15/08/2018
Kế
hoạch đổ 2,5 triệu khối bùn xuống vùng biển quanh Hòn La, Hòn Gió và Mũi Độc
thuộc tỉnh Quảng Bình đã được phê duyệt (1). So với kế hoạch đổ 1,1 triệu
khối bùn ở vùng biển Hòn Cau thuộc tỉnh Bình Thuận hồi giữa năm ngoái thì rõ
ràng thuận lợi hơn nhiều.
Công chúng, báo giới, các chuyên gia môi trường, hải
dương hẳn đã mệt mỏi nên thôi phân tích, chỉ trích. Giới đầu tư các nhà máy
phát điện bằng than, những viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương
cũng chỉ mong như vậy.
Tháng 8 năm ngoái, công chúng, báo giới, các chuyên
gia môi trường, hải dương từng tỏ ra hết sức hài lòng khi chính phủ Việt Nam
quyết định ngưng đổ 1,1 khối bùn xuống vùng biển Hòn Cau thuộc tỉnh Bình
Thuận (2). Tháng 6 năm nay, chuyện đem cả triệu tấn bùn đổ xuống
vùng biển Hòn Cau được nêu ra lần nữa, lần này gần như chắc chắn thành công vì
thiên hạ đã thôi nói ra, nói vào (3). Khu vực Vĩnh Tân, Tuy Phong,
Bình Thuận có tới bốn nhà máy dùng than phát điện nên cần cảng để bốc dỡ than.
Xây cảng thì phải nạo vét thường xuyên thành ra đâu chỉ có lần này mà sẽ còn
nhiều lần nữa và không chỉ có một cảng tiếp nhận than!
Tương tự, khu vực Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng
Bình cũng sẽ có hai nhà máy phát điện bằng than (Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2),
cách đó khoảng 250 cây số, khu vực Quỳnh Lập, Hoàng Mai, Nghệ An là hai nhà máy
phát điện bằng than khác (Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2), thành ra vùng biển phía
Bắc miền Trung sẽ tiếp nhận không chỉ 2,5 triệu khối bùn để làm cảng cho Nhà
máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1. Chưa kể từ nay đến 2030, sẽ có thêm chừng… 30 nhà
máy phát điện bằng than mọc lên dọc bờ biển Việt Nam, không đem bùn đổ ra biển
thì đổ đi đâu? Chấp nhận các nhà máy nhiệt điện bằng than thì phải chấp nhận
cho chủ đầu tư xây dựng cảng tiếp nhận than, chấp nhận moi bùn, đem ra biển đổ
hết triệu tấn này đến triệu tấn khác, từ thập niên này qua thập niên khác. Vậy
thôi.
Đem bùn đổ ra biển có nguy hại cho môi sinh, môi
trường, nguồn lợi tự nhiên từ biển, đe dọa sinh kế cho hàng triệu người dựa vào
biển để sống không? Câu trả lời là có, khác biệt chỉ ở mức độ. Biết thế nên cực
chẳng đã, thiên hạ mới đem bùn ra biển đổ sau khi đã khảo sát, tính toán cẩn
thận để hạn chế tối đa tác động bất lợi của quyết định này còn ở Việt Nam thì
chủ động moi bùn đưa ra biển đổ. Cho phép xây dựng nhà máy phát điện bằng than
với mật độ dày như vậy (57 nhà máy) thì có khác gì khuyến khích tình trạng bạ
đâu đổ đó suốt từ Bắc vào Nam? Phát triển nhà máy phát điện bằng than đâu chỉ
hủy diệt biển bằng phong trào moi bùn đem ra biển đổ. Trong quá trình vận hành,
hệ thống nhà máy phát điện bằng than sẽ ngốn một nguồn nước khổng lồ, ngoài
chuyện làm nguồn nước vốn bắt đầu thiếu trở thành khan hiếm, hệ thống nhà máy
này còn thải ra hàng trăm triệu khối nước nóng 40oC nên có thể soạn điếu văn
cho hệ sinh thái dưới nước ở những khu vực đó ngay từ bây giờ.
