Phạm Phú Khải
17/08/2018
Tôi là người theo xu hướng tự do. Có lẽ đó là giá
trị cao cả và tiền điều kiện để sống cho có nhân phẩm. Đây là kinh nghiệm của
chính mình và của bao người thuộc đủ mọi sắc tộc mà tôi có cơ hội làm việc. Khi
một người có đủ thứ, tiền tài danh vọng, mà không có tự do, thì cũng không trọn
vẹn. Tự do cho toàn xã hội, cho mọi công dân mà không phân biệt vì bất cứ lý do
nào. Không phải là loại tự do hoang dã, nhưng là tự do ràng buộc bởi hiến pháp
và pháp luật. Có tự do chưa hẳn sẽ mưu cầu được hạnh phúc, nhưng không có tự
do, nghĩa là bị áp bức và nhất là bị áp đặt về mặt tư tưởng, chẳng hạn, thì
không thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.
Có thể có người siêu phàm vượt qua được mọi chướng
ngại chung quanh để có hạnh phúc chăng, dù không có tự do. Nhưng đó là thiểu số
đếm trên đầu ngón tay. Có thể họ đã tôi luyện được “gần bùn mà chẳng hôi tanh
mùi bùn”. Có thể họ đã trở thành cao siêu và giác ngộ đến độ những cái khổ đau,
tội ác, xấu xa hay bất công chung quanh mình không ảnh hưởng đến cảm nhận hay
trí tuệ siêu việt của họ. Rất có thể họ có khả năng tách mình ra ngoài xã hội
để không bị ảnh hưởng và không cảm nhận được nỗi đau của đồng loại, của những
người chung quanh. Nhưng khoa học đã chứng minh con người là một động vật xã
hội. Chúng ta không thể tồn tại hay phát triển một cách ý nghĩa, trọn vẹn và
toàn diện nếu cô lập mình hoàn toàn. Một người chỉ có thể có hạnh phúc nếu họ
tự do được chọn thực hiện những gì họ có khả năng nhất và thích hợp nhất với
tài năng và lương tâm họ của họ. Tóm lại, tôi tin rằng tự do là điều kiện căn
bản cho hạnh phúc đích thực.
Để có tự do, mọi công dân trong xã hội cần phải hiểu
cái giá mà nhân loại đã trải qua, ngay cả khi họ đã có nó. Coi thường tự do thì
sẽ mất tự do. Xâm phạm quá nhiều vào quyền tự do của người khác sẽ dẫn đến mất
tự do của chính mình, nếu không bây giờ thì cũng sẽ xảy ra một ngày nào đó. Bao
nhiêu cuộc đấu tranh nhân danh tự do để lật đổ chính thể cai trị để rồi khi đã
nắm được quyền lực trong tay, những cá nhân và chính quyền này đã phản bội mọi
sự hứa hẹn trước đó. Các thể chế chính trị dân chủ non trẻ như Ba Lan, Tiệp
Khắc, Đài Loan, Đại Hàn, Thái Lan v.v…, nơi mà văn hoá dân chủ chưa thấm sâu vào
trong cách suy nghĩ và hành xử của cá nhân và tập thể, và nơi mà các định chế
nhà nước, từ chính trị đến xã hội và giáo dục, vẫn chưa đề cao sự trong sạch,
minh bạch và trách nhiệm, thì không có gì bảo đảm sự vững ổn của nền dân chủ
đó. Chỉ cần có những khó khăn của quốc gia về môi trường sống, về kinh tế, về
công ăn việc làm, chẳng hạn, thì sự hứa hẹn của một nhà dân tuý mị dân có thể
làm lung lây cái nền tảng dân chủ không vững chắc này.
Cho nên một trong những điều quan trọng, và là bài
học cần thiết cho Việt Nam trong tương lai, là chương trình giáo dục cho mọi
công dân. Ít nhất là từ trung học trở đi, tất cả đều phải học về văn hoá, lịch
sử, chính trị học, xã hội học, và nhân chủng học, của đất nước và của thế giới,
để hiểu về con người, các điểm tương đồng cũng như khác biệt, giữa cùng chủng
tộc và khác chủng tộc, về các tôn giáo và các nền văn minh khác nhau.
Học ở đây không phải là học thuộc lòng. Cái kiến
thức không quan trọng bằng cái tri thức. Bộ óc con người có khả năng trí nhớ
nhưng như thế không khác gì máy vi tính hiện nay. Máy vi tính có bộ nhớ hơn hẳn
con người. Với trí tuệ nhân tạo trong tương lai gần, máy siêu vi tính hay máy
tính lượng tử có khả năng vượt qua con người trên nhiều bình diện. Nếu con
người không chỉ biết nghĩ gì mà nghĩ như thế nào (not only what to think but
how to think) thì chúng ta sẽ tồn tại và sẽ tiếp tục phát triển khoa học kỹ
thuật và nền văn minh của mình trong các thập niên và các thế kỷ tới. Những gì
bất khả ngày hôm nay không có nghĩa vẫn như thế ngày mai. Bộ óc con người được
trang bị như thế để tồn tại, và chúng ta đều có khả năng thay đổi thói quen
tưởng chừng như bất di bất dịch.
