Wednesday, 3 January 2018

BẢN TIN TỐI 3/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Trung Quốc tăng cường quân sự trên Biển Đông:Tiếp theo là gì? Thạc sỹ Hoàng Việt ghi nhận sự trùng khớp trong tuyên bố về quá trình quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, với dữ liệu trong báo cáo của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) ở Hoa Kỳ.“Vấn đề tôi quan tâm nhiều hơn là sau khi Trung Quốc đã công khai thừa nhận hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông thì động thái tiếp theo của Trung Quốc sẽ là gì? Trước động thái ngang ngược đó, Việt Nam phải làm gì?”.

Một diễn biến đáng lưu ý: Trung Quốc vừa đồng ý tham gia quá trình tham vấn chính thức về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trước đây, Trung Quốc đã nhiều lần từ chối đàm phán COC.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc hoàn tất các bước cơ bản trong “hoạt động bồi, lấp, xây dựng căn cứ điểm quân sự trên Biển Đông”, quá trình đàm phán COC lại trở nên có lợi cho Trung Quốc, về cả phương diện ngoại giao và quá trình quân sự hóa Biển Đông. “Có thể, Trung Quốc muốn tận dụng điểm này để tuyên bố quyền sở hữu trên các đảo đã tôn tạo, chiếm đóng trái phép”.

Báo Tổ Quốc đánh giá: Đáng gờm hệ thống giám sát dưới biển: Trung Quốc đón đầu bước ngoặt khác biệt. Bắc Kinh đã triển khai một hệ thống giám sát mới dựa trên “một mạng lưới với vệ tinh, phao, tàu mặt nước và tàu lượn dưới nước”nhằm thu thập dữ liệu từ Biển Đông đến Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. “Thông tin sẽ được truyền đến 3 trung tâm tình báo” đặt tại tỉnh Quảng Đông, khu vực Nam Á và “một được cho là đang đặt tại Biển Đông” để phân tích và xử lý.

Thông tin từ trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) và Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết, “tới năm 2030, Trung Quốc sẽ có khoảng 260 tàu chiến và tàu ngầm”. Một hệ thống giám sát ngầm dưới biển bổ sung vào đội quân này có thể “tạo nên nhiều bất ngờ trong cuộc đua kẻ thắng người thua”.


Quan hệ Việt – Trung
Nhà báo Lê Anh Hùng bình luận về sự nguy hiểm chết người khi ‘biến đối tượng thành đối tác’. Một sự kiện đáng chú ý cách đây hơn một tháng: “Tàu container liên vận Việt Nam – Trung Quốc bắt đầu hoạt động”, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa 2 nước từ 15 ngày bằng đường biển xuống còn 4 ngày. Đây là một tin vui với lãnh đạo Việt – Trung, nhưng lại là tin xấu đối với những người Việt lo lắng cho tình hình đất nước.

Chưa đầy 2 năm sau khi cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam do Bắc Kinh phát động kết thúc (từ năm 1979 đến 1989), “một số nhân vật chủ chốt trong ban lãnh đạo Cộng sản Việt Nam  đã quay sang cầu cứu lãnh đạo Trung Nam Hải. Và từ Hội nghị Thành Đô ngày 3/9/1990, hai nước từng bước bình thường hoá quan hệ”.

Lý do lãnh đạo Việt Nam cầu cứu kẻ từng đưa quân sang xâm lược: tình hình khối Cộng sản Liên Xô trở nên nguy ngập, chỉ có Bắc Kinh có thể giúp các quan chức Việt Nam giữ vững thể chế chính trị.

Sau khi 2 nước Việt – Trung bình thường hóa quan hệ, các thế hệ lãnh đạo Việt Nam từng bước biến “đối tượng” thành “đối tác”. Đến thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bác Tổng “cứ việc vô tư hợp tác với Bắc Kinh để họ đào tạo cán bộ cấp caocho Việt Nam hay phó thác cho họ nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho một loạt tỉnh biên giới”.

