Tuesday, 16 January 2018

MỸ BỊ CÔ LẬP VÌ "NGOẠI GIAO TỐI HẬU THƯ" CỦA DOANLD TRUMP (Minh Anh - RFI | ĐIỂM BÁO)



Minh Anh – RFI
Đăng ngày 16-01-2018

Tổng thống Mỹ đang thay đổi triệt để đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ, đi từ chỗ tìm kiếm đồng thuận sang áp đặt « tối hậu thư ». Nhà báo Renaud Girard trên mục ý kiến của Le Figaro ngày 16/01/2018 cảnh báo « Những tai hại của chủ nghĩa đơn phương hành động » này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ngày 10/01/2018. REUTERS/Carlos Barria

Đầu tiên hết tác giả nhận định : Khác với người tiền nhiệm, sau một năm lãnh đạo đất nước của chính quyền Donald Trump, nền ngoại giao Mỹ đã đi từ tiếp cận đa phương đối với các thách thức lớn trên thế giới sang cách tiếp cận đơn phương, gạt bỏ phương pháp ngoại giao đồng thuận để lựa chọn ngoại giao tối hậu thư.

Bằng chứng mới nhất là ngày 12/01/2018, tổng thống Donald Trump ra tối hậu thư cho ba cường quốc châu Âu (Anh, Pháp, Đức) có 120 ngày để « khắc phục những thiếu sót khủng khiếp » trong thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) được ký kết vào tháng 07/2015, dưới thời tổng thống Barack Obama.

Theo cách nhìn của tổng thống Donald Trump, thỏa thuận hạt nhân được ký kết chỉ bắt Iran đình chỉ trong vòng 10 năm các hoạt động làm giàu uranium, thay vì cấm hẳn, hoặc lập cơ chế thanh tra các cơ sở hạt nhân của Iran một cách bất ngờ và tăng dần, thay vì kiểm tra ngay lập tức.

Lập luận này đối với một quốc gia mà Hoa Kỳ coi là kẻ thù từ 38 năm qua nghe thuận tai và làm hài lòng các cử tri của đảng Cộng Hòa và kể cả bên đảng Dân Chủ vốn luôn ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ về Israel. Thế nhưng, theo nhà báo Renaud Girard, tổng thống Donald Trump đã quên thông báo cho người dân Mỹ hai thực tế hiển nhiên.

Thứ nhất, hiệp định hạt nhân Iran thiết lập một cơ chế thanh tra quốc tế sâu sát nhất trong lịch sử kể từ khi hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP) được ký vào năm 1968. Đối với các thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA), thì văn bản này được coi là chuẩn mực trong lĩnh vực thanh tra hạt nhân, làm mẫu cho các hiệp định trong tương lai.

Thứ hai, các nước châu Âu đã nói không sửa đổi một dòng nào trong văn bản được đánh giá là vừa phức tạp vừa cụ thể, kết quả của hai năm thương lượng. Mặt khác, Nga và Trung Quốc, hai nước cùng ký hiệp định hạt nhân, không hề muốn nghe nói đến đàm phán sửa đổi văn bản. Ứng xử của Hoa Kỳ hiện nay là cách tốt nhất để làm suy yếu phe cải tổ tại Iran và thúc đẩy lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo đòi phục hồi hoạt động chế tạo vũ khí nguyên tử.

Đoạn tuyệt với nguyên tắc tiếp nối
Kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, chính sách đối ngoại của nước Mỹ luôn luôn thể hiện sự tiếp nối. Một số tổng thống muốn đổi mới, nhưng không bao giờ tháo gỡ, xóa bỏ hẳn chính sách đối ngoại mà những người tiền nhiệm đã vạch ra.

Sau những thất bại do việc áp dụng chính sách biệt lập trong những năm 1920 – 1930 (phá hủy toàn bộ các thành quả ngoại giao của tổng thống Wilson), nước Mỹ rất vất vả mới khôi phục lại được phần nào lòng tin. Thế nhưng, Donald Trump đã đoạn tuyệt với nguyên tắc tiếp nối ngoại giao này.