Học thì phải biết phân tích, lý luận, biện luận và
tranh luận cho quan điểm của mình hay phản biện các quan điểm khác. Bậc đại học
là nơi để sinh viên trao dồi và phát huy cách suy nghĩ như thế nào về một vấn
đề nào đó. Còn đến đó chỉ để học về kiến thức thôi thì không những không thể có
được những khám phá gì mới mẻ mà còn mãi mãi chỉ là học trò của những người bạn
chung quanh.
Cái tư duy độc lập đó, được trang trị bởi cách suy
nghĩ phê phán và đa phương, là nền tảng căn bản nhưng quan trọng nhất của một
nền dân chủ vững ổn.
Chúng ta đã được nghe và đọc rất nhiều về lịch sử
lập quốc của Hoa Kỳ. Đọc lịch sử với các biến cố và kết cuộc vĩ đại, chúng ta
dễ dàng choáng ván rồi bỏ qua điều quan trọng. Đó là các nhà lập quốc đã nghĩ
gì, đã tranh luận như thế nào, đã vận động, thuyết phục và thoả hiệp nhau như
thế nào, để đưa đến Tuyên Ngôn Độc Lập rồi thống hợp 13 tiểu quốc/bang để thành
một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ với một hiến pháp và các quyền tự do trong tu chính
một đến mười kèm theo ngay sau đó.
Theo giáo sư chính trị học nổi tiếng Graham Allison,
người đã đặt tên “bẫy Thucydides”, thì các nhà lập quốc Hoa Kỳ hiểu rất rõ rằng
xây dựng một chính quyền mà trong đó các công dân tự do của mình có thể tự quản
trị là một đảm nhận nguy hiểm và bất định [1]. Trong những câu hỏi khó khăn
nhất mà họ phải đối diện là làm thế nào cấu tạo một chính quyền đủ mạnh để đảm
bảo các quyền công dân ngay trên nước mình, đồng thời bảo vệ họ từ những kẻ thù
bên ngoài, nhưng không quá mạnh đến độ nó lạm dụng sức mạnh của nó.
Giải pháp của họ không chỉ là sự phân chia quyền lực
(separation of power) của nhà nước thành các định chế/nhánh hành pháp, lập pháp
và tư pháp, mà còn là “các định chế phân lập chia sẻ quyền lực” (separated
institutions sharing power). Theo Richard Neustadt thì hiến pháp là một sự mời
gọi để đấu tranh nhau (invitation to struggle). Các tổng thống, thành viên quốc
hội (dân biểu và thượng nghị sĩ), thẩm phán và ngay cả các ký giả/nhà truyền
thông đã đấu tranh nhau kể từ đó và sẽ không bao giờ chấm dứt. Tiến trình này
không có nghĩa/được xem là tốt đẹp (not meant to be pretty). Thẩm phán tối cao
pháp viện của Hoa Kỳ Louise Brandeis đã giải thích với những người bực bội về
những sự chậm chạm, đình trệ và kể cả ngu xuẩn đối với những sự kiểm tra và cân
bằng này thỉnh thoảng đưa đến, rằng mục đích của các nhà lập quốc Hoa Kỳ là
“không phải để đề cao hiệu năng mà là để ngăn chặn sự áp dụng quyền lực một
cách tuỳ tiện”.
Cho nên ngay từ ban đầu, sự thử nghiệm của Hoa Kỳ
đối với nền tự trị luôn luôn là công việc tiếp diễn không ngừng. Nó đã đưa đến
thất bại không chỉ một lần, cuộc nội chiến. Thời Abraham Lincoln, ông từng đặt
câu hỏi: “có thể một quốc gia, hay bất cứ quốc gia nào được hình thành, … có
thể tồn tại lâu dài được chăng”. Nó không phải là một câu hỏi nghe cho vui.
Nhưng lập đi lập lại, và phần lớn rất kỳ diệu, Hoa Kỳ đã chứng minh khả năng
đổi mới và tái tạo. Allison biện luận rằng qua kinh nghiệm đau đớn này, điều
bắt buộc tái diễn đối với các lãnh đạo Hoa Kỳ là phải chứng minh được rằng chủ
nghĩa cấp tiến (liberalism) có thể tồn tại ít nhất tại một quốc gia.
Trump là một thách thức cực lớn không phải chỉ cho
nền trật tự thế giới hiện nay mà còn cho chính nền dân chủ tại Hoa Kỳ hôm nay.
