20/08/2018
Con
người Kofi Annan đã cho thấy nhiều điều khiến không khỏi ngạc nhiên. Con người
đó sống và hành xử theo một châm ngôn của bộ tộc Fante xứ Ghana mình: “Se
eye ndzeye pa enum yi a, na eye barima” (Hãy thu thập đủ năm phẩm chất đức
hạnh, bạn mới trở thành người). Kofi Annan, vị tổng thư ký được mến mộ nhất lịch
sử Liên Hiệp Quốc, đã từ trần sáng thứ bảy 18-8-2018.
I.
Enyimnyam (Lòng tự trọng)
Một
câu chuyện từng để lại dấu ấn đậm trong Kofi Annan thời niên thiếu. “Hồi còn nhỏ”
– ông kể – “Tôi chứng kiến một cảnh trong văn phòng cha mình khiến tôi bị sốc.
Đang kiểm tra bộ sổ kế toán và cần biết thêm gì đó, cha cho gọi một viên quản
lý trẻ. Anh ta đang hút thuốc và vội vàng nhét mẩu thuốc cháy dở vào túi quần
vì cha tôi không hút thuốc và cũng không thích kẻ hút thuốc. Anh ấy đứng nói
chuyện, mẩu thuốc vẫn cháy, trong trạng thái lúng túng. Cuối cùng, anh ấy làm
xong công việc và đi ra. Tôi thật sự sốc, giận dữ hỏi: “Tại sao cha đối xử với
anh ta như vậy?”. Cha nhìn, và người đã cho tôi một bài học thật sự. Ông nói:
“Cha không làm thế. Ở đây có gạt tàn, anh ta đáng lý có thể dùng. Anh ta có thể
xin lỗi rồi quẳng điếu thuốc ra ngoài. Hoặc anh ta cứ tiếp tục hút. Nhưng anh
ta lại bỏ vào túi quần. Anh ta đáng ra không cần làm như vậy”. Cha nhìn tôi:
“Hôm nay, con thấy một chuyện mà con không bao giờ nên làm. Đừng luồn cúi quỵ lụy”.
Những
người tiền nhiệm ở ghế tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) – Kurt Waldheim, Javier
Perez de Cuellar, Boutros Boutros-Ghali – đều bị đánh giá là một nhóm già nua
chấp nhận trôi nổi theo tình thế. Tuy nhiên, Annan tỏ ra là người đem lại hy vọng,
ý tưởng và nhiệt huyết. Ông là con người của thế giới quốc tế hóa: sinh tại
Ghana, học ở Mỹ và châu Âu, từng làm việc hàng chục năm tại LHQ trước khi nhậm
chức Tổng thư ký năm 1997. Ở vai trò trên, Annan đã đưa LHQ vào những địa hạt mới
của đời sống toàn cầu.
Thế
giới trong mắt Kofi Annan không gì hơn là thế giới của những người có lòng tự
trọng. Một thế giới mà thành phần bạo động Sierra Leone có đủ lòng tự trọng để
không chặt tay bé gái mới chào đời. Một hành tinh mà Ấn Độ và Pakistan có đủ
lòng tự trọng để không tiêu diệt nhau, nơi vũ khí hóa học trở thành chuyện của
quá khứ, nơi người giàu đủ lòng tự trọng để cảm thấy ái ngại cho hàng triệu người
châu Phi sẽ chết vì AIDS trong hai thập niên nữa. Đó là cái thế giới mà Annan
mường tượng. Trong vài năm đầu ngồi ghế tổng thư ký LHQ, ông đã chỉnh đốn chính
sách kêu gọi các nước cùng bước vào bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào mà mạng sống
con người đang bị thiêu cháy bởi thù hận, bệnh tật và nghèo đói.
Ông
từng chứng kiến ở những nơi như Rwanda hay Bosnia có hàng ngàn người chết khi họ
chờ giúp đỡ. Bị gương mặt họ ám ảnh, ông quyết tâm hoàn thiện tổ chức mình để
những sai lầm như vậy không bao giờ xảy ra. Ông cũng quyết tâm đánh động thế giới,
để các nhà lãnh đạo ý thức trách nhiệm, không chỉ vì công dân tại chính nước
mình mà cho cả linh hồn toàn cầu. Ông tin rằng không có nguyên cớ gì – đặc biệt
là biên giới lãnh thổ – có thể biện minh cho đường lối can thiệp. Lập luận lỗi
thời rằng các nước có quyền làm bất cứ gì trong phạm vi lãnh thổ họ, theo
Annan, là vô nghĩa trong một thế giới không có biên giới về thông tin, giao
thông và liên lạc.
II.
Awerehyemu (Tự tin)
Người
chị Essie của Annan nhớ lại cảnh ngày xưa hồi cả nhà sau bữa ăn tối thường tụ tập
trong “phiên tòa” mà cha bà xét xử hành vi sai trái của đám trẻ. Bố Henry
Reginald Annan không quan tâm những lời thú nhận mà chỉ để ý đến cách ứng xử của
các con. Chúng có bịa chuyện không? Có lỗ thủng nào trong lập luận chúng không?
