Thursday 4 January 2018

GÓC ĐỘ KINH TẾ CỦA CHIẾN LƯỢC AN NINH MỸ - THẾ ĐỨNG CỦA VIỆT NAM (Vũ Quang Việt - TBKTSG)



Vũ Quang Việt  TBKTSG
Thứ Năm,  4/1/2018, 15:10 

(TBKTSG) - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chiến lược an ninh quốc gia với mục đích củng cố vai trò của Mỹ trên thế giới. Tuy vậy trong diễn văn công bố, ông Trump lại nhấn mạnh đến luận điểm quen thuộc “Nước Mỹ trên hết”. Vậy chiến lược an ninh này khác với luận điểm lợi ích của nước Mỹ là trên hết ở chỗ nào? Và hướng chiến lược an ninh này là gì, nhìn ở góc độ kinh tế?

Chiến lược an ninh theo Trump

Hướng chính là muốn kết hợp các biện pháp kinh tế với an ninh quốc phòng trên bốn nét chiến lược lớn:

1. Hạn chế hay đóng cửa biên giới với người nhập cư nhằm vào cái gọi là bảo vệ an ninh cho dân Mỹ
Luận điểm này chủ yếu là làm hài lòng thiểu số ủng hộ Trump, cũng đôi chút có lý nhưng thực tế có thể phản bác lại cái lý này. Thứ nhất, Trump không thấy rằng đám người khủng bố không nhất thiết là từ nước ngoài vào Mỹ, mà từ ngay trong lòng Mỹ. Những vụ khủng bố vừa qua chứng minh cho việc này. Thứ hai, nước Mỹ phát triển mạnh hơn nước khác cũng là nhờ lao động nhập cư, đặc biệt lao động tay chân trong nông nghiệp từ Mexico và lao động trí óc từ nhiều nước mà Mỹ không phải mất công đào luyện. Nhập cư làm tăng lực lượng lao động khi lực lượng này đang tăng chậm lại tại Mỹ vì dân số sinh đẻ (mức tăng lao động hàng năm sẽ giảm dần từ 0,5% xuống 0,2%).

2. Tăng mức sống và sự giàu mạnh của Mỹ
Điều này nói dễ hơn làm, vì tăng mức sống sẽ phải dựa chủ yếu vào tăng năng suất lao động. Số lượng lao động dư thừa không còn và tốc độ tăng lực lượng lao động Mỹ đang giảm mạnh.

Giảm thuế cho doanh nghiệp và người giàu với hy vọng là họ sẽ tăng đầu tư. Dù hy vọng này có vẻ hợp lý nhưng rất nhiều nhà kinh tế cho rằng độ đáp ứng về đầu tư do cắt thuế là thấp và cần thời gian dài (từ 3-5 năm) mới tạo kết quả và qua đó mới đẩy mạnh được mức tăng GDP.

Rất nhiều nhà kinh tế kể cả bản thân tác giả cho rằng về dài lâu Mỹ chỉ có thể đạt được mức tăng GDP bình quân năm cao nhất là 3% do dự đoán (của Cục Thống kê lao động) là lao động sẽ chỉ tăng hàng năm khoảng 0,5% từ nay đến năm 2025 và sau đó sẽ giảm xuống 0,2%, còn năng suất lao động thì cả Cục Thống kê lao động và Cục Dự trữ liên bang đều cho rằng khó có thể hơn 2,5%, vì ảnh hưởng của công nghệ thông tin thời năm 2000 đã cạn kiệt.

Như thế, rõ ràng là dù tăng trưởng ở mức cao nhất 3% hay thậm chí 4% cũng không thể thu thêm thuế để bù đắp thiếu hụt ngân sách Liên bang do cắt thuế suất, đưa đến giảm thu 1.500 tỉ đô la trong 10 năm tới. Mà thiếu hụt hiện nay, khi chưa cắt thuế, đã ở mức 544 tỉ đô la năm 2016. Thiếu hụt ở mức 4% GDP như thế sẽ tạo ra mất ổn định, nhà nước phải tăng nợ, cạnh tranh vốn với khu vực tư nhân.

