Monday, 22 January 2018

BAO GIỜ THÌ CHÚNG TA KHÔNG CHỈ XUỐNG ĐƯỜNG VÌ BÓNG ĐÁ ? (Song Chi)



Thứ Hai, 01/22/2018 - 05:26 — songchi

Người Việt mê bóng đá, điều đó quá rõ. Chỉ có điều bóng đá VN bao nhiêu lâu nay dưới sự điều hành, quản lý của Liên đoàn bóng đá VN (viết tắt VFF từ chữ tiếng Anh Vietnam Football Federation) vẫn cứ lẹt đẹt trong vùng trũng Đông Nam Á, chưa bao giờ vô địch SEAGames (Southeast Asian Games), bất chấp kinh phí đổ vào không ít cho việc thuê thầy ngoại, bất chấp tình yêu cuồng nhiệt của các cổ động viên VN. Biết bao nhiêu lần người Việt khóc, cười, lên đồng, rồi xìu nghỉu, thất vọng… khi đội tuyển VN thắng hoặc thua trong những trận đấu ở SEAGames, đặc biệt trước đối thủ mạnh hơn và có nhiều “ân oán” là Thái Lan.

Cho nên không có gì ngạc nhiên khi lần đầu tiên đội bóng U23 Việt Nam vào được bán kết giải U23 châu Á sau khi thắng Iraq vào tối ngày 20.1 vừa qua, hàng ngàn hàng vạn thanh niên VN ở Sài Gòn, Hà Nội, và nhiều thành phố khác ùa ra đường “đi bão”, và như thường lệ, cờ đỏ, tiếng hò reo tràn ngập đường phố. Có nhiều cô gái cởi trần, quấn lá cờ quanh ngực, mặc quần đùi ngắn ngủn, có cô phơi ngực trần và thậm chí...hơn nữa, ngay giữa phố!

Ừ thì vui. Ừ thì lâu lâu có một dịp được quậy, được xả stress, được la hét cuồng nhiệt giữa đường phố mà không bị ai cấm đoán. Người dân cuồng lên đã đành. Báo chí cũng cuồng. Có những bài báo giật những cái tít kiểu như “Hành trình rung chuyển châu Á của U23 Việt Nam” (Tiền Phong) “Người hâm mộ châu Á vỡ òa, chúc mừng U23 Việt Nam vào bán kết” (Dân Trí), rồi thì “U23 VN gây địa chấn”, “U23 Việt Nam đi vào lịch sử”, thậm chí “Không thể tin nổi! U23 VN đặt cả châu Á dưới chân bằng chiến thắng để đời”, Trí thức Trẻ) ?!…Rồi những ông lãnh đạo cấp cao nhất của đảng và nhà nước VN cũng hồ hởi phấn khích quá mức.

Cái status “đặt cả châu Á dưới chân” lập tức bị nhiều người trên facebook chỉ trích.

Nhạc sĩ, nhà văn, nhà phê bình âm nhạc Hoàng Ngọc Tuấn viết trên facebook: “...Bọn con gái thì cởi truồng ngay trên đường phố. Báo chí thì nổ rằng "Việt Nam đặt cả châu Á dưới chân". Thủ tướng thì gáy nhảm "với tinh thần quả cảm, ý chí và bản lĩnh của con người Việt Nam... đội tuyển U23 Việt Nam lần đầu tiên vào vòng bán kết U23 châu Á"! -- Than ôi, nếu cho rằng bóng đá thể hiện "tinh thần quả cảm, ý chí và bản lĩnh" của một dân tộc, thì dân tộc Việt Nam hiển nhiên chưa bằng một hạt cát so với dân tộc Brazil. Phải vậy chăng?”

Nhà báo, facebooker Mạnh Kim:
“Báo chí luôn có những cơn động kinh. Còn nhớ hồi Đinh La Thăng mới vào Sài Gòn, không biết bao nhiêu bài báo đã ca ngợi họ Đinh. Một tờ báo còn lập chuyên trang riêng về "hoạt động của bí thư thành ủy”. Một tờ báo khác “nguyện làm cầu nối cho bí thư thành ủy với nhân dân thành phố”. Thế rồi, sự lên đồng bị cắt cơn đột ngột. Khi một tay phó quận đi giải tỏa vỉa hè đập phá lung tung, báo chí cũng tung hô vang dội. Chẳng riêng vụ “ngài bí thư”, chẳng riêng vụ đập vỉa hè, chẳng riêng gì bóng đá, báo chí đã trở thành con kênh thải những cảm xúc hỗn loạn mất kiểm soát, với mức độ quá trớn còn hơn mạng xã hội. Khi khóc (như trường hợp Võ Nguyên Giáp hoặc Fidel Castro), báo chí khóc rất vật vã. Khi sướng, báo cười sằng sặc như những đứa trẻ bị tăng động. Thời của báo chí động kinh là đây!”

