơi dấn thân, bày tỏ quan điểm, lập trường của mình. Khác với Đêm Stockhôn, ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp, đứng trong dàn đồng ca hợp xướng thời bấy giờ.
Một số kịch bản khác sau này dần manh nha những suy tư riêng, không theo truyền thống chung, vượt ra khỏi quỹ đạo hiện thực một nửa. (Mặt tốt được nhân lên, mặt xấu che đi). Sân khấu những thập niên trước có sức mạnh, sức lan tỏa nhanh chóng có hiệu quả ngay lập tức của nó.
Còn nhớ ở một nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, sau đêm diễn, khán giả ra về và biến thành cuộc biểu tình phản đối chính quyền lúc đó. Nó khác với các loại hình nghệ thuật khác. Cuốn sách dẫu hay tới mấy, người đọc có thể bỏ sách xuống làm việc khác. Còn sân khấu, mọi vấn đề dẫu lớn tới đâu chỉ gói gọn trong vài tiếng đồng hồ. Để gắn chặt khán giả trên ghế, kịch bản cần có mấy yếu tố. Chất thơ để tâm hồn người xem bay lên. Đồng thời phải có chất triết lý để tạo nên sức nặng, giữ người xem ở lại. Tất cả những điều đó phải nằm trong cốt truyện, trong tính cách nhân vật và đều được thể hiện qua đối thoại. Đối thoại bấy giờ như một trò chơi ảo thuật tung hứng đầy ấn tượng.


*
*
Văn Biển và Thế Dũng
19/08/2018

Thế Dũng: Ngay từ thời trai trẻ anh đã kiên quyết chỉ trở thành nhà văn nổi tiếng chứ không chịu trở thành Đảng viên dù là cháu ruột của một Thủ tướng nổi tiếng. Bạn bè hay gọi anh là nhà văn Hoàng thân vì anh là một trí thức văn nghệ sĩ thuộc hạng “con ông cháu cha”. Anh đã sống vắt qua hai thế kỷ, gần gũi với cõi thâm cung bí sử của Chính quyền Cộng sản Việt Nam.
Que diêm thứ Tám của anh làm tôi hình dung ra ngôi nhà mà định mệnh đã dành cho anh, cũng là ngôi nhà trái tim tan vỡ. Sự đau đớn của anh không giống sự đau đớn của Berna Sô. Nó giống như một cơn bão của tâm trí mà anh đã âm thầm tích tụ từ thời đại của mình. Sau ngót ba mươi năm từ lúc khởi bút khi viết đến dòng cuối cùng với tâm thế dứt ruột để cuốn sách ra đời anh đã khóc.
Hy vọng Que diêm thứ Tám chưa phải là cơn bão cuối cùng của Văn Biển. Anh nghĩ sao?
Nhà văn Văn Biển: … “Kiên quyết trở thành nhà văn nổi tiếng”. Bạn ơi, không bao giờ có chuyện đó đâu. Năm 25 tuổi vào làm ở Sở Địa chất. 9 năm sau chuyển sang Hội Sân khấu với kịch bản “Đêm Stockhôn” và truyện “Cô bê 20” là tấm chứng chỉ, hay tờ giấy thông hành vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu. Cho tới lúc nghỉ hưu, chưa qua chức tổ phó Công đoàn.
Mặc dầu là cháu ruột cụ Phạm Văn Đồng, lại được cụ cưng chiều và sống trong ngôi nhà riêng của chú 17 năm, cho tới nay cũng chỉ là anh thợ cày, mấy nhà phê bình “lớn” không mấy ai biết tên, biết tuổi. Có vài cuốn sách được Trung ương Đoàn khen là bằng chứng cao nhất về những trang viết cho lứa tuổi Thiếu nhi. Còn “hoàng thân, hoàng thích” là vài anh em quen biết họ gọi đùa cho vui, chứ anh em họ biết thằng Biển là ai, là thế nào rồi.


*
*
Văn Biển và Thế Dũng
17/08/2018

Thưa quý Tòa, các ngài đã đọc kỹ Que diêm thứ Tám chưa? Các ngài có thấy có một câu chữ nào tác giả phản bội Tổ Quốc, chống lại Nhân Dân. Các ngài chỉ ra, tôi xin chịu tội, không cần phải mất thì giờ các vị xét hỏi. Còn như kết tội chống Đảng, chống phá Nhà nước thì Đảng nên tự xem lại mình.