Sinh vật dưới biển coi như đã xong, sinh vật trên
đất liền, kể cả con người cũng khó mà sống. Đủ loại chuyên gia từ y tế, môi
trường, đến năng lượng, kinh tế đã cũng như đang cảnh báo, đốt than để tạo điện
mỗi năm sẽ thải vào không khí vài chục triệu tấn tro và một lượng cực lớn các
chất nguy hiểm (dioxit lưu huỳnh - SO2, oxit nitơ - NOx, carbon dioxit - CO2,
thủy ngân, thạch tín,...), những chất này sẽ phá hủy hệ thần kinh, hệ tuần
hoàn, hệ hô hấp, tăng nguy cơ bị ung thư phổi, đột qụi, mắc các bệnh về tim
mạch, bệnh mãn tính hoặc bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp... chưa kể các loại
khí sunfat và nitrat còn gây ra mưa acid, hủy hoại những dòng suối, những cánh
rừng. Thông qua báo giới, các chuyên gia đã giới thiệu hàng loạt số liệu thống
kê mà ngay cả những người ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình cũng thấy lo (3) nhưng
các viên chức hữu trách ở Việt Nam thì không. Trước giờ, hệ thống công quyền
Việt Nam luôn tự hào về “đặc điểm riêng” của mình, dân chúng Việt Nam vốn tràn
đầy sự “lạc quan cách mạng” nên cũng chẳng bận tâm nhiều lắm đến chuyện thiên
hạ thi nhau loại bỏ các nhà máy phát điện bằng than.
Chết dần, chết mòn chưa phải là chết, chưa đáng lo,
kể cả khi một số cảnh báo cách nay chưa lâu đã ở ngay trước mặt. Tháng 8 năm
2016 - tại một hội nghị về môi trường, đại diện Bộ Xây dựng Việt Nam loan báo,
áp lực về xử lý tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy phát điện bằng than và các nhà
máy hóa chất càng ngày càng lớn. Mỗi năm, nhóm nhà máy này, đặc biệt là các nhà
máy phát điện bằng than thải ra khoảng 10 triệu tấn tro xỉ, thạch cao nhưng khả
năng xử lý chất thải của Việt Nam hiện chỉ vào khoảng 30%. Cũng vì vậy, lượng
tro xỉ, thạch cao chưa xử lý, đang tồn đọng đến thời điểm đó là 15 triệu tấn và
đến 2020 sẽ là 109 triệu tấn. Bây giờ, sau đúng hai năm, chỉ riêng tại Bình
Thuận, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đều vò đầu, bứt tóc vì
sắp hết chỗ chứa tro xỉ của 2/4 nhà máy phát điện bằng than ở Vĩnh Tân (4).
Hai năm trước, tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong
trung hạn – Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”, đại diện
Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo, mỗi năm, Việt Nam mất 5% GDP vì ô nhiễm môi
trường và nếu không cẩn thận thì sẽ mất 10% GDP/năm do ô nhiễm môi trường như
Trung Quốc. Theo các chuyên gia, dù chưa phải là một quốc gia công nghiệp nhưng
Việt Nam rất dễ qua mặt Trung Quốc ở khía cạnh ô nhiễm. Hai năm vừa qua, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam
không giảm và tăng dần theo sự phát triển của hệ thống nhà máy phát điện bằng
than. Thậm chí, do bị ám ảnh bởi ô nhiễm và trách nhiệm trước dân chúng
chúng đối với ô nhiễm, chính quyền một số địa phương như Long An quyết định
thay đổi kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện, chuyển từ phát điện bằng
than sang phát điện bằng khí hóa lỏng nhưng các viên chức hữu trách trong việc phát
triển nguồn điện tại Việt Nam buông tha (5).