Báo Tuổi Trẻ ghi nhận hiện tượng cứ 3 khách quốc tế đến Việt Nam có 1 từ Trung Quốc. Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết: “Trong 12,9 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 có đến hơn 4 triệu lượt là khách Trung Quốc”. Đây không hẳn là tin vui, vì khách du lịch từ lâu đã là “vũ khí” mới của Trung Quốc trong chiến tranh kinh tế.

Hiện tượng hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động trái phép đã trở thành nỗi ám ảnh của ngành du lịch Đà Nẵng. Những người Trung Quốc này đến Đà Nẵng bằng visa du lịch nhưng lại “hành nghề” như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nghĩa là cướp công ăn việc làm của các hướng dẫn viên người Việt Nam. Nguy hiểm hơn là, họ “đã thuyết trình sai về các địa danh, thậm chí có những lời nói xuyên tạc các danh nhân văn hóa lịch sử của nước ta”.


Ly kỳ chuyện chính trường Việt Nam đầu năm 2018
Lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng cảnh báo: ‘Tránh lợi dụng phê bình để gây mất đoàn kết nội bộ’. Tổ chức sơ kết một năm thực hiện “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, giới lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng tuyên bố chưa phát hiện trường hợp tập thể, cá nhân nào có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nếu thông tin này đúng sự thật, thì giới chức Đà Nẵng phải giải thích thế nào về trường hợp Vũ “nhôm”, kẻ dùng tiền thao túng chính trường Đà Nẵng?

Thực tế, năm 2017 là một năm đầy chính biến của chính trường Đà Nẵng, từ chuyện “thái tử Đảng” Nguyễn Xuân Anh bị cho “vào lò” đến vụ Vũ “nhôm” làm lộ ra bao nhiêu vết nhơ trong nội bộ lãnh đạo và an ninh. Nên ngay đầu năm 2018, các lãnh đạo Đà Nẵng phải dặn nhau “tránh hình thức trong tự phê bình và phê bình hoặc lợi dụng việc này để gây mất đoàn kết nội bộ”. Chỉ một chuyện Vũ “nhôm” đã khiến quan chức Đà Nẵng phải rất vất vả để diễn vở kịch “đoàn kết” rồi.

Phát biểu về PVN, Thủ tướng bình luận: “Chúng ta đã trả một giá rất đắt trong quản lý PVN”. Ông Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận rằng, những sai phạm về quản lý ở PVN, cùng với “tình hình khó khăn của đất nước, những biến động ở Biển Đông, giá dầu suy giảm nhiều năm” đã tác động đến tư tưởng của giới lãnh đạo và hoạt động của Tập đoàn PVN.

Tuy nhiên, quyết định điều động ông Trần Sỹ Thanh, một lãnh đạo chuyên về công tác đảng ủy, về chỉ đạo kinh tế, tài chính cho một tập đoàn “mũi nhọn” của đất nước như PVN, có thực sự là giải pháp để tránh những cái “giá rất đắt” khác?

Tiếp tục chuyện lãnh đạo “đi lạc”: Bí thư Hà Nội nói về việc Chủ tịch huyện Quốc Oai “mất tích”. Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, sau khi ông Nguyễn Hồng Lâm “mất tích”, TP Hà Nội đã có “chỉ đạo về nhân sự, ổn định tình hình địa phương”. Ông Hải kể rằng, Công an TP Hà Nội đã báo cáo “bước đầu việc tìm kiếm Chủ tịch huyện Quốc Oai”, nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu nào liên quan đến ông Lâm, chưa xác định được nguyên nhân ông Lâm “mất tích”.

Ông Hoàng Trung Hải cho rằng “phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý cán bộ”. Sợi dây “kinh nghiệm” của các lãnh đạo trong nước quả thực rất dài và rất đa năng.


Vũ “nhôm” du ký
Trang BBC đưa tin: Ông Anh Vũ ‘chưa bị đưa về Việt Nam’. Dẫn nguồn từ Reuters ngày 3/1/2017, LS Remy Choo, một trong các luật sư của ông Vũ “nhôm” nói rằng, giới chức di trú Singapore cho phép ông được gặp thân chủ vào cuối ngày.