Chúng có lập cập hay lưỡng lự khi kể không? Riêng Annan, Essie nói, không bao
giờ lúng túng hay ngập ngừng.
21
tuổi, năm 1959, Annan sang Mỹ học kinh tế tại Đại học Macalester (St. Paul,
Minnesota). Một tấm ảnh ở giai đoạn này cho thấy cảnh hai cô gái đang choàng tấm
vải lên vai Annan. Cuộc đời Annan luôn dành cho ông tấm choàng như vậy, để bảo
vệ ông, vì nó là “tấm vải awerehyemu” (lòng tự tin). Ở đại học,
sinh viên nào cũng biết Annan. Không chỉ bởi ông là thanh niên da đen đẹp trai
đứng giữa đám hoa trắng miền Midwest mà bởi ông luôn tạo cho mình sự tự tin
hoàn hảo. Sự xuất hiện của ông với nét đặc thù bằng giọng nói êm nhẹ và từ ngữ
vần điệu như thơ càng khiến cái awerehyemu của ông hiện rõ.
“Thật tinh tế” – một nhà báo Pháp đã thốt lên, sau khi gặp Annan – “Từ ý tưởng,
quan điểm chính trị đến cả cách ăn mặc”. Cao, thẳng người, đường bệ, Annan đem
lại cái nhìn thiện cảm và đáng kính trọng, như một “giáo hoàng thế tục” – cách
nói của nhà báo William Shawcross. “Khi ông ấy đến gần, không có cách gì duy
trì rào cản nữa” – cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl nhận xét.
III.
Akokodur (Can đảm)
Trong
nhiều tình huống nguy hiểm, Annan lại tỉnh táo hơn bình thường – các tùy viên kể.
Những câu đùa nghe vui hơn và giọng ông hòa nhã hơn. Những người từng làm việc
chung hồi ông còn ở bộ phận gìn giữ hòa bình của LHQ cho biết, dù thời tiết xấu
như thế nào, đường đi nguy hiểm như thế nào và trại trú trống trải dễ bị bắn tỉa
như thế nào, Annan cũng luôn có mặt. Sự kết thúc Chiến tranh lạnh đã mang lại
những gánh nặng chết người mà LHQ không giải quyết nổi. Lính mũ nồi xanh thường
xuyên được yêu cầu lao vào hỗn loạn: Sierra Leone, Cộng hòa dân chủ Congo, Đông
Timor. Ông muốn LHQ có mặt bất cứ nơi nào đang cần, để tránh các thảm kịch như
tại Rwanda (nơi 800.000 người Tutsi bị dân Hutu giết), Srebrenica ở Bosnia (nơi
8.000 người Hồi giáo bị thảm sát).
IV.
Ehumbobor (Lòng trắc ẩn)
Trong
một chuyến kinh lý đến Đông Timor, Annan bị một người lao tới, khóc ròng và kể
lại những gì xảy ra. Tuy trễ giờ, ông vẫn nán lại với nạn nhân kia hơn một giờ.
Tại Kosovo, ông ngồi cầm tay một cụ bà 100 tuổi, nghe mỗi một câu lập đi lập lại:
“Tại sao chuyện như vậy lại xảy đến cho tôi ở ngần tuổi này?”… Luật sư Nane
Annan – phụ nữ mảnh mai tuyệt đẹp gốc Thụy Điển – đã yêu Annan chỉ sau vài
tháng, từ một lần chứng kiến lòng trắc ẩn của ông. “Chúng tôi đang dạo tại
Roosevelt Island (New York City) vào một đêm” – bà Nane Annan kể – “Kofi bỗng
thấy một bóng người quị xuống trong buồng điện thoại công cộng. Không trong tầm
mắt nên có thể với người khác thì họ đã không chú ý. Đó là một thanh niên đang
khóc. Kofi đến, hỏi và chăm chú nghe nỗi buồn của anh ta. Sau đó, chúng tôi tiếp
anh bạn trẻ này ở nhà một lần, rồi hai lần mỗi tuần, đến chỉ để tâm sự với
Kofi”… Nane (cháu nhà ngoại giao Thụy Điển Raoul Wallenberg, người từng cứu
hàng ngàn người Do Thái thời Thế chiến thứ hai) quen Kofi tại Geneva. Tiếng sét
đã nổ khi bà gặp Kofi tại buổi tiệc nhà người bạn. Cuộc hôn nhân của họ là lần
kết hôn thứ hai, với cả hai người (ông có một con trai và một con gái với vợ
trước). Cuộc sống hôn nhân lãng mạn của Nane và Kofi từng lan khắp New York.
V.
Gyedzi (Niềm tin)
Buổi
sáng, Annan dậy sớm. Ánh nắng bắt đầu rọi vào phòng ngủ. Còn nằm trên giường,
Annan đã cầu nguyện, và tự hỏi: Làm thế nào con người trở nên ác độc và người
ta phải làm gì? Bất ngờ, bản năng đạo đức tự thân nó không thể trả lời những
câu như thế. Bạn phải tự chủ, tìm hướng đi trong một thế giới không có lối vạch
sẵn. Bạn ngồi ngang cái ác hiểm độc. Bạn làm gì bây giờ? Nếu như không có niềm
tin!
No comments:
Post a Comment