Theo tác giả, cần phân biệt giữa chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa đơn phương. Donald Trump không hẳn theo chủ nghĩa biệt lập bởi vì trên một số hồ sơ quốc tế quan trọng, ông đã dấn thân và thu được một số kết quả, như trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo, trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên hay trong cuộc khủng hoảng Ukraina.

Thế nhưng, chính chủ trương hành động một mình của Donald Trump mới gây ra nhiều tác hại. Ông muốn Hoa Kỳ có được tất cả các quyền nhưng không chấp nhận bất kỳ nghĩa vụ nào. Trong chính sách đối ngoại, nguyên thủ Mỹ không chấp nhận khái niệm « nghĩa vụ của một Nhà nước ».

Do vậy, tại châu Âu, tổng thống Mỹ gây e ngại ngờ vực sau khi rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris, tỏ thái độ mập mờ trong việc áp dụng điều 5 của Hiến chương NATO (trách nhiệm phòng thủ tập thể bảo vệ một thành viên). Tại châu Mỹ Latinh, ông làm mất lòng tin khi từ chối thảo luận đa phương về vấn đề di dân.

Đối với thế giới Ả Rập – Hồi Giáo và châu Phi, ông làm nẩy sinh hận thù qua việc chỉ trích một số dân tộc và từ bỏ vai trò trung lập của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột Palestine-Israel. Tại châu Á, có thể không muốn, nhưng nguyên thủ Hoa Kỳ đã giúp Trung Quốc củng cố ý đồ bành trướng qua việc rút Washington ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhà báo kết luận, kể từ thời tổng thống Roosevelt, người ta đã quen với việc Hoa Kỳ luôn chủ động khởi xướng, lên tiếng về các vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tế. Giờ đây, nước Mỹ của Donald Trump không làm như vậy nữa.

Tầu dầu Sanchi « bốc hỏa » : Thảm họa môi trường ?
Về thời sự châu Á, một số báo Pháp quan tâm đến vụ chiếc tầu chở dầu của Iran, mang cờ hiệu Panama chở theo 136 000 tấn dầu, sau mười ngày bốc cháy trong vụ va chạm tầu hàng Trung Quốc đã chìm ngoài khơi Thượng Hải.
Le Figaro có bài đề tựa « Giữa Trung Quốc và Nhật Bản, một thủy triều đen bao la đang lan rộng». Libération báo động « Đắm tầu Sanchi : Hệ sinh vật biển lâm nguy ».
Chiếc tầu chở dầu bị đắm trong khu vực sinh sản và để trú đông của nhiều loài cá mà ngư dân ưa đánh bắt (cá ngừ đỏ, mực, cá trích, cua xanh,…). Vào mùa này, khu vực trên còn là hành lang di trú cho loài cá voi. Các chuyên gia còn lưu ý hệ quả lên môi trường sẽ còn lâu dài. Bởi vì con tàu tuy đã nằm sau 120 mét dưới đáy biển, vẫn tiếp tục thải hàng trăm tấn diesel, nhiên liệu của con tàu, đe dọa hệ sinh thái Biển Hoa Đông.

Airbus 380 : Số phận mong manh
Trong lĩnh vực kinh tế, số phận của chiếc Airbus 380 giờ như chỉ treo mành chuông. « Airbus : Số phận của A380 trong tay Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất ». Le Figaro không giấu giếm cho biết « Thiếu đơn đặt hàng, Airbus rất có thể ngưng sản xuất A380 ».
Bất chấp việc 5 năm liền Airbus có nhiều đơn đặt hàng hơn hãng Boeing của Mỹ, nhưng các khó khăn vẫn tiếp tục đè nặng lên chương trình sản xuất loại máy bay dân dụng kích cỡ lớn A380, do khó khăn tìm được khách hàng.
Theo hai nhật báo, hiện hãng chế tạo và lắp ráp máy bay khổng lồ của châu Âu này đang kỳ vọng nhiều vào lời hứa đặt hàng từ Trung Quốc và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập. Nếu không đạt được kết quả cụ thể từ hai đối tác này, chương trình sản xuất chiếc siêu jumpo này có nguy cơ bị ngưng hoạt động.

