Friday, 5 January 2018

VIỆT CỘNG CŨNG GÂY TỘI ÁC [VỤ THẢM SÁT NGƯỜI THƯỢNG Ở ĐẮC SƠN] (Heather Stur - The New York Times)



Heather Stur  -  The New York Times  
Posted on Tháng Một 5, 2018 by Phan Ba

Ngày 5 tháng 12 năm 1967, dưới sự che chở của đêm tối, một nhóm quân du kích Việt Cộng và quân đội Bắc Việt đã đốt cháy làng Đắk Sơn khi dân cư của nó còn đang ngủ. Những kẻ tấn công dùng súng phun lửa và lựu đạn, và họ có sẵn súng của họ cho những người cố trốn thoát. Người dân làng, tỉnh giấc nhìn thấy những mái nhà bằng rơm đang cháy rực lửa của họ, cố gắng chạy trốn, và nhiều người trong số họ, những người đã chạy được vào trong các đường hầm và hang động trước khi bị những viên đạn hạ gục, đều bị đốt cháy trong những ngọn lửa của các khẩu súng phun lửa hay bị chết ngạt trong hang động của họ. Khi buổi sáng đến, những người sống sót loạng choạng bước ra để xem xét thiệt hại, và họ đã tìm thấy hơn 200 xác chết, phần lớn là thân thể của phụ nữ và trẻ em. Nhiều dân làng khác mất tích, được cho là đã bị những kẻ tấn công bắt cóc mang đi.

Vụ thảm sát người Thượng ở Đắc Sơn (Bình Phước) ngày 5-12-1967

Đắk Sơn là một làng do chánh phủ kiểm soát ở tỉnh Phước Long, độ chừng 75 dặm về phía đông bắc của Sài Gòn, gần biên giới với Campuchia. 2000 người dân của nó là người Thượng, một bộ tộc thiểu số từ lâu đã chống lại sự xâm nhập của Việt Cộng vào Tây Nguyên. Khoảng 800 người Thượng tị nạn đã chạy trốn về Đắk Sơn từ những ngôi làng bị Việt Cộng chiếm, và vì vậy mà du kích đã quyết định lấy Đắk Sơn để làm gương đe dọa nhằm ngăn chận những đợt chạy trốn khác ra khỏi các vùng đất do Việt Cộng kiểm soát. Người Thượng cũng phục vụ trong các lực lượng quân đội địa phương được gọi là Địa phương quân và Nghĩa quân, hay “ruff-puff”, nhằm bảo đảm an ninh và bảo vệ làng mạc của họ chống lại sự xâm nhập của Việt Cộng. Quân đội Hoa Kỳ và Nam Việt Nam huấn luyện các lực lượng an ninh địa phương, khiến cho Việt Cộng càng coi khinh họ nhiều hơn. Theo một phóng viên của tạp chí Time viết về vụ thảm sát Đắk Sơn, du kích Việt Cộng hét lớn “Con của Mỹ!” khi họ tấn công vào làng.

Hiếm khi được đưa vào trong lịch sử đại cương của cuộc Chiến tranh Việt Nam, Thảm sát Đắk Sơn tượng trưng cho tình huống bề nào cũng thua thiệt của người dân làng bình thường tại Việt Nam. Thường dân Việt Nam bị bao vây mọi phía bởi bạo lực và đe dọa dùng bạo lực. Allan Lavelle, một phi công về hưu của Hải quân và Không quân Mỹ, làm việc cho U.S.A.I.D. tại Việt Nam như là giám đốc bộ phận về người tỵ nạn và nạn nhân chiến tranh trong vùng đất mà Đắk Sơn nằm trong đó. Ông viết trong một quyển hồi ký chưa được công bố rằng người Thượng dùng phần lớn thời gian của họ để nấp trong những đường hầm để tránh không bị bắt trong những chiến dịch quân sự của Việt Cộng và quân đội Nam Việt Nam. Vào ban đêm, quân đội Bắc Việt và cán bộ Việt Cộng quấy rối và đe dọa họ. Lavelle, qua đời năm 2008, so sánh tình huống của người Thượng ở Việt Nam với người Mỹ gốc Phi ở Mississippi trong những năm 1920. Khi tôi là nghiên cứu sinh của Fulbright tại Việt Nam trong những năm 2013 và 2014, người Việt bạn tôi ở nông thôn và những người quen của tôi xác nhận rằng nông dân phải đối mặt với quấy rối và bạo lực về ban ngày từ quân đội Nam Việt Nam và rồi một lần nữa về đêm từ Việt Cộng.