Thế Dũng: Tôi cho rằng dù được chuyển hóa từ một kịch bản sân khấu thì tiểu thuyết Que diêm thứ Tám đã được anh viết ra bằng bút pháp của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo phương Đông mang đậm sắc thái Việt? Chính bút pháp này đã làm cho cuốn sách vừa có không khí tiểu thuyết tâm lý xã hội, vừa có kích cỡ của một tiểu thuyết tư liệu lịch sử tỏ bày nhiều chuyện thâm cung. Anh nghĩ sao về cảm nhận của tôi?
Nhà văn Văn Biển: Câu này tôi đã trả lời phần nào ở những câu hỏi đầu. Ở đây tôi xin nói thêm, khi cầm bút chuyển từ kịch bản sân khấu sang tiểu thuyết, tôi không nghĩ tới sẽ dùng bút pháp gì. Đơn giản khởi đầu của kịch bản là một câu chuyện thuần túy ở cõi âm. Điều này không có gì mới ở văn học nước ta, đã có từ những thế kỷ trước. Nhưng khi chuyển sang tiểu thuyết thì những điều chưa nói được hay không thể nói được trong kịch bản thì khi chuyển sang tiểu thuyết có điều kiện để nói lên những chuyện trên trần thế, những nhân vật có thật ngoài đời, những nhân vật lịch sử đã mất hoặc còn đang sống. Vì lẽ đó, mới có những “chương viết thêm” ngoài những chuyện xảy ra ở cõi âm.
Cũng không dám gọi là sự sáng tạo khi trộn lẫn cả hư và thực. Gọi là một kho tư liệu như anh nói thì e hơi quá. Chỉ điểm qua một số nhân vật mình biết, nắm bắt được, những nhân vật quan trọng, tầm cỡ. Tôi không có tham vọng hay ý đồ nói về các chuyện thâm cung bí sử. Nếu cần thì đó là nội dung của một cuốn sách khác.


*
*
Văn Biển và Thế Dũng
13/08/2018

LTS: Chúng tôi nhận được bài viết của nhà văn Văn Biển gửi tới, liên quan tới bối cảnh và những rắc rối khi cho ra đời đứa con tinh thần của mình: “Que Diêm Thứ Tám“. Đây là phần đối thoại giữa nhà văn và Thế Dũng, nằm ở phần “Thay cho lời ngỏ gửi bạn đọc” trong quyển sách nói trên.

Do phần đối thoại này khá dài, nên nó sẽ được đăng thành nhiều kỳ để phục vụ độc giả.

***

Thế Dũng: Thưa anh từ tháng năm 1987, nhà văn Lê Phương, bạn thân của anh đã đề nghị tôi chuyển kịch bản sân khấu Que diêm thứ Tám của Văn Biển thành kịch bản điện ảnh trong thời gian 40 ngày tại Trại sáng tác của Xưởng phim truyện Việt Nam do Bộ Văn hóa tài trợ. Với tôi, đó là chuyện bất khả thi. Rốt cục, khi kết thúc Trại tôi đã nộp cho Lê Phương kịch bản điện ảnh Chuyện tình dở dang và Que diêm thứ Tám chỉ còn lại trong ký ức.
Ngót 30 năm sau, anh ủy thác cho tôi và Vipen bản thảo tiểu thuyết Que diêm thứ Tám để tôi có thể xuất bản nó tại Đức. Năm 2015, khi việc trình bày sách và thiết kế bìa cho Que diêm thứ Tám đã xong xuôi, chuẩn bị đưa vào nhà in, anh bỗng dưng đề nghị Vipen dừng lại việc xuất bản. Vì lý do cầu toàn theo tinh thần duy mỹ của Flobe hay do anh e ngại các con chữ của mình gặp tai nạn? Anh có thể chia xẻ sự cố này được không?
Sau này mỗi lần về nước, tôi đều hỏi thăm Que diêm thứ Tám, lần nào tôi cũng chứng kiến sự khắc khoải, day dứt của anh. Mãi đến bây giờ anh mới yên tâm để Que diêm thứ Tám bật sáng giữa đời vào lúc sắp 90 tuổi. Dù không phải do Vipen xuất bản ở Đức tôi vẫn chân thành mừng rỡ vì Que diêm thứ Tám không thể bật sáng chậm hơn nữa.
Anh nghĩ sao về sự muộn màng này?








No comments:

Post a Comment

View My Stats