Về chuyện “cửa thoát rộng hay hẹp”, LS Nguyễn Hà Luân đánh giá: “Khó có thể đánh giá cánh cửa dành cho quan chức Việt Nam đào thoát là hẹp hay rộng, vì nó tùy thuộc cánh cửa đó nằm ở vị trí nào”. Về khả năng Việt Nam gây áp lực lên Singapore để tiến hành dẫn độ Vũ “nhôm”, LS Phùng Thanh Sơn nhận định, “vị thế kinh tế lẫn chính trị của Việt Nam đang ở top dưới của thế giới và thuộc top trung của khu vực Đông Nam Á nên khả năng dẫn độ tội phạm thành công trên nguyên tắc có đi có lại là không cao”.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Luật sư Singapore gặp Phan Van Anh Vu. LS Remy Choo cho biết, ông đã được cấp phép gặp ông “Phan Van Anh Vu”. Sáng 3/1/2017, ông Remy Choo đã “đến tòa án để làm các thủ tục cần thiết”. Sau đó, Cơ quan xuất nhập cảnh Singapore (ICA) thông báo ông Remy Choo sẽ được phép “gặp thân chủ của mình trong chiều nay và ICA sẽ thông báo chính xác thời gian và địa điểm”.

Luật sư Remy Choo nói rằng, ông chưa có “thông tin nào liên quan đến quy trình xử lý ông Phan Van Anh Vu” trong thời gian tới: “Phải sau cuộc gặp trực tiếp với thân chủ tôi mới có thể thông báo thêm các chi tiết cụ thể”.

Facebooker Phạm Lê Vương Các bình luận: Cửa đào thoát cho Vũ “nhôm” đang rộng mở. Vũ “nhôm” đang bị tạm giữ ở Singapore, và chuẩn bị ra tòa để làm rõ ông ta có vi phạm Luật Di trú của Singapore hay không. Theo tác giả, dù tòa án có tuyên Vũ “nhôm” vi phạm hay không, thì ông ta vẫn có thể “ung dung chủ động rời khỏi Singapore”. Theo nguyên tắc chung cho hình phạt trục xuất, “người bị một quốc gia trục xuất được ‘tự nguyện’ rời khỏi quốc gia ấy trong thời hạn do tòa án ấn định”.

Đó là lý do tại sao luật sư của Vũ “nhôm” tiến hành song song 2 hoạt động, vừa bảo vệ Vũ ở tòa án, vừa lo xin thị thực cho Vũ nhập cảnh vào nước Đức. Nếu kịp có thị thực vào Đức, dù Tòa án Singapore tuyên bố ông Phan Văn Anh Vũ vi phạm Luật Di trú và đưa ra hình phạt “trục xuất”, thì “Vũ vẫn ung dung kéo vali, lên máy bay và đến Đức”. Để giúp Vũ “nhôm”, phía Đức chỉ cần “cấp thị thực” cho Vũ vào Đức. “Hướng đi này đặt chính giới Đức vào thế rất dễ xử lý,… tránh các xung đột ngoại giao”.

Một tuyên bố từ Việt Nam: ‘Nếu Vũ ‘nhôm’ ở Singapore phải đưa bằng được về nước’. Chiều 3/1/2017, trong buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với Câu lạc bộ Thái Phiên, ông Đặng Vân phát biểu: “Cần xử lý, làm rõ được vì sao Vũ ‘nhôm’ chi phối được lãnh đạo của chúng ta mà trong nhiều năm không dám nói ra… Sáng nay thấy thông tin Vũ ‘nhôm’ ở Singapore thì chúng tôi hy vọng rằng bằng cách nào đó, dẫn độ hay sao đó để đưa Vũ ‘nhôm’ về Việt Nam”.

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Vũ “nhôm” bị bắt nã: Xem xét tình tiết tăng nặng ra sao? LS Trần Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, giải thích: “việc ông Vũ ‘nhôm’ bỏ trốn dẫn đến phải phát lệnh truy nã (bao gồm cả truy nã trong nước hoặc truy nã quốc tế) đã có dấu hiệu của việc có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh tội phạm”. Tuy nhiên, nếu Vũ “nhôm” chấp nhận “đầu thú” thì Vũ có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, an ninh Việt Nam đã tổ chức bắt cóc Thanh trái phép trên lãnh thổ Đức, nhưng truyền thông trong nước vẫn xuyên tạc rằng, Thanh chủ động về “đầu thú”. Hy vọng từ “đầu thú” mà báo chí nhà nước đang dần đưa vào chuyện Vũ “nhôm” không phải là sự trùng hợp.


