LS Ngô Ngọc Trai
Gửi tới BBC từ Hà Nội
12
tháng 8 2018
Hiện
nay các ban ngành của nhà nước Việt Nam đang thực hiện chính sách cải cách sắp
xếp lại tổ chức của Bộ Công an.
Trước
đây Bộ Công an có 6 Tổng cục gồm: Tổng cục An ninh (Tổng cục I), Tổng cục Cảnh
sát (Tổng cục II), Tổng cục Chính trị (Tổng cục III), Tổng cục Hậu cần - Kỹ
thuật (Tổng cục IV), Tổng cục Tình báo (Tổng cục V), Tổng cục Cảnh sát Thi hành
án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII).
Bây
giờ thực hiện theo chính sách cải tổ mới theo Nghị định 01 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an vừa được triển
khai, theo đó Bộ Công an sẽ không còn cấp tổng cục mà các đơn vị sẽ được sắp
xếp tinh gọn thành các đơn vị cấp Cục trực thuộc Bộ.
Theo
sắp xếp mới Bộ công an sẽ có hai Cục thực hiện việc quản lý giam giữ gồm Cục
Cảnh sát Quản lý Trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và Cục
Cảnh sát Quản lý Tạm giữ tạm giam, thi hành án hình sự tại cộng đồng;
Hai
cục này được hiểu là phần còn lại đảm nhiệm vai trò quản lý giam giữ của Tổng
cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) trước đây
nay đã bị bãi bỏ.
Nay
nhân dịp chương trình cải cách sắp xếp lại bộ máy ngành công an hiện nay, Chính
phủ nên thực hiện luôn một chương trình đã dự trù lâu nay là chuyển giao việc
quản lý giam giữ từ Bộ Công an sang cho Bộ Tư pháp.
Tức
là thay vì để hai cục thực hiện việc quản lý giam giữ nói trên trực thuộc Bộ
công an thì nên chuyển ngay sang cho Bộ tư pháp.
Việc
này nên làm ngay thay vì để một thời gian rồi sẽ vẫn phải làm, vì như thế sau
khi mọi thứ đã ổn định sẽ lại phải khởi động một chương trình cải cách sắp xếp
mới đối với Bộ công an trong vấn đề giam giữ.
Những điều đã làm
được
Ngày
02/6/2005 Bộ Chính trị Đảng cộng sản đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về
chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chính thức đặt nền móng cho các hoạt
động về cải cách nền tư pháp.
Nghị
quyết 49 đã nêu ra một loạt phương hướng đề án như Hoàn thiện các chế định bổ
trợ tư pháp, xã hội hóa các hoạt động công chứng và thừa phát lại, nội dung này
đã được thực hiện trên thực tế.
Hay
như nội dung "Nghiên cứu trình Quốc hội xem xét việc thành lập Ủy ban Tư
pháp của Quốc hội" cũng đã được thực hiện.
Nghị
quyết 49 cũng nêu "Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Cải cách tư
pháp. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch, các đề án và lộ
trình để cụ thể hóa các nhiệm vụ cải cách tư pháp hàng năm; theo dõi, kiểm tra,
đôn đốc việc thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp…". Nội dung này cũng đã
được thực hiện.
Đặc
biệt trong Nghị quyết 49 có đề ra mục tiêu như từng bước sửa đổi hoàn thiện
pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Nâng
cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất
cả các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp… thì
những mục tiêu này cơ bản đã được thực hiện.
Mục tiêu chưa thực
hiện
Nhưng
có một mục tiêu liên quan đến công tác giam giữ mà đến năm 2010 vẫn chưa được
thực hiện, không chỉ thế cho đến mãi hiện nay đây vẫn còn là một vấn đề tranh
cãi, đó là mục tiêu "Chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để
thực hiện việc chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án cho Bộ Tư
pháp".
Theo
nội dung này của Nghị quyết 49 thì công tác thi hành án sẽ được chuyển giao
sang cho Bộ Tư pháp quản lý. Thực hiện theo tinh thần này năm 2005 Bộ Tư pháp
khi đó đã đề xuất chuyển giao lực lượng quản lý trại giam từ Bộ Công an sang
cho Bộ Tư pháp.
Theo
ý kiến của Bộ Tư pháp khi đó thì qua khảo sát phần lớn các nước như Thái Lan,
Singapore, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc… đều giao cho Bộ Tư pháp quản lý
thi hành án hình sự và các trại giam để dân sự hóa hoạt động thi hành án hình
sự.
Theo
Bộ Tư pháp giải thích thì dân sự hóa - có nghĩa là lực lượng quản lý trại giam
sẽ không phải là lực lượng vũ trang. Lực lượng quản lý trại giam sẽ không trang
bị vũ khí "nóng", chỉ có một số công cụ hỗ trợ như dùi cui, roi điện…
Bộ
Tư pháp cũng cho rằng việc chuyển đổi nhằm bảo đảm sự khách quan, vì cơ quan
điều tra vừa có chức năng điều tra, lại vừa trực tiếp giam giữ họ thì không bảo
đảm khách quan.
Trước
những lo ngại xáo trộn, Bộ Tư pháp khi đó cho rằng việc chuyển đổi được thực
hiện theo nguyên tắc chuyển giao "trọn gói" toàn bộ nhân sự, tổ chức,
bộ máy thi hành án hình sự hiện có. Vì thế sẽ không tạo ra sự xáo trộn về tổ
chức và cán bộ cũng như về cơ sở vật chất và kỹ thuật.
Nhưng
đề xuất khi đó của Bộ tư pháp đã không được thực hiện.
Sau
đó 10 năm, vào năm 2015 khi thảo luận ban hành Luật thi hành tạm giữ, tạm giam
Ủy ban tư pháp của Quốc hội lại nêu lại đề xuất chuyển giao cơ quan quản lý
trại giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp.
Đề
xuất nhằm mong muốn tách bạch giữa các hoạt động giam giữ và điều tra để ngăn
ngừa giảm bớt các vấn đề bức cung nhục hình, bảo đảm quyền con người trong tố
tụng hình sự, nhưng một lần nữa đề xuất của Ủy ban Tư pháp đã không được chấp
nhận.
Cho
đến hiện nay chỉ có công tác thi hành án dân sự là được Bộ Tư pháp nắm giữ quản
lý, còn công tác thi hành án hình sự thì vẫn do Bộ Công an nắm giữ. Các trại
giam dành cho người thi hành án phạt tù, trại tạm giam dành cho người đang bị
điều tra truy tố xét xử vẫn do Bộ Công an quản lý.
Cũng
có nghĩa là suốt thời gian qua một nội dung quan trọng về cải cách tư pháp của
Nghị quyết 49 của Bộ chính trị năm 2005 đã không được thực hiện.
Đến
nay các ban ngành đang thực hiện chính sách cải cách sắp xếp lại Bộ Công an, đã
đến lúc thích hợp để thực hiện hoàn tất chủ trương mà trước sau gì cũng phải
thực hiện, đó là hoàn tất việc chuyển giao các Trại giam giữ sang cho Bộ Tư
pháp.
*Bài
phản ánh văn phong và quan điểm của riêng tác giả, luật sư sống và làm việc ở
Hà Nội.
No comments:
Post a Comment