***
Sau khi phát giác những tác hại khủng khiếp của các
nhà máy phát điện bằng than đối với môi sinh, môi trường, sức khỏe, tính mạng
con người, nhiều chuyên gia ví von nguồn điện từ đốt than là “điện bẩn”. “Điện
bẩn” có gì hấp dẫn tới mức mà những viên chức hữu trách ở Việt Nam tha thiết
như vậy? Không biết! Chỉ biết dẫu đã lên kế hoạch chia tay với “điện bẩn” trên
lãnh thổ của mình nhưng Trung Quốc rất nhiệt tình trong việc hỗ trợ phát triển
“điện bẩn” ở Việt Nam. Ngoài việc đầu tư trực tiếp vào một số nhà máy “điện
bẩn”, ví dụ khu vực Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận, Trung Quốc đang đon đả mời
chào vay vốn, dùng nhà thầu, thiết bị, công nghệ Trung Quốc để phát triển “điện
bẩn”.
Tuy bày ra kế hoạch phát triển hệ thống nhà máy phát
điện bằng than trên toàn Việt Nam qua cái gọi là “Tổng sơ đồ điện VII”song Tập
đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không đủ vốn, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam
(TKV) được chính phủ Việt Nam chỉ định tham gia thực hiện “Tổng sơ đồ điện VII”
cũng vậy.
Tháng 4 năm nay, báo chí Việt Nam cho biết, TKV đang
bàn bạc với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm vốn thực hiện hai
nhà máy phát điện bằng than (Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2) ở Hoàng Mai, Nghệ An do
TKV làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp trong nước có Geleximco liên kết với Hongkong
United (HUI) thành liên doanh Geleximco – HUI. Doanh nghiệp ngoài nước có KAIDI
(Trung Quốc), KOSPO (Nam Hàn), SAMTAN (Nam Hàn). Lúc đó, TKV nhấn mạnh: (1) Tập
đoàn này chủ trương lựa chọn cơ cấu vốn đầu tư theo phương thức TKV góp 36%,
KOSPO góp 34% và SAMTAN góp 30% . (2) TKV không đồng tình với giải pháp của
Liên danh Geleximco - HUI vì góp 75% đến 85% vốn, khiến TKV mất vai trò là bên
nắm giữ cổ phần chính, sai với chủ trương kêu gọi đầu tư. EVN cũng không đồng
tình vì chưa có qui định về việc áp dụng phương thức PPP (hợp tác công tư) cho
công trình điện (6).
Hai tháng sau, Bộ Công Thương Việt Nam đột nhiên đề
nghị Thủ tướng Việt Nam chấp thuận cho liên danh Geleximco – HUI góp 80% vốn
vào dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV chỉ góp 20%. Hai nhà đầu
tư Nam Hàn (KOSPO và SAMTAN) bị loại vì đòi chính phủ Việt Nam bảo lãnh cả vốn
vay lẫn hợp đồng mua bán điện. Có một điểm cần lưu ý là 80% vốn mà Liên danh
Geleximco – HUI góp vào dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 đến từ bốn
ngân hàng Trung Quốc do Ngân hàng Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu (7).
Phải nói thêm là Liên danh Geleximco – HUI chưa muốn ngừng tại đó, liên danh
này còn muốn góp từ 75% đến 80% vốn đầu tư vào các dự án nhà máy nhiệt điện
Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Hải Phòng 3,… Học phí trả cho những
bài kiểu như dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông tuy quá đắt vẫn không phát huy
tác dụng! Chết dần,
chết mòn không chỉ vì môi sinh, môi trường, về sức khỏe mà còn ở nhiều khía
cạnh khác!
-----------------
Chú thích
Chú thích
(5) https://www.thesaigontimes.vn/276540/tu-van-muon-long-an-dau-tu-dien-than-ly-le-co-thuyet-phuc.html
No comments:
Post a Comment