BOT tiếp tục là gánh nặng
Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Năm 2018: BOT có còn nóng? Tình trạng “vỡ trận” của một loạt dự án BOT, điển hình là BOT Cai Lậy, đã diễn ra trong năm 2017. Ngay đầu năm 2018, cuộc đấu tranh “bất tuân dân sự” giữa người dân với các trạm BOT lại tiếp diễn. “Đầu năm 2018, Cầu Rác lại ‘nóng’ lên vì sự việc nhân viên trạm thu phí từ chối nhận tiền xu, và đã xảy ra mâu thuẫn với một tài xế, dẫn đến việc Công an phải vào cuộc”.

Từ quá trình người dân đấu tranh với các trạm BOT, tác giả đánh giá, “chúng ta đã rút ra được rất nhiều bài học thực tiễn quý giá”. Trong số những bài học “thực tiễn quý giá” ấy lại không hề có sự thừa nhận vai trò của những cuộc điều tra nghiêm túc, có thể phản ánh trung thực thái độ của người dân trước hành động tận thu của các quan chức ngành giao thông.

Báo Người Lao Động có bài: Ai “lật kèo” vụ giảm giá vé BOT Nam Bình Định? Phía “lật kèo” chính là Tổng cục Đường bộ (TCĐB) Việt Nam. Đến cả lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định còn không bằng lòng với hành động của phía TCĐB Việt Nam, và sẽ tiếp tục gửi văn bản kiến nghị “giảm giá vé qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định (đặt tại thị xã An Nhơn) từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện thuộc nhóm loại 1 như đã thỏa thuận trước đây”.

Biên bản họp về chuyện giảm giá vé từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng đối với các phương tiện thuộc nhóm loại 1 khi qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định, được đại diện UBND tỉnh Bình Định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư ký kết. Ảnh: NLĐ



Tin quốc tế

Bán đảo Triều Tiên
Cuộc khẩu chiến giữa Kim Jong-un và Donald Trump tiếp tục những cung điệu hài hước. Trong thông điệp năm mới, Kim Chủ tịch nói, “nút bấm hạt nhân luôn sẵn trên bàn“, Trump đáp lại qua cái tweet ngày 3/1: ‘Nút bấm hạt nhân của tôi to hơn của Kim Jong-un’.

Tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên luôn làm cả thế giới lo ngại nhưng có vẻ với ông Trump, đó chỉ là trò đùa. Ông viết: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa nói nút bấm hạt nhân luôn trên bàn làm việc của ông ta. Ai đó trong chế độ kiệt quệ thiếu ăn của ông ta làm ơn báo ông ta biết rằng tôi cũng có nút bấm hạt nhân, nhưng nó to hơn và mạnh hơn của ông ta, và nút bấm của tôi chạy tốt!”.

Theo bài báo, quá trình sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ là một tiến trình khá phức tạp, do đó sự “khoe khoang” của TT Trump có lẽ chỉ là sự nắn gân Bắc Hàn. Trump viết thêm: “Nay ‘Nhóc tên lửa’ lần đầu tiên muốn đàm phán với Hàn Quốc. Có lẽ đó là tin tốt, cũng có thể là tin xấu. Chúng ta hãy chờ xem”.

