Thursday, 18 January 2018

NGÔN TỪ CỦA TỔNG THỐNG CÓ THỂ CÒN QUAN TRỌNG HƠN LÀ HÀNH ĐỘNG (Lê Mạnh Hùng)



Lê Mạnh Hùng
January 17, 2018

Bình thường các vị tổng thống Mỹ đều rất cẩn thận trong việc sử dụng ngôn từ. Họ biết là họ lúc nào cũng bị báo chí theo dõi và tất cả những gì họ nói ra đều sẽ bị những đối thủ của họ dùng để chống lại họ.

Không phải là vì vậy mà họ không chửi thề hoặc là dùng những lời tục tĩu. Nhưng khi làm vậy là họ cố ý làm vì một mục đích nào đó. Chẳng hạn như Tổng Thống Lyndon Johnson nhiều khi gây gổ hoặc chửi thề với cá nhân một nhà lập pháp nào đó là vì ông muốn uốn người này theo ý của ông.

Thế nhưng những câu nói nảy lửa của Tổng Thống Trump hôm Thứ Năm, 11 Tháng Giêng, trong một cuộc gặp gỡ với các nhà lập pháp để tìm một thỏa hiệp khả dĩ về di dân là một vi phạm lớn về tiêu chuẩn ngôn ngữ của một vị tổng thống.

Khi miệt thị các quốc gia đang phát triển bằng một câu nói tục tĩu và từ chối không nhận di dân từ những nước này trong khi hoan nghênh di dân từ Na Uy, ông Trump đã dùng các ngôn từ này một cách chia rẽ (hôm Thứ Sáu, ông Trump phủ nhận việc dùng chữ tục tĩu này).

Sự kiện xảy ra phản ảnh rõ sự bất quan tâm của ông tổng thống với việc đoàn kết dân chúng bên ngoài cơ sở cử tri của ông hay là đối với thế giới.

Hầu hết các vị tổng thống đều cảm thấy có trách nhiệm phải với ra ngoài khối cử tri hạch nhân ủng hộ mình. Theo Brian Balogh, giáo sư sử học tại Viện Đại Học Virginia, là “một trong những công cụ mạnh nhất để đạt được một sự đoàn kết là ngôn ngữ. Sử dụng ngôn từ có sức hấp dẫn rộng rãi và tránh những từ ngữ miệt thị, làm người ta tức giận là điều then chốt để đạt mục đích đó.”

Nhưng ngay từ ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống của ông, ông Trump đã hành động khác. Ông có vẻ như tin tưởng rằng (và những ủng hộ viên của ông tin là vậy) việc nói thẳng những gì ông nghĩ là điều đã giúp ông thắng cử. Thành ra ông tiếp tục làm như vậy bất chấp những gì các môi trường truyền thông viết ra hoặc là những lời khuyên của các phụ tá.

Mặt trái của việc này là những người chống đối ông trở nên giận dữ chống lại ông vì những lời nói có khi còn nhiều hơn là những hành dộng. Một thí dụ là trong chiến dịch tranh cử 2016 là vụ cuốn băng “Access Hollywood.”

Những lời nói thô tục và thái độ khinh miệt diễn tả trong cuốn băng làm nhiều người tức giận hơn là những câu chuyên cụ thể của các phụ nữ đứng lên tố cáo họ bị ông Trump sách nhiễu tình dục. Đó cũng có thể là hệ quả của những  lời nói của ông Trump về di dân tuần này.

Các lời nói miệt thị của ông Trump đối với một số quốc gia đã tạo ra những giận dữ nhiều hơn là những thay đổi chính sách ảnh hưởng đến di dân từ những nước này. Theo ông David O’Connell, giáo sư chính trị học Viện Đại Học Dickinson College, Pennsylvania: “Cuộc tranh cãi này phản ảnh một sự chuyển biến trong văn hóa chính trị mà nay đối với nhiều người, ngôn từ có vẻ quan trọng hơn là hành động thay vì ngược lại.”