Cán cân thương mại của Mỹ với các nước trên thế giới năm 2016

Lợi thế của Mỹ, mà gần như không nước nào có được, là có thể “xuất khẩu” nợ chính phủ cho nước ngoài vì đồng đô la Mỹ được tín nhiệm và sử dụng rộng rãi. Vào cuối năm 2017, nợ của chính phủ liên bang lên tới trên 14.000 tỉ (80% GDP), trong đó 6.300 tỉ đô la, hay 44%, là do nước ngoài nắm, nhiều nhất là Trung Quốc và sau đó là Nhật, mỗi nước giữ hơn 1.000 tỉ đô la. Mỹ cũng có thể in tiền trả nợ mà không làm suy yếu giá trị đồng đô la, ngược lại giá đồng đô la tăng trong 10 năm qua. Đây cũng chính là điều Trung Quốc mong muốn, đang cố tập trung các nền kinh tế khác quanh mình để có thể in tiền trả nợ như Mỹ.

Tuy thế, mặt trái của đồng đô la mạnh là nó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ, sản xuất hàng hóa được chuyển dần ra nước ngoài. Giai cấp trung lưu nhỏ dần. Thu nhập cũng giảm do đó mới tạo ra hiện tượng Trump. Thời kỳ 1970-2013, năng suất lao động tăng gấp 2,4 lần nhưng lương chỉ tăng 9% (xem biểu đồ). Điều này có nghĩa là năng suất đó chỉ góp phần vào tăng lợi nhuận là chính. Giảm thuế cho người giàu lại càng làm hố ngăn cách sâu thêm.

Chỉ số tăng năng suất lao động và tăng lương giờ lao động

Thuế suất giảm nhưng không thể tăng GDP ở mức có thể tăng số thuế thu được, nên ước đoán của Ủy ban Lưỡng viện độc lập cho rằng số thu sẽ giảm 1.500 tỉ đô la trong 10 năm tới.

Để giảm thiếu hụt ngân sách thì phải giảm chi. Mà chi nhiều nhất là cho người nghèo, người khuyết tật, chi bảo hiểm xã hội cho người về hưu. Như thế thành phần này, thuộc đa số dân, sắp tới sẽ phải chịu hy sinh, nếu Đảng Cộng hòa và Trump thực hiện được việc cắt giảm. Thực tế chính trị cho thấy, lấy mồi giảm thuế để mua chuộc thì dễ hơn là cắt giảm quyền lợi.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ để cạnh tranh với các nước khác có thuế thấp hơn là đúng đắn. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao các nước lại chạy đua xuống đáy như vậy. Thuế thu được quá thấp thì mọi chương trình xã hội giáo dục phải cắt giảm. Có thể gọi là văn minh khi một số người rất giàu còn đa số thuộc phận bèo bọt, không thể tìm ra việc làm? Có thể lúc nào đó cần có một hiệp định quốc tế, quyết định thuế suất tối thiểu.

3. và 4. Chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự và chiến lược tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới
Chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự (3) và ảnh hưởng (4) của Mỹ đang bị thách thức nghiêm trọng. Sức mạnh quân sự tất nhiên không thể đạt đỉnh điểm nếu Mỹ đứng một mình. Chính sách nước Mỹ trên hết của Trump hiện nay thực chất là làm suy yếu chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.

Về mặt kinh tế, Mỹ rút vào cố thủ, chủ trương song phương, phê phán và gây áp lực lên Mexico, Việt Nam vì thấy cán cân thanh toán quá nghiêng về mấy nước này, nhưng lại có vẻ bỏ lơ Trung Quốc khi thực tế thiếu hụt là chủ yếu với Trung Quốc, chiếm tới gần một nửa thiếu hụt (xem bảng).