Đối với hành động “xuống thang” với Nam Hàn mới đây của Bắc Hàn và đề nghị đối thoại 2 miền Triều Tiên mới được Nam Hàn đưa ra, phía Mỹ đã có phản ứng chính thức. Báo Kinh Tế Đô Thị có bài: Mỹ không công nhận đối thoại liên Triều khi Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhânBà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại LHQ nói, “CHDCND Triều Tiên có thể đối thoại với bất cứ ai mà họ muốn, nhưng Mỹ sẽ không công nhận cho đến khi Triều Tiên chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

Bà Heather Nauert, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ, phát biểu: “Chúng tôi rất hoài nghi về việc ông Kim Jong Un chân thành muốn đối thoại. Chính sách của chúng tôi không thay đổi. Chính sách của Hàn Quốc không thay đổi. Cả hai nước đều ủng hộ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”. Như vậy, có thể thấy Mỹ vẫn hoài nghi và tiếp tục các biện pháp cứng rắn với Bắc Hàn và Mỹ vẫn tiếp tục đòi hỏi Bắc Hàn từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.

TTXVN đưa tin, Triều Tiên, Hàn Quốc chính thức nối lại đường dây liên lạc liên TriềuTheo bài viết, chiều nay 3/1 Nam – Bắc Hàn đã chính thức mở lại hệ thống liên lạc 2 miền tại làng đình chiến Panmunjeom (Bàn Môn Điếm). Hành động tích cực này được đánh giá, sẽ làm giảm nhiệt trên bán đảo Triều Tiên.


Biểu tình ở Iran
Báo Thanh Niên có bài viết về tình hình Iran với tựa đề: Bất ổn lan rộng ở Iran. Cuộc biểu tình đã lan sang 40 thành phố, thị trấn trong ngày thứ 6 diễn ra. Giới lãnh đạo Iran đang loay hoay đối phó với bất ổn “đe dọa an nguy chế độ” bằng các biện pháp như: Đe dọa dùng “quả đấm sắt” bạo lực, đưa ra các cảnh báo đe dọa đàn áp, bỏ tù và tố cáo các “thế lực thù địch” nước ngoài đứng sau bất ổn tại Iran.

Tình hình tại Iran cũng thêm nóng khi lực lượng ủng hộ chính phủ cũng xuống đường. TTXVN đưa tin, Iran: Tuần hành quy mô lớn ủng hộ chính phủ. Tác giả cho biết, những người ủng hộ chính phủ thần quyền hô vang khẩu hiệu “Lãnh đạo, chúng tôi đã sẵn sàng“. Bài viết có đoạn: “Đám đông đã vẫy cờ Iran và hình ảnh Giáo chủ Iran Ali Khamenei“, khi nói đến cuộc biểu tình của những người ủng hộ chình phủ.


Tình hình Trung Đông
Về tình hình căng thẳng Palestine và Israel, trên Infonet có bài: “Bênh vực” Israel, Mỹ đe dọa cắt viện trợ tài chính cho Palestine. Theo đó, TT Trump cho biết, Mỹ có thể sẽ cắt viện trợ cho Palestine vì lý do quốc gia này “thậm chí còn không muốn đàm phán để đạt được hòa bình với Israel”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp quốc, bà Nikki Haley nói rằng: “Tổng thống đã tuyên bố rõ ràng rằng ông không muốn viện trợ thêm, hoặc cắt đứt viện trợ, chừng nào Palestine chưa đồng ý quay trở lại bàn đàm phán”. Căng thẳng giữa Palestine và Mỹ diễn ra sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, một hành động theo Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas là “tội ác lớn nhất”.

Trước lời đe dọa cắt viện trợ từ Mỹ, ông Hanan Ashrawi, một quan chức cấp cao Palestine, phát biểu: ‘Người dân Palestine sẽ không để Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa’. Dẫn nguồn từ AFP, ông Ashrawi cho rằng, “Tổng thống Trump đã phá hoại công cuộc tìm kiếm hòa bình, tự do và công bằng của người dân Palestine“.

Tình hình Trung Đông cũng trở nên phức tạp và ẩn chứa nhiều nguy cơ bạo lực hơn khi Hamas kêu gọi vạch chiến lược chống lại động thái của Mỹ và IsraelThủ lĩnh phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas,  Ismail Haneya kêu gọi “một chiến lược đối đầu toàn diện” chống Mỹ và Israel sau những căng thẳng ở Jerusalem.