Vào lúc này hiện còn chưa rõ những gì đã xảy ra trong cuộc gặp gỡ của ông Trump với một nhóm các nhà lập pháp để thảo luận một thỏa hiệp về di dân. Các tin tức ban đầu cho biết là ông Trump đã nổ bùng ra khi ông thấy rằng thỏa hiệp đạt được bởi một nhóm lưỡng đảng các thượng nghị sĩ dành một số chỗ di dân hợp pháp cho Haiti, El Salvador và các quốc gia Phi Châu.

Ông Trump được nói là dùng một câu chửi thề tục tĩu để mô tả các quốc gia này và hỏi tại sao Hoa Kỳ lại muốn di dân từ Haiti và tự hỏi tại sao Hoa Kỳ lại không có thêm di dân từ các nước như Na Uy mà thủ tướng vừa viếng thăm Washington tuần này.

Sáng Thứ Sáu, 12 Tháng Giêng, sau khi dư luận ồn lên vì những lời nói này đã kéo dài trên 12 tiếng đồng hồ, ông Trump “tweet” một câu xin lỗi mơ hồ trong đó ông phủ nhận không nói lời nào miệt thị đối với Haiti và người di dân Haiti nhưng không nói gì thêm về phần còn lại của cuộc thảo luận.

Thượng Nghị Sĩ Richard Durbin (Dân Chủ-Illinois) là người có mặt tại cuộc gặp gỡ nhắc lại hôm Thứ Sáu rằng ông tổng thống đúng là có dùng một lời nói tục tằn và nói thêm rằng ông Trump “nói lên những lời nói đầy hận thù, dơ bẩn và kỳ thị chủng tộc.”

Theo các nhà chính trị học, chửi thề hoặc nói tục tĩu không phải là vấn đề. Các cuốn băng của ông Nixon đầy những lời nói tục. Barack Obama dùng một lời nói tục liên quan đến trâu bò để mô tả Mitt Romney trong một cuộc phòng vấn với tạp chí Rolling Stone. Và tổng thống Harry Truman đã có lần hoài nghi tổ tiên của Tướng Douglas MacArthur bằng những lời lẽ bộc trực.

Vấn đề là làm sao không phân chia dân Mỹ thành các tầng lớp khác nhau một cách không cần thiết và ít nhất cố gắng để nói với toàn thể mọi người dân trong nước. Tất cả những điều đó có thể gộp lại dưới cái gọi là sự chờ đợi rằng con người ngồi trong văn phòng Bầu Dục sẽ “hành dộng với tác phong một vị tổng thống” theo giải thích của Patrick Lawrence, giáo sư chính trị học Viện Đại Học Kansas tại Lawrence. Theo Giáo Sư Miller: “Về căn bản chúng ta  chờ đợi họ hành động tốt hơn và chững chạc hơn là chúng ta, những người dân thường.”

Đó là một trong những tiêu chuẩn hành động của tổng thống mà ông Trump bất cần. Những ủng hộ viên của ông có thể thích coi như là một bằng chứng rằng ông giống như họ. Nhưng đối với những người khác thì chúng có vẻ bẩn thỉu và tồi tệ. Các lời nói về di dân đặc biệt có tính cách kỳ thị chủng tộc. Ông Trump bác bỏ công dân của những nước da đen nghèo coi như là về căn bản không giá trị bằng công dân của những nước da trắng giàu có.

Về phương diện chính trị những lời nói này chưa chắc đã giúp cho ông Trump. Trong lúc những ủng hộ viên của ông có thể củng cố niềm tin vào ông, những người khác có thể sẽ bị dội. Trong khi đó, Florida, một tiểu bang then chốt cũng là nơi có một cộng đồng người Haiti lớn.

Trên phương diện quốc tế những lời nói này cũng có thể có ảnh hưởng. Haiti là một trong số 35 nước bỏ phiếu trắng trong cuộc thảo luận về Jerusalem tại Liên Hiệp Quốc cách đây mấy tuần và được coi như là một trong những nước then chốt ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ, còn Na Uy thì bỏ phiếu lên án lập trường của Mỹ. (Lê Mạnh Hùng)







No comments:

Post a Comment

View My Stats