Với Mexico và Canada, Mỹ đòi thương thuyết lại Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Với thế giới nói chung, Mỹ qua mặt Hiệp ước thương mại quốc tế (WTO), đòi thương thuyết lại với tư cách song phương nhưng chắc chắn không ai chịu. Nếu muốn khác thì Mỹ phải tự rút khỏi WTO để thương thuyết lại với từng nước. Việc Trump đòi hỏi cân bằng thương mại với từng nước có nghĩa là nguyên tắc sản xuất để trao đổi những gì có lợi thế sẽ không còn.

Trước đây, Trump muốn bắt tay với Nga để giải quyết hòa bình khu vực Trung Đông, nhưng bây giờ qua bản báo cáo chiến lược, Trump lại chỉ đích danh Nga và Trung Quốc là hai quyền lực đối địch (rival powers), đối thủ chiến lược (strategic competitor) hay quyền lực muốn thay đổi trật tự hiện tại (revisionist powers) của Mỹ.

Xin miễn bàn về Nga, vì Mỹ không có các phương tiện kinh tế để gây áp lực với Nga với lý do đơn giản là Nga không có quan hệ đáng kể với kinh tế Mỹ và ngay cả khối Liên hiệp châu Âu. Hãy thử xem đối sách với Trung Quốc.

Đối sách với Trung Quốc

Về quân sự, chính sách tàm thực của Trung Quốc là nhằm chiếm dần, xây dựng dần hệ thống tiền đồn ở biển Đông là nhằm vào một lúc nào đó thực hiện việc kiểm soát toàn diện khu vực biển. Cho đến nay, Mỹ cho chiến hạm lâu lâu chạy vào vòng 20 dặm mấy hòn đảo mà Trung Quốc kiểm soát. Thế thôi. Nếu Trung Quốc đem chiến hạm ra đuổi có lẽ Trump sẽ lặng lẽ ra lệnh rút thay vì đứng lại đối đầu. Về mặt quân sự, Mỹ gần như không có biện pháp gì ngoại trừ sẵn sàng đi vào chiến tranh mà Mỹ và chính dân Mỹ cũng không muốn.
Cho nên Trump hay nước Mỹ chỉ có thể xây dựng liên minh, hay đồng minh để sửa soạn cho việc trả đũa về mặt kinh tế nếu thấy cần. Và mục đích là nhằm bảo vệ hòa bình ở biển Đông mà Tòa án Quốc tế đã bác bỏ quyền yêu sách chủ quyền ở đá ngầm, tuyên bố không có đảo mà chỉ có đá, tức là hạn chế tối đa địa điểm có thể tranh chấp ở biển Đông. Đây chính là cơ sở pháp lý để tập hợp lực lượng nhằm kêu gọi Trung Quốc hợp tác và ngăn cản khả năng có thể đưa đến chiến tranh.

Kinh tế Trung Quốc đã được hưởng rất nhiều từ thị trường và đầu tư của Mỹ và phương Tây khi họ mở cửa cho Trung Quốc. Vì thế rõ ràng là hiện nay và sắp tới, Trung Quốc vẫn phải dựa vào thị trường và công nghệ phương Tây, đặc biệt là Mỹ và phải trả giá rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với Mỹ, nếu bị cấm vận. Theo tính toán của tôi, nếu có cấm vận, GDP Trung Quốc sẽ giảm 19% trong khi đó Mỹ sẽ giảm 2%.

Trung Quốc hiện nay một mặt xây dựng căn cứ quân sự ở biển Đông, một mặt kiếm cách quây quần các nước, đặc biệt ở châu Á, xoay quanh trục Trung Quốc, với chương trình cho vay nợ và chi trả thương mại bằng nhân dân tệ, lập thị trường buôn bán hợp đồng nguyên liệu bằng nhân dân tệ, đầu tư trực tiếp và thu mua nhằm sở hữu các doanh nghiệp các nước chung quanh, cổ vũ cho việc xóa bỏ dần biên giới quốc gia trong thương mại, tất cả là nhằm biến các nước quanh vùng thành một phần của kinh tế Trung Quốc.