Thủ lĩnh Hamas nhấn mạnh: “Một là tuyên bố khai tử cái gọi là tiến trình hòa bình và hai là chấm dứt tất cả những hình thức bình thường hóa quan hệ với kẻ thù theo chủ nghĩa Do Thái“. Những tuyên bố cứng rắn của Hamas, một tổ chức vũ trang Hồi giáo mang hơi hướng khủng bố sẽ làm phức tạp thêm tình hình Trung Đông.


Tin nước Mỹ
Trump vẫn khiêu khích giới truyền thông không “hợp gu” với cá nhân ông. Chuyên trang Người Đồng Hành có tin: Ông Trump muốn trao giải ‘truyền thông dối trá’ của năm. Ông Trump viết trên Twitter ngày 2/1, ông sẽ trao giải “hãng truyền thông dối trá và tệ hại nhất” cho các hãng truyền thông đưa “tin giả”, hoặc đưa tin méo mó về nhiệm kỳ tổng thống của ông.

BBC đưa tin, Mỹ rút viện trợ cho PakistanSau khi đưa ra lời đe dọa, Mỹ đã quyết định dừng gói viện trợ 225 triệu USD cho Pakistan. Phát biểu tại LHQ, bà Nikki Haley nói lý do của việc rút viện trợ là Pakistan “chơi trò hai mặt” với Mỹ.

Trên báo Đất Việt có bài: Mỹ cấp vũ khí mạnh cho Ukraine bảo vệ Biển Đen? Theo bài viết, Mỹ đang xem xét hỗ trợ kinh phí cho lực lượng biên phòng Ukraine ở khu vực Biển Đen và Azov. Nguồn kinh phí này nhằm giúp Ukraine thành lập các đội tuần tra với các thiết bị hiện đại của Mỹ ở khu vực nhạy cảm này.

Hành động này của Mỹ được giới quan sát đánh giá là nhằm giúp Ukraine kiềm chế sự bành trướng của Nga, cũng như giúp Mỹ tái cân bằng lực lượng ở vùng biển chiến lược. Sự gia tăng bành trướng của Nga ở Biển Đen, Biển Azov tăng lên đáng kể sau khi quốc gia này xâm lược Crimea.

Sự gia tăng hiện diện của Mỹ đã làm Nga “nổi đóa”, chuyên gia quân sự người Nga, Viktor Murakhovsky nói rằng, “người Mỹ tốt nhất không nên hiện diện ở khu vực châu Âu, bao gồm việc triển khai các tàu khu trục tại các căn cứ quân sự ở châu Âu như căn cứ hải quân ở Tây Ban Nha hoặc ở Ukraine”. 


Bá quyền Trung Quốc
Trên báo Người Lao Động có bài Trung Quốc đầu tư 1 tỉ USD vào Sri Lanka. Dự án này của Trung Quốc nằm trong khuôn khổ dự án cảng nước sâu chiến lược Port City, thủ đô Sri Lanka. Theo bài viết, “khoảng 60% diện tích dự án sẽ được khai thác từ biển“. Trung Quốc đang gia tăng bành trướng, tìm cách hiện diện và ảnh hưởng của mình ở Ấn Độ Dương.

Cũng liên quan chủ đề này, báo Lao Động có bài viết: Trung Quốc bênh Pakistan sau cáo buộc của ông Donald Trump. Ngay sau khi Mỹ và Pakistan “hục hặc”, Trung Quốc ngay lập tức nhảy vào ve vãn Pakistan, một quốc gia có vị trí quan trọng trong tham vọng bành trướng của Bắc Kinh thông qua dự án “Vành đai-Con đường”.

Theo bài viết, Đại sứ Trung Quốc Yao Jing trong cuộc gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Nasir Khan Janjua hôm 2.1 khẳng định, “Bắc Kinh công nhận những hy sinh không gì bù đắp nổi của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố“.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng ve vuốt Pakistan trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng Pakistan nỗ lực rất nhiều và hy sinh rất lớn trong cuộc chiến chống khủng bố. Họ đã có đóng góp nổi bật trong nỗ lực chống khủng bố trên toàn cầu. Cộng đồng quốc tế phải nhận thức rõ điều này“.











No comments:

Post a Comment

View My Stats