Lavelle ngồi trên chiếc trực thăng đến Đắk Sơn để thanh tra người tỵ nạn vào buổi sáng sau vụ thảm sát, và ông là một trong những người ngoài cuộc đầu tiên khảo sát hậu quả. Sau đó, ông đã dành nhiều tuần ở lại làng để giúp những người sống sót tìm xác và chôn người chết. Sự phân hủy đã nhanh chóng bắt đầu trong vùng nhiệt đới dầy đặc và ẩm ướt, Lavelle kể lại rằng ông phải dùng một cái khăn tay che mũi và miệng của mình để giảm bớt mùi hôi thối và để không phải hít phải ruồi. Nhiều tuần sau, ông đến những làng người Thượng khác trong vùng, và biết rằng những người dân làng này không nghe nói về vụ thảm sát Đắk Sơn. Nếu như mục tiêu của cuộc tấn công là làm cho người Thượng phải sợ hãi để ở lại trong lãnh thổ của Việt Cộng thì nó đã không thành công hoàn toàn. Vụ thảm sát thậm chí còn không làm nhụt ý chí của những người sống sót ở Đắk Sơn. Họ bắt đầu xây dựng lại gần như ngay lập tức.

Vụ thảm sát người Thượng ở Đắc Sơn (Bình Phước) ngày 5-12-1967

Khủng bố là một phần cốt lõi trong chiến lược của Việt Cộng. Sử gia Douglas Pike đã đưa ra lập luận này trong các nghiên cứu của ông về Việt Cộng, những cái dựa trên thời gian hơn mười năm sống ở Nam Việt Nam của ông như là nhân viên Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ. Pike, một cựu chiến binh của Đệ Nhị Thế Chiến tại chiến trường Thái Bình Dương, đã thu thập tài liệu về những hành động khủng bố của Việt Cộng, bao gồm cả vụ thảm sát hàng ngàn người dân thường ở Huế trong đợt tấn công Tết Mậu Thân. Một quả bom ô tô ở đây và một vụ nổ tại một ngôi chợ ở kia tưởng chừng như ngẫu nhiên nhưng thật ra chúng gây ấn tượng sai lầm về bản chất có tính toán, dựa trên lý trí của chánh sách khủng bố của Việt Cộng như là một chiến thuật chánh trong chiến lược tiến hành chiến tranh của họ.

Những kẻ khủng bố đã tiến hành nhiều vụ ám sát, đặt thuốc nổ và quẳng lựu đạn vào những chỗ đông người. Kỹ thuật viên lành nghề từ trụ sở chỉ huy tỉnh hay vùng đã chế tạo và kích nổ chất nổ và cung cấp lãnh đạo cho các tổ hoạt động. Việt Cộng chủ yếu nhắm vào làng mạc, đặc biệt là những thôn ấp mà họ cho rằng theo Sài Gòn, và mục đích của một cuộc tấn công thường là để gây rối loạn và sợ hãi hơn là giết một số lớn thường dân. Khi nhắm vào cá nhân ở vùng nông thôn, các du kích quân tập trung vào những người trưởng làng hay trưởng thôn ấp, nhân viên chánh phủ và những người tình nghi là “chỉ điểm” và “phản bội” khác, cũng như người nước ngoài, kể cả linh mục và các nhà truyền giáo khác, nhân viên cứu trợ nhân đạo và nhân viên của chánh phủ Mỹ.

Huyền thoại quanh hình ảnh của Việt Cộng như là một phong trào có tổ chức đã che đậy việc lập kế hoạch, huấn luyện và tính chuyên môn mà đã định hình và tiến hành  chiến lược khủng bố của họ. Các cán bộ hiểu rằng họ đi trên một con đường mỏng manh giữa gây ra sợ hãi trong dân thường và kích động căm thù. Lãnh đạo Việt Cộng cố làm cho những hoạt động khủng bố trông như không có liên quan đến cuộc đấu  tranh chánh trị của Mặt Trận. Những người nắm quyền thành lập “các tổ chức bí mật để phá hoại trong khu đô thị” nhằm để cho họ trông như “không có liên quan đến các tổ chức chánh trị”. Lãnh đạo Việt Cộng biết rằng phong trào của họ có thể mất uy tín nếu như người ta có thể thấy rõ những hoạt động cho một cuộc cách mạng bạo lực của họ.

Các nguồn tin của Việt Cộng đã bào chữa cho việc tiến hành khủng bố như là lựa chọn duy nhất mà họ đưa ra để chống lại “chánh sách chiến tranh và khủng bố của kẻ thù.” Không phải tất cả các cán bộ đều đồng ý với đường lối chánh thức; một số cho rằng một mình cuộc đấu  tranh chánh trị là có thể lật đổ được chánh quyền Sài Gòn, và khủng bố có thể mang lại tác động trái ngược với những gì mà Việt Cộng dự định. Một quyển sách tuyên truyền nhỏ giải thích rằng bạo lực là một thành phần cốt yếu trong công thức cách mạng. “Phương cách đúng đắn duy nhất để tổ chức các lực lượng cách mạng và chuẩn bị về mọi mặt nhằm đập tan guồng máy bạo lực của kẻ địch là sử dụng hình thức đấu tranh vũ trang thích hợp,” quyển sách giải thích. “Sự xuất hiện của hình thức đấu tranh mới này không chỉ đáp ứng một nhu cầu cấp bách mà còn là một hệ quả không thể tránh khỏi của phong trào cách mạng. Nó không mâu thuẫn với cuộc đấu tranh chánh trị mà bổ sung cho nó và mở đường cho cuộc đấu tranh chánh trị phát triển.” Niềm tin vào bản chất đã được định trước của cuộc cách mạng Cộng sản Việt Nam đã cho phép Việt Cộng bào chữa những hoạt động đấu tranh bạo lực của họ.