Bóng đá thắng, ừ thì mừng cũng đúng thôi, nhưng có lẽ cũng nên cẩn trọng trong cách sử dụng ngôn từ, cách biểu lộ niềm vui.

Mà mới chỉ là bóng đá, chứ nếu VN mà sản xuất hay làm được cái gì đáng kể, ví dụ như sản xuất vũ khí hạt nhân hay phóng được cái tên lửa như Bắc Hàn chắc còn vênh vang, nổ banh xác gấp mười lần tay Kim Jong-un, lúc đó chắc là giật tít "VN ngồi lên đầu cả thế giới"??

Mới chỉ là bóng đá, còn bao nhiêu lĩnh vực khác chúng ta thua xa các nước châu Á, ngay trong khu vực Đông Nam Á về nhiều mặt chúng ta cũng thua Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Đó là chưa nói trên thực tế, VN vẫn đang phải đi xin đi vay Nhật Bản. Hàng ngàn thanh niên VN chạy chọt, xếp hàng mơ một xuất đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quồc, Malaysia… Bao nhiêu cô gái VN ở những vùng quê nghèo khó, tỉnh lẻ, mong được lấy chồng Hàn chồng Đài để đổi đời (dù không biết có đổi hay lắm khi còn bất hạnh hơn). Thậm chí về một số khía cạnh Cambodia bây giờ cũng hơn VN. Thế mà chỉ thắng một trận bóng đá, chúng ta lại nghĩ có thể “đặt châu Á dưới chân”.

Nhìn hàng ngàn thanh niên VN ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ, Vũng Tàu… đổ ra đường hò hét cuồng nhiệt khóc cười cùng bóng đá, người viết lại nghĩ đến những cuộc biểu tỉnh chống Trung Quốc hung hăng gây hấn trên biển Đông, biểu tình tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa, Trường Sa, phản đối vụ thảm họa môi trường Formosa… với số lượng người ít hơn gấp nhiều lần, và quanh đi quần lại cũng chỉ những khuôn mặt dũng cảm quen thuộc. Là bởi biểu tình vì những vấn đề có liên quan đến chính trị xã hội thì sẽ bị đàn áp, xách nhiễu, bị đủ thứ phiền hòa, kể cả vào tù! Còn xuống đường ăn mừng bóng đá thì được cả nhà nước, cả báo chí ủng hộ. Nhà nước này rất cần những chiến thắng bóng đá hay một sinh viên VN đạt thành tích cao trong khi đi thi quốc tế chẳng hạn, để làm cho dân chúng quên đi bao nhiêu chuyện bức bối, bất công khác của đời sống hàng ngày!

Trong khi đó ở bên kia nửa vòng trái đất, ngày 20.1. 2018 đã diễn ra những cuộc xuống đường biểu tình của phụ nữ, gọi là Women’s March, kỷ niệm một năm ngày Women’s March 20.1.2017, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia, ở hàng trăm thành phố, thị trấn và ngoại ô ở Hoa Kỳ, Canada, Anh, Nhật, Ý và các nước khác. Những cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra tại New York, Washington, Los Angeles, Dallas, Philadelphia, Chicago, San Francisco và Atlanta…phản đối những chính sách của Donald Trump về vấn đề nhập cư, chăm sóc sức khoẻ, phân biệt chủng tộc và các vấn đề khác, cũng như phản đối nạn quấy rối tình dục, lạm dụng, hiếp dâm phụ nữ (sexual harassment, abuse, assault…) bắt đầu từ phong trào #MeToo vào tháng 1.2018.

Chúng ta thấy, ở các nước phát triển, những cuộc mít tinh, biểu tình không chỉ vì những vấn đề thiết thực với con người như cơm áo gạo tiền, lương bổng… nữa mà lớn hơn, đòi những quyền tự do, dân chủ của con người.

Chợt ao ước, bao giờ VN có những cuộc xuống đường không phải chỉ để mừng thắng một trận bóng đá, bao giờ thì chúng ta có được những cuộc biểu tỉnh quy mô cỡ chừng vài ngàn thôi, chứ chưa nói đến hàng trăm ngàn, bắt đầu từ những đòi hỏi thiết thực như minh bạch trong vụ đóng thuế BOT, chống tham nhũng, phản đối nạn con ông cháu cha, nạn chạy chức chạy quyền, phản đối độc quyền giá xăng dầu…cho tới những vấn đề lớn hơn như đòi hỏi những quyền tự do, dân chủ, quyền con người, quyền tự do ngôn luận, đòi những cải cách về mô hình thể chế chính trị?









No comments:

Post a Comment

View My Stats