Trump đặt vấn đề về tính chính đáng của các thẩm phán liên bang, không tỏ vẻ
tôn trọng Hiến pháp hay nền pháp trị, và nhất là tấn công vào truyền thông, vân
vân…
Trong nền dân chủ cấp tiến (liberal democracy), truyền
thông được xem là đại tứ quyền, ngoài tư pháp hành pháp và lập pháp. Không phải
truyền thông nào cũng nói sự thật. Thật ra, một cách tốt nhất (at best), truyền
thông nào cũng chỉ nói một hay nhiều phần sự thật, dù với thiện ý để đi tìm
hoặc phơi bày sự thật đi nữa. Họ đều có giới hạn, hoặc là vì khả năng, nhân sự
chuyên môn, quan điểm chính trị, hay vì tài lực v.v… Người đọc, do đó, cần phải
đọc với cặp mắt phê phán chứ không nên tin răm rắp những gì truyền thông, ngay
cả các cơ quan uy tín nhất đi nữa, nói/viết. Nhưng nếu truyền thông không được
tự do trong việc truyền tải thông tin và nhận định của họ thì quốc gia và xã
hội đó chắc chắn sẽ trở thành độc đoán và độc tài, không sớm thì muộn.
Winston Churchill xem việc than phiền về truyền
thông cũng chẳng khác gì than trách thuyền trên biển gặp phải sóng. Vậy mà
Trump không biết bao nhiêu lần gọi các cơ quan truyền thông không cùng quan
điểm với mình là “kẻ thù của người dân Mỹ”, và là “giả”, đủ mọi thứ giả [2].
Tin giả, chuyện giả, truyền thông giả, thăm dò ý kiến giả v.v… Tuy thế, tôi tin
rằng hiện tượng Trump đã hay sẽ làm cho Hoa Kỳ, nhất là giới ưu tú, thức tỉnh
để từ đó góp phần giúp Hoa Kỳ hồi phục và trở thành vĩ đại trở lại. Ít ra là
phục hồi và củng cố nền dân chủ đang có nhiều vấn đề hiện nay.
Những ai quan tâm đến tình hình Việt Nam, cho cuộc
vận động dân chủ hiện nay và cuộc xây dựng nền tảng dân chủ cho đất nước mai
sau, với tinh thần cầu tiến và khách quan, có thể học hỏi nhiều từ những đấu
tranh không ngừng giữa mọi thành phần xã hội và chính trị tại Hoa Kỳ. Chúng ta
cũng có thể học hỏi được rất nhiều từ công cuộc vận động dân chủ thành công lẫn
thất bại khắp nơi trong các thập niên qua. Và cũng có thể học được rất nhiều từ
các nhà lập quốc Hoa Kỳ, qua tư tưởng, chiến lược, chính sách và kế hoạch thời
đó. Đặc biệt là qua nỗ lực xây dựng các định chế nhà nước của họ. Đó là những
nỗ lực không ngừng, tái kiến thiết tái xây dựng và tái hoàn chỉnh. Bởi chỉ khi
nào chúng ta nghĩ một vấn đề gì đó đã hoàn chỉnh thì mới không còn cố gắng hoàn
chỉnh nó. Nhưng mọi sự do con người làm ra đều không hoàn chỉnh. Bản chất con
người là không hoàn hảo hay hoàn thiện. Mỗi thời đại lại có ý tưởng mới. Hiểu
được như thế chúng ta không kiêu ngạo và không an phận.
Mỗi thế hệ họ tự thấu hiểu và tự điều chỉnh lấy các
vấn đề xã hội và các thử thách đối diện. Để làm được việc đó, mỗi công dân
trong xã hội cần được trang bị kiến thức cần thiết và được khuyến khích tinh
thần chuẩn bị gánh vác những vai trò quan trọng cho cộng đồng và quốc gia, bằng
tư duy độc lập. Chỉ khi nào người dân, nhất là những người quan tâm đến các vấn
đề chung, hiểu thấu các vấn đề của quá khứ/lịch sử, của hiện tại, và có viễn
kiến, tầm nhìn cho tương lai, thì mới hy vọng xây dựng được những ước mơ lớn
cho chính mình và cho dân tộc mình.
(Úc Châu, 16/08/2018)
----------------------
Tài
liệu tham khảo:
1. Graham Allison, “The
Myth of the Liberal Order”, Foreign Affairs, Volume 97, Number 4,
July/August 2018; trang 124-133. Allison là người nghiên cứu về cái bẫy chết
người mà nhà sử học Hy Lạp Thucydides đã nhận diện và giải thích. Đó là sử trổi
dậy của Athen và mối lo sợ của Sparta đã làm cho chiến tranh hai bên không thể
tránh được. Xin đọc Graham Allison, “The Thucydides
Trap”, Foreign Policy, 9 June 2017. Allison nghiên cứu lịch sử 500 năm qua
và kết luận rằng trong 16 trường hợp tương tự như thế thì có đến 12 trường hợp
dẫn đến chiến tranh. Liệu chiến tranh có xảy ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ
không? Nếu thích thì có thể tìm hiểu thêm tác phẩm của ông “Destined for war”,
Houghtin Mifflin Harcourt, 2017.
2. Cleve R. Wootson Jr., “ ‘Not
the enemy of the people’: 70 news organizations will blast Trump’s attack on
the media”, The Washington Post, 12 August 2018.
No comments:
Post a Comment