Thông qua khủng bố, Việt Cộng muốn gây sợ hãi trong người dân và làm mất ổn định hệ thống chánh trị Sài Gòn, phá hoại nỗ lực thiết lập xã hội dân chủ. Bạo lực kết hợp với rối loạn ở thủ đô và các khu thành thị khác, ở những nơi mà sinh viên, trí thức và nhà báo phản đối sự hoạt động chậm chạp của chánh phủ trong việc ban hành các thể chế chánh trị dân chủ và cho phép công dân bầu một chánh phủ dân sự. Giới quan chức Sài Gòn phản ứng lại các vụ khủng bố bằng cách bắt giam những nhà bất đồng chánh kiến và cho rằng bất cứ ai nói chống lại chánh phủ đều là một người Cộng sản. Về phần mình, việc đàn áp quyền tự do dân sự lại xác nhận lời quả quyết của Việt Cộng và những nhóm chống chánh phủ khác, cho rằng giới lãnh đạo Sài Gòn là độc tài. Nhiệm vụ của khủng bố đã thành công.

Vụ thảm sát người Thượng ở Đắc Sơn (Bình Phước) ngày 5-12-1967

Thường dân Việt Nam bị tấn công từ mọi hướng. Chánh quyền Sài Gòn và Đồng minh Hoa Kỳ đến với họ từ một hướng; từ một hướng khác là Hà Nội và Việt Cộng với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Nga. Cho tới nay, các nhà nghiên cứu về cuộc chiến này chưa cung cấp một tường trình đầy đủ về những sự kiện tương tự như vụ thảm sát Đắk Sơn. Đã quá lâu, việc tường thuật về lịch sử của cuộc xung đột này là một trò chơi có tổng số bằng không mà trong đó cuộc Chiến tranh Việt Nam là một nghiên cứu điển hình, cái đã tạo một phê bình sâu rộng trên thế giới về chánh sách đối ngoại và lần can thiệp của Mỹ. Quan điểm chánh thống của cuộc chiến nhấn mạnh đến các hành động của những nhà hoạch định chánh sách, các cơ quan quân sự và quân đội. Người Việt xuất hiện tương đối một chiều, như là những con rối tham nhũng do Bộ Ngoại giao kiểm soát, các nhà cách mạng được lãng mạn hóa hay một đám đông nông dân vô danh bị vướng giữa hai làn đạn. Sự chánh thống ít quan tâm đến cơ quan, chiến lược hay thế giới quan của Việt Nam và nó không màng đến sự đa dạng của các ý kiến ở Bắc và Nam Việt Nam về việc một nước Việt Nam độc lập cần phải trông giống như thế nào.

Các sử gia làm việc với những nguồn Việt Nam dẫn chúng ta đến việc xác định tính phức tạp của thái độ người Việt về tương lai của đất nước họ, các chánh sách có liên quan, ảnh hưởng của ý kiến quốc tế về cách thức cuộc xung đột diễn ra, và bản chất của bạo lực đối với thường dân người Việt. Câu hỏi ai có quyền quyết định tương lai của Việt Nam là một phần cơ bản của cuộc xung đột rộng lớn hơn mà các chánh phủ ở Sài Gòn và Hà Nội, Việt Cộng và người dân Việt cũng như người nước ngoài đủ mọi sắc màu chánh trị đều có liên quan đến.
Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, Nam Việt Nam, Bắc Việt Nam và Việt Cộng đều là đồng lõa trong việc bắt giam, tra tấn và giết chết người dân thường Việt Nam. Nghiên cứu kỹ lưỡng về bạo lực và khủng bố của Bắc Việt và Việt Cộng không buộc phải phủ bóng lên sự đổ máu và phá hoại mà người Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Nhận thức về việc đưa ra quyết định và hành động của người Việt, bao gồm cả bạo lực chống lại đồng bào người Việt, nhìn nhận lòng nhân đạo của người Việt và làm tăng sự tuyệt vọng đã thúc đẩy cảnh huynh đệ tương tàn trong cuộc đấu tranh cho tự do sau hơn một thế kỷ dưới ách thực dân.
Heather Stur

Phan Ba dịch từ: 
The Viet Cong Committed Atrocities, Too
HEATHER STUR
VIETNAM '67 DEC. 19, 2017

Heather Stur là giáo sư lịch sử tại Đại học Nam Mississippi và là thành viên tại Trung viên Nghiên cứ Chiến tranh và Xã hội Dale. Bà là đồng tác giả của sách “Integrating the U.S. Military: Race, Gender, and Sexual Orientation Since World War II” và là tác giả của quyển “Beyond Combat: Women and Gender in the Vietnam War Era”.

Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Việt Nam và trang Tài Liệu

-----------------------------------------

LIÊN QUAN :













No comments:

Post a Comment

View My Stats