Vì vậy một chiến lược đối đầu nếu cần thiết là phải kết hợp giữa quân sự và kinh tế.
Rất tiếc là vì chính sách “nước Mỹ trên hết” Trump đã rút khỏi Hiệp định TPP mà Obama xây dựng nhằm tạo thiết chế kết dính 11 nước quan trọng như Úc, Canada, Nhật, Việt Nam, Malaysia, Singapore... với nhau.

Đối với Việt Nam, tình hình trên đòi hỏi sự độc lập không chỉ chính trị, quân sự mà cả kinh tế. Việc để Trung Quốc hay bất cứ nước nào mua và kiểm soát doanh nghiệp quan trọng có tầm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia là điều không thể chấp nhận trong cục diện trước mắt và sau này. Trong khu vực Đông Nam Á, từ Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore không nước nào cho phép tư nhân nước ngoài làm chủ đất đai. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải ưu tiên dành quyền sở hữu cho tư nhân Việt Nam.

Cũng chính vì thế mà ngay cả Trump cũng đặt vấn đề bảo vệ công nghệ kể cả ngăn cản Trung Quốc mua công ty hay công nghệ của Mỹ. Với Trung Quốc, Trump chủ trương rất đúng ở hai phương diện:

a) Ngăn chặn việc Trung Quốc đánh cắp bản quyền phát minh và công nghệ.
b) Ngăn chặn việc Trung Quốc mua cổ phiếu công ty ở mức 51% để hoàn toàn làm chủ công ty Mỹ có công nghệ cao và có tầm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thí dụ như công ty Boeing, GE, hay công ty dầu hỏa lớn.

Trên hai phương diện trên, từ lâu Mỹ đã cơ chế kiểm soát việc nước ngoài mua công ty Mỹ. Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) thuộc Bộ Tài chính được thiết lập theo luật đã có từ năm 1950 và sửa đổi năm 2007 hoàn toàn có quyền duyệt chặn đứng bất cứ việc mua kiểm soát công ty được coi là quan trọng với an ninh nước Mỹ. Và tất nhiên tổng thống cũng có quyền này. Đối tác muốn mua quyền kiểm soát phải nộp đơn xin phép. Quyền kiểm soát của nước ngoài được định nghĩa là một cá nhân nước ngoài sở hữu 25% cổ phiếu, mà không có công dân nào có tỷ lệ sở hữu bằng hoặc cao hơn, hoặc một hay nhiều người nước ngoài nắm trên 50% sở hữu. 

--------------------------------------

XEM THÊM :

Trump đã giúp Trung Quốc ra sao? 
David Leonhardt JAN. 2, 2018

*
Giấc mộng bá chủ của Trung Quốc
Trước việc Trung Quốc đang thò tay khua khoắng khắp nơi, báo Tổ Quốc có bài tổng hợp với tựa đề: “Vươn tay” ngoại giao toàn cầu: Trung Quốc ra tín hiệu mạnh? Bài viết đưa ra phân tích đánh giá về chiến lược “ngoại giao đường sắt” mà Trung Quốc đang tiến hành khắp các châu lục.

Trang Nhịp Cầu Đầu Tư có bài phân tích: 2018 sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị bất ngờ?. Trong các yếu tố mà bài viết nhắc đến, ảnh hưởng của Trung Quốc với chiến lược bành trướng thời Tập Cận Bình được đặt lên hàng đầu. Bài viết có đoạn: “Và khi mà ông Tập sẵn sàng và sẵn lòng trở thành một sự thay thế và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, đó là rủi ro lớn nhất thế giới trong năm nay“.

Còn RFI lại tập trung vào tham vọng kiểm soát đại dương của Trung Quốc với bài: Trung Quốc tăng cường kiểm soát đại dương bằng mạng lưới ngầm dưới biển. Theo bài viết, Trung Quốc đã cho triển khai dự án kiểm soát đại dương bằng mạng lưới ngầm dưới biển. Dự án này được triển khai từ tháng 11/2017 do hải quân Trung Quốc triển khai.









No comments:

Post a Comment

View My Stats