Châu Âu : Tranh luận về việc đánh bắt cá bằng xung điện
Cũng liên quan đến kinh tế, La Croix và Libération lần lượt có các bài viết « Tranh luận về tương lai của việc đánh bắt cá bằng điện » và « Đánh bắt bằng điện : châu Âu tranh cãi ».
Cho phép hay không ? Vào đầu giờ chiều ngày thứ Ba này, các nghị sĩ châu Âu sẽ ra quyết định về việc có tiếp tục cho phép dùng xung điện trong đánh bắt cá tại Liên Hiệp Châu Âu. Bị cấm từ năm 1998 tại những vùng biển của Liên Hiệp, cách đánh bắt này đã được cho phép trở lại dưới danh nghĩa « thí điểm » vào năm 2006 tại vùng phía nam của biển Bắc.
Trước kỳ bỏ phiếu hôm nay, vào ngày 10/01, gần 250 đại biểu châu Âu đã kêu gọi Nghị Viện cấm hoàn toàn việc sử dụng xung điện trong đánh bắt mà các nhà khoa học, nhiều ngư dân và nhiều quốc gia lên án là có những hệ quả tai hại.

Trang nhất các báo Pháp
Trang nhất các báo Pháp ngày 16/01/2018 tập trung khai thác các chủ đề thời sự trong nước. « Hạt nhân : ASN đánh giá dự án này là nguy hiểm » là tít chính trên Le Monde. Nhật báo trích giải thích của chủ tịch Cơ Quan An Toàn Hạt Nhân ASN, Pierre-Franck Chevet, cho rằng dự án trữ chất thải hạt nhân tại Bure phải được xem xét lại vì lý do « rủi ro hỏa hoạn ».
Le Figaro thì quan tâm đến việc « Macron đối mặt với những ưu tiên của người dân Pháp : An ninh, Di dân, Việc làm ». Theo thăm dò của Kantar-Sofres-OnePoint, theo đơn đặt hàng của báo Le Figaro, RTL và LCI, công luận mong muốn lãnh đạo Pháp có thái độ cứng rắn hơn trên một số chủ đề nóng bỏng.
Theo đó, 43% số người được hỏi xem việc củng cố luật chống khủng bố và chống nhập cư trái phép là ưu tiên. 41% cho rằng chính phủ nên đặt trọng tâm vào việc tạo thuận lợi cho giới trẻ gia nhập thị trường lao động. 38% ưu tiên giảm thuế và 37% ưu tiên cho việc thiết lập mức án trần cho những kẻ hành hung cảnh sát.
Les Echos thông báo « Bery khởi động tranh luận về ngưỡng xã hội ». Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire mong muốn giảm bớt thuế và phần đóng góp của doanh nghiệp có liên quan đến việc vượt ngưỡng.
Libération dành trang nhất và nhiều trang báo lớn để nói lên nỗi bất bình của những người làm công tác quản giáo trong các trại giam. Sau vụ ba người quản giáo bị một tù nhân hành hung, các nhân viên giám sát trại tù hôm nay đình công để lên án điều kiện làm việc.
Căng thẳng xung quanh dự án mở rộng sân bay Notre-Dames-Des-Landes tại Nantes, miền trung tây nước Pháp là chủ đề chính của La Croix. Trên nền ảnh một người nông dân, trước nông trại của mình có gắn tấm biển ghi chữ « Sân bay thì Không », tờ báo cho biết số phận của dự án này đang được đếm từng giờ từng phút sau chuyến thăm bất ngờ của thủ tướng Edouard Phillipe.












No comments:

Post